Thái Bình: Hơn nghìn hộ dân lo… thiếu đói

20:51 | 19/06/2023

DNTH: Hơn 1.000 hộ dân thuộc 5 thôn xã An Tân, huyện Thái Thụy đang đứng trước nguy cơ thiếu đói, vì hơn 170 ha lúa vụ chiêm Xuân chết trắng khắp cánh đồng.

Hằng trăm hộ dân 5 thôn thuộc xã An Tân (Thụy Tân cũ) đang lo lắng vì hơn 100 ha lúa chết trắng cánh đồng. Ảnh: CB

Người dân cấy 3 lần, cây lúa vẫn chết

Những ngày qua, người dân 5 thôn xã An Tân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình đứng ngồi không yên vì hàng trăm ha lúa, hoa màu bị chết, phát triển kém và không được thu hoạch.

Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Ngọc Vinh, thôn Tân Cường và ông Mai Công Quang, thôn Tân Phương đại diện cho hàng trăm hộ dân của 5 thôn xã An Tân bức xúc cho biết: “những năm trước, vào thời điểm này, sau khi thu hoạch xong hoa màu (cây thuốc lào), người dân chúng tôi đang chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch lúa. Tuy nhiên, năm nay, năng suất cây thuốc lào và một số cây hoa màu khác như dưa hấu, dưa bao tử thất thu, năng suất sụt giảm. Còn hơn 170 ha (theo báo cáo thực gieo cấy 135,8 ha) lúa vụ chiêm xuân của toàn bộ 5 thôn xã An Tân (trước đây là xã Thụy Tân) cũng bị thiệt hại tới trên 70%. Trong số 30% còn lại (không bị chết) thì cũng chỉ cho thu hoạch khoảng 30%, còn lại 70% là có cây mà không có hạt, hoặc có hạt mà không ăn được vì bị đắng, lép”.

Theo khảo sát của phóng viên, hiện toàn bộ cánh đồng chữ U từ đạc 1 đến đạc 5 đang xảy ra tình trạng lúa chết hàng loạt, phát triển kém, không thể cho thu hoạch. Hàng trăm hộ dân cho biết, thực hiện kế hoạch sản xuất của hợp tác xã, trong khoảng tháng 2/2023, người dân 5 thôn đã thực hiện gieo cấy diện rộng theo đúng thời vụ.

Tuy nhiên, khi cấy xong khoảng 10 -12 ngày, cây mạ (cây lúa nhỏ) có hiện tượng chết héo hàng loạt. Người dân đã phải đi lúa giống từ một số địa phương khác để cấy (cá biệt có nhà cấy lại tới lần thứ 3) nhưng cây lúa vẫn vàng héo. Diện tích lúa còn lại đến khoảng thời gian trung tuần tháng 4 sinh trưởng, phát triển kém hơn so với cùng kỳ mọi năm và gần đây xuất hiện xuất hiện chết chòm, chết khoảng diện rộng.

Bày tỏ sự bức xúc với phóng viên, ông Trần Văn Lèo và ông Mai Nhân Duẩn, thôn Tân An cũng cho biết, hàng chục năm qua, người dân vẫn cày cấy trên mảnh đất này, song chưa bao giờ người dân phải hứng chịu cảnh mất mùa như hiện tại. Điều này được thể hiện tại báo cáo của Đảng bộ xã, năm 2022 cho thấy năng suất lúa đạt 220kg/1 sào trở lên.

Cây mạ ươm giống tại nhà vẫn xanh tốt, khỏe mạnh. Tuy nhiên, khi đưa ra cánh đồng khoảng 10 - 12 ngày thì xuất hiện tình trạng héo úa, chết vàng. Người dân nghi ngờ do nước mặn nhưng vẫn thực hiện cấy bù, cấy dặm để bảo đảm mùa vụ song lúa vẫn cứ héo dần, càng bón phân càng chết. Bà con đã báo với chính quyền thôn, thôn đã có báo cáo với xã nhưng vẫn không có khuyến cáo cụ thể. Những đoàn cán bộ xã khi nhận được phản ánh của người dân đã trực tiếp xuống thăm đồng nhưng đều không có giải pháp cụ thể. Hiện tại hơn 100 ha lúa không thể thu hoạch và chết trắng trên cánh đồng. Ngoài cây lúa, một số cây hoa màu như hành, tỏi, dưa hấu, dưa chuột bao tử, thuốc lào cũng phải hứng chịu chung số phận… chết héo.

Ông Mai Nhân Duẩn

Những cánh đồng lúa chết trắng giờ chỉ còn trơ gốc rạ. Ảnh: CB

Bức xúc, bà Nguyễn Thị Thoan, thôn Tân Phương đưa ra dẫn chứng, gia đình đã thực hiện cấy tới lần 3 nhưng cây lúa vẫn chết. Hiện nhiều gia đình của 5 thôn phải đi “đong gạo” để hi vọng chờ tới vụ mùa sau. Hiện tại, diện tích lớn lúa bị mất mùa khiến người dân rơi vào tình trạng thiếu lương thực, nguy cơ tái nghèo hiện hữu.

Nhiều chỉ tiêu trong nước vượt ngưỡng

Với tâm trạng chán trường, hàng trăm hộ dân bức xúc phản ánh, nguyên nhân trực tiếp của việc lúa chết trắng hàng loạt, không thể cho thu hoạch là do bị nhiễm mặn nghi bởi cán bộ Hợp tác xã An Tân “lấy nhầm” nước biển xả trực tiếp vào nội đồng?

Ông Bùi Ngọc Vinh và hàng trăm hộ dân đều cho biết, xã An Tân nằm ở phía Bắc huyện Thái Thụy. Hàng năm, người dân đều lấy nước từ hệ thống kênh N2 để phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, từ vụ đông 2022, do hệ thống kênh N2 thực hiện cải tạo, sửa chữa bờ kè nên lượng nước chảy về không đủ. 

Người dân đã nhổ những gốc lúa với rễ bị thối đen. Ảnh: CB

Chính vì vậy, khoảng tháng 9, 10, 11/2022, Ban Quản lý Hợp tác xã Thụy Tân đã sử dụng nguồn nước từ cống Cao Cổ (cống này giáp với sông Hóa, một nhánh sông đổ ra biển của hệ thống sông Thái Bình do Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện Thái Thụy quản lý) với hi vọng có nước ngọt phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, hàng năm vào tháng 10, 11 do điều kiện thủy văn nên người dân chỉ có thể lấy được một lượng nước ngọt trên bề mặt. Để lấy được nước ngọt, cán bộ thủy nông phải dùng phai gỗ đặt ngầm phía dưới bề mặt ngăn chặn sự xâm nhập của nước mặn (nước ngọt trên bề mặt, nước biển phía dưới).

“Do không hiểu quy trình, cán bộ Hợp tác xã Thụy Tân đã không dùng phai gỗ đặt ngầm mà kéo toàn bộ cánh cống (lấy cả tầng nước bề mặt và dưới đáy) khiến một lượng lớn nước mặn xâm nhập vào nội đồng gây ra tình trạng đất và lúa bị nhiễm mặn khiến cây lúa và hoa màu chết hàng loạt”, ông Vinh bức xúc nói.

Theo ông Vinh và các hộ dân, có một điểm bất thường nữa đó là, hàng năm, từ tháng 9, 10 hợp tác xã đều thực hiện đắp đập, đóng cửa cống để ngăn mặn. Tuy nhiên, từ tháng 9,10/2022 đến thời điểm hiện tại, Hợp tác xã An Tân đã không thực hiện đắp đập ngăn mặn. Thậm chí, cống Cao Cổ có hai cửa cống thì một cửa được đóng chặt, cửa còn lại thì cánh bị hỏng nhưng không được sửa chữa khiến nước mặn hàng ngày theo thủy triều chảy vào nội đồng rất lớn kéo dài đến tận 2/2023.

Trong lúc người dân đang mong mỏi được biết nguyên nhân lúa, hoa màu bị mất mùa do đâu, thì Báo cáo số 163/BC-SNNPTNT-TL ngày 5/6/2023 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình khẳng định, không có việc lấy nước nhiễm mặn từ thời điểm lấy nước đổ ải phục vụ gieo cấy lúa Xuân năm 2023 cho đến thời điểm hiện tại (qua cống Cao Cổ) vào hệ thống kênh nội đồng làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển phần diện tích lúa của xã An Tân, xã Hồng Dũng.

Ngoài cây lúa, hoa màu của người dân cũng bị thiệt hại nặng nề. Ảnh: CB

Cũng theo nội dung báo cáo, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình cho biết, nguyên nhân chính khiến một số diện tích lúa của xã An Tân, xã Hồng Dũng sinh trưởng, phát triển kém là do đất của 02 xã này là đất chua mặn, đã được cải tạo tầng đất canh tác trong nhiều năm qua; vụ Lúa Xuân năm 2023, do thời tiết từ cuối tháng 2 đến trung tuần tháng 3 có nhiều đợt không khí lạnh (độ ẩm thấp, thời tiết hanh khô, lượng mưa thấp gần như không có mưa đến đầu tháng 5/2023) nên đã gây ra hiện tượng thẩm thấu, bốc chua mặn dẫn đến tái mặn ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển của lúa. Đặc biệt với một số hộ nông dân, do sử dụng các giống lúa không phù hợp với vùng đất nhiễm mặn nên lúa phát triển kém, lúa không trỗ bông được hoặc có trỗ nhưng bông nhỏ, tỷ lệ lép cao là không tránh khỏi.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Bình trả lời là vậy, song theo kết quả quan trắc mới nhất của Trung tâm Quan trắc, thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Bình: nhiều chỉ số trong nước vượt ngưỡng quy chuẩn cho phép. Điển hình mẫu thử về nước mặt, chỉ sổ CL1 – và NH4 +  đã vượt ngưỡng trong “dải” cho phép. Theo một số chuyên gia, hai chất kể trên vượt ngưỡng đã thể hiện trong nước mặt lấy tại nội đồng xã An Tân có một hàm lượng nhất định của thành phần hợp chất tạo nên muối biển.

Trước đó, trả lời về phản ánh của người dân 5 thôn thuộc xã An Tân, ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã An Tân cho biết: “sau khi nhận được đơn của Nhân dân, UBND xã đã tiến hành tiếp nhận đơn và mời các hộ đại diện lên giải quyết. Khi xảy ra việc này, chính quyền đã có báo cáo, gửi tờ trình lên cấp trên xem xét để tạo điều kiện giúp đỡ địa phương”.

Theo ông Hải, hiện UBND xã đang đề nghị cấp có thẩm quyền chuyên môn đánh giá nguyên nhân có phải do nước mặn hay không. Sở Tài nguyên và Môi trường đã về lấy mẫu đất, nước ở các vị trí của 5 thôn. Trong thời gian tới, chính quyền mong cơ quan chứ năng sớm có kết quả, để chỉ đạo bà con nông dân tiếp tục sản xuất vụ mùa đảm bảo diện tích cấy lúa của địa phương.

Trước phản ánh của người dân về việc yêu cầu làm rõ trách nhiệm của cán bộ vận hành cống Cao Cổ lấy nước vào đồng ruộng, ông Hải khẳng định: “việc này phải chờ kết quả xét nghiệm đất, nước có nhiễm mặn hay không. Từ đó, chính quyền mới xác minh được cụ thể”.

Lý giải về phản ánh UBND xã đã thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết kiến nghị của người dân, bởi trong các cuộc tiếp xúc cử tri từ khoảng tháng 10 - 11/2022, họ đã có ý kiến về việc này, ông Hải thừa nhận: “người dân đã ý kiến từ khoảng tháng 10/2022 nhưng cuối tháng 3 - 4/2023 mới có đơn đề nghị UBND xã vào cuộc”.

Không biết rằng, sau khi tiếp nhận đơn thư phản ánh của người dân từ tháng 4/2023, UBND xã An Tân đã vào cuộc kiểm tra, có báo cáo cấp trên như thế nào. Bởi, khi phóng viên đề nghị ông Hải chưa thể cung cấp thời gian gửi báo cáo đến UBND huyện.

Trong khi đó, ông Lê Văn Nghiên, Chánh Văn phòng UBND huyện Thái Thụy cho biết, ông phụ trách tiếp công dân và mới nhận được đơn của người dân khoảng 2 tuần trở lại đây.

Ông Lê Văn Nghiên cho hay, sau khi tiếp nhận đơn của người dân, huyện đã giao cho UBND xã phối hợp với ngành chức năng tiến hành kiểm tra, xác minh, báo cáo lại để có những giải pháp. Huyện đã có báo cáo gửi UBND tỉnh để kiến nghị giải quyết sự việc. Đồng thời, huyện cũng đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường xuống lấy mẫu đất và nước xác định nguyên nhân cụ thể để phục vụ sản xuất vụ mùa tới đây.

Về phản ánh việc thiếu trách nhiệm của cán bộ vận hành thủy nông để nước mặn nhiễm vào nội đồng, ông Nghiên cho biết cần phải xác minh cụ thể và huyện đã giao cho các cơ quan chức năng xử lý, làm rõ.

Trước sự việc này, người dân của 5 xã An Tân, cho rằng, các cơ quan chính quyền và cơ quan chức năng cần có những kết luận, khuyến cáo cụ thể để bà con có phương án tiếp tục sản xuất, không để ruộng hoang. Đồng thời, làm rõ trách nhiệm của một số cán bộ liên quan.

Đề nghị UBND tỉnh Thái Bình, UBND huyện Thái Thụy vào cuộc kiểm tra, có chỉ đạo kịp thời làm rõ những nội dung phản ánh nêu trên và sớm xác minh làm rõ nguyên nhân sự việc, đồng thời xử lý nghiêm cán bộ sai phạm (nếu có).

https://thanhtra.com.vn.

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

21 ngày 'hồi sinh' từng giọt nước thải ở trang trại bò sữa TH

DNTH: Nước thải thu gom từ các cụm trang trại bò sữa của Tập đoàn TH sẽ trải qua 21 ngày xử lý với công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới để đạt tiêu chuẩn gần như nước sinh hoạt trước khi đưa trở lại môi trường tự nhiên.

Rau củ quả Wineco trong top 10 sản phẩm, dịch vụ ấn tượng năm 2024

DNTH: Ngày 20/12, tại Lễ công bố Sản phẩm Dịch vụ Tin Dùng, WinEco đã được vinh danh trong Top 10 sản phẩm, dịch vụ ấn tượng năm 2024. Đây là giải thưởng thường niên được Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức từ năm 2006. Năm nay, với...

Nông nghiệp Bình Định chuyển mạnh sang sản xuất GAP, hữu cơ

DNTH: Những năm qua, ngành nông nghiệp Bình Định đẩy mạnh sản xuất theo hướng VietGAP, hữu cơ, nâng cao giá trị, chất lượng để tiến tới phát triển bền vững.

‘Xanh’ hóa các Khu công nghiệp-Xu thế tất yếu để thu hút đầu tư nước ngoài

DNTH: Việc phát triển hạ tầng khu công nghiệp thông minh và bền vững được coi là yếu tố quan trọng trong việc thu hút các nhà đầu tư chất lượng cao cũng như việc chuyển đổi các khu công nghiệp theo hướng “xanh”, ứng dụng công...

Gần 1.300 ha cây trồng của Hà Tĩnh được cấp giấy chứng nhận VietGAP

DNTH: Hà Tĩnh luôn chú trọng, đẩy mạnh tuyên truyền, ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế. Hiện nay Hà Tĩnh có gần 1.300 ha cây trồng đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Việt Lập: Xây dựng nông thôn mới nổi bật về văn hóa, kinh tế có nhiều khởi sắc

DNTH: Năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội xã Việt Lập (huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) đạt được kết quả khá toàn diện, có nhiều khởi sắc. Trong đó, xây dựng nông thôn mới là điểm sáng, góp phần tô điểm diện mạo thôn quê.

XEM THÊM TIN