Thể hiện tầm tư duy xa hơn trong quá trình chuẩn bị các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng

15:55 | 01/11/2020

DNTH: Sáng 30/10, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị lấy ý kiến nhân sĩ, trí thức, luật gia, người tiêu biểu các dân tộc thiểu số, chức sắc các tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài vào các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII (Đại hội XIII).

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo lấy ý kiến nhân dân góp ý vào các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII Trương Thị Mai; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phùng Khánh Tài, đồng chủ trì Hội nghị.

Thể hiện tầm tư duy xa hơn trong quá trình chuẩn bị các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng
Caption

Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc hội nghị. (Ảnh: TTXVN)

Đáp ứng tâm tư, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: Trong những năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thường xuyên nhận được những ý kiến đóng góp quan trọng của các nhân sĩ, trí thức, luật gia, người tiêu biểu trong đồng bào các dân tộc, chức sắc các tôn giáo và người Việt Nam ở nước ngoài trong sự nghiệp xây dựng, củng cố, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Theo ông Trần Thanh Mẫn, đây là lực lượng luôn sẵn sàng đồng hành cùng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác tuyên truyền, động viên các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, hướng đến mục tiêu xây dựng dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khẳng định, việc tham gia ý kiến của các đại biểu tại Hội nghị lần này sẽ góp phần quan trọng nâng cao chất lượng các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, đảm bảo các yêu cầu cơ bản như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: "Văn kiện Đại hội phải có tầm nhìn chiến lược, diễn đạt phải chặt chẽ, chắc chắn, rõ ràng. Văn kiện phải có tính quần chúng, giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ kiểm tra."

Ông Trần Thanh Mẫn cho biết, các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII có nhiều điểm mới, thể hiện sự đáp ứng những đòi hỏi khách quan của thực tiễn; đồng thời kế thừa nghiên cứu từ các nhiệm kỳ trước và chọn lọc tiếp thu những kinh nghiệm thành công của các nước. Các dự thảo văn kiện tiếp tục nhấn mạnh về sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, về xây dựng xã hội chủ nghĩa, có bổ sung những nhân tố mới là khơi dậy khát vọng phát triển dân tộc, phát huy ý chí để phát triển, xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Nội dung các dự thảo văn kiện khẳng định: Dân chủ trong Đảng là nòng cốt, dân chủ phải là kỷ cương, kỷ luật của Đảng. Đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, sáng tạo là những tiền đề, nhân tố quan trọng cho sự phát triển đất nước.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mong muốn các đại biểu tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, góp ý chung vào các dự thảo văn kiện hoặc một số vấn đề cụ thể, tâm đắc, đã nghiên cứu sâu hay có quá trình tổng kết thực tiễn. Các góp ý tập trung sâu hơn vào việc đánh giá kết quả, nhận định tình hình và yêu cầu tập hợp, xây dựng, củng cố, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể nhân dân đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân.

Tâm huyết, thẳng thắn

Quan tâm tới vấn đề bảo vệ, phát triển rừng, Tiến sĩ Cầm Văn Đoản, Ủy viên Hội đồng tư vấn về Dân tộc, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, từ khi hòa bình lập lại, trong các kỳ Đại hội Đảng, trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đều đưa bảo vệ và phát triển rừng là nhiệm vụ số một của các tỉnh miền núi và Tây Nguyên. "Chúng ta đã tổ chức thực hiện một loạt chương trình bảo vệ, phát triển rừng: Chương trình 327, Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, Nghị quyết 73/2006/QH11 của Quốc hội...; ban hành rất nhiều cơ chế, chính sách, nhưng đến nay kết quả vẫn không được như mong muốn. Nguyên nhân sâu xa là do người bảo vệ rừng, trồng rừng chưa thể sống được, làm giàu được từ rừng", ông Đoản nêu quan điểm.

Từ phân tích này, Tiến sĩ Cầm Văn Đoản kiến nghị phải tạo một cuộc cách mạng mới trong lâm nghiệp, thống nhất lại các quan điểm về phát triển rừng như chức năng phòng hộ, chức năng kinh tế, đa dạng hóa cây trồng trên đất lâm nghiệp, thực hiện nông lâm kết hợp, gắn rừng với công nghiệp chế biến và du lịch, nghiên cứu khoa học... Những nội dung trên cần làm rõ hơn trong dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và dự thảo Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

Theo bà Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong dự thảo các văn kiện, nội dung về khoa học xã hội chưa được quan tâm thích đáng, xứng tầm và đúng với vai trò của lực lượng góp phần xây dựng nền tảng tư tưởng và lý thuyết định hướng cho sự phát triển đất nước. Nhiều vấn đề xã hội nổi cộm xảy ra trong thời gian qua phần nào phản ánh việc khoa học xã hội chưa làm tròn trách nhiệm, vai trò của mình. Tình trạng cải cách giáo dục nhiều lần trong mấy chục năm qua nhưng vẫn tiếp tục khiến người dân lo lắng, bức xúc, hay việc hàng tỷ đô la chảy ra nước ngoài theo con đường du học cũng là một trong những minh chứng cho sự lúng túng về triết lý giáo dục. "Nếu khoa học xã hội tiếp tục ít được quan tâm, ít được lắng nghe thì việc tham mưu cho Đảng và Chính phủ xây dựng một xã hội văn minh, hiện đại, dân chủ như đã đề ra nhiều năm nay sẽ là nhiệm vụ bất khả thi", bà Khuất Thu Hồng bày tỏ.

Dự thảo Báo cáo Chính trị là trung tâm trong quá trình tiếp thu, hoàn thiện các dự thảo văn kiện

Thay mặt Ban Chỉ đạo lấy ý kiến nhân dân góp ý vào các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai trân trọng cảm ơn các ý kiến chân thành, sâu sắc, dựa trên tinh thần xây dựng, đóng góp tâm huyết cho Đảng của các đại biểu, trực tiếp là vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII. Bà Trương Thị Mai đánh giá, các ý kiến đều có những điểm chung và điểm khác nhau, làm phong phú thêm nội dung các đóng góp của nhân dân vào dự thảo các văn kiện của Đảng.

Về quá trình chuẩn bị dự thảo các văn kiện, bà Trương Thị Mai cho biết: Từ ngày 7/1/2019, Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII đã họp phiên đầu tiên dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: "Có thể nói quá trình chuẩn bị dự thảo văn kiện là lâu dài, khoảng 2 năm, từ 7/1/2019 đã có phiên họp đầu tiên để định ra những nội dung lớn, kết cấu quan trọng của các dự thảo báo cáo, qua đó xác định Báo cáo Chính trị là trung tâm". Tại Hội nghị lần này, có ý kiến cho rằng một số dự thảo báo cáo chưa thực sự đồng bộ với Báo cáo Chính trị. Bà Trương Thị Mai khẳng định, quá trình tiếp thu, điều chỉnh sẽ lấy Báo cáo Chính trị là trung tâm, hoàn thiện theo hướng để tất cả các báo cáo khác đồng bộ với Báo cáo Chính trị.

Cùng với việc tổ chức đánh giá thêm tình hình thực tiễn về một số chủ trương, quan điểm lớn của Đảng nhằm đảm bảo sự chính xác về nội dung khi đưa vào trong các dự thảo văn kiện, Tiểu ban Văn kiện đã cùng các địa phương tổ chức khảo sát tại nhiều nơi nhằm đánh giá, làm rõ thêm một số vấn đề lớn về mặt chủ trương, đường lối của Đảng.

Nhắc lại yêu cầu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tại phiên họp thứ nhất của Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII: Tiếp tục nghiên cứu chuẩn bị các văn kiện có đổi mới, song cần dựa trên các nguyên tắc và hết sức phát huy dân chủ, lắng nghe ý kiến của nhân dân, tạo được sự thống nhất giữa Đảng và nhân dân. "Văn kiện của Đảng nhưng toàn dân sẽ tham gia cùng Đảng thực hiện để tạo mục tiêu phát triển đất nước". .

Làm rõ một số điểm khác biệt giữa dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII so với các văn kiện của Đại hội XII, Trưởng ban Dân vận Trung ương thông tin: "Các dự thảo lần này không chỉ đánh giá 5 năm  (2016 - 2020) hay 5 năm tới (2021 - 2025) mà còn nhìn lại quá trình 35 năm đổi mới đất nước, nhìn lại việc thực hiện 30 năm Cương lĩnh 1991 và 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011 và Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011 - 2020. Chặng đường tiếp theo xác định xây dựng phương hướng cho 3 mốc mục tiêu: 2025, 2030, 2045 và Chiến lược kinh tế - xã hội 10 năm từ 2021 - 2030, thể hiện tầm tư duy xa hơn trong quá trình chuẩn bị các dự thảo văn kiện."

Về các nhóm nội dung được các đại biểu góp ý tại Hội nghị lần này, Trưởng ban Dân vận Trung ương khái quát: Các ý kiến phát biểu đã thể hiện tinh thần tâm huyết, trách nhiệm, cơ bản tán thành, đánh giá cao công tác chuẩn bị các dự thảo văn kiện cho Đại hội XIII; cho rằng các dự thảo văn kiện có nhiều điểm đổi mới, đầy đủ, toàn diện, kiên định nguyên tắc, mục tiêu, đồng thời có kế thừa kinh nghiệm từ các nhiệm kỳ trước, nhất là nhiệm kỳ Đại hội XII.

Các đại biểu đánh giá phần hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm trong dự thảo các văn kiện đã được nhìn nhận khá thẳng thắn; phần phương hướng cho chặng đường tiếp theo thể hiện mục tiêu phát triển đất nước tương đối rõ ràng. Bên cạnh việc góp ý về chủ đề nên bổ sung thêm nội dung về khát vọng dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết, tạo nên động lực mới cho nhiệm kỳ tới, các ý kiến tập trung vào một số nhóm vấn đề chính: Dự báo những diễn biến nhanh chóng của tình hình sắp tới, đặt ra yêu cầu đổi mới mạnh mẽ hơn để nâng cao khả năng cạnh tranh của quốc gia; làm rõ một số quan điểm, chủ trương của Đảng về kinh tế; vấn đề công bằng, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình để kiểm soát quyền lực; quan tâm hơn tới công tác bảo vệ rừng nói riêng và môi trường nói chung; đề xuất thêm cơ chế chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số; xác định văn hóa thực sự là nền tảng, động lực của xã hội, đóng góp tích cực cho quá trình phát triển và góp phần khẳng định vị trí của Việt Nam.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng quan tâm cho ý kiến về vấn đề quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, trong đó tôn giáo được xem là yếu tố góp phần tạo nên sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, là nhu cầu của đông đảo nhân dân; quan tâm hoàn thiện thể chế về tôn giáo để tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, tạo sự thống nhất về mặt quan điểm. Liên quan đến chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, có ý kiến đề nghị dự thảo các báo cáo cần làm rõ các trụ cột quan trọng trong phát triển kinh tế, nhất là trong giai đoạn thực hiện các mục tiêu tiếp theo về kinh tế số; làm rõ vai trò của khoa học xã hội và các tổ chức quần chúng; phát huy quyền làm chủ và sức mạnh đại đoàn kết; hoàn thiện thể chế, hiến pháp về quyền con người, quyền của nhân dân và vai trò giám sát của nhân dân đối với Đảng và hệ thống chính trị...

Ghi nhận đóng góp của các đại biểu, bà Trương Thị Mai khẳng định, với trách nhiệm của mình, Ban Chỉ đạo lấy ý kiến nhân dân góp ý vào các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sẽ tổng hợp tất cả các ý kiến để chuyển cho Tiểu ban Văn kiện tiếp tục hoàn thiện dự thảo các báo cáo trình Đại hội XIII./.

Theo TTXVN

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Tổng thống Bulgaria kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Việt Nam

DNTH: Tối 27/11, Tổng thống Bulgaria Rumen Radev rời TP Hồ Chí Minh, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường.

Sắp xếp lại tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ phải gắn với nhiệm vụ tăng tốc bứt phá

DNTH: Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ yêu cầu: Bộ máy mới phải tốt hơn bộ máy cũ và đi vào hoạt động ngay, không để ngắt quãng công việc, không được khoảng trống thời gian; không để bỏ trống địa bàn, lĩnh vực; không để ảnh...

Một số tồn tại, vi phạm trong tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp tại Bộ Giao thông vận tải

DNTH: Thanh tra Chính phủ vừa có thông báo kết luận thanh tra việc tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh...

Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân lên đường thăm chính thức Malaysia

DNTH: Nhận lời mời của Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim và Phu nhân, sáng 21/11, Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân Ngô Phương Ly cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Thủ đô Hà Nội, lên đường thăm chính thức Malaysia từ ngày 21 đến...

Việt Nam tham gia sáng lập Liên minh toàn cầu chống đói nghèo

DNTH: Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G20, Việt Nam đã tham gia sáng lập Liên minh toàn cầu chống đói nghèo và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề xuất ba bảo đảm chiến lược cho công cuộc xóa bỏ đói nghèo trên toàn cầu.

Tri ân các thế hệ nhà giáo, Học viện Báo chí và Tuyên truyền khẳng định vị thế trong đào tạo báo chí

DNTH: Ngày 18/11, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024).

XEM THÊM TIN