Tư hào cô giáo người Mông vượt khó khăn mang con chữ cho các em nhỏ vùng cao

14:21 | 17/11/2023

DNTH: Vượt bao khó khăn để “mang con chữ” về gần hơn với các em nhỏ vùng cao, phải sống giữa rừng núi heo hút, nghèo khó bủa vây ở miền Tây xứ Nghệ là câu chuyện của cô giáo Lầu Y Pay giáo viên trường mầm non xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An.

Đó là cô giáo Lầu Y Pay (sinh năm 1986), những năm qua, cô công tác tại trường Mầm non Tri Lễ, một trường ở vùng sâu, vùng xa của huyện Quế Phong, trong đó có 9 điểm trường lẻ. Tìm hiểu được biết, cô giáo Lầu Y Pay sinh ra và lớn lên ở huyện Kỳ Sơn.

Từ nhỏ, chị em Y Pay đã phải theo cha mẹ lên rẫy. Nhà đông anh chị em, 4 trai 4 gái, nhưng chỉ có con trai được bố mẹ cho đến lớp, chị gái của Y Pay cũng vì thế mà phải ở nhà lao động, để cùng bố mẹ, nuôi các em ăn học. Nhưng để được đến lớp, học lên, thì hàng ngày Y Pay đã luôn nỗ lực, chăm chỉ. Chia sẻ với chúng tôi, cô Lầu Y Pay, nói: “Bố mẹ đẻ đông con, nên bố mẹ muốn mình ở nhà làm rẫy giúp bố mẹ, thời ấy họ nói là con gái mà đi học xong cũng lấy chồng, cũng không ở nhà mình, nuôi mất công, cho con gái ở nhà làm việc giúp mình, để mình được hưởng công sức nuôi nấng, cho con gái đi học, thì chỉ mất công nuôi,…”

Ở nơi không có điện, chỉ có gió núi mây ngàn, thì việc học chữ với phụ nữ đồng bào Mông, cũng mơ hồ, xa lắc, phập phù như ánh đèn dầu mỗi đêm. Y Pay không biết được thế giới bên ngoài, mọi mường tượng chỉ qua trang sách vở và lời kể của các thầy cô giáo, nhưng chính nhờ sự động viên khích lệ của các chú bộ đội, của thầy cô đã nhen nhóm để Y Pây dệt những ước mơ. Nhớ lại quãng thời gian mới đến lớp, Cô Lầu y Pay, nói với chúng tôi: “Buổi sáng thì 4 giờ là dậy để nấu cơm cho bố mẹ đi rẫy, 6 giờ thì mình ăn cơm đi học. Đi 1 tiếng rưỡi, đi bộ thôi, trưa về ăn cơm xong thì tiếp tục đi rẫy với bố mẹ. Tối mới về. Tối về thì nấu ăn cho bố mẹ, bố mẹ ăn xong đi ngủ, thì mình mới học bài”.

Hàng đêm, bên ánh đèn dầu, Lầu Y Pay càng khao khát sự học: “Phải học, học để được ra ngoài, để được đi xa hơn nữa”, kết quả là Lầu Y Pay đã thi đậu Trường Cao đẳng Sư phạm Vinh. Nhưng xuống thành phố, không như ở bản Mông, không thể hái rau, măng ăn qua ngày, mà ở đây, mọi thứ đều phải mua. Cô Lầu Y Pay kể: “Khi đó bố mẹ đông con, vất vả, không có tiền đầy đủ, gửi cho mình để sinh hoạt. Thứ 7, chủ nhật thì mình đi giúp cho mấy nhà hàng rửa bát. Khi ấy 1 ngày rửa bát họ chỉ cho 50 ngàn thôi. Vất vả nhưng mình cũng phải đi làm để có tiền ăn trong tuần,… Con trai thì bố mẹ gửi nhiều hơn, vì khi ấy, biết được bố mẹ không vừa lòng nữa. Cả đời mình đi học, nhưng không khi nào mình gọi về cho bố mẹ là con hết tiền,...”

Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm, Lầu Y Pay đã lấy chồng, theo chồng và trở thành cô giáo dạy ở điểm trường Mầm non Huồi Mới, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, nơi đây chủ yếu là con em đồng bào dân tộc Mông, nên Pay dễ đồng cảm, chia sẻ.

Nói về Huồi Mới đây là bản sát biên giới Việt - Lào với hơn 800 nhân khẩu. Bản có 5 lớp học, trong đó có 1 lớp mầm non và mẫu giáo với 35 em do cô giáo Lầu Y Pay và 1 cô giáo nữa phụ trách. Là người Mông, hiểu phong tục, tập quán của dân tộc Mông, nên mỗi tối, Y Pay đã đến từng nhà nói chuyện để mọi người biết cái hay của sự học và cái hại của việc không biết chữ. 

1
Cô giáo Lầu y Pay cùng các trò tại điểm Trường Mầm non Huồi Mới, xã Tri Lễ, Huyện Quế Phong

Những năm qua, cứ sáng đầu tuần đến lớp, mỗi cuối tuần về nhà, có khi mưa dài ngày thì ở lại lớp cả tháng. Đường xá khó khăn, mùa mưa dốc núi trơn trượt, đôi khi làm Lầu Y Pay chùn bước, nhưng lại nghĩ: Lớp, không thể 1 ngày thiếu cô, lại là động lực giúp Lầu Y Pay tiếp tục lên đường. Cố gắng của cô giáo Lầu Y Pay đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vì thế nhiều năm liền Y Pay đều là giáo viên dạy giỏi cấp trường, được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, đạt danh hiệu Lao động tiên tiến. Nhiều năm liền cô giáo Lầu Y Pay là giáo viên dạy giỏi cấp trường. Trong đợt tuyên dương giáo viên cắm bản do huyện Quế Phong tổ chức, cùng với 6 giáo viên khác, cô giáo Lầu Y Pay vinh dự được UBND huyện Quế Phong tặng Giấy khen.

Về phía mình, cô Y Pay tâm sự: "Được làm giáo viên là niềm vui lớn nhất của tôi, những ngày đầu về cắm bản, gian nan vô cùng. Ngày mới về bản, tuổi còn trẻ, sống giữa rừng núi hoang vu, không có điện, sóng điện thoại, thiếu thốn đủ bề, muốn ra ngoài phải đi bộ băng rừng, băng suối".

Trong chặng đường “cõng chữ lên núi” đồng hành cùng trẻ em vùng cao của mình, có lẽ hành trình vượt núi, băng rừng đến tận các bản làng xa xôi, gặp phụ huynh để vận động học sinh đến trường sẽ là “câu chuyện thường niên” của những giáo viên cắm bản như cô giáo Y Pay. Được biết, con đường từ trung tâm xã đến điểm trường tiểu học, mầm non Huồi Mới dài hơn 10km. Hằng năm, giai đoạn đầu năm học mới cũng là lúc bắt đầu vào mùa mưa, tuyến đường có nhiều đoạn bùn đất trơn trượt, lầy lội, một bên vách núi, một bên vực sâu thăm thẳm, với mong muốn tất cả trẻ em đến tuổi đều được đến trường, cô Y Pay lại cùng các đồng nghiệp đi từng ngõ, gõ từng nhà, gặp từng phụ huynh thuyết phục, vận động họ cho con em mình đến lớp.

Có lẽ thấu hiểu được những vất vả và nỗ lực của cô giáo Y Pay, chứng kiến cảnh cô vượt núi gieo chữ để “truyền lửa” cho các thế hệ trẻ vùng cao nói chung, nhiều phụ huynh đồng ý cho con em đến trường để học “con chữ”.  Tuy nhiên, vẫn còn một số phụ huynh từ chối, và khi đã không đồng ý, họ đưa ra nhiều lý do rồi đưa con em mình lên rẫy cùng. Vì thế, việc thuyết phục các phụ huynh càng khó khăn, thách thức hơn. Những con chữ nhọc nhằn đến được với học sinh nơi đây là nhờ những tấm lòng của người giáo viên "cắm bản". Để các em biết con chữ, chị và nhiều giáo viên khác đã phải "mang lớp" về tận thôn, bản để chặng đường đến trường của các em học sinh được dễ dàng hơn, được rút ngắn lại.

Lại nói thêm về cô giáo Lầu Y Pay, dù được nhà trường tạo điều kiện, nhưng hơn 10 năm qua, cô vẫn tự nguyện xin cắm ở điểm trường lẻ để phục vụ và chăm sóc các học sinh người Mông. Ngoài làm công tác chuyên môn, cô còn làm tốt công tác phối hợp, tích cực tuyên truyền, vận động trẻ đến lớp, đến trường, kêu gọi được các nhà hảo tâm hỗ trợ trẻ tiếp bước đến trường, tạo được sự tín nhiệm, tin yêu của bà con vùng bản Mông. Không chỉ làm tốt vai trò người gieo niềm tin, gieo chữ nơi bản xa, cô giáo Lầu Y Pay còn được nhân dân tín nhiệm bầu làm đại biểu HĐND huyện khóa 2021-2026.

Ông Vi Văn Cường - Chủ tịch UBND xã Tri Lễ, cho biết: “Chị Lầu Y Pay không chỉ tâm huyết, gắn bó với công tác dạy học, mà trên cương vị là đại biểu HĐND huyện, chị cũng mạnh dạn chuyển tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đồng bào đến với chính quyền các cấp. Nhất là các vấn đề liên quan đến quyền lợi của phụ nữ, trẻ em ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi; thực trạng khó khăn trong dạy và học ở thôn bản vùng sâu, vùng xa; đề xuất với các cấp, ngành kêu gọi, hỗ trợ xây dựng trường lớp, ủng hộ, tiếp sức học sinh khó khăn đến trường. Hiện nay Đảng ủy xã Tri Lễ đang hoàn tất hồ sơ để đề nghị công nhận đảng viên chính thức cho cô giáo Lầu Y Pay”.

2
Chào tạm biệt của cô và trò điểm trường bản Huồi Mới, hẹn gặp lại (Nguồn internet)

"Ngày 20/11, thầy cô ở dưới xuôi có hoa, có quà, đồng bào nơi đây còn mải mê đi nương rẫy, học sinh còn không biết đó là ngày gì. Chúng tôi động viên nhau, vượt qua những phút chạnh lòng, vượt qua tất cả để tiếp tục công việc", cô giáo Y Pay chia sẻ. Chia tay cô giáo Y Pay, khi bóng chiều dần buông, cái bắt tay thật chặt và ánh nhìn hân hoan, chào tạm biệt của cô và trò điểm trường bản Huồi Mới như một sự khẳng định niềm tin về tương lai. Dù gian nan, vất vả nhưng các cô giáo luôn cố gắng hết mình, dành trọn tình thương đến học trò, tiếp tục ươm mầm tri thức nơi miền biên viễn./.

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Tổng Bí thư Tô Lâm: Đội ngũ trí thức, nhà khoa học tạo bứt phá mạnh mẽ cho mục tiêu phát triển nhanh, bền vững...

DNTH: Sáng 30/12, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm đã gặp mặt 200 trí thức, nhà khoa học có nhiều thành tích, đóng góp, đang hoạt động trong các ngành, lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng, giáo dục và đào tạo trên toàn quốc.

10 thành tựu, hoạt động nổi bật của Giáo dục năm 2024

DNTH: Ngày 27/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố 10 thành tựu, hoạt động nổi bật của ngành năm 2024.

Cơ hội ngắm hoa 4 mùa trên đồ gốm sứ phương Đông

DNTH: Ngày 25/12, Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Hoa nở từ Đất – Hoa trong nghệ thuật gốm sứ phương Đông”.

Phát động cuộc thi Tài năng tin học trẻ quốc tế - thành phố Hà Nội

DNTH: Sở GD&ĐT vừa phối hợp với Tổ chức Giáo dục IIG Việt Nam phát động cuộc thi Tài năng Tin học trẻ quốc tế - thành phố Hà Nội năm học 2024-2025 hoàn toàn miễn phí dành cho học sinh phổ thông từ lớp 3 đến lớp 12 trên toàn Thủ...

Quy chế thi tốt nghiệp THPT 2025: Đảm bảo thuận lợi, công bằng hơn cho thí sinh

DNTH: Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2025 là năm đầu tiên tổ chức thi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, với điểm khác biệt là thiên về đánh giá năng lực người học thay vì đánh giá kiến thức và kỹ năng như những...

Danh sách Di sản Thế giới bị đe dọa không có Vịnh Hạ Long

DNTH: Ngày 24/12, Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) vừa thông tin cho báo chí liên quan đến nội dung Hãng Reuters đưa tin UNESCO sẽ triển khai một nhóm chuyên gia sang khảo sát thực địa tại Vịnh Hạ Long nhằm tăng cường hơn nữa các biện pháp...

XEM THÊM TIN