Thành cổ đá ong xứ Đoài - nơi hội tụ giá trị văn hóa trường tồn

14:49 | 03/07/2022

DNTH: Thị xã Sơn Tây xưa được mệnh danh là điểm “trung tâm” của vùng xứ Đoài, có Thành cổ đá ong án ngữ, giữ trọng trách như phên dậu phòng thủ vững chắc phần phía Tây Thành Hà Nội. Chính quyền phong kiến các đời lựa chọn nơi đây để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng, bổ nhiệm bộ máy quan lại các cấp, thay mặt triều đình cai quản và điều hành hoạt động của cả vùng. Có lẽ vì thế, Sơn Tây đóng vai trò lớn về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, phòng thủ quân sự.

Kỳ Đài (cột cờ) công trình được tu bổ năm 2014. 
Kỳ Đài (cột cờ) công trình được tu bổ năm 2014. 

Thành cổ Sơn Tây - vùng bán sơn đại cổ kính

Với vai trò là cửa ngõ phía Tây Thành Hà Nội, Triều đình nhà Nguyễn ở Huế đã cho xây dựng tòa thành quân sự bằng đá ong rất kiên cố, vững chãi, từ việc xây đắp thành đến việc đặt trụ sở cai trị làm việc của bộ máy chính quyền phong kiến. Tìm hiểu quá trình tồn tại của Thành đến quá trình xâm lược, với ba lần tấn công hành binh quy mô lớn, sau đó thực dân Pháp đặt ách cai trị tại vùng này thì Thành cổ Sơn Tây đã khẳng định được vị trí chính trị, văn hóa, kinh tế trung tâm của vùng - thuận lợi về giao thông thủy bộ, giao thương, trao đổi buôn bán giữa Sơn Tây xứ Đoài với các vùng, tỉnh miền xuôi, miền ngược. Và xa hơn là vùng dân cư rộng lớn giàu tiềm năng của Vương triều Mãn Thanh (Trung Quốc ngày nay). Chính vì nó có vai trò quan trọng về các mặt, vị trí xung quanh Hà Nội, trong đó Thành Sơn Tây là điểm trọng yếu mà thực dân Pháp đã nhận ra cần phải tấn công thu phục, ngay khi xâm lược Bắc Kỳ.

Tính đến thời điểm này, tòa thành đá ong độc đáo đã tồn tại được gần 2 thế kỷ thông qua những sử liệu, hiện vật khảo cổ học hay tận mắt chứng kiến các dấu tích kiến trúc còn lại, cùng những cây cổ thụ già tuổi, thân mở rộng mấy người ôm và hàng nghìn sinh vật gồm cả động thực vật sinh sống, tồn tại hiện hữu; và những hiện vật liên quan đã được các nhà nghiên cứu, khảo cổ khai quật tìm thấy. Sự đánh giá, cảm nhận trực quan, khách quan của đông đảo du khách, Nhân dân, các nhà nghiên cứu xa gần đã khẳng định Thành cổ Sơn Tây là nơi hội tụ, ẩn chứa rất nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc niên đại, môi trường sinh thái quý báu và nhận được sự quan tâm đầu tư lớn của Nhà nước sự ủng hộ chung sức của Nhân dân sở tại.

Năm 2022, đã đánh một dấu mốc quan trọng kỷ niệm 200 năm Thành cổ Sơn Tây ra đời. Thành cổ có tổng diện tích 20 ha trong đó có 16 ha đất, 4 ha mặt hào (tổng chiều dài của hào xung quanh quanh thành cổ là 1.755 m). Hào nước được nối với đường dẫn nước từ sông Hồng và thoát ra theo cống Ba Quân chảy ra sông tích. Nhìn từ trên cao, thành cổ có hình tứ giác. Hiện tại nằm giáp ranh với 3 phường khu nội thị (phường Lê Lợi, phường Quang Trung, phường Ngô Quyền).

Trong ký ức bao thế hệ, những con người sinh ra và lớn lên ở vùng bán sơn đại cổ kính, địa linh nhân kiệt này. Hình bóng và những giá trị quý báu của Thành cổ Sơn Tây luôn được coi là khối tài sản vô giá khổng lồ mà các bậc tiền nhân đã để lại; đó cũng là món quà vô hình và hữu hình mà thiên nhiên của vùng đã ban tặng cho quê hương. Nơi đây như một 1 chiếc ô khổng lồ với màu xanh 4 mùa, hàng nghìn loài sinh vật như hàng ngày, hàng giờ tiếp thêm năng lượng quý cho cuộc sống của đông đảo Nhân dân trong vùng.

Để kỷ niệm dấu mốc quan trọng của Thành cổ, ngày 30/4/2022 thị xã Sơn Tây đã tổ chức năm du lịch và khai trương tuyến phố đi bộ quanh hào Thành cổ với tổng chiều dài 820 m. Phố đi bộ hoạt động từ 19h tối thứ 7 đến 12h sáng Chủ nhật hàng tuần với nhiều hoạt động trình diện văn hóa nghệ thuật đường phố. Đây cũng là một điểm nhấn đáng chú ý để thu hút du khách xa gần quan tâm tìm hiểu, khám phá, trải nghiệm các giá trị văn hóa của thị xã Sơn Tây và vùng đất cổ xứ Đoài.

Ảnh 2
Đoạn hào nước phía Bắc Thành.

Giá trị văn hóa trường tồn

Có thể khẳng định rằng, việc Triều đình nhà Nguyễn cho chọn vị trí để xây dựng Thành Sơn Tây thời bấy giờ là quá trình bàn bạc xem xét kỹ lưỡng dựa trên các yếu tố như: vị trí trung tâm của vùng, thuận lợi về giao thông, phòng thủ, quá trình di chuyển, có vai trò tiềm năng để phát triển văn hóa, là trung tâm kinh tế, chính trị, hậu cần lớn, có nhiều yếu tố phong thủy phù hợp… chính vì vậy mà hai lần trước đó, triều đình đã cho đắp thành nhưng ở các vị trí không thích hợp cho việc xây dựng vai trò trung tâm cai trị (lần 1 ở La Phẩm - Ba Vì), lần 2 ở Mông Phụ (Đường Lâm).

Trong lần dò tìm thứ 3 thì vị trí ở đất Minh Nghĩa (Mai Trai - Thuần Nghệ) thời đó đã được lựa chọn và công cuộc đắp thành diễn ra thành công. Triều đình nhà Nguyễn đã cử Thống đốc thập cơ Vũ Văn Thuận đem 2.000 quân chính quy kết hợp với dân phu quân lính trong vùng tham gia.

Với địa thế nằm cạnh sông Hồng rất thuận lợi cho quá trình vận chuyển bằng đường thủy xuôi xuống mạn phía Nam, trong đó có Hà Nội hoặc ngược lên các tỉnh, vùng miền Tây Bắc. Đây cũng là vùng có tiềm năng để phát triển kinh tế, văn hóa. Vì thế, sau khi hạ thành, thực dân Pháp đã cho xây dựng 16 khu phố xung quanh các cửa để thu hút bà con thương lái, Nhân dân các vùng đến định cư buôn bán làm ăn. Với hình tứ giác, tòa thành được bố trí cân xứng, hợp lý 4 hướng: phía Đông hướng về Hà Nội (mặt trời mọc), phía Tây hướng về núi Ba Vì - núi Tổ, mặt trời lặn, phía Nam hướng về Kinh đô Huế và phía Bắc hướng ra sông Hồng.

Với hơn 200 năm tồn tại, Thành cổ đã chứng kiến những biến động lớn, gắn với sự phát triển của vùng trung tâm xứ Đoài. Nơi đây không chỉ có tiềm năng lớn về phát triển kinh tế, giao thương buôn bán giữa các vùng miền mà còn là phòng thủ quân sự vững chắc.

Ảnh 3
Cổng phía Tây Thành, công trình đã có niên đại 200 năm.

Dựa vào niên đại ở Thành cổ, các nhà nghiên cứu và du khách có thể nghiên cứu, hồi tưởng về sự đa dạng, phong phú của nền văn hóa xứ Đoài, vai trò trung tâm kết nối mảnh đất của Sơn Tây. Từ đây có thể đặt ra những căn cứ và đưa ra nhiều giả thuyết, suy đoán logic từng bước khẳng định: Sơn Tây là vùng đất địa linh nhân kiệt, tâm linh tín ngưỡng; trục giao thông thủy bộ thuận lợi, vị trị án ngữ phòng thủ quan trọng phía Tây Thành Thăng Long (có thể kể ra hệ thống giá trị văn hóa vật thể, tâm linh tín ngưỡng trên địa bàn như: Đông Cung (đền Và), làng cổ Đường Lâm với chùa Mía (Sùng Nghiêm Tự), Văn Miếu Sơn Tây, ấp hai Vua, cùng rất nhiều danh nhân khoa bảng, bậc hiền tài nho học khác.

Thành cổ Sơn Tây cũng được bao bọc bởi hai con sông, có vai trò quan trọng trong hệ thống đường thủy là sông Hồng và sông Tích. Ngoài ra còn một số nhánh sông nhỏ khác. Cũng dựa vào niên đại gần 2 thế kỷ của tòa thành đá ong độc đáo này, chúng ta có cơ sở để tôn vinh cái tên Sơn Tây - xứ Đoài.

Người Sơn Tây trải qua bao thế hệ rất tự hào rằng, ngoài việc được khoác trên mình truyền thống văn hiến hào hùng, vẻ vang gắn với lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta nói chung, nơi đây còn có cuộc sống lao động, sản xuất gắn với những món quà tặng hữu hình vô giá mà thiên nhiên, tạo hóa đã ban tặng như: vùng đất gò đồi bán sơn địa, hồ Đồng Mô, hồ Xuân Khanh, những sản vật, văn hóa phi vật thể truyền thống. Chính vì thế, Thánh Tản được tôn thờ ở nhiều nơi vùng phía Tây Kinh thành Thăng Long rộng lớn như: Đông Cung (đền Và) – đây là cung lớn nhất trong tứ cung, đã được tôn thờ và tồn tại hàng nghìn năm. Những biểu tượng văn hoá lịch sử ấy luôn có sức sống lan tỏa và ý nghĩa to lớn trong tín ngưỡng tâm linh của người Việt Nam nói chung, Sơn Tây xứ Đoài nói riêng.

Cũng vì thế mà rất nhiều câu lạc bộ, mô hình văn hóa hoạt động tự nguyện đều chọn Thành cổ là nơi hội họp, sinh hoạt chuyên đề và lấy cái tên xứ Đoài để đặt như: Câu lạc bộ văn hóa nghệ thuật xứ Đoài, Câu lạc bộ thư pháp xứ Đoài, Câu lạc bộ cổ vật xứ Đoài, Câu lạc bộ chim cảnh xứ Đoài…

Trải qua quá trình tồn tại gần 2 thế kỷ, đến nay ngoài việc được Bộ văn hóa Thể thao xếp hạng là Di tích quốc gia vào năm 1994 thì Thành cổ Sơn Tây còn có vai trò như một “lá phổi xanh khổng lồ” nằm giữa lòng đô thị, một chiếc ô rộng lớn bốn mùa xanh tươi. Những tán lá cung cấp một lượng oxy vô cùng to lớn, đóng vai trò như chiếc máy điều hòa cân bằng không khí ở giữa bốn bề phố xá nhộn nhịp và cuộc sống của các khu dân cư.

Theo các nhà khoa học về sinh vật, địa chất, môi trường thì 20 ha đất và mặt nước hào thành cổ là môi trường rất thuận lợi cho các loài sinh vật sinh sôi, phát triển, bao gồm: động vật ở dưới mặt đất, lòng đất là các loài bò sát, côn trùng, cánh mềm; trên cao là các loài chim; thực vật thì có các loài cây cỏ, hoa lá từ nhỏ đến lớn, là nguồn thức ăn dồi dào và môi trường tốt cho động vật tồn tại. Động vật này sinh trưởng được cũng dựa vào sự cộng hưởng, bổ sung cho nhau.

Các loài cây thường được chia làm những loài như: thân mộc, thân mềm luôn sinh trưởng và hỗ trợ cho nhau suốt 4 mùa trong năm. Dưới mặt nước cũng là môi trường tốt cho các loài thủy sản sinh trưởng, phát triển, với hệ thống cống nối với nguồn nước sông Hồng. Một năm có đôi, ba lần nước được chảy vào hào thành theo lịch trình lấy nước đổ ải của ngành nông nghiệp phục vụ cho vụ mùa đông xuân, nước sông vào để bổ sung cho những lúc hào nước cạn về mùa đông. Chính vì thế, các loài thủy sản, ấu trùng cũng theo đó mà chảy vào hào sinh trưởng. Sự kết hợp của hệ thống cây xanh trong thành với hào nước đã tạo ra một lượng oxy điều hòa quý báu, mà chưa có một một bộ máy móc, dụng cụ nào đo đếm hết được.

Đặc biệt, vào lúc hạ thành, thực dân Pháp đã khoan thăm dò và tìm ra một mạch nước đá ong rất trong, có trữ lượng lớn trong Thành cổ nên đã cho xây dựng trạm bơm nước tại đây để cấp nước sinh hoạt cho các khu xung quanh. Đến nay, trạm bơm nước này vẫn còn tồn tại, được sửa chữa và đưa vào sử dụng. Nguồn nước đạt độ tinh khiết cao. Theo tài liệu ghi nhận, trạm bơm nước này chính thức đi vào hoạt động quy mô từ năm 1922.

Cổng Đoan Môn. 
Cổng Đoan Môn. 

Những kiến trúc độc đáo

Mặc dù hầu hết các hạng mục công trình đã bị phá hủy bởi các cuộc chiến tranh như: Vọng Cung, Đoan Môn, Kỳ đài, kho hậu cần, trại giam, nhà đốc học, đề ngữ, quân y, các bức tường thành, chòi canh gác… nhưng hiện nay vẫn còn 2 cổng ở phía Tây và phía Nam (người ta quen gọi là cổng cửa hướng ra phố Nguyễn Thái Học, bia đá trên trán cổng khắc chữ Hán Nôm - Nam Môn và cổng hướng ra trường cấp 3 cũ – phố Trần Hưng Đạo, trên trán cổng khắc chữ Hán Nôm - Tây Môn). Để bảo tồn các giá trị lịch sử, Nhà nước đã đầu tư kinh phí để làm các giá đỡ kiên cố.

Bên cạnh đó, các công trình trong Thành cổ hiện tại đã được phục dựng, tôn tạo lại theo từng giai đoạn khác nhau như: khuôn viên nhà Vọng Cung, tòa Vọng Cung chồng diềm 8 mái, Đoan Môn, Kỳ đài, bức tường thành dài hơn 100 m, cao hơn 3 m, bức tường bằng đá ong được xếp quanh thành, bức tường đá bao quanh hào bên ngoài, cổng phía Bắc, dự án chống đỡ 2 cổng cũ (Tây Môn, Nam Môn). Các công trình ở trong Thành như: Kỳ đài, Vọng Cung, Đoan Môn đều được phục dựng lại theo kiến trúc cũ.

Qua nghiên cứu các tư liệu cổ còn lưu giữ, các công trình tồn tại trong Thành cổ Sơn Tây hội tụ những yếu tố kiến trúc quý giá (tòa Vọng Cung đã được Toàn quyền Đông Dương xếp hạng di tích vào năm 1924). Xưa kia, các công trình đó đa phần sử dụng những loại vật liệu truyền thống, đặc trưng của vùng và của khu vực Bắc Bộ như: đá ong, các loại gỗ quý, xây dựng thi công bằng thủ công, kết cấu liên hoàn, thuận tiện trong việc sử dụng, phục vụ tốt cho các điều kiện làm việc, điều hành, thực hiện các công việc của triều đình giao cho các vị quan lại cấp tỉnh tại thành Sơn Tây này, cũng như cất giữ tài liệu, vật chất. Lúc xây đắp thành, triều đình đã cho áp dụng lối xây thành theo mẫu thiết kế thành ở châu Âu gọi là kiến trúc Vauban, đa số là dùng sức người, ngựa, trâu bò tham gia vận chuyển vật liệu là chính.

Hiện nay, hiếm có một tòa thành nào ở nước ta còn tồn tại mà bảo đảm được tính nguyện vẹn về không gian tuyệt đối như Thành cổ Sơn Tây (không có bất cứ sự tồn tại sinh sống của dân cư, công trình phúc lợi công cộng, công trình quân sự, quốc phòng an ninh, bảo mật). Trải qua thời gian dài gần 2 thế kỷ (1822 - 2022), Thành cổ vẫn bảo toàn được về không gian, diện tích, đó là một tiêu chí rất thuận lợi, cơ bản để các cấp lãnh đạo, chính quyền tiến hành các giai đoạn tu bổ, tôn tạo trong thời gian vừa qua.

Ảnh 5
Tòa Vọng Cung – công trình trung tâm của di tích.

Thành cổ - điểm du lịch tâm linh quý giá

Thành cổ được coi là điểm du lịch tâm linh quan trọng trong tuyến du lịch trọng điểm của ngành du lịch thị xã, nơi tổ chức các hoạt động, sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa. Du khách đến thăm Thành cổ thường sử dụng hai hướng bộ hành. Hướng thứ nhất đi từ cổng phía Bắc sang cổng phía Nam, hướng thứ hai đi từ cổng phía Nam (còn gọi là cửa Tiền) sang phía Bắc.

Từ Bắc đến Nam, du khách sẽ được tham quan các địa điểm như: khu trưng bày một số tài liệu, hiện vật, cổng phía Bắc thành đã được tu bổ, khu trưng bày 3 chiếc máy bay quân sự được khánh thành vào năm 2014, tòa nhà Vọng Cung (đi từ phía sau vòng ra phía trước), Đoan Môn, Kỳ đài, giếng ngọc, cổng phía Nam (cửa Tiền). Hướng thứ hai đi từ cửa Tiền (cửa phía Nam) đến cửa Hậu (cửa phía Bắc), du khách được tham quan cửa Tiền cổ kính được bao bọc bởi cụm cây đề xanh tốt bốn mùa, 2 giếng ngọc, sân cột cờ, khuôn viên, đoan môn, Vọng Cung rồi di chuyển dần ra cửa Bắc tham quan khu nhà trưng bày một số tài liệu, hiện vật liên quan đến Thành cổ, khu trưng bày máy bay quân sự.

Quãng đường di chuyển bằng hai hướng, du khách được hòa mình vào một không gian tươi mát, không khí vô cùng dễ chịu của hàng nghìn loài sinh vật, cỏ cây, hoa lá, cây ăn quả, cành lá như đang vẫy chào, mở rộng tấm lòng chào đón du khách vào thăm Thành cổ.

Tại Thành cổ, ở bên trong và bên ngoài cũng là địa điểm rất lý tưởng, thích hợp để tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, kinh tế, chính trị của thị xã. Tại đây, mỗi khi tổ chức các chương trình luôn nhận được sự tham gia ủng hộ của đông đảo Nhân dân xa gần như: triển lãm sinh vật cảnh, hội thi câu cá, chim cảnh, lễ phát động Tết trồng cây, lễ hưởng ứng ngày môi trường thế giới, bảo vệ nguồn nước sạch, hội đua thuyền, hội chợ kinh tế thương mại, du lịch. Ở vòng bên ngoài, mỗi dịp Tết đến xuân về, Nhân dân ở trong và ngoài thị xã thường tập hợp về đây để dựng, bày bán các gian hàng trưng bày hoa, cây cảnh, gian hàng bày bán sản phẩm phục vụ nhu cầu mua sắm ngày Tết âm lịch. Đây là nét văn hóa đặc trưng của vùng Sơn Tây mà hiếm nơi nào có được.

Chính vì vậy, khai thác, phát triển du lịch ở Thành cổ Sơn Tây luôn được lãnh đạo thị xã quan tâm đầu tư, xúc tiến - du lịch ở Thành cổ vì thế đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, để khai thác một cách có hiệu quả chiều sâu và bền vững hơn, rất cần những giải pháp chuyên nghiệp, trọng tâm hơn nữa, kể cả huy động sự tham gia của nguồn vốn xã hội hóa.

Với những giá trị đã nêu ở trên, dựa vào các tiêu chí quy định của Luật di sản văn hóa thì Di tích Thành cổ có đủ cơ sở để UBND thị xã đề xuất với các bộ, ban ngành liên quan và Chính phủ cho phép lập hồ sơ khoa học để nâng cấp Di tích thành Sơn Tây lên thành di tích cấp quốc gia đặc biệt trong thời gian tới. Đây cũng là nền tảng quan trọng để thị xã Sơn Tây cùng Nhân dân thực hiện tốt công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy có hiệu quả các giá trị của di tích - đưa Sơn Tây xứng đáng là một trong 5 đô thị vệ tinh.

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Chào năm mới 2025: Tưng bừng các hoạt động văn hóa, thể thao

DNTH: Trong các ngày từ 28/12 đến 31/12/2025, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương tổ chức chuỗi hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể thao đặc sắc chào đón năm mới 2025 nhằm tạo không khí vui tươi phấn khởi đầu xuân.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Đội ngũ trí thức, nhà khoa học tạo bứt phá mạnh mẽ cho mục tiêu phát triển nhanh, bền vững...

DNTH: Sáng 30/12, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm đã gặp mặt 200 trí thức, nhà khoa học có nhiều thành tích, đóng góp, đang hoạt động trong các ngành, lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng, giáo dục và đào tạo trên toàn quốc.

10 thành tựu, hoạt động nổi bật của Giáo dục năm 2024

DNTH: Ngày 27/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố 10 thành tựu, hoạt động nổi bật của ngành năm 2024.

Cơ hội ngắm hoa 4 mùa trên đồ gốm sứ phương Đông

DNTH: Ngày 25/12, Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Hoa nở từ Đất – Hoa trong nghệ thuật gốm sứ phương Đông”.

Phát động cuộc thi Tài năng tin học trẻ quốc tế - thành phố Hà Nội

DNTH: Sở GD&ĐT vừa phối hợp với Tổ chức Giáo dục IIG Việt Nam phát động cuộc thi Tài năng Tin học trẻ quốc tế - thành phố Hà Nội năm học 2024-2025 hoàn toàn miễn phí dành cho học sinh phổ thông từ lớp 3 đến lớp 12 trên toàn Thủ...

Quy chế thi tốt nghiệp THPT 2025: Đảm bảo thuận lợi, công bằng hơn cho thí sinh

DNTH: Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2025 là năm đầu tiên tổ chức thi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, với điểm khác biệt là thiên về đánh giá năng lực người học thay vì đánh giá kiến thức và kỹ năng như những...

XEM THÊM TIN