Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4

13:34 | 05/05/2023

DNTH: Sáng 5/5, tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 4 năm 2023 để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng năm; phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 5 và thời gian tới; tình hình triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; tình hình triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và một số vấn đề quan trọng khác.

img8774-16832502128571501666347
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp.

Tham dự phiên họp có các đồng chí: Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng;  Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng là Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quang ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Đồng chí Đinh Văn Ân, Trợ lý Tổng Bí thư; đại diện các cơ quan của Đảng, Quốc hội cùng dự phiên họp.

Mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết: chúng ta đã đi được 1/3 chặng đường của năm 2023 - năm bản lề, có ý nghĩa rất quan trọng trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm.

Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức cả bên trong và bên ngoài nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự vào cuộc, phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng của các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự đồng tình, ủng hộ của doanh nghiệp và người dân, sự hợp tác, hỗ trợ của bạn bè, đối tác quốc tế, chúng ta đã đạt được những mục tiêu lớn.

Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy. Lạm phát có xu hướng giảm dần qua các tháng. Thu đủ chi, thu ngân sách Nhà nước 4 tháng bằng 39,8% dự toán. Bốn tháng đầu năm, xuất siêu 6,35 tỷ USD. Xuất khẩu gần 3 triệu tấn gạo, an ninh năng lượng được bảo đảm. Thị trường lao động phục hồi, cung cầu trên thị trường lao động được bảo đảm. An sinh xã hội được bảo đảm. Quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia được giữ vững; hoạt động đối ngoại, hội nhập được mở rộng và sôi động. Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh.

Bên cạnh đó, nền kinh tế chịu các tác động từ bên ngoài do lạm phát trên thế giới có giảm nhưng còn ở mức cao, kinh tế thế giới chưa suy thoái nhưng tăng trưởng giảm, tình hình diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường. Trong nước, ổn định kinh tế vĩ mô còn nhiều thách thức, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản còn tiềm ẩn nhiều khó khăn.

Thủ tướng cho rằng, cần giữ vững bình tĩnh, khách quan trong đánh giá, nhận định, quyết tâm hơn, nỗ lực hơn, phản ứng nhanh hơn, hiệu quả hơn, đưa ra giải pháp phù hợp, thúc đẩy công việc những tháng tiếp theo tốt hơn nữa.

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tháng 4 bối cảnh thế giới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi. Là một nền kinh tế có độ mở lớn, tuy nhiên quy mô còn khiêm tốn và năng lực cạnh tranh quốc tế còn hạn chế, kinh tế nước ta tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bối cảnh kinh tế thế giới, nhất là xuất nhập khẩu, công nghiệp chế biến chế tạo, thu hút đầu tư, kinh doanh bất động sản…

Trong bối cảnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã quyết liệt, tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, ứng phó linh hoạt, hiệu quả với bối cảnh diễn biến phức tạp, khó lường, tập trung đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, ách tắc nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư, giải ngân đầu tư công, ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, bảo đảm ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, các cân đối lớn, an sinh xã hội…

Nhiều chỉ tiêu của tháng 4 đã có chuyển biến, có tín hiệu và xu hướng khả quan, đạt kết quả đáng khích lệ như: CPI tháng 4 giảm 0,34% so với tháng trước, chỉ tăng 2,81% so với cùng kỳ và có xu hướng giảm dần; khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 984 nghìn lượt người, tăng 9,9% so với tháng trước và gấp 9,7 lần cùng kỳ; cán cân thương mại duy trì xuất siêu, tháng 4 ước đạt 1,51 tỷ USD, cao hơn mức xuất siêu của tháng 3 (1,39 tỷ USD); chỉ số IIP ước tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 0,5% so với cùng kỳ; đăng ký doanh nghiệp tháng 4 chuyển biến tích cực hơn với số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt gần 16 nghìn doanh nghiệp, nhiều hơn tháng trước 12,3% về số doanh nghiệp và 6,2% về vốn…

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và nhiệm vụ trong thời gian tới. Ảnh: Chinhphu.vn.

Thị trường tiền tệ được điều hành phù hợp, chắc chắn, linh hoạt, chủ động, kịp thời; lãi suất được điều chỉnh giảm; điều hành tỷ giá phù hợp với diễn biến thị trường.  Công nghiệp có dấu hiệu phục hồi. Nông, lâm nghiệp, thủy sản ổn định và có tăng trưởng. Thương mại, dịch vụ tiếp tục xu hướng tăng cao, du lịch phục hồi nhanh.

An sinh xã hội được bảo đảm; đời sống người dân tiếp tục cải thiện, 94,4% hộ gia đình đánh giá có thu nhập trong tháng 4 không thay đổi và tăng lên so với cùng kỳ năm 2022. Các hoạt động văn hóa, thể thao diễn ra sôi nổi (nhất là trong các dịp lễ lớn vừa qua như Giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4, 1/5…). Quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia được giữ vững; hoạt động đối ngoại sôi động; thông tin truyền thông được tăng cường.

Đối với tình hình triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đến nay, giải ngân các chính sách hỗ trợ đạt hơn 86,8 nghìn tỷ đồng. Tình hình phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2023, đã phân bổ cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương là 707.044,2 tỷ đồng, trong tổng số 711.684,4 tỷ đồng được Quốc hội quyết nghị.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Dương Giang 
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Dương Giang.

Về tình hình giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2023, ước thanh toán đến ngày 30/4/2023 là 110.633,6 tỷ đồng, đạt 15,65% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2022 (18,48%) tuy nhiên về số tuyệt đối tăng gần 15 nghìn tỷ đồng (khoảng 16%) so với cùng kỳ năm 2022. Có 3 bộ, cơ quan Trung ương và 22 địa phương giải ngân trên 20% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; 45 bộ, cơ quan Trung ương và 26 địa phương giải ngân dưới mức trung bình của cả nước.

Đối với 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia, đến ngày 30/4/2023, có 47/48 địa phương đã giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển, dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023 của 3 Chương trình là 21.580,1 tỷ đồng, đạt 90% kế hoạch. Theo báo cáo của 56/63 địa phương, tổng vốn cân đối từ ngân sách địa phương bố trí thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia đến hết tháng 4 khoảng 7.644,7 tỷ đồng...

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, với phương châm “đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả” và đặc biệt là không lơ là, chủ quan, tận dụng triệt để các cơ hội có được, các bộ, ngành và địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả, thực chất, toàn diện, nhất quán các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội; bám sát quan điểm điều hành và các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kịp thời ban hành và triển khai nhanh, hiệu quả các chính sách, giải pháp tài khóa, tiền tệ, chính sách vĩ mô khác để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, bảo đảm an sinh xã hội, quyết liệt triển khai tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, khơi thông nguồn lực, thúc đẩy các động lực phát triển, nhất là các địa phương động lực, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm (6,5%); phản ứng chính sách kịp thời, chủ động trước các yếu tố rủi ro, tình huống mới phát sinh; đẩy mạnh các giải pháp trong trung và dài hạn, thực hiện 03 đột phá chiến lược...

Tập trung theo dõi sát, phân tích, dự báo tình hình thế giới, trong nước và tác động đến nước ta, nhất là chính sách của các nền kinh tế lớn, sự dịch chuyển, các xu hướng lớn toàn cầu; chủ động xử lý theo thẩm quyền, kịp thời báo cáo, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ định hướng, giải pháp phù hợp trong quản lý, chỉ đạo, điều hành tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô.

Các bộ, cơ quan và địa phương đẩy mạnh cải cách hành chính, thủ tục hành chính, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tuyệt đối không ban hành chính sách, quy định mới làm phát sinh chi phí, thủ tục, thời gian không cần thiết cho doanh nghiệp, người dân.

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ động ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ ở Trung Bộ

DNTH: Chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với gió mạnh trên biển, mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống bảo đảm kịp thời, hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại. Yêu cầu trên được Thủ...

Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh

DNTH: Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham...

Khẳng định Việt Nam độc lập, tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, đóng góp trách nhiệm, hiệu...

DNTH: Chuyến công tác tại Brazil và Cộng hòa Dominica của Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định tầm nhìn chiến lược, cam kết mạnh mẽ, đề xuất có trách nhiệm và sẵn sàng tham gia, đóng góp nhiều hơn nữa của Việt Nam đối với các...

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Thống đốc tỉnh Kanagawa (Nhật Bản)

DNTH: Tối 15/11, tiếp Thống đốc tỉnh Kanagawa (Nhật Bản) Kuroiwa Yuji - người đã được trao tặng Huân chương hữu nghị của Việt Nam và cùng đoàn đại biểu chính quyền, doanh nghiệp tỉnh thăm Việt Nam 7 lần, Thủ tướng Phạm Minh Chính...

Thủ tướng sẽ dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Brazil và thăm Dominica

DNTH: Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Phu nhân sẽ có chuyến công du Brazil dự Hội nghị thượng đỉnh G20, tiến hành các hoạt động song phương và thăm chính thức Cộng hòa Dominica.

Thủ tướng: Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt

DNTH: Chỉ rõ 5 yếu tố về thời gian, trí tuệ, khát vọng, tự lực và hội nhập, cùng 3 nội dung cần đặc biệt lưu ý để tiếp tục đổi mới giáo dục và đào tạo theo chủ trương của Đảng, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khát...

XEM THÊM TIN