Toàn cầu hóa trong giai đoạn mới và một số vấn đề đặt ra cho Việt Nam
17:08 | 24/08/2022
DNTH: Toàn cầu hóa là bệ đỡ cho sự thành công của nhiều nền kinh tế như Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, hay Trung Quốc, góp phần mang lại sự phát triển thần kỳ của các quốc gia này trong giai đoạn vừa qua. Toàn cầu hóa cũng là bối cảnh tạo nhiều thuận lợi cho sự phát triển của Việt Nam trong hơn 35 năm qua, đặc biệt kể từ khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO vào năm 2006.
Tuy nhiên, những diễn biến gần đây liên quan đến chủ nghĩa dân tộc và bảo hộ cho thấy có những lực cản đối với toàn cầu hóa. Bối cảnh đó đặt ra những thách thức đối với bài toán tăng trưởng kinh tế của các nước đang phát triển như Việt Nam.
1. Toàn cầu hóa trong giai đoạn vừa qua
Nếu tính từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, thế giới vừa trải qua làn sóng toàn cầu hóa thứ hai(1), bắt đầu từ sau thế chiến thứ hai, và bùng nổ từ đầu những năm 1970, đặc biệt từ 1990. Toàn cầu hóa bùng nổ nhờ sự phát triển về công nghệ, cụ thể công nghệ vận tải và công nghệ thông tin liên lạc. Từ 1990, sự trở lại và tham gia của các quốc gia Đông Âu, Liên Xô cũ, và các nước khối XHCN đã giúp thương mại toàn cầu đạt được độ bao phủ gần như tối đa về mặt địa lý. Giai đoạn 1990-2010 cũng là đỉnh cao của làn sóng toàn cầu hóa thứ hai này.
Trong giai đoạn đỉnh cao của mình, toàn cầu hóa với tư cách là bệ đỡ của các nền kinh tế dựa trên xuất khẩu có thể được tóm tắt bởi những đặc trưng sau.
Thứ nhất, toàn cầu hóa không chỉ về thương mại, mà là sự kết nối sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực tài chính, lao động, tri thức, khoa học công nghệ. Toàn cầu hóa trong thương mại luôn đi liền với toàn cầu hóa trong các lĩnh vực khác như vốn, lao động, công nghệ, tri thức. Để minh họa, giao dịch tài chính quốc tế đến thời điểm năm 2017 đã đạt con số xấp xỉ 400% GDP, so với 40-60% GDP của kim ngạch thương mại. Theo số liệu của các tổ chức quốc tế IMF, BIS (Bank of International Settelements)(2), năm 2017, dòng chảy nhập cư sang các nước giàu xấp xỉ 5,5 triệu người, và con số này vẫn tăng; cùng với dòng nhập cư là tri thức và kỹ năng mà lực lượng này tích lũy được.
Thứ hai, mặc dù có hàng nghìn “hành lang” thương mại song phương và đa phương giữa các nước trên thế giới, các dòng chảy toàn cầu hóa giữa các nước lớn và thương mại nội khu vực vẫn giữ vai trò chủ đạo. Có thể thấy các nước phát triển vẫn giữ vai trò chủ đạo trong toàn cầu hóa, và các dòng chảy song phương vẫn chủ yếu giữa các nước này. Theo số liệu của BIS, cho tới năm 2017, độ mở thương mại ở các nước phát triển là xấp xỉ 600% GDP, trong khi độ mở đó tại các nước đang phát triển là từ 200-300% GDP. Độ mở tài chính của các nước phát triển cũng lớn hơn nhiều so với các nước đang phát triển, xấp xỉ 6 lần so với chỉ từ 1,5-2 lần ở các nước đang phát triển. Các dòng chảy thương mại và tài chính vẫn chủ yếu diễn ra giữa các nước/khu vực phát triển với nhau. Thương mại quốc tế song phương nội bộ khu vực các nước châu Âu phát triển chiếm 20% GDP toàn khu vực; giữa khu vực này và các nước phát triển khác chiếm 7,7%; giữa khu vực này và các nước châu Á mới nổi là 1,9% GDP hai khối(3).
Thứ ba, vai trò của các nước mới nổi và chuỗi giá trị toàn cầu ngày càng chủ động. Dù còn khiêm tốn, vai trò của các nước mới nổi với sự tồn tại của chuỗi giá trị toàn cầu (GVCs) ngày càng lớn. Theo BIS, thương mại song phương giữa các nước EME (Emerging Market Economy-các nền kinh tế mới nổi) và các nước khác đang tăng từ dưới 20% GDP toàn cầu lên trên 30% GDP toàn cầu. Trong khi đó, thương mại song phương giữa các nước phát triển (AE-Advanced Economy) với nhau ngày càng giảm, từ 35-40% xuống dưới 30%. Tương thích với điều đó, đóng góp của khối EME vào thương mại toàn cầu ngày càng tăng, từ 5% năm 1965 lên 30% giai đoạn 2010 đến nay. Nếu xu thế các chuỗi giá trị toàn cầu ngày càng phổ biến, có thể thấy, vai trò của các nước mới nổi sẽ ngày càng tăng trong bản đồ thương mại thế giới.
Thứ tư, vai trò của dịch vụ trong thương mại toàn cầu ngày càng gia tăng. Trong thương mại quốc tế, các lĩnh vực chính cách đây 20 năm như sản xuất, thực phẩm, dịch vụ vẫn đóng vai trò quan trọng tại thời điểm 2017. Điều đáng chú ý là dịch vụ đóng vai trò ngày càng lớn trong các dòng chảy thương mại toàn cầu, từ xấp xỉ 5% năm 1985 đến gần 15% năm 2017. Trong mười năm qua, giá trị thương mại nói chung giảm từ trên 60% GDP xuống dưới 60% GDP, FDI giảm từ 3% xuống còn 1% GDP, và các khoản nợ quốc tế giảm từ trên 50% GDP xuống còn 30% GDP kể từ khủng hoảng tài chính năm 2008. Trong thập kỷ qua, lợi nhuận của các công ty đa quốc gia cũng giảm từ trên 30% xuống mức 25-30%.
Song toàn cầu hóa cũng cho thấy một số dấu hiệu mới rất đáng quan tâm là:
Thứ nhất, toàn cầu hóa đang có dấu hiệu chậm lại.
Những biểu hiện của xu hướng suy giảm của toàn cầu hóa bắt đầu từ sau cuộc khủng hoảng toàn cầu 2007-2009, do nhiều nguyên nhân, như: chi phí vận tải không giảm đáng kể, thuế quan tăng lên do xu hướng bảo hộ, lợi nhuận của các công ty đa quốc gia ngày càng giảm, các nước mới nổi ngày càng chủ động trong công nghệ và sản xuất các yếu tố đầu vào, ít phụ thuộc vào nhập khẩu hơn. Một nguyên nhân quan trọng nữa là dịch vụ ngày càng đóng vai trò lớn trong toàn cầu hóa, và bản thân nó không phải là đối tượng có thể dễ dàng dịch chuyển xuyên biên giới(4). Đối với các thiết chế hỗ trợ toàn cầu hóa, cuộc khủng hoảng toàn cầu 2007-2009 cũng giáng một đòn mạnh vào các hoạt động tài chính toàn cầu mà cho đến nay sự phục hồi vẫn còn rất hạn chế, và các định chế tài chính trở nên cẩn trọng hơn đối với các hoạt động trong khuôn khổ toàn cầu hóa.
Thứ hai, cuộc chiến tranh thương mại Trung-Mỹ có thể là một lực lượng định hình toàn cầu hóa trong giai đoạn sắp tới.
Toàn cầu hóa đã bị ảnh hưởng sâu sắc bởi chiến tranh thương mại Trung-Mỹ hiện nay. Trong tháng 5-2019, Mỹ đã công bố gói hàng nhập khẩu hơn 300 tỷ USD với 3.805 mặt hàng của Trung Quốc có thể bị áp thuế lên đến 25%. Để trả đũa, Trung Quốc cũng tuyên bố áp thuế lên gói hàng hóa hơn 60 tỷ USD của Mỹ(5). Tháng 6-2019, hai nước lại có những động thái để tiến tới đàm phán tìm giải pháp. Có thể khẳng định, đây không phải là các diễn biến có tính thời điểm, mà các “tranh chấp” thương mại như thế sẽ có vai trò định hình đối với cục diện thế giới mới. Cuộc chiến nổ ra trong bối cảnh Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Trung Quốc đã xây dựng được một vị thế thương mại vững chắc trên thị trường toàn cầu hóa.
Để củng cố vị trí của mình, gần đây Trung Quốc có một tiếp cận kinh tế chính trị với chiến lược Vành đai-Con đường. Chiến lược này xây dựng một hệ thống các hành lang kinh tế-thương mại quốc tế, vừa mang tính đa phương vừa mang tính song phương. Với chiến lược này, Trung Quốc đang xây dựng một “nền tảng” hợp tác quốc tế, trong đó Trung Quốc là người điều phối và đưa ra luật chơi, làm đối trọng với các nền tảng song phương và đa phương đã được thiết lập bởi phương Tây. Thông qua chiến lược này, Trung Quốc có thể trực tiếp hóa và làm sâu sắc các ảnh hưởng của mình đối với các nước liên quan và trên trường quốc tế nói chung.
Trung Quốc cũng đang đầu tư và có những bước tiến mạnh mẽ trong phát triển khoa học, công nghệ nhằm nỗ lực chuyển đổi mô hình kinh tế của mình theo hướng đổi mới sáng tạo. Một khi Trung Quốc chiếm lĩnh được vị trí hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ, thì có thể khẳng định vị thế hàng đầu của mình trên trường quốc tế.
Cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ có thể sẽ là dài hạn chứ không phải ngắn hạn. Với vị thế như thế của Trung Quốc, nếu không thể đảo ngược quá trình toàn cầu hóa, Mỹ sẽ phải có tiếp cận toàn diện trên nhiều mặt, nhất quán và bền bỉ. Và như vậy, cuộc cạnh tranh thương mại Trung-Mỹ có thể sẽ góp phần đáng kể định hình quá trình toàn cầu hóa trong giai đoạn tới. Trong ngắn hạn, cuộc chiến này có thể làm cho toàn cầu hóa trở nên thu hẹp hơn, và không chỉ trong thương mại, tài chính mà cả trong công nghệ, tri thức.
2. Một số dự báo về toàn cầu hóa trong giai đoạn mới
Toàn cầu hóa sẽ diễn ra trên nền của các vấn đề của mô thức toàn cầu hóa cũ, chiến tranh thương mại Trung-Mỹ, và các biến đổi công nghệ. Cụ thể là:
Thứ nhất, với xu thế dịch vụ đóng vai trò ngày càng lớn trong hoạt động kinh tế toàn cầu, có thể khẳng định rất khó để khôi phục mức độ toàn cầu hóa của các hoạt động trao đổi các hàng hóa truyền thống. Xu thế này diễn ra trong bối cảnh lao động giá rẻ và tài sản vật lý trở nên ít quan trọng hơn. Toàn cầu hóa, nếu có khôi phục mức độ ban đầu của nó và mở rộng thêm, sẽ diễn ra đối với các hoạt động kinh tế khác.
Thứ hai, trong khi phần lớn các hoạt động truyền thống của toàn cầu hóa bị thu hẹp, một số hoạt động mới trở nên phổ biến và tăng trưởng với tốc độ chóng mặt, đặc biệt đối với các hoạt động dựa trên nền tảng số và trực tuyến. Theo The Economist (The Economist, 2019), khối lượng hàng hóa qua đường bưu điện (bưu kiện) tăng từ 50 triệu tấn năm 2007 lên hơn 150 triệu tấn năm 2017; lượng dữ liệu lưu thông quốc tế tăng 64 lần từ năm 2007 đến 2017; doanh thu từ vận tải hàng không quốc tế cũng tăng hơn 2,5 lần từ năm 2007; và dịch chuyển lao động (nhập cư sang các nước phát triển hơn) vẫn giữ xu hướng tăng (hiện đạt gần 5,5 triệu người).
Trong số các hoạt động trên, chỉ có dịch chuyển lao động và nhập cư là một hoạt động có tính thường xuyên của toàn cầu hóa. Điều này cho thấy, xu hướng di cư quốc tế là bền vững, đặc biệt đối với lao động có kỹ năng sang các nước phát triển. Lưu lượng băng thông tăng phi mã cho thấy xu hướng chủ đạo của tương lai là toàn cầu hóa sẽ thông qua không gian mạng.
Thứ ba, xu thế toàn cầu hóa ở cấp độ khu vực (regional globalisation) sẽ tiếp tục phát triển, đặc biệt trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ và chiến tranh thương mại Trung - Mỹ. Xu thế này thịnh hành lâu nay có thể do các nguyên nhân liên quan đến hiệu quả kinh tế; nguyên nhân đó vẫn tiếp tục thúc đẩy các hoạt động toàn cầu hóa ở các khu vực. Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Trung-Mỹ, khi các định chế thương mại toàn cầu có thể trở thành vũ khí để các bên hạn chế nhau (ví dụ luật chống độc quyền, môi trường, v.v.), các tiếp cận song phương và khu vực sẽ đóng vai trò quan trọng hơn.
Thứ tư, các định chế tài chính có thể sẽ thay đổi để đáp ứng các nhu cầu toàn cầu hóa mới. Ví dụ, với việc Mỹ thu hẹp các hoạt động toàn cầu hóa của mình, hệ thống thanh toán USD có thể dần mất đi vai trò chủ đạo; thay vào đó là các hệ thống thanh toán khác, hoặc một hệ thống hoàn toàn mới (tương tự bitcoin) có thể sẽ nắm vai trò quan trọng hơn.
Thứ năm, toàn cầu hóa sẽ diễn ra sâu rộng hơn khi thế giới tìm thấy một động lực mới cho nó, nhưng động lực đó sẽ không phải là các lĩnh vực truyền thống. Các lĩnh vực đó sẽ liên quan đến công nghệ, đổi mới sáng tạo, dịch vụ trực tuyến,... Trên cơ sở đó có thể thấy, sẽ có sự biến chuyển về chất trong các sản phẩm mà các nước phát triển sản xuất trong chuỗi giá trị toàn cầu. Cuối cùng, với xu thế toàn cầu hóa như vậy, phương thức giải quyết các vấn đề toàn cầu như xã hội, môi trường, biến đổi khí hậu sẽ là một câu hỏi. Tại thời điểm này, chúng ta có thể nhận định rằng, các vấn đề này sẽ có thể được giải quyết ở cấp độ khu vực.
3. Một số vấn đề đặt ra đối với bài toán tăng trưởng của Việt Nam
Mô thức toàn cầu hóa mới như phân tích ở trên là bối cảnh cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam, đặt ra những thách thức và cả cơ hội đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Về thách thức, trước hết, có thể thấy rằng mô hình tăng trưởng dựa trên xuất khẩu đang gặp những bất lợi. Toàn cầu hóa đã mang lại nhiều điều kiện có lợi cho mô hình này, bao gồm thuế quan thấp, các rào cản thể chế được tối thiểu hóa để tạo ra một thị trường toàn cầu tự do và rộng mở, các thiết chế tài chính tham gia sâu và hỗ trợ toàn cầu hóa tối đa, và các quốc gia (đặc biệt là Mỹ) thể hiện sự bao dung với nhau trong các chính sách tiền tệ. Nhưng hiện nay, các điều kiện này đã trở nên thiếu thuận lợi hơn với cách tiếp cận mới chặt chẽ hơn đối với toàn cầu hóa của các nước lớn.
Thứ hai, trong cách thức mới của mình, toàn cầu hóa sẽ tập trung vào dịch vụ và đặc biệt trên nền tảng số; các sản phẩm nói chung cũng sẽ có yêu cầu cao hơn về mặt đổi mới, sáng tạo và hàm lượng công nghệ. Nền tảng số, đổi mới sáng tạo, và tri thức nói chung đang là điểm yếu của Việt Nam, đòi hỏi Việt Nam cần có một tiếp cận nghiêm túc và bền bỉ để có thể hưởng lợi từ cách thức toàn cầu hóa mới.
Thứ ba, Việt Nam cũng phải đổi mới với thực tế rằng các thị trường toàn cầu “tự do, rộng mở” được tạo nên bởi các giao thức đa phương sẽ không còn dễ dàng như trước nữa. Việt Nam sẽ phải cụ thể hơn trong việc hiện thực hóa các cơ hội của mình.
Về cơ hội, phải nhận định rằng, trong giai đoạn toàn cầu hóa thu hẹp do hiệu quả kinh tế nói chung và hiệu quả của các tập đoàn đa quốc gia nói riêng (như đã phân tích ở trên), thì cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam phát triển và lớn mạnh. Các doanh nghiệp sẽ phải chú ý hơn tới phục vụ thị trường trong nước (bị bỏ ngỏ do các tập đoàn đa quốc gia thu hẹp hoạt động ở nước ngoài) và sau đó là vươn ra thị trường toàn cầu.
Song song với thách thức về nền tảng đổi mới sáng tạo là cơ hội để Việt Nam có thể tham gia vào những nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, khi tài sản trí tuệ lại là một lợi thế cạnh tranh của Việt Nam. Các nền tảng số làm thế giới phẳng hơn cho việc giao lưu, trao đổi tri thức, thu hẹp khoảng cách của Việt Nam và các nước phát triển.
Các hoạt động dịch vụ, đặc biệt là du lịch, có thể là lợi thế so sánh tự nhiên của Việt Nam, và trong bối cảnh các hoạt động truyền thống của toàn cầu hóa (ví dụ, sản xuất xuyên quốc gia) bị thu hẹp, các nguồn lực sẵn có về dịch vụ có thể giúp Việt Nam tham gia vào quá trình toàn cầu hóa một cách công bằng hơn.
Nhiều phân tích đã chỉ ra rằng, toàn cầu hóa đang trong giai đoạn quá độ chuyển sang một mô thức mới. Mặc dù đang có sự chậm lại, toàn cầu hóa là một xu thế tất nhiên do các quy luật kinh tế chi phối. Việc đảo ngược quá trình này, nếu diễn ra, chỉ là quá trình tạm thời, và trong quá trình đó, toàn cầu hóa sẽ tìm ra mô hình và phương thức mới cho mình. Trong mô thức mới đó, các hoạt động dịch vụ và dựa trên nền tảng số sẽ đóng vai trò lớn, có thể là chủ đạo.
Quá trình quá độ này của toàn cầu hóa đặt ra những thách thức nhưng cũng tạo ra các cơ hội cho nhiệm vụ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Trước những thách thức và cơ hội, Việt Nam cần có các tiếp cận phù hợp:
Thứ nhất, Việt Nam cần nhận thức rõ các khó khăn mà toàn cầu hóa đặt ra đối với mô hình tăng trưởng dựa trên xuất khẩu. Khi việc tiếp cận các thị trường toàn cầu là cần thiết, Việt Nam cần có các giải pháp cụ thể đối với vấn đề thuế quan, rào cản thể chế, sự thắt chặt về các chính sách tài chính, tiền tệ trên phạm vi toàn cầu để có thể tiếp tục mô hình xuất khẩu hiệu quả.
Thứ hai, khi các khuôn khổ đa phương đang gặp vấn đề với các tiếp cận chặt chẽ hơn của các nước lớn, Việt Nam cần quan tâm nhiều hơn đến các khuôn khổ khu vực và song phương. Việt Nam phải nắm rõ các nhu cầu của mình cũng như đối tác để có các tiếp cận cụ thể và thực tế.
Thứ ba, Việt Nam không thể đứng ngoài xu thế toàn cầu hóa tập trung vào dịch vụ và dựa trên các nền tảng số, đổi mới sáng tạo và công nghệ. Với giả định như thế, Việt Nam cần có các tiếp cận quyết liệt để xây dựng các nền tảng số và công nghệ, đồng thời chủ động trong việc xây dựng khu vực dịch vụ theo hướng phục vụ toàn cầu hóa.
Việt Nam cần tận dụng sự thu hẹp của toàn cầu hóa nói chung và các công ty đa quốc gia nói riêng, phát triển mạnh mẽ hệ thống doanh nghiệp Việt Nam để trước hết phục vụ thị trường trong nước, và lớn mạnh để kịp tham gia chu kỳ mới của toàn cầu hóa.
Trong ngắn hạn, Việt Nam cần chú ý các diễn biến cạnh tranh thương mại Trung-Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư và công nghệ cũng như các hiệu ứng phụ mà căng thẳng tác động tới Việt Nam với tư cách là một nước trong vùng đệm của Trung Quốc để có các biện pháp phù hợp và tận dụng tối đa lợi thế cạnh tranh của mình. Trong trung hạn và dài hạn, cần nhận thức được căng thẳng Trung - Mỹ có tính chiến lược chứ không phải nhất thời, và trên cơ sở đó có tiếp cận phù hợp.
Về tổng thể, các tiếp cận của Việt Nam cần đồng bộ và toàn diện, để giải quyết một cách cụ thể nhất các vướng mắc và tận dụng triệt để các cơ hội mà giai đoạn hiện nay của toàn cầu hóa mang lại.
___________________
(1) Làn sóng thứ nhất bắt đầu từ thế kỷ XIX, và đạt đỉnh vào khoảng thời gian ngay trước Thế chiến thứ nhất (năm 1914).
(2) “Ngân hàng Trung ương của các Ngân hàng Trung ương”, có trụ sở tại Thụy Sĩ.
(3) Đối với các nước mới nổi, thương mại song phương vẫn chủ yếu diễn ra giữa chính các nước này. Thương mại song phương của các nước châu Á mới nổi với chính bản thân các nước trong khối chiếm 12% GDP, nhiều hơn thương mại song phương giữa các nước này với các nước ngoài khối. Tuy vậy, tài chính giữa các nước này chủ yếu là với các nước đã phát triển.
(4) Trang thiết bị y tế có thể được nhập khẩu từ nước này sang nước khác, nhưng bác sỹ phẫu thuật thì khó hơn.
(5) https://tuoitre.vn/trung-quoc-doa-chien-toi-cung-my-cong-bo-danh-sach-ap-thue.
Tài liệu tham khảo:
1. BIS (Bank of International Settelements), Báo cáo kinh tế thường niên (Annual Economic Report) [Report] - 2017.
2. CISI (Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược quốc tế), Sáng kiến Vành đai - Con đường sẽ thúc đẩy lợi ích của Trung Quốc thể nào? (How will the Belt and Road Initiative advance China’s interests?) [Report]. 2017.
3. IMF Dữ liệu (Data), [Online], https://data.imf.org.
4. The Economist The Global List [Journal]. 2019.
5. World bank (WB) Dữ liệu (Data), [Online]. https://data.worldbank.org.
Nguồn: TC Việt Nam Hội Nhập
TS Đậu Hương Nam - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Cùng chuyên mục
- Tags:
- toàn cầu hoá /
- Chia sẻ:
- Bình luận (0)
Thị trường tiềm năng xuất khẩu viên nén gỗ của doanh nghiệp Việt Nam lớn như thế nào?
DNTH: Ông Olaf Naehrig, kỹ sư trưởng Tập đoàn KAHL: Ngành viên nén Việt Nam cần thúc đẩy mở cửa thị trường tại Châu Âu. Bởi vì đây mới là khu vực tiêu thụ nhiều viên nén nhất trên thế giới.
'Sự thật Việt Nam đã thành nước Tự do, Độc lập'
DNTH: Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố trước quốc dân, đồng bào và toàn thế giới ngày 2/9/1945 đã khẳng định Việt Nam là một quốc gia tự do, độc lập. Ở đó người dân có quyền sống, quyền tự do, quyền mưu...
Kinh tế Việt Nam qua góc nhìn quốc tế: Những điểm nhấn trên thị trường vốn
DNTH: Tháng 8/2024, kinh tế Việt Nam tiếp tục đón nhận nhiều đánh giá tích cực. Ngân hàng Thế giới (WB) đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2024 lên 6,1% từ mức 5,5% trước đó. Tăng trưởng trong hai năm 2025 và 2026...
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Biểu tượng của độc lập, tinh thần dân tộc, lòng yêu nước và ý chí kiên cường
DNTH: "Đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung, cộng đồng người Việt Nam ở Trung Quốc nói riêng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là biểu tượng của độc lập, của tinh thần dân tộc, tinh thần yêu nước, ý chí bất...
Những quy định mới trong kinh doanh bất động sản
DNTH: Cả 3 bộ luật có ảnh hưởng trực tiếp đến ngành bất động sản (Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh Bất động sản 2023 và Luật Đất đai 2024) đã có hiệu lực góp phần quan trọng, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, giúp thị trường...
Doanh nghiệp xuất khẩu cần lưu ý gì trong vụ kiện phòng vệ thương mại?
DNTH: Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ngày càng đối mặt với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại (PVTM) mới từ các quốc gia nhập khẩu, đòi hỏi cần có những biện pháp ứng phó kịp thời. Phóng viên báo Tin tức đã trao đổi với...
Đọc nhiều
Đô thị cuộc sống
-
Năm 2025, Hà Nội đặt mục tiêu giải quyết việc làm mới cho 169.000 lao động
-
Lo thua lỗ, nhà vườn giảm số lượng hoa Tết
-
Hơn 13.500 trường hợp vi phạm giao thông bị xử lý ngày đầu năm mới
-
Nỗ lực vì TP. Pleiku “văn minh-xanh, sạch, đẹp”
-
Những tuyến phố đắt nhất Hà Nội theo bảng giá mới năm 2025
-
Hà Nội đề xuất duy trì Sở GTVT, Sở Xây dựng khi sắp xếp bộ máy
Sống khỏe
-
Herbalife khảo sát 'New Year, New Me' về nâng cao thể chất của người Việt Nam năm 2025
-
Người dân có thể mua thuốc trực tuyến trên ứng dụng VNeID
-
Đảng bộ Bệnh viện đa khoa Vân Đình hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2024
-
Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp: Nỗ lực nâng cao chất lượng khám chữa bệnh
-
Đã có vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết tại Thu Cúc TCI
Thị trường
-
Ô tô cũ ế ẩm, giới buôn “có lời là bán”
-
"Lướt sóng" bất động sản thời điểm này 90% là thất bại
-
Ninh Thuận bứt phá ngoạn mục, trở thành “mỏ vàng” trong mắt nhà đầu tư
-
Bất động sản Việt Nam vẫn hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài
-
M&A bất động sản phía Nam nhộn nhịp trong mùa dịch
-
Ô tô giảm giá “chạy” tháng ngâu
Ý kiến bạn đọc...