Sáng 17/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn đồng chủ trì cuộc làm việc thường niên để đánh giá kết quả phối hợp công tác năm 2017, định hướng thời gian tới.
Lãnh đạo Chính phủ bày tỏ ấn tượng về các cuộc đối thoại chính sách đã được tổ chức để tiếp nhận thông tin từ người dân, doanh nghiệp và đề ra giải pháp cần thiết. Theo Thủ tướng, một Chính phủ vì dân thì phải biết cách tổ chức lắng nghe tiếng nói của nhân dân, các đoàn thể. "Nếu không, chúng ta tự quyết, tự đóng cửa, hành động chủ quan, duy ý chí thì xa dân, mất niềm tin của dân và hậu quả sẽ rất lớn đối với đất nước, với xã hội", ông nói.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh các cơ quan thuộc Chính phủ luôn mời đại diện MTTQ tham gia các ban soạn thảo, tổ biên tập để lắng nghe ý kiến trong việc xây dựng các dự án luật, nghị định. Lấy dẫn chứng về đề xuất thuế tài sản mà Bộ Tài chính đang đưa ra lấy ý kiến, ông nêu rõ đây chưa phải kết luận cuối cùng và Bộ này sẽ tiếp tục lắng nghe thêm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Sáng cùng ngày, phát biểu tại phiên thảo luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 5 của Quốc hội (dự kiến khai mạc ngày 21/5), Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, báo chí đã hỏi ông về thuế tài sản nhưng Uỷ ban chưa nhận được thông tin gì.
"Cái này mới ở Bộ Tài chính, còn cơ quan quyết định luật và sửa luật chưa có thông tin, chưa thẩm định, chưa tiếp cận. Trong hoàn cảnh này mà để dư luận là không ổn. Do đó, công tác tuyên truyền cần quan tâm", ông Hải nói.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga thì cho rằng thông tin đề xuất đánh thuế tài sản khiến dư luận phản ứng dữ dội là "do việc thuyết minh, giải trình". Vì vậy, bà Nga đề nghị Văn phòng Quốc hội phối hợp với Văn phòng Chính phủ chủ động đưa thông tin đa chiều.
"Chính phủ phải tập trung làm tốt thông tin chính sách để tránh tình trạng đưa không rõ, không đủ khiến dư luận tiếp cận không toàn diện", bà Nga nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đồng tình với đề nghị các cơ quan phải chủ động thông tin cho báo chí. Theo bà, đề xuất về thuế tài sản mới chỉ là nội dung đưa ra lấy ý kiến chứ chưa "chốt", Quốc hội mới là cơ quan có quyền quyết định.
Trước đó, Bộ Tài chính đề xuất áp dụng thuế với mọi chủ sở hữu nhà, gồm căn hộ chung cư, đất ở, đất xây nhà chung cư, đất kinh doanh... có giá trị từ 700 triệu đồng, thuế suất là 0,4% một năm (cho phần giá trị vượt 700 triệu đồng). Ví dụ căn nhà có giá trị 1,7 tỷ đồng, chủ sở hữu sẽ phải nộp 4 triệu đồng một năm thuế tài sản cho phần một tỷ đồng vượt ngưỡng chịu thuế đó. Ngoài ra, ô tô, máy bay, du thuyền có giá trị từ 1,5 tỷ đồng trở lên sẽ phải chịu thuế tài sản mức 0,3% hoặc 0,4%/năm...
Ngày 16/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về nội dung chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và năm 2019. Dự án Luật Thuế tài sản không có trong danh sách dự án luật được Chính phủ đề xuất trong giai đoạn này. |
Ý kiến bạn đọc...