Thái Bình: Gỡ khó để phát triển nông nghiệp hữu cơ

05:58 | 01/08/2023

DNTH: Đẩy mạnh các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ hiệu quả, bền vững, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường là chủ trương của UBND tỉnh Thái Bình. Hiện nay, những mô hình sản xuất hữu cơ trên địa bàn tỉnh đang từng bước khắc phục điểm yếu trong sản xuất nông nghiệp như mất an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân.

Chinh phục thị trường xuất khẩu

Phong trào sản xuất hữu cơ đang phát triển với tốc độ nhanh chóng ở các địa phương. Sự xuất hiện của những mô hình nông nghiệp hữu cơ ngày một nhân rộng tại Thái Bình. Đó là mô hình rau hữu cơ của ông Mai Ngọc Phàn, xã Quỳnh Minh (Quỳnh Phụ); mô hình trồng rau sạch theo phương pháp thủy canh của anh Hà Ngọc Lương, phường Hoàng Diệu (thành phố Thái Bình); hoặc mô hình trồng dưa trong nhà lưới của chị Trần Thị Nhàn, xã Tiến Đức (Hưng Hà) có diện tích hơn 4.000 m² theo công nghệ của Israel… đã và đang lấy được lòng tin của khách hàng bởi các sản phẩm rau, củ, quả sạch và phong phú.

Mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ tại xã Thụy Thanh (Thái Thụy)
Mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ tại xã Thụy Thanh (Thái Thụy)

Ông Trần Quốc Dương - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thái Bình cho biết: Trong quá trình triển khai, các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ đã nhận được sự đồng thuận và ủng hộ cao của chính quyền các cấp. Hiện nay, việc giảm sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học đã giúp giảm tình trạng ô nhiễm tới môi trường đất, nước, không khí, góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe người dân. Việc sản xuất theo quy mô lớn, áp dụng các phương thức sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ, góp phần tiến tới xây dựng thương hiệu cho nông sản Thái Bình. Đồng thời, xây dựng mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu.

Tại Thái Thụy, những năm qua đã hình thành các vùng sản xuất rau hữu cơ theo tiêu chuẩn VietGAP, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Từ tháng 3/2018 đến nay, huyện Thái Thụy đã triển khai 5 mô hình trồng rau hữu cơ tại 5 xã (Thụy Dương, Thụy Hà, Thụy An, Thái Hòa, Thái An), diện tích khoảng 5 ha/xã. Huyện hỗ trợ toàn bộ kinh phí chứng nhận sản phẩm rau an toàn, đồng thời hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật cùng một phần chi phí sản xuất.

Ông Lã Quý Đại - Giám đốc HTX Nông nghiệp xã Thụy Dương (Thái Thụy) chia sẻ: Mô hình sản xuất rau hữu cơ được HTX thực hiện từ năm 2018, trên diện tích 5 ha với 2 loại cây trồng là dưa gang và khoai tây. Trồng rau hữu cơ có nhiều quy định ràng buộc, nhưng an toàn với cả người sản xuất và người tiêu dùng, đồng thời cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Mô hình trồng su hào ngồng giống Nhật  của HTX Nông nghiệp xanh xã Trung An (Vũ Thư) được trồng theo tiêu chuẩn VietGap
Mô hình trồng su hào ngồng giống Nhật của HTX Nông nghiệp xanh xã Trung An (Vũ Thư) được trồng theo tiêu chuẩn VietGap

Bà Nguyễn Thị Khuyên, xã Thụy An, huyện Thái Thụy hồ hởi chia sẻ: Khi tham gia sản xuất rau hữu cơ, gia đình bà được hỗ trợ tiền giống, phân bón và được hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và làm phân bón vi sinh. Từng khâu trong quá trình sản xuất, từ làm đất cho đến thu hoạch đều phải ghi chép vào nhật ký. Quy trình trồng rau hữu cơ đòi hỏi yêu cầu khắt khe, song cái được với người nông dân là sản phẩm đảm bảo năng suất, chất lượng.

Tại HTX Nông nghiệp xanh Trung An (Vũ Thư), ông Trịnh Văn Điều - Giám đốc HTX giới thiệu: Sau 9 tháng triển khai hoạt động, hiện tại HTX đã quy hoạch được 50ha đất sản xuất, trong đó có 40ha trồng rau màu, 10ha trồng lúa theo hướng hữu cơ. Chúng tôi đã đầu tư lắp đặt 6 nhà màng theo tiêu chuẩn Israel, tổng diện tích 1.500m2, với kinh phí đầu tư trên 400 triệu đồng. Nhờ đó, HTX đã sản xuất được 7 loại rau đạt tiêu chuẩn VietGAP và OCOP. Thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục ứng dụng khoa học kỹ thuật để xây dựng cánh đồng rau an toàn, gắn với du lịch.

Bà Ngô Thị Vui, thôn An Lộc, xã Trung An, hiện là thành viên HTX Nông nghiệp xanh Trung An chia sẻ: Nhận thức được tầm quan trọng và hiệu quả của việc sản xuất rau theo hướng hữu cơ, nên bà rất tích cực cùng các thành viên tuyên truyền, vận động người dân ứng dụng phương thức canh tác này vào sản xuất.

Sự hình thành nhiều mô hình nông nghiệp hữu cơ, đang có hiệu ứng rất tích cực tới nền nông nghiệp của tỉnh Thái Bình. Để thúc đẩy sản xuất hữu cơ, hướng tới một nền nông nghiệp sinh thái, rất cần những bước đi mạnh mẽ của các cơ quan quản lý.

Mô hình thanh long vỏ vàng, tai xanh được trồng theo hướng hữu cơ rộng hơn 4ha bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao
Mô hình thanh long vỏ vàng, tai xanh được trồng theo hướng hữu cơ rộng hơn 4ha bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao

Gập ghềnh sản xuất xanh

Trong quá trình sản xuất theo hướng hữu cơ, nông dân chỉ được phép sử dụng phân bón hữu cơ, phòng trừ cỏ dại, sâu bệnh bằng các biện pháp thủ công hoặc thuốc sinh học, nên mất nhiều công lao động và khó thực hiện trên diện tích rộng. Với những vùng thâm canh trước đây đã sử dụng nhiều phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, khi chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ năng suất giảm rõ rệt và gặp khó khăn trong phòng, chống sâu bệnh.

Anh Nguyễn Công Tới, thôn Vô Hối Đông, xã Thụy Thanh (Thái Thụy) người đi đầu trong tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất lúa hữu cơ phân trần: Mỗi vụ chúng tôi phải đầu tư khoảng 1,5 triệu đồng/sào nhưng sản lượng lại thấp hơn nhiều so với phương thức canh tác truyền thống. Trước đây năng suất luôn đạt từ 1.8 đến 2 tạ/sào, vụ thu hoạch vừa qua chỉ đạt 1.4 đến 1.5 tạ/sào. Ngoài ra, phân hữu cơ và các chế phẩm sinh học có tác dụng chậm hơn so với nhiều phân bón hóa học và hóa chất bảo vệ thực vật nên nguồn dinh dưỡng cung cấp cho cây trồng ở giai đoạn đầu rất chậm và không đầy đủ. Trong nhiều trường hợp sản phẩm có hình thức không đẹp, không bắt mắt. Cùng với đó, do chưa đủ tiêu chuẩn để công nhận là lúa hữu cơ, giá thành sản phẩm vẫn chỉ tính theo giá thị trường như lúa truyền thống, nên khả năng thu lợi nhuận không cao. Điều này khiến chúng tôi gặp khá nhiều khó khăn trong phát triển các mô hình hữu cơ.

Thực tế hiện nay, phần lớn các hộ nông dân trong tỉnh Thái Bình vẫn sản xuất với quy mô hộ gia đình nhỏ, manh mún nên việc quy vùng sản xuất theo hướng hữu cơ không hề dễ dàng. Nhận thức của nông dân về nông nghiệp hữu cơ còn hạn chế, khiến việc tổ chức sản xuất để đáp ứng quy định nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ là một thách thức lớn. Hiện nay, xã Trung An (Vũ Thư) chỉ có 50% số hộ tham gia sản xuất rau theo hướng hữu cơ, hầu hết người dân vẫn đang tập trung sản xuất theo phương pháp canh tác cũ.

Vùng trồng ớt hữu cơ của anh Nguyễn Thành Đương, xã An Quý (Quỳnh Phụ).
Vùng trồng ớt hữu cơ của anh Nguyễn Thành Đương, xã An Quý (Quỳnh Phụ).

Ông Vũ Văn Thuần - Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp xanh Trung An cho biết: Nhiều hộ dân chưa đủ điều kiện để tham gia sản xuất rau theo hướng hữu cơ, do khó khăn về cơ sở vật chất và hạ tầng như hệ thống thủy lợi nội đồng, hệ thống điện lưới chưa thuận tiện để lắp đặt hệ thống tưới, tiêu; giá phân bón sạch, phân bón hữu cơ, kinh phí lắp đặt hệ thống nhà màng cao; quá trình cấp chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, OCOP còn nhiều khó khăn.  Vì vậy không có đủ sản phẩm đạt tiêu chuẩn để cung cấp cho khách hàng, hệ thống siêu thị lớn. Bên cạnh đó, người dân chưa có nhiều kiến thức, kinh nghiệm sản xuất rau theo hướng hữu cơ nên việc triển khai sản xuất cũng là thách thức không nhỏ. Do vậy chưa hình thành thị trường tiêu thụ tại chỗ, chưa khuyến khích nông dân chuyển đổi từ nông nghiệp thông thường sang nông nghiệp hữu cơ.

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại Thái Bình đang được ngành nông nghiệp, các địa phương, doanh nghiệp, người nông dân quan tâm, dần trở thành xu thế trong phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững hiện nay. Thời gian tới, hy vọng cơ quan chức năng và các tổ chức liên quan sẽ có định hướng cụ thể, kết hợp với cơ chế riêng, chính sách phù hợp để hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp tiếp cận kiến thức và mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, mang lại hiệu quả cao cho người nông dân.

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Câu chuyện lúa gạo

DNTH: Trái với không khí hồ hởi năm 2024 khi giá lúa tăng kỷ lục, vượt qua nhiều quốc gia xuất khẩu truyền thống, là nỗi buồn ngay từ đầu năm mới.

Khoai tây vụ đông - phận 'con rơi'

DNTH: Tại sao miền Bắc có hàng trăm ngàn ha đất bỏ không trong vụ đông mà diện tích trồng khoai tây chế biến lại khó mở rộng dù nhu cầu nhà máy rất lớn?

Giá điều tăng nhưng năng suất giảm

DNTH: Vụ điều năm nay ở Bà Rịa - Vũng Tàu bị chậm vụ so với mọi năm do bất lợi của thời tiết, hiện bà con chưa có điều để thu hoạch.

Xuất khẩu thuỷ sản "vượt sóng"

DNTH: Dù ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 2 tháng đầu năm, song nhiều mặt hàng chủ lực của xuất khẩu thuỷ sản đối diện nhiều thách thức về thị trường năm 2025.

Cung ứng vốn cho sản xuất, thu mua tạm trữ và xuất khẩu gạo

DNTH: Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có công văn đề nghị các ngân hàng thương mại (NHTM) cung ứng vốn tín dụng phục vụ sản xuất, chế biến, thu mua tạm trữ và xuất khẩu gạo khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Nông sản Việt đối diện với bài toán chất lượng

DNTH: Dù thu về hàng chục tỷ USD xuất khẩu mỗi năm, song nông sản Việt vẫn đối diện với hàng loạt cảnh báo từ đối tác nhập khẩu. Thực trạng này đòi hỏi các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp phải nghiêm túc khắc phục nhằm xây...

XEM THÊM TIN