Nguyễn Tuấn Anh (SN 1987), trú thôn Tân Bình, xã Sơn Ninh cho biết, thời gian cận Tết, các sản phẩm do cơ sở anh làm luôn cháy hàng. “Lúc đầu em tính thuê cửa hàng mở phòng tranh gỗ ở thị trấn Phố Châu để bán dịp Tết. Tuy nhiên, ý tưởng đó đã không thực hiện được vì các sản phẩm của em vừa làm xong đã có người đến mua hoặc đặt ngay khi vừa được giới thiệu trên mạng xã hội. Có ngày hai vợ chồng em bán từ 5 đến 10 bức tranh”, Tuấn Anh cho hay.
Nhờ bàn tay khéo léo của những người thợ, những gốc cây xù xì, những miếng gỗ tưởng như phải vứt bỏ đã được biến hoá thành các tác phẩm nghệ thuật độc đáo.
“Em mồ côi bố khi vừa lên 7 tuổi. Một mình mẹ phải nuôi 6 anh chị em nên cuộc sống rất khó khăn. Học xong THPT (2006), em vào Nam học nghề mộc mỹ nghệ nhưng vì phải lo cuộc sống cho gia đình nên sau 2 tháng em đành phải nghỉ học để đi làm kiếm tiền lo trang trải” Anh kể.
Để tiếp tục với niềm đam mê nghệ thuật điêu khắc, thời gian rảnh rỗi anh thường đến các xưởng mộc để học lỏm từ các người thợ. Khi đã tích lũy được một ít vốn trong quá trình đi làm thuê, năm 2014 anh quyết định về quê tự mở xưởng vừa làm, vừa học.
“Nói là xưởng nhưng đồ nghề cũng chỉ là những bộ cưa truyền thống và mấy cái đục thông dụng như những người thợ nghiệp dư”, Tuấn Anh nhớ lại.
Sản phẩm ban đầu của anh là những vật dụng đơn giản như: bộ bàn ghế chạm khắc từ gốc cây, lọ hoa, lọ lục bình… sau những sản phẩm đơn giản thì tay nghề của anh ngày càng được nâng lên. Sản phẩm làm ra được nhiều người biết đến.
Năm 2016, anh quyết định bỏ ra 200 triệu đồng mua sắm trang thiết bị và nhận những ‘tác phẩm’ làm trên các loại gỗ quý đòi hỏi có độ tinh xảo và tính nghệ thuật cao. Bằng sự tỉ mỉ, kiên trì cùng với đôi bàn tay khéo léo, anh luôn làm “vui lòng khách đến, hài lòng khách đi”.
Anh Trần Thanh Sang (người Sơn Châu) nhận xét: "tôi rất hài lòng về các sản phẩm do cậu ấy làm. Tôi chỉ cần phác họa ý tưởng của mình là cậu ấy sẽ cho ra sản phẩm đúng như ý muốn của tôi”.
Các tác phẩm phổ biến được anh chú trọng là tượng thờ, tượng phong thủy, bàn ghế chế tác từ gốc cây; các con giáp, tranh tứ linh, tranh bút lửa, tranh lụa tự nhiên, tủ gỗ... ngoài ra anh còn nhận làm nhà gỗ với những chi tiết hoa văn độc đáo.
Thời gian này, các sản phẩm được anh hướng tới để phục vụ dịp Tết là tranh gỗ, câu đối, hoành phi, các linh vật, bình hoa… mỗi sản phẩm có giá giao động từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
“Bình thường thì em làm đủ các mặt hàng từ gỗ. Tuy nhiên, dịp Tết mọi người thường có nhu cầu mua tranh làm quà biếu, tổ chức mừng thọ, mừng tân gia, trang trí đầu năm mới nên em chọn làm các sản phẩm này”, Tuấn Anh cho biết.
Anh Trần Đình Bồng, một khách hàng chia sẻ, các sản phẩm do Tuấn Anh làm ra không những có tính thẩm mĩ cao mà giá cả rất hợp lý. Năm nay tôi mua 2 sản phẩm gồm bình hoa và bức tranh gỗ treo lịch để trưng bày dịp Tết.
“Tôi biết đến các sản phẩm của Tuấn Anh qua mạng xã hội. Thấy những bức tranh và các linh vật được làm ra rất đẹp nên Tết này tôi cũng mua 2 sản phẩm gồm bức tranh gỗ khắc câu đối và linh vật con cóc ngậm tiền để mong sự may mắn đến với gia đình” chị Dương Thị Thuận - giáo viên ở Thanh Hóa cho hay.
Theo tác giả các bức tranh, mỗi tác phẩm tranh gỗ để phục vụ dịp Tết thường mất thời gian khoảng 2 ngày trở lên để hoàn thành.
Hiện nay, tranh của anh Tuấn Anh được nhiều người biết đến, các khách hàng trải dài từ Thanh Hóa đến các tỉnh phía Bắc. Nghề điêu khắc gỗ đã giúp gia đình anh có thu nhập ổn định, đặc biệt là cho thu nhập cao trong dịp Tết.