Thủ tướng khuyến khích TPHCM phát triển kinh tế ban đêm, kích cầu tiêu dùng

19:23 | 20/07/2020

DNTH: Thủ tướng cho rằng, quan trọng nhất là kích cầu tiêu dùng bởi TPHCM là trung tâm tiêu dùng của cả nước. “Tôi đề nghị các đồng chí phải thúc đẩy rõ hơn kinh tế ban đêm”. Theo tính toán, cứ 4 tiếng đồng hồ thêm về kinh tế ban đêm thì đóng góp từ 5-8% GDP của Thành phố.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận cuộc làm việc - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh điều này khi kết luận cuộc làm việc với lãnh đạo TPHCM vào chiều nay (20/7).

Các ý kiến phát biểu tại cuộc làm việc cho rằng, TPHCM là đô thị đặc biệt, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ của đất nước; đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, là đầu tàu, động lực, có sức thu hút và sức lan toả lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía nam, giữ vị trí chính trị quan trọng của cả nước.

Trong nhiều năm qua, Thành phố đã luôn phát triển năng động, sáng tạo, đạt được nhiều kết quả quan trọng; khẳng định vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của Thành phố đối với khu vực phía nam và cả nước.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân trên 30% tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP (năm 2019 chiếm trên 35% GRDP của Thành phố, giá trị khoảng trên 470.000 tỷ đồng – cùng với Hà Nội sẽ chiếm khoảng 50% tổng vốn đầu tư phát triển của cả nước). Hằng năm, Thành phố đóng góp bình quân trên dưới 1/4 tổng thu ngân sách quốc gia và GDP toàn quốc, khoảng 1/5 kim ngạch xuất khẩu cả nước. Sáu tháng đầu năm, khối lượng đầu tư công được giải ngân thực tế đạt hơn 17.962 tỷ đồng, đạt 43,08% kế hoạch vốn, gấp hơn 4 lần về giá trị tuyệt đối, hơn 3 lần về tỉ lệ so với cùng kỳ. Một số ý kiến cho rằng, việc triển khai nhiều dự án giao thông trọng điểm còn chậm (đường sắt đô thị). Công tác giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu đề ra. Việc huy động nguồn lực xã hội trong một số lĩnh vực còn gặp nhiều khó khăn…

Tại cuộc làm việc, lãnh đạo Chính phủ và các bộ, ngành đã cho ý kiến đối với các kiến nghị của TPHCM về 12 dự án, vấn đề gồm tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành-Suối Tiên, dự án tuyến Metro 2, thủ tục liên quan trong việc chuyển đổi dự án từ đầu tư theo phương thức đối tác công-tư (PPP) sang đầu tư công, thủ tục thanh toán dự án BT bằng tiền tại thời điểm quyết toán, dự án đường Vành đai 3, đường Vành đai 4, việc bổ sung công trình xây dựng 4 cầu; nạo vét rạch, đào hồ trung tâm và các kênh mới vào dự án BT Xây dựng hạ tầng khu dân cư phía Bắc và hoàn thiện đường trục Bắc-Nam trong khu đô thị mới Thủ Thiêm; Dự án quảng trường Trung tâm và công viên bờ sông trong khu đô thị mới Thủ Thiêm; dự án Xây dựng cao tốc TPHCM-Mộc Bài...

Phát biểu tại cuộc làm việc, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân khẳng định cam kết Thành phố sẽ hoàn thành 100% nhiệm vụ giải ngân đầu tư công trong năm nay. UBND Thành phố sẽ tổ chức giao ban cứ 2 tuần một lần về giải ngân đầu tư công, hằng tháng đi giám sát thực địa.

Bí thư Thành ủy cho biết, sẽ tổ chức cuộc gặp các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Thành phố nhưng phải dừng lại do dịch COVID-19 để rà soát, động viên nhà đầu tư tiếp tục. Thành phố sẽ nỗ lực tối đa, tận dụng mọi cơ hội để phát triển.

Cơ bản nhất trí với các kiến nghị của TPHCM, Thủ tướng nêu rõ tinh thần Trung ương ủng hộ TPHCM phát triển xứng tầm.

Thủ tướng hoan nghênh quyết tâm của TPHCM trong việc hoàn thành giải ngân 100% vốn đầu tư công đã đề ra cho năm nay. Thành phố triển khai quyết liệt với việc giao ban, kiểm tra, khen thưởng, kịp thời điều chuyển vốn. Đây là những biện pháp đáng hoan nghênh, là tấm gương tốt cho các địa phương.

Chỉ còn khoảng 25 tuần nữa là kết thúc năm 2020, Thủ tướng cho rằng, còn nhiều vấn đề lo lắng, còn chậm, nhất là một số công trình giao thông, nhiều dự án tư nhân đầu tư ở Thành phố chậm, đặc biệt là các dự án bất động sản, phát triển đô thị… Vấn đề này cần nhận diện rõ để thúc đẩy mạnh mẽ.

Do vị trí, vị thế, vai trò của Thành phố  đối với cả nước, TPHCM không được chậm trễ, đặc biệt, các cấp, các ngành của Thành phố, các quận không được trì trệ, không những chỉ đạo quyết liệt mà các sở, ngành, quận, huyện phải nâng cao tính năng động, sáng tạo, bám công việc, tập trung sức lực, huy động hệ thống chính trị vào cuộc để đạt kết quả cụ thể trong những vấn đề khó khăn như giải phóng mặt bằng.

Muốn tăng trưởng thì cần đầu tư, cả đầu tư Nhà nước và tư nhân. Do đó, cần tiếp tục thúc đẩy đầu tư, giải phóng mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển. Để giải quyết vấn đề thúc đẩy đầu tư tư nhân thì 2 yêu cầu lớn đặt ra: Không để thất thoát tài sản Nhà nước và không để tình trạng tham nhũng, tiêu cực xảy ra. “Nếu chúng ta chậm, không đầu tư phát triển, không giải quyết việc làm và thu nhập thì khó có tăng trưởng, phát triển”, Thủ tướng nói. Nếu không giữ doanh nghiệp, không phát triển hệ thống doanh nghiệp thì sẽ đổ vỡ, ảnh hưởng đến xã hội. Đây là nguy cơ trực tiếp đối với các thành phố lớn có tỉ lệ cơ cấu ngành dịch vụ, du lịch lớn trong cơ cấu GDP.

Cần tập trung xử lý, giải quyết các dự án, kết luận của Chính phủ, Thanh tra Chính phủ về khu Thủ Thiêm và các dự án được thanh tra khác, không được để chậm chạp, không để mang tiếng thanh tra là ảnh hưởng đến sự phát triển của Thành phố.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Để thúc đẩy TPHCM có mức tăng trưởng tốt hơn trong 6 tháng cuối năm, Thủ tướng lưu ý một số vấn đề.

Trước hết, Thủ tướng cho rằng, quan trọng nhất là kích cầu tiêu dùng bởi TPHCM là trung tâm tiêu dùng của cả nước, kích cầu tiêu dùng của Thành phố sẽ giúp kích cầu cho cả nước, lan tỏa cả nước. Thủ tướng yêu cầu TPHCM, Bộ Công Thương và các cơ quan chức năng có biện pháp mạnh mẽ để hàng hóa đến tận khu công nghiệp, đến người công nhân, đến xã, phường.

Thứ hai, Thành phố phải hướng mạnh mẽ vào lĩnh vực dịch vụ, nhất là dịch vụ bất động sản, dịch vụ tài chính ngân hàng, dịch vụ chứng khoán, dịch vụ du lịch khi mà dịch vụ chiếm trên 60% GDP.

“Tôi đề nghị các đồng chí phải thúc đẩy rõ hơn kinh tế ban đêm”, Thủ tướng nói. Theo tính toán, cứ 4 tiếng đồng hồ thêm về kinh tế ban đêm thì đóng góp từ 5-8% GDP của Thành phố. Cho nên cần tăng cường tổ chức kinh tế ban đêm, bảo đảm an ninh trật tự cho kinh tế ban đêm.

Thủ tướng hoan nghênh kinh tế số, thương mại điện tử và cũng cho đây là một biện pháp thúc đẩy tăng trưởng. Nếu toàn thành phố 12 triệu dân này sử dụng thương mại điện tử, sử dụng điện thoại thông minh… trong thanh toán, trong giao dịch thì tăng trưởng rất lớn.

Bên cạnh đó, thúc đẩy đầu tư công và đầu tư tư nhân là một kênh tăng trưởng rất lớn.

Điều quan trọng cần phải tập trung là chỉ đạo điều hành quyết liệt tháo gỡ những điểm khó. TPHCM cần quan tâm 2 điểm sau đây: Từ thực tiễn của Thành phố cần nghiên cứu để kiến nghị Chính phủ những vướng mắc khung pháp lý theo từng nhóm vấn đề để xử lý kịp thời hơn, nhưng trước hết, Thành phố phải phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm để giải quyết vấn đề vướng mắc một cách công khai, minh bạch, vì lợi ích chung. “Không phải vì một vài sai phạm mà chúng ta chùn bước trong sự phát triển của Thành phố”. Thứ hai, Thủ tướng nhắc lại một việc dù khó khăn đến đâu nếu có sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, tập trung nguồn lực, kiên trì đeo bám, kịp thời xử lý những bất cập phát sinh, sáng tạo giải pháp thì đều đạt được thành công.

Mong muốn Thành phố phát huy tinh thần tiến công cách mạng, Thủ tướng kỳ vọng Thành phố sẽ đạt mức tăng trưởng gấp 1,3 lần tốc độ tăng trưởng chung của cả nước.

Cơ bản đồng ý với các kiến nghị của TPHCM, Thủ tướng cho biết, sẽ có văn bản thông báo kết luận của Thủ tướng về các kiến nghị này để Thành phố triển khai.

Đức Tuân

chinhphu.vn

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Hà Nội: Hợp tác với doanh nghiệp để phục vụ người dân tốt hơn

DNTH: Ngày 9/12, Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) và Công ty Dịch vụ khách hàng Viettel đã ký kết biên bản phối hợp về triển khai cung...

Từ ngày 12-14/12, Bắc Bộ tiếp tục có một đợt không khí lạnh tăng cường

DNTH: Nhận định về tình hình rét ở Bắc Bộ, chiều tối 9/12, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Nguyễn Văn Hưởng cho biết: khoảng chiều và đêm 11/12, Bắc Bộ sẽ chịu tác động của một...

Thời tiết ngày 10/12: Trung Bộ có mưa to đến rất to

DNTH: Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 10/12, từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa có mưa vừa đến mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông, lượng mưa 70-150 mm. Cục bộ có nơi trên 250 mm.

Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Ban Kinh tế Trung ương

DNTH: Sáng 9/12, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đến thăm và làm việc với Ban Kinh tế Trung ương về kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng khóa XIII đến nay và phương hướng, nhiệm vụ đến hết...

Hội Nông dân Việt Nam báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả tổ chức 2 Diễn đàn Lắng nghe nông dân nói

DNTH: Thay mặt Ban Thường vụ T.Ư Hội Nông dân Việt Nam, Chủ tịch Hội NDVN Lương Quốc Đoàn vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về kết quả tổ chức Diễn đàn “Chủ tịch Hội NDVN– Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và...

Xây dựng đề án sáp nhập 2 Ban Đảng ở Trung ương

DNTH: Ban Tuyên giáo và Ban Dân vận Trung ương xây dựng đề án sáp nhập; Ban Đối ngoại Trung ương sẽ kết thúc hoạt động, chuyển nhiệm vụ về Bộ Ngoại giao.

XEM THÊM TIN