Thế giới thắc mắc về những tập đoàn lớn nhanh hơn Thánh Gióng ở Việt Nam

17:03 | 02/07/2019

DNTH: Từ những Khải Silk, những Asanzo bị “bóc phốt” lừa dối người tiêu dùng…, học giả Nguyễn Trần Bạt - doanh nhân, luật sư, nhà tư vấn, nhà sáng lập và là Chủ tịch kiêm TGĐ InvestConsult Group - đã có những chia sẻ thẳng thắn với Báo Nông nghiệp Việt Nam về vai trò của kinh tế tư nhân và quản lý Nhà nước.

Thưa ông, thời gian vừa qua một số doanh nghiệp bị phanh phui về việc nhập nhèm nguồn gốc xuất xứ của các sản phẩm hàng hóa trong kinh doanh. Từ vụ Khải Silk giả mạo xuất xứ khăn lụa từ Trung Quốc về gắn mác Việt Nam đến Asanzo với mặt hàng điện tử gia dụng có nguồn gốc Trung Quốc nhưng lại quảng cáo hàng Việt Nam, những “mánh lới” làm ăn như thế góp phần đưa những ông chủ doanh nghiệp hóa thành “cá mập” nghìn tỷ. Ông kiến giải những hiện tượng này như thế nào?

Hiện tượng hàng hóa được sản xuất theo kiểu râu ông nọ cắm cằm bà kia đã xảy ra từ lâu và không chỉ với các linh kiện có xuất xứ Trung Quốc mà có cả của một số quốc gia khác.

Có một thời kỳ rất dài xe máy Trung Quốc bán đầy đường và rất nhiều các công ty lắp ráp xe máy Trung Quốc mọc lên. Cũng có một thời kỳ chúng ta không nhập gà nhưng lại nhập rất nhiều chân gà, cánh gà từ Trung Quốc bằng cách này hay cách khác.

Từ sản phẩm nông nghiệp đến sản phẩm công nghiệp, Trung Quốc xâm nhập vào thị trường Việt Nam từ lâu rồi chứ không phải câu chuyện mới mẻ gì.

Điều chúng ta quan tâm không còn là những sự vụ như Khải Silk, như Asanzo mà là vấn đề những hiện tượng ấy phản ánh chúng ta không có một hàng rào kỹ thuật để đảm bảo chủ quyền kinh tế của Việt Nam trong hội nhập, ngăn chặn những sản phẩm xâm nhập vào thị trường Việt Nam và được bán như hàng của Việt Nam sản xuất.

Nền kinh tế của chúng ta không phải là nền kinh tế mở mà là nền kinh tế hở. Bây giờ nếu tập trung xử lý Khải Silk hoặc Asanzo có đủ để chấm dứt hiện tượng này không.

Nếu các thương nhân ở cứ làm theo kiểu Asanzo rồi đem bán không chỉ về nông thôn Việt Nam, mà bán cả sang nước Mỹ nữa thì liệu chúng ta có rơi vào cái bẫy của trừng phạt kinh tế không.

Nếu các hàng rào thuế quan có thể sẽ được dựng lên giống như những gì Tổng thống Mỹ Donal Trump đang làm đối với nhiều quốc gia, khi đó, hàng hóa Việt Nam nói chung phải đối mặt với các hàng rào thuế quan vốn được xem là công cụ chủ yếu trong các hàng rào kỹ thuật bảo vệ chủ quyền kinh tế của các quốc gia. Nỗi lo này lớn hơn nhiều so với nỗi lo thất thu một ít thuế từ các doanh nghiệp như Asanzo.

Báo Nông nghiệp Việt Nam đã đặt ra vấn đề mà với tư cách là một người làm nghiên cứu xã hội tôi rất sốt ruột. Sự hớ hênh trong việc xây dựng các hàng rào kỹ thuật để bảo vệ nền kinh tế đã tạo ra tình trạng vườn không nhà trống xét về mặt quản lý nhà nước.

Nông thôn là nơi hứng chịu tất cả sự sáng tạo của các start up (khởi nghiệp). Trong khi phát động phong trào khởi nghiệp thì chúng ta lại quên mất việc thiết lập các công cụ bảo vệ người tiêu dùng trước các sáng tạo kinh khủng của các lực lượng start up.

Với thực tế như hiện nay, người tiêu dùng có cách nào để tự bảo vệ mình?

Có chứ! Người ta học nhau. Trí khôn lan đi từ các trung tâm đô thị. Người ta đưa con cháu ra Hà Nội học, vào TP Hồ Chí Minh học. Một người được đào tạo đại học ở địa phương thì khác với một người được đào tạo ở thành phố lớn. Các cấp độ của kinh nghiệm đào tạo ở các trường sẽ tạo ra các trí khôn khác nhau.

Đấy là một nguy cơ có thật cần phải nhận thức được. Chúng ta là một thị trường lớn của chân gà, của nội tạng gia súc được nhập khẩu bằng cả đường chính ngạch lẫn tiểu ngạch.

Gần đây báo chí còn đề cập tới cả hiện tượng nhập rác thải với số lượng tương đối lớn, không khéo chúng ta có thể trở thành thị trường rác.

Chúng ta đang nói khá nhiều về việc số hóa tất cả mọi thứ, kể cả hệ thống nhà nước, nhưng liệu có số hóa được việc quản lý những doanh nghiệp kiểu Asanzo không.

Chúng ta là một quốc gia có những năng lực quản lý rất có hạn, vì thế mọi phát ngôn cần phải thể hiện đầy đủ tính thận trọng để từ đó thức tỉnh các tầng lớp khác nhau của hệ thống quản lý nhà nước từ trung ương đến cấp xã, để hỗ trợ người Việt chống lại các tình trạng tiêu cực trong quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra khắp nơi.

Quan sát ví dụ điển hình là nước Mỹ, chúng ta sẽ thấy tất cả những việc Tổng thống Donald Trump đang làm là chống lại những mặt tiêu cực của quá trình toàn cầu hóa, đến mức bị nhiều nơi lên án là theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ. Tôi nghĩ việc đó cũng thuận theo tự nhiên thôi.

Thí dụ, khi nước mặn đang tràn lên từ các vùng đồng bằng phía Nam, thì chúng ta buộc phải bảo vệ nước ngọt. Chủ nghĩa bảo hộ nước ngọt phải có mặt ở các quốc gia mà nước mặn đang tràn vào. Việc hưởng lợi thông qua các khe hở của toàn cầu hóa với sự tiếp tay của các thương nhân ở một số quốc gia đang biến quyền quản lý lãnh thổ của các Chính phủ trở thành một quyền để chơi.

Cho nên, trong khi mải mê sánh vai với các cường quốc năm châu thì chúng ta cũng đừng quên làm những việc thiết thực như dựng các hàng rào kỹ thuật để bảo vệ quyền lợi quốc gia trong quá trình toàn cầu hóa.

Tình trạng này không diễn ra ở những nước phát triển nữa, bởi vì chưa làm đã bị phát hiện. Hàng rào kỹ thuật của họ chặt chẽ và con người cũng được giáo dục kỹ lưỡng nên không ai làm như thế. Chỉ còn một vài nước chậm phát triển làm như thế thôi. Đây là bệnh của sự chậm phát triển của xã hội nói chung cộng với hạn chế trong quản lý nhà nước.


Câu chuyện “hàng Việt Nam” và việc tuyên truyền cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được thực hiện từ gần 10 năm nay, nhưng đến thời điểm này, người tiêu dùng vẫn đang “bơi” trong ma trận hàng hóa và những khái niệm nhập nhèm. Từ câu chuyện của Khải Silk, của Asanzo, hàng loạt “thương hiệu Việt” như Kangaroo, Sunhouse và những doanh nghiệp “Hàng Việt Nam chất lượng cao” khác bị đặt vào “tầm ngắm”, đầy rẫy sự nghi ngờ. Thưa ông, hệ lụy của thực trạng này là gì?

Người Việt Nam trên thực tế không được ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Người Việt Nam đang bơi trong ma trận hàng hóa và bơi trong những khái niệm nhập nhèm. Nói đến thực tế này, không thể không nói đến hai vấn đề:

Thứ nhất, chúng ta nói chữ nhiều đến mức các khái niệm đều nhập nhèm;

Thứ hai, chúng ta không đủ kiến thức để xây dựng các khái niệm để nó không còn nhập nhèm nữa. Lâu nay chúng ta cứ hay nói chữ và tưởng rằng đấy là sự khôn khéo. Nhưng chúng ta lại quên mất nói chữ nhiều quá có thể tạo ra sự hướng dẫn sai lạc cho xã hội về mặt định hướng nhận thức.

Đừng nghĩ nói chữ là vô hại, nói chữ nhiều là một trong những nguyên nhân tạo ra các khái niệm sai lạc, tạo ra tình trạng không có nhận thức nghiêm túc ở các tầng nấc khác nhau. Điều này vô cùng nguy hiểm. 


>> Asanzo
bán đồ cho ai?

Khi đã nhập nhèm về mặt khái niệm tức là nhập nhèm về mặt khoa học nhận thức. Khi đã nhập nhèm về mặt khoa học nhận thức thì cũng có thể xây dựng hệ thống quản lý trên cơ sở nhập nhèm.

Không thể duy trì một tình trạng nhập nhèm về nhận thức. Các khái niệm phải được hoàn tất một cách chặt chẽ, để từ đấy xã hội có những nhận thức đúng đắn. Bây giờ không có sự bảo vệ nào cho lợi ích của xã hội hiệu quả bằng nhận thức của người dân, người tiêu dùng và người sản xuất.

Người đưa ra khái niệm “hàng Việt Nam” phải là người đủ năng lực nhận ra và hoàn tất định nghĩa về nó, thậm chí phải đưa ra một cách trọn vẹn khái niệm “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Người Việt Nam là ai? Hàng Việt Nam là gì? Chúng ta nhiều khi cứ nói đại mà không để ý, không chịu khó định nghĩa. Hệ quả là những doanh nghiệp như Asanzo xuất hiện. Nó được các câu nói vô nguyên tắc như thế che chở về mặt tâm lý. Nó không đủ năng lực về mặt pháp lý, nhưng nó lợi dụng được sự động viên về mặt tâm lý.

Cho nên, ngoài những cái sai cụ thể của xã hội, có cả sự nhẹ dạ của các nhà quản lý, của các nhân vật chiến lược. Các nhân vật chiến lược trong mỗi lời nói, việc làm đều phải có tính chặt chẽ chiến lược mới có thể tạo lập được một trật tự ổn định cho nền kinh tế.

Dưới góc độ luật pháp, việc xử lý những hiện tượng như Khải Silk, như Asanzo cần những giải pháp nào?

Cứ điều tra đi đã. Tôi không muốn tỏ thái độ một cách vội vàng. Mô tả một doanh nghiệp xấu quá có thể vô tình tố giác tính bất lực của cả hệ thống quản lý nhà nước. Muốn gì thì muốn, chúng ta phải bảo vệ đất nước trước hết bằng cách bảo vệ nhà nước đã. Tất nhiên, về mặt báo chí mà công kích các lực lượng quản lý nhà nước một chút thì sẽ hấp dẫn hơn. Nhưng chúng ta không bán sự hấp dẫn ấy cho những kẻ chống phá nhà nước được. Bảo vệ đất nước trước hết phải là bảo vệ nhà nước trong chế độ chính trị đang ổn định như thế này.

Liệu có phải từ những sự nhập nhèm ấy mà nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế vươn vai thành những gã khổng lồ, như Asanzo chẳng hạn, chỉ trong vòng 5 năm, từ 2 bàn tay trắng đến doanh thu hơn 5.000 tỷ đồng, thưa ông?

Sự lớn lên thành khổng lồ của một số đối tượng tố giác một thực tế cực kỳ quan trọng là tồn tại cạnh tranh không lành mạnh và nghiêm túc, trong phạm vi một nền kinh tế và cả trong quan hệ của nhiều nền kinh tế.

Nếu không nhận thức được chuyện này thì tất cả các yếu tố tạo ra nguồn gốc của sự phát triển như tài chính, tài nguyên và lao động... đều bị tước đoạt, bị lôi kéo về các chỗ trũng của lợi ích.

Nói cách khác, các tập đoàn lợi ích đang thao túng các nguồn lực để phát triển của đất nước. Các anh thấy rất nhiều vị trí đẹp nhất của đất nước đang được một số tập đoàn nắm giữ, mà đối với các nước đang phát triển thì đất đai là nguồn lực lớn nhất và quan trọng nhất. Cho nên cần phải nhanh chóng xây dựng toàn bộ hệ thống khái niệm một cách rõ ràng, chắc chắn và luật hóa để nó có giá trị pháp lý.

Về mặt khoa học, cũng cần phải chứng minh rằng lợi ích của việc định nghĩa các khái niệm quan trọng là như thế nào.

Thí dụ, có một quyền rất quan trọng là quyền sử dụng đất. Đấy là một quyền đa chiều. Sử dụng đất xây dựng khác, sử dụng đất đô thị khác, sử dụng cư trú lâu dài lại khác nữa. Quyền sử dụng đất luôn gắn liền với tiền, là thứ quyền có thể bán được.

Giá trị của quyền sử dụng chính là khái niệm quán xuyến toàn bộ giá trị của đất đai. Nếu chúng ta không đưa ra các định nghĩa và pháp chế hóa nó thành các luật thì không có công cụ để quản lý và khi đó nó trở thành các quyết định hành chính giống như trường hợp UBND TP Hồ Chí Minh làm đối với Thủ Thiêm.

Chúng ta đã phát hiện ra hiện tượng Khải Silk, nhưng từ đó đến này đã hai năm mà không thấy rõ là xử lý được đến đâu, xử lý cái gì.

Hiện tượng đứng đằng sau một tập đoàn kinh tế là các lực lượng bảo trợ, là các liên kết với một số người có địa vị trong hệ thống nhà nước tạo ra nhóm lợi ích đã trở nên phổ biến. Sự móc ngoặc giữa quyền lực kinh tế và quyền lực chính trị chính là thành phần cơ bản để tạo ra nhóm lợi ích.

Chúng ta đã phê phán rất nhiều về nhóm lợi ích nhưng vẫn chưa đưa ra được định nghĩa về nó. Cho nên, trong một số trường hợp, mặc dù đã phát hiện mà vẫn không thể khép tội được. Chúng ta có thể diễn đạt việc quản lý quyền lực rất hay, nhưng chúng ta cũng đồng thời phải xây dựng được hệ thống luật pháp để quản lý một cách nghiêm túc. Nếu không thì có nói hay mấy cũng không có kết quả.

nguyen-trn-bt-5155646692


Sau suốt một thời kỳ dài được cho là có sự “phân biệt đối xử” thì Đảng và Nhà nước đã có Nghị quyết 10 về kinh tế tư nhân, được xem là cởi trói cho khu vực kinh tế này. Bản thân Thủ tướng Chính phủ cũng dùng 10 từ để nói về kinh tế tư nhân gồm: Bình đẳng, Được bảo vệ, Khích lệ, Trao cơ hội. Nhưng từ những sự “vươn mình” của các tập đoàn kinh tế tư nhân một cách nhanh như chớp, dư luận lại có những hoài nghi, ngờ vực, thậm chí là lo ngại. Ông nhìn nhận thế nào về vai trò của kinh tế tư nhân và nguồn lực phát triển hiện nay?

Chúng ta có một thời kỳ dài xem các tập đoàn kinh tế Nhà nước là các cỗ xe tăng chiếm lĩnh mặt trận kinh tế và trở thành yếu tố hội nhập quan trọng. Kết quả là những thứ như Vinashin và Vinalines… xuất hiện và làm hỏng nền kinh tế.

Sau các sai lầm về khu vực kinh tế nhà nước, bây giờ chúng ta lại bắt đầu tìm lối thoát bằng cách gán cho khu vực kinh tế tư nhân những trách nhiệm thay thế các tập đoàn hàng đầu của Nhà nước. Lập tức chúng ta thấy xuất hiện các tập đoàn lớn bổng lên một cách nhanh chóng.

Là một trong những người làm nghề cung cấp dịch vụ tư vấn đầu tư cho khách hàng quốc tế trong nhiều chục năm, tôi hiểu ra rằng tất cả những gì Việt Nam có đều gây tò mò, từ việc “xe tăng” hóa các tập đoàn nhà nước đến việc “thiết giáp” hóa các tập đoàn tư nhân.

Tôi bắt đầu lo sợ, vì với tư cách là một người hoạt động kinh tế, tôi biết rằng không có gì lớn nhanh được như thế. Lòng yêu nước có thể lớn lên đột ngột thành Thánh. Còn một ông Thánh ăn bảy nong cơm ba nong cà trong một bữa rồi vươn vai thành khổng lồ có phải là hiện tượng có thật không, tôi không biết.

Các tập đoàn kinh tế tư nhân mà chúng ta đang có lớn nhanh hơn cả Thánh Gióng. Hiện tượng đó gây thắc mắc không chỉ trong nước mà còn cả trên thế giới. Sự liều mạng của những đối tượng ấy có thể đang gây ra những sự ngán ngẩm âm thầm trong cộng đồng doanh nghiệp quốc tế.

Tôi rất hồi hộp! Khi chúng ta cường điệu địa vị kinh doanh của một vài tập đoàn lên đến mức như hiện nay thì sự thất bại của nó (nếu chẳng may xảy ra) không còn là của riêng nó nữa mà là sự thất bại của Việt Nam.

Nếu không cẩn thận, một lần nữa, Việt Nam có thể thất bại trong một số ngành công nghiệp mà Đảng ta đã chú ý từ những năm 1986 trở đi. Chúng ta từng gắn chữ “quốc gia” vào tên nhiều tập đoàn, kết quả là chúng đã mang đi hàng chục nghìn tỷ, trăm nghìn tỷ của đất nước và bây giờ chúng ta đang phải duy trì các bộ xương khẳng khiu còn lại của các tập đoàn.

Liệu các tập đoàn tư nhân tới đây sẽ như thế nào? Thắc mắc về những đối tượng như vậy bằng bản năng của xã hội là chưa đủ mà phải để ý nó như một đối tượng có chất lượng công nghiệp mới thấy hết được vấn đề.


Ông nói rằng chúng ta là một nền kinh tế hở và chưa có các hàng rào bảo vệ người tiêu dùng, nhưng thực tế chúng ta có cả một hệ thống cơ quan quản lý rất đồ sộ, từ hải quan, quản lý thị trường, có cả Ban chỉ đạo 389 và hàng loạt những hội, hiệp hội rất tích cực lên tiếng mỗi khi phát hiện ra các sự việc như Asanzo, như Khải Silk...

Về các hiện tượng tiêu cực giống như chuyện Khải Silk, Asanzo…, nếu nói là lỗi của quản lý nhà nước thì vô tình giảm nhẹ trách nhiệm.

Nhìn nhận một cách nghiêm túc thì việc không xây dựng được hệ thống hàng rào kỹ thuật để quản lý kinh tế nội địa và kinh tế đối ngoại là lỗi của Nhà nước. Không chỉ cơ quan hành pháp có lỗi mà cả cơ quan lập pháp cũng có lỗi vì đã không thấy hết được trách nhiệm.

Nhiều đại biểu Quốc hội phát biểu, phê phán Chính phủ rất hăng, nhưng không phải họ đúng cả đâu. Chính phủ và Quốc hội đều chưa có thái độ hợp lý đối với các hiện tượng tiêu cực về kinh tế như thế này. Chúng ta đã tham gia các hiệp ước quốc tế về thương mại như WTO, chúng ta đã đi từ công ước Paris đến công ước Berne về các quyền sở hữu trí tuệ...

Các công ước quốc tế là một trong các loại công cụ quan trọng để các Chính phủ bảo vệ sự trong sạch bên trong của thị trường nước mình và sự trong sạch bên ngoài với tư cách là một thị trường hợp tác. Tức là muốn bảo vệ quyền lợi với bên ngoài và sự trong sạch bên trong của một nền kinh tế thì phải nghiên cứu xem sử dụng công cụ gì, công cụ nào là quan trọng.

Nếu không xây dựng được hệ thống hàng rào kỹ thuật để đảm bảo sự trong sạch và bình đẳng của cạnh tranh cả bên trong lẫn bên ngoài thì đất nước chúng ta thiệt.

Cho nên, vấn đề không phải là trách nhiệm của quản lý nhà nước mà là Nhà nước có lỗi trong việc xây dựng hệ thống pháp luật, trong việc quản lý sự trong sạch của cạnh tranh cả ở bên trong và bên ngoài. Không nên xem hiện tượng Asanzo, Khải Silk… chỉ là gian lận thương mại.

Để cho những doanh nghiệp như Asanzo tồn tại thế này thì không có cạnh tranh lành mạnh, các nền công nghiệp địa phương sẽ chết hết. Lấy hàng từ một nền công nghiệp khác biến thành sản phẩm của nền công nghiệp của mình tức là bóp chết nền công nghiệp của mình, thậm chí bóp chết cả nền kinh tế.

Về mặt địa lý, chúng ta là một nước có bề ngang khá hẹp nhưng lại có rất nhiều đô thị trực thuộc trung ương. Chúng ta cho nâng cấp các thị trấn ở nông thôn lên thành đô thị một cách khá thoải mái, tạo ra hiện tượng đô thị hóa về mặt khái niệm trước khi đô thị hóa về mặt kinh tế.

Quá trình đô thị hóa chúng ta đang có là đô thị hóa đất đai chứ không phải đô thị hóa công nghiệp. Nói cho đúng thì đô thị hóa đất đai đang ngăn cản sự phát triển của đô thị hóa công nghiệp. Đây là bài toán rất khó.

Nói như thế có nghĩa rằng vấn đề hàng hóa sản xuất tại Việt Nam, với những nguồn lực hiện có của Việt Nam, không có cách nào khác ngoài việc nhập linh kiện từ các thị trường khác về để sản xuất. Nếu thế thì xem ra việc quản lý sẽ đơn giản, việc phát hiện các vụ việc như Asanzo cũng sẽ đơn giản vì chúng ta biết khả năng của họ đến đâu, đúng vậy không, thưa ông?

Chúng ta làm sao mà sản xuất linh kiện được. Các tập đoàn công nghiệp lớn của Nhật Bản đều đã sang Việt Nam. Họ tham gia và khuyến khích quá trình hình thành nền công nghiệp phụ trợ, tức là nền công nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng. Nhưng cho đến nay, chúng ta vẫn chưa có dự án nào có chất lượng về công nghiệp phụ trợ. Làm như Asanzo là chuyện đương nhiên.

Ở góc độ nhà quản lý kinh tế vĩ mô thì phải hiểu ngay rằng không thể có xí nghiệp Việt Nam nào làm được như Asanzo, bởi lấy linh kiện ở đâu ra mà làm. Với tình hình sản xuất công nghiệp như hiện nay thì các doanh nghiệp dễ lựa chọn con đường nhanh nhất là mua linh kiện từ đâu đó để lắp ráp thành hàng hóa có chất lượng thấp, bán ở thị trường trong nước.

Khi đã có tiền thì người ta cũng có thể mơ mộng một chút là bán sang Mỹ. Nhưng bán sang Mỹ là giai đoạn mơ mộng, còn bán ở Việt Nam, bán về nông thôn là giai đoạn hiện thực. Cuối cùng nạn nhân cơ bản vẫn chính là nông dân.

Và người nông dân hoàn toàn bị động khi phải đón nhận những sự lừa dối?

Nông dân không bị động. Tôi muốn dành phần cuối để nói rằng đây là kết quả của giáo dục. Với một nền giáo dục lạc hậu, vu vơ thì không thể đối phó với tiêu cực, không thể xây dựng nền công nghiệp phụ trợ. Không có công nghiệp phụ trợ thì sẽ không có nền công nghiệp lắp ráp đứng đắn.

Khi không có các bộ tiêu chuẩn chất lượng rõ ràng đồng thời phải nhập khẩu tất cả, từ con chip đến vỏ sản phẩm thì người ta dễ nảy sinh ý đồ trộn những linh kiện rẻ tiền, có xuất xứ không rõ ràng để tạo ra các sản phẩm công nghiệp lừa đảo.

Nếu chúng ta sản xuất được linh kiện thì sẽ hạn chế bớt các đối tượng nhập khẩu và hạn chế bớt hiện tượng trốn thuế từ hàng hóa ngoại nhập đội lốt hàng trong nước.

Bây giờ từ ốc vít đến con chip điện tử cũng đều phải nhập thì đương nhiên sẽ xuất hiện hiện tượng trốn thuế và tiêu cực trong quản lý nhà nước. Một bộ phận thì ăn bằng trốn thuế, bộ phận kia thì ăn bằng nhận hối lộ, đó là một sự hợp tác tiêu cực rất toàn diện.

Giáo dục tốt cộng với quản lý tốt thì có một lực lượng cán bộ tốt. Có lực lượng cán bộ tốt thì mới có lực lượng để xây dựng các bộ máy tốt, các cơ cấu tốt, thể chế tốt. Có cải cách thể chế mấy đi nữa mà dựa vào cơ sở là những lực lượng được giáo dục kém thì cũng chẳng thay đổi được gì.

HOÀNG ANH

Ảnh: Đinh Tùng

Theo Báo NN

https://m.nongnghiep.vn/the-gioi-thac-mac-ve-nhung-tap-doan-lon-nhanh-hon-thanh-giong-o-viet-nam-post244411.html?fbclid=IwAR2IeZOrKiB8u8dgbVQ7fF9eoBc5FrohgJPzfpR683eWbFgvelj-1NXYYnc

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Giải thưởng VinFuture 2024 vinh danh 4 công trình khoa học 'Bứt phá Kiên cường'

DNTH: Ngày 06/12/2024 - Quỹ VinFuture chính thức công bố 4 công trình khoa học được vinh danh năm 2024. Giải thưởng Chính trị giá 3 triệu USD được trao cho “Những đóng góp đột phá để thúc đẩy sự tiến bộ của học sâu”.

Chanh leo có "visa" vào Mỹ, vải thiều "gõ cửa" Hàn Quốc

DNTH: Dự kiến năm 2025, Việt Nam sẽ có thêm sản phẩm chanh leo xuất sang Mỹ, còn vải thiều đang hoàn thiện hồ sơ để tiếp cận thị trường Hàn Quốc.

Hơn 3.000 điểm bán của Thế Giới Di Động trở thành đại lý thanh toán của VPBank

DNTH: Là ngân hàng đầu tiên được Ngân hàng Nhà nước cấp phép triển khai mô hình đại lý thanh toán tại Việt Nam, VPBank và Công ty Cổ phần Thế Giới Di Động đã chính thức hợp tác, mang đến cho khách hàng cơ hội tiếp cận dễ dàng hơn...

Tiên phong thực hành ESG, Nestlé Việt Nam lan tỏa thông lệ tốt về thúc đẩy bình đẳng giới

DNTH: Trong bối cảnh ESG (Môi trường, Xã hội, Quản trị) trở thành yếu tố then chốt giúp đạt mục tiêu phát triển bền vững, các doanh nghiệp không chỉ tập trung vào yếu tố môi trường mà còn chú trọng hơn vào xã hội và quản trị....

Nhà máy Đường An Khê chính thức bước vào vụ sản xuất 2024-2025

DNTH: Sáng 4/12, tại thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai), Nhà máy Đường An Khê-Chi nhánh Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi (QNS) đã chính thức nhấn nút bước vào vụ sản xuất 2024-2025.

Xe điện VinFast ‘hút’ người trẻ tại chuỗi sự kiện Zalopay YEF 24

DNTH: Dàn xe điện cá tính, sành điệu của VinFast với tâm điểm là VF 7 đã gây ấn tượng mạnh với nhiều khách hàng trẻ đến tham gia chuỗi sự kiện Zalopay Year End Fes 2024 (Zalopay YEF 24).

XEM THÊM TIN