Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu Ấn Độ

15:29 | 31/07/2024

DNTH: Theo đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm cấp Nhà nước tới Ấn Độ, sáng 31/7, tại thủ đô New Delhi, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã làm việc với lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu Ấn Độ trong các lĩnh vực hạ tầng, công nghệ dược, kêu gọi đầu tư các dự án lớn, công nghệ cao, có tính chất lan tỏa tại Việt Nam.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Gautam Adani, Chủ tịch Tập đoàn Adani (Ấn Độ). Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp ông Gautam Adani, Chủ tịch Tập đoàn Adani và các lãnh đạo của Tập đoàn Adani - một trong những tập đoàn lớn nhất của Ấn Độ hoạt động trong các lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông, năng lượng..., doanh thu năm tài chính 2023 đạt 2,7 tỷ USD, lợi nhuận đạt 650 triệu USD.

Chủ tịch Gautam Adani và các lãnh đạo Tập đoàn Adani cho biết, tại Việt Nam, tập đoàn đang triển khai hoạt động đầu tư tại cảng Liên Chiểu, Đà Nẵng, với tổng vốn đầu tư dự kiến đạt 2 tỷ USD. Adani mong muốn được triển khai hoạt động đầu tư năng lượng tại Bình Thuận, cụ thể là Dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 3, với tổng vốn đầu tư dự kiến đạt 2,8 tỷ USD; hợp tác với Tập đoàn SOVICO của Việt Nam đầu tư các cảng hàng không, cụ thể là Cảng hàng không Chu Lai và Long Thành, đầu tư xây dựng một trung tâm logistics tại Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao mô hình hoạt động, quy mô, tầm nhìn, vai trò của Tập đoàn Adani đóng góp vào sự phát triển kinh tế tại Ấn Độ và các quốc gia khác mà tập đoàn có chi nhánh; kết quả hoạt động của tập đoàn tại Việt Nam trong thời gian qua; hoan nghênh dự định hợp tác, đầu tư, mở rộng đầu tư của tập đoàn tại Việt Nam trong thời gian tới. Cho biết Việt Nam đang thực hiện 3 đột phá chiến lược để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội gồm thể chế, hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng thiết yếu tại Việt Nam như đường bộ cao tốc, sân bay, cảng biển, đường sắt cao tốc, tàu điện ngầm, metro, các trung tâm logistics…

Thủ tướng đề nghị Adani đầu tư về vốn và đưa vào Việt Nam công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Đối với Dự án cảng Liên Chiểu đang có một số vướng mắc về thủ tục do điều chỉnh chủ trương đầu tư, Thủ tướng Chính phủ đề nghị tập đoàn phối hợp với UBND thành phố Đà Nẵng, Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan, địa phương liên quan để trao đổi, xử lý những tồn tại giữa các bên, theo hướng Adani đầu tư 100% vốn phát triển hạ tầng cảng và tham gia liên doanh khai thác cảng, các dịch vụ logistics, trung tâm thương mại…

Chú thích ảnh
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Gautam Adani, Chủ tịch Tập đoàn Adani (Ấn Độ). Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh Adani hợp tác với SOVICO đầu tư các cảng hàng không và dịch vụ logistics tại Việt Nam, trước mắt đầu tư xây dựng Cảng hàng không Chu Lai, nghiên cứu tham gia giai đoạn 2 Cảng hàng không Long Thành; đề nghị Adani làm việc với Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải, Tập đoàn SOVICO để nghiên cứu, triển khai, với tinh thần "đã nói phải làm, đã cam kết phải thực hiện, đã thực hiện phải có kết quả cụ thể, thực chất".

Về hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, Thủ tướng cho biết Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh nhằm hiện thực hóa mục tiêu cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) về giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050; phê duyệt quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có phát triển các nguồn năng lượng như điện gió, điện Mặt Trời, hydrogen xanh...

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị tập đoàn tiếp tục trao đổi, làm việc với Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các bộ, ngành, địa phương liên quan về dự án; cho biết Chính phủ Việt Nam luôn ủng hộ, sẵn sàng tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, trong đó có các doanh nghiệp Ấn Độ và Tập đoàn Adani; đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi để tập đoàn triển khai các hoạt động đầu tư kinh doanh có hiệu quả, thành công và bền vững tại Việt Nam.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông P. Ramesh Babu, Chủ tịch, Giám đốc điều hành Tập đoàn dược phẩm SMS Pharmaceuticals. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã làm việc với lãnh đạo Liên doanh Tập đoàn SMS Pharmaceuticals và Công ty Sri Avantika Contractors đang hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng, dược phẩm, cơ sở hạ tầng, thương mại… Tại Việt Nam, SMS Pharmaceuticals và Sri Avantika Contractors đã thành lập liên doanh với công ty Việt Nam để phát triển Khu Công nghiệp Dược phẩm tại khu Kinh tế Nghi Sơn, Thanh Hóa.

Tại cuộc làm việc, đánh giá cao môi trường đầu tư tại Việt Nam, ông Ramesh Babu, Chủ tịch, Giám đốc điều hành Tập đoàn SMS Pharmaceuticals và Giám đốc điều hành Công ty Sri Avantika Contractors bày tỏ mong muốn Chính phủ quan tâm, tạo điều kiện để phê duyệt và phát triển dự án. Cụ thể, Liên doanh mong muốn có mặt bằng sạch khoảng 500 ha để đầu tư xây dựng một công viên dược tại Việt Nam, với tổng số vốn đầu tư khoảng 700 triệu đến 1 tỷ USD giai đoạn 1 và mở rộng, thu hút đầu tư thêm từ 4-5 tỷ USD trong từ 10 đến 12 năm.

Đánh giá cao kết quả hoạt động kinh doanh của Tập đoàn SMS Pharmaceuticals và Sri Avantika Contractors trong lĩnh vực dược phẩm sinh học tại Ấn Độ và những đóng góp của tập đoàn trong việc sản xuất thuốc điều trị ung thư, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hoan nghênh những kết quả đã đạt được cũng như dự định hợp tác, đầu tư, hỗ trợ, chuyển giao công nghệ của tập đoàn với Việt Nam trong thời gian tới.

Cho biết, Việt Nam có nguồn nguyên liệu dược dồi dào, song công nghiệp sản xuất thuốc, dược phẩm còn hạn chế, trong khi với thị trường 100 triệu dân, Việt Nam nhập khẩu 33% dược phẩm từ Ấn Độ, Thủ tướng đề nghị Tập đoàn SMS Pharmaceuticals và Sri Avantika Contractors tiếp tục trao đổi, làm việc với Bộ Y tế và các bộ, ngành, địa phương liên quan để triển khai các nội dung hợp tác, đầu tư tại Việt Nam; thúc đẩy chuyển giao công nghệ, phát triển ngành công nghiệp dược, xây dựng hệ sinh thái công nghiệp dược tại Việt Nam, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước, giảm nhập khẩu mà còn xuất khẩu đi các thị trường trong khu vực và thế giới.

Thủ tướng cho biết Việt Nam áp dụng ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với các dự án có quy mô vốn lớn, giải ngân nhanh và đáp ứng các tiêu chí về công nghệ cao, chuyển giao công nghệ, tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị gia tăng cao; khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn ủng hộ, sẵn sàng tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp Ấn Độ; đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi để tập đoàn triển khai các hoạt động đầu tư kinh doanh có hiệu quả, thành công và bền vững tại Việt Nam trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".

Chú thích ảnh
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Dharmesh Shah, Chủ tịch sáng lập, Giám đốc điều hành Tập đoàn dược phẩm BDR. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Tiếp đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã làm việc với ông Dharmesh Shah, Chủ tịch, người sáng lập Tập đoàn BDR và các lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn BDR - hoạt động trong lĩnh vực sản xuất dược phẩm, thuốc về ung thư, chăm sóc đặc biệt, da liễu, phụ khoa, tim mạch tại nhiều nước và đã thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam từ năm 2022, hiện đang cung cấp nguyên liệu dược phẩm đầu vào bào chế thuốc điều trị ung thư cho một số nhà máy tại Việt Nam.

Chủ tịch Dharmesh Shah và các lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn BDR mong muốn Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thúc đẩy việc phê chuẩn cấp phép phân phối các loại thuốc điều trị một số loại bệnh ung thư như ung thư tuyến tiền liệt, ung thư vú,… tại thị trường Việt Nam; triển khai hợp tác về việc sản xuất thuốc và chuyển giao công giao sản xuất dược phẩm; hỗ trợ các cơ sở nhà máy sản xuất thuốc đã được cấp giấy chứng nhận GMP của Việt Nam về đạt tiêu chuẩn EU-GMP và WHO-GMP; xây dựng trung tâm dữ liệu.

Đánh giá cao hoạt động kinh doanh hiệu quả của các tập đoàn và liên doanh trong lĩnh vực dược phẩm sinh học tại Ấn Độ và những đóng góp của tập đoàn trong việc sản xuất thuốc điều trị ung thư; hoan nghênh dự định hợp tác, hỗ trợ, chuyển giao công nghệ của tập đoàn với Việt Nam trong thời gian tới; Thủ tướng Chính phủ đề nghị tập đoàn tiếp tục trao đổi, làm việc với Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan triển khai các dự án, chương trình hợp tác cụ thể, trong đó nghiên cứu đầu tư các dự án quy mô vốn lớn, công nghệ cao, đồng thời chuyển giao công nghệ, tạo việc làm, xây dựng hệ thống phân phối trong nước và thúc đẩy chuỗi phân phối toàn cầu, trên tinh thần "đã bàn, đã thống nhất phải làm; đã làm phải có sản phẩm; sản phẩm phải tiêu thụ được; mang lại lợi ích của tất cả các bên liên quan, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".

Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn ủng hộ, sẵn sàng tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, trong đó có các doanh nghiệp Ấn Độ và Tập đoàn BDR; đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi để tập đoàn triển khai các hoạt động đầu tư kinh doanh có hiệu quả, thành công và bền vững tại Việt Nam.

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Tổng thống Bulgaria kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Việt Nam

DNTH: Tối 27/11, Tổng thống Bulgaria Rumen Radev rời TP Hồ Chí Minh, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường.

Sắp xếp lại tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ phải gắn với nhiệm vụ tăng tốc bứt phá

DNTH: Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ yêu cầu: Bộ máy mới phải tốt hơn bộ máy cũ và đi vào hoạt động ngay, không để ngắt quãng công việc, không được khoảng trống thời gian; không để bỏ trống địa bàn, lĩnh vực; không để ảnh...

Một số tồn tại, vi phạm trong tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp tại Bộ Giao thông vận tải

DNTH: Thanh tra Chính phủ vừa có thông báo kết luận thanh tra việc tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh...

Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân lên đường thăm chính thức Malaysia

DNTH: Nhận lời mời của Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim và Phu nhân, sáng 21/11, Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân Ngô Phương Ly cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Thủ đô Hà Nội, lên đường thăm chính thức Malaysia từ ngày 21 đến...

Việt Nam tham gia sáng lập Liên minh toàn cầu chống đói nghèo

DNTH: Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G20, Việt Nam đã tham gia sáng lập Liên minh toàn cầu chống đói nghèo và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề xuất ba bảo đảm chiến lược cho công cuộc xóa bỏ đói nghèo trên toàn cầu.

Tri ân các thế hệ nhà giáo, Học viện Báo chí và Tuyên truyền khẳng định vị thế trong đào tạo báo chí

DNTH: Ngày 18/11, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024).

XEM THÊM TIN