Tường thuật: Phải nâng cao năng lực sản xuất, bán cái thị trường cần

11:19 | 16/03/2022

DNTH: Ngày 16/3, tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên.

TƯỜNG THUẬT: Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn tăng giá xăng, 'thổi' giá đất,… - Ảnh 1.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Theo quy chế làm việc của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và theo thông lệ hoạt động tại phiên họp tháng 3 và tháng 8 từ năm thứ 2 của nhiệm kỳ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ dành thời gian để tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội gửi văn bản xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội và ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2 và kỳ họp bất thường của Quốc hội, ý kiến của các cơ quan của Quốc hội, từ đó tổng hợp được 6 vấn đề chính và gửi xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết bằng phiếu để chọn ra 2 vấn đề để chất vấn.

Chất vấn công tác điều hành giá xăng dầu

Theo đó, nhóm vấn đề chất vấn thứ nhất thuộc lĩnh vực công thương gồm:

- Tình hình sản xuất, nhập khẩu, cung ứng xăng dầu. Công tác điều hành giá xăng dầu thời gian qua.

- Việc thực hiện các nghị quyết, kết luận về chất vấn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến công tác quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc. 

- Giải pháp bảo đảm lưu thông, xuất, nhập khẩu hàng hóa trong tình hình dịch COVID - 19, nhất là mặt hàng nông sản.

Trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Bộ Công thương. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành và Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Y tế, Công an, Quốc phòng cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

TƯỜNG THUẬT: Có chuyện “găm hàng” xăng, dầu từ vĩ mô hay không? - Ảnh 2.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các Phó chủ tịch Quốc hội tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 16/3. Ảnh VGP/Nhật Bắc.

Chất vấn quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai đô thị

Nhóm vấn đề chất vấn thứ hai thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường gồm:

- Việc thực hiện nghị quyết về chất vấn và giám sát chuyên đề của Quốc hội liên quan đến quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị;  

- Trách nhiệm và giải pháp ngăn chặn tình trạng lợi dụng việc trả giá trong các phiên đấu giá đất với mức giá vượt xa giá trị của thị trường để đẩy giá đất các khu vực lân cận lên cao nhằm mục đích trục lợi cá nhân;

- Việc thực hiện các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, hứa mua, hứa bán về đất đai thời gian qua và việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực này;

- Việc kiểm soát hoạt động xả thải của các nhà máy; xử lý chất thải công nghiệp.

- Vấn đề thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; chất thải liên quan đến phòng, chống dịch Covid - 19;

- Vấn đề ô nhiễm nước thải, rác thải sinh hoạt và giải pháp đầu tư xây dựng nhà máy xử lý tại các địa phương.

Trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành và Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Tư pháp, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Công an; Tổng Thanh tra Chính phủ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Tất cả các đại biểu Quốc hội đều có thể tham gia phiên chất vấn

Đây là lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn theo hình thức trực tiếp tại điểm cầu Nhà Quốc hội và kết nối trực tuyến từ Thủ đô Hà Nội đến các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Tại các phiên chất vấn trước đây chủ yếu chỉ có đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương tham dự nhưng lần này các đại biểu Quốc hội chuyên trách ở địa phương, các đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm đều có thể tham gia chất vấn. 

Các đại biểu Quốc hội sẽ đăng ký chất vấn và tranh luận thông qua App Quốc hội trên thiết bị cá nhân của của mỗi đại biểu.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin cũng được triển khai tối đa để phục vụ công tác điều hành của Đoàn Chủ tịch như: hiển thị danh sách đại biểu tham gia chất vấn; hiển thị nhận dạng nhanh các câu hỏi chất vấn; triển khai hệ thống hội nghị truyền hình tại 62 tỉnh/thành phố và đảm bảo kết nối cho các đại biểu Quốc hội đang thực hiện cách ly y tế vẫn tham gia được phiên chất vấn.

Tất cả Tổng thuật                                    

Phải nâng cao năng lực sản xuất, bán cái thị trường cần

Về giải pháp bảo đảm cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được lưu thông thuận lợi, thông suốt, ổn định, an toàn và đạt được mong muốn đề ra, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, Việt Nam đã là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới, là thành viên của 17 hiệp định thương mại tự do, trong đó có 16 Hiệp định đã có hiệu lực, gần đây nhất là hiệp định RCEP của 10 nước ASEAN và 5 nước đối tác.

Hàng hóa của Việt Nam đã đến được trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ, để hưởng được lợi ích của 16 Hiệp định thương mại tự do đang có hiệu lực.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là sản phẩm hàng hóa cho chúng ta có đáp ứng được yêu cầu thị trường hay không thì lại là những câu hỏi không thể chỉ đặt ra với Bộ Công thương mà phải đặt ra với các ban, ngành và với các doanh nghiệp và người sản xuất.

Trong nền kinh tế thị trường, người sản xuất phải trả lời được các câu hỏi: Sản xuất cái gì? Bán đi đâu? Bán cho ai? Theo Bộ trưởng, hiện giờ chúng ta vẫn làm theo thói quen, làm theo tập quán là bán cái mình có chứ không phải bán cái thị trường cần. Đây là vấn đề khó!

Vì vậy để nâng được năng lực xuất khẩu của Việt Nam ra nước ngoài để tận dụng được cơ hội với đúng nghĩa là hội nhập kinh tế thế giới thì cần lưu ý một số vấn đề như sau:

Thứ nhất, sản phẩm hàng hóa của Việt Nam phải đáp ứng được tiêu chuẩn của thị trường.

Thứ hai, phải nâng cao năng lực của doanh nghiệp Việt để đủ sức tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu thì nội lực kinh tế đất nước mới được nâng lên và hội nhập kinh tế quốc tế mới có ý nghĩa.

10:58 ngày 16/03/2022

Giải quyết triệt để khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh xăng dầu

Về giải pháp căn cơ để bảo đảm nguồn cung xăng dầu phục vụ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp cũng như bảo đảm an ninh kinh tế đất nước, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: Diễn biến xăng dầu thế giới vừa qua cho thấy nếu không có một chiến lược, giải pháp căn cơ thì trong tương lai, mặt hàng này còn gặp nhiều khó khăn.

Theo đó các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý cần hoàn thiện đề án chiến lược về dự trữ.

Từ góc độ quản lý nhà nước về ngành, Bộ trưởng nhận thấy trước hết phải đẩy mạnh năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp vừa khai thác, vừa chế biến xăng dầu.

Chúng ta có Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn do PVN làm chủ đầu tư, là một doanh nghiệp nhà nước, nhưng công suất chỉ có 6,5 triệu tấn/năm. Do đó, Bộ Công Thương cho rằng cần tiếp tục nâng công suất hoặc ít nhất là duy trì công suất thiết kế để giữ nguồn cung cho xăng dầu trong nước.

Thứ hai, Bộ Công thương sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan, đặc biệt là Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tham mưu các cấp có thẩm quyền giải quyết một cách triệt để những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của liên danh Lọc hóa dầu Nghi Sơn để làm sao đơn vị này phải giữ được cam kết ban đầu là cung cấp cho thị trường lượng xăng dầu nội địa từ 35 - 40% trong kỳ.

Thứ ba, Bộ Công thương sẽ tham mưu cho Chính phủ nghiên cứu có thể tăng cường hơn nữa Quỹ Bình ổn xăng dầu theo cơ chế trích lập giá xăng dầu bán ra thị trường trong kỳ.

Trong tương lai Bộ Công thương sẽ nghiên cứu kinh nghiệm của các nước, sẽ kiên trì tham mưu với cấp có thẩm quyền để vừa nâng quy mô của Quỹ bình ổn, xem xét tạo nguồn quỹ này như thế nào, từ ngân sách hay là việc trích lập trên trên mỗi lít xăng dầu để có thể có được nguồn quỹ bình ổn đúng nghĩa, tuân thủ quy luật thị trường. Muốn giữ được giá thì phải có quỹ bình ổn, còn không có quỹ bình ổn thì phải sử dụng công cụ thuế...

Giải pháp thứ tư, Bộ Công thương tiếp tục tham mưu các cấp có thẩm quyền để nâng mức dự trữ, dự phòng. Hiện nay lượng dự trữ không lớn, chỉ tính theo ngày. Trong tương lai chắc chắn phải nâng dự phòng lên thì mới ổn định được, thậm chí ít nhất là hàng chục lần so với hiện nay.

10:29 ngày 16/03/2022

Nếu doanh nghiệp vi phạm, dứt khoát sẽ xử lý

TƯỜNG THUẬT: Nếu dùng hết công cụ thuế phí mà vẫn không kìm được giá, sẽ phải áp dụng các chính sách an sinh - Ảnh 1.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Nếu doanh nghiệp vi phạm dứt khoát sẽ xử lý theo quy định pháp luật. Cao nhất có thể rút giấy phép, đình chỉ kinh doanh. Ảnh VGP/Nhật Bắc.

Chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên về vấn đề cung cấp xăng dầu, đại biểu Phạm Xuân Hòa (Đồng Tháp) nêu thực tế khi ông đi hỏi nhiều cây xăng cho biết không có xăng để bán. Trong khi đó, Bộ Công thương khẳng định nguồn cung không thiếu. Vậy "có chuyện găm xăng dầu từ các doanh nghiệp phân phối, đầu mối hay không?"

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, qua thanh tra 16.800 cửa hàng bán lẻ thì chỉ có 211 cửa hàng đóng cửa, trong đó phần lớn đóng cửa do sự cố kỹ thuật. Còn những nơi không có hàng thì theo Bộ trưởng, chủ yếu do nhận nguồn hàng từ Nhà máy Nghi Sơn. Do đơn vị này dừng đột ngột nên ảnh hưởng.

Tuy nhiên, việc gián đoạn chỉ mất vài ngày, Bộ Công thương đã chỉ đạo kịp thời để chia sẻ nguồn cung. Sau một vài ngày là khắc phục.

Về lo ngại tình trạng doanh nghiệp đầu mối găm hàng, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ đã đã tiến hành thanh tra đồng bộ 33 doanh nghiệp đầu mối. Hiện đã có kết quả bước đầu. Tuy nhiên vẫn chưa có dữ liệu đầy đủ nên chưa thể báo cáo cụ thể.

"Song nếu doanh nghiệp vi phạm dứt khoát sẽ xử lý theo quy định pháp luật. Cao nhất có thể rút giấy phép, đình chỉ kinh doanh", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.

09:55 ngày 16/03/2022

Ngăn chặn hàng nhập lậu từ sớm, từ xa thâm nhập nội địa

Về nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng khan hiếm nguồn các thiết bị y tế, phòng chống dịch, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, Bộ trưởng thừa nhận, trong thời điểm nhu cầu tăng cao đột biến đã xảy ra tình này.

Ngay sau khi phát hiện, Bộ đã tập trung chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường - đơn vị chủ lực trong giám sát, thanh kiểm tra, kiểm soát các hành vi gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng nhái.

Lực lượng quản lý thị trường đã ban hành công điện từ đầu tháng 3 tăng cường công tác quản lý thị trường, đẩy mạnh kiểm tra kiểm soát, thu giữ và xử phạt.

Kết quả là trong thời gian ngắn, lực lượng quản lý thị trường đã thu giữ được 500 nghìn bộ kit thử nghiệm tại các địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế...

Cùng với đó, hàng vạn sản phẩm thuốc tân dược, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc… với giá trị hàng chục tỷ đồng cũng đã bị phát hiện. Đây cũng là đợt ra quân và xử phạt vi phạm lớn nhất từ đầu năm.

Thời gian tới, ngành công thương cùng các lực lượng chức năng sẽ tiếp tục ngăn ngừa từ xa, từ sớm hàng hóa nhập lậu, trong đó có vật tư y tế vào thị trường nội địa.

09:50 ngày 16/03/2022

Chúng ta phải thay đổi để "thích ứng với thiên hạ"

TƯỜNG THUẬT: Nếu dùng hết công cụ thuế phí mà vẫn không kìm được giá, sẽ phải áp dụng các chính sách an sinh - Ảnh 1.
Các đại biểu dự Phiên chất vấn tại Hội trường Diên Hồng. Ảnh VGP/Nhật Bắc.

Trả lời đại biểu về vấn đề ùn ứ nông sản, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, nguyên nhân là do Trung Quốc áp dụng chính sách Zero Covid nên việc xuất khẩu nông sản gặp khó khăn. Bên cạnh đó, là do thương nhân Việt Nam quen xuất khẩu theo đường tiểu ngạch, khi chính sách phía bạn thay đổi nên gặp khó.

Bộ Công thương đã nhiều lần khuyến nghị Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, khuyến nghị các địa phương có phương án vùng trồng, vùng nuôi, sản xuất theo tín hiệu thị trường.

Về giải pháp, Bộ trưởng cho rằng, nếu cứ làm theo cách cũ. Có gì làm nấy. Có gì bán nấy sẽ bị động. Do đó, ngành nông nghiệp cần có kế hoạch sản xuất theo yêu cầu, nhu cầu từng thị trường.

Trước mắt, tinh thần là "tắc đâu thì phải thông đấy". Bộ Công thương đã phối hợp với phía bạn bàn bạc các biện pháp tháo gỡ, tạo lập các vùng xanh an toàn để xuất khẩu, đơn giản hóa quy trình thủ tục tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa...

Về lâu dài, chúng ta phải thay đổi, "thích ứng với thiên hạ", phải tập trung chuyển từ xuất khẩu nông sản theo đường tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch. Bộ Công thương cùng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cần có trách nhiệm xây dựng đề án để chuyển xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch qua biên giới.

Hiện tiêu chuẩn, tiêu chí để xuất hàng tiểu ngạch, chính ngạch qua biên giới đã được Bộ Công thương trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

08:48 ngày 16/03/2022

Giá xăng dầu Việt Nam thấp hơn thế giới

TƯỜNG THUẬT: Nguồn cung, giá xăng dầu Việt Nam thấp hơn thế giới - Ảnh 1.
Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên. Ảnh VGP/Nhật Bắc.

Đầu giờ sáng có 39 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên.

Các đại biểu: Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh), Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên), Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn)… nêu câu hỏi về giải pháp trước mắt cũng nhưng lâu dài bảo đảm việc xuất nhập khẩu hàng hóa, nhất là nông sản Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); giải pháp bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp, người dân, bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước; nguyên nhân, giải pháp khắc phục tình trạng ùn ứ nông sản ở cửa khẩu; ngăn chặn tình trạng buôn lậu, găm hàng, tăng giá đối với thiết bị y tế phòng chống dịch Covid - 19.

TƯỜNG THUẬT: Nguồn cung, giá xăng dầu Việt Nam thấp hơn thế giới - Ảnh 2.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Chúng ta bảo đảm đủ nguồn cung xăng dầu. Biên độ tăng giá xăng dầu Việt Nam thấp hơn so với thế giới. Ảnh VGP/Nhật Bắc.

Đảm bảo nguồn cung xăng dầu không thiếu

Về vấn đề cung ứng xăng dầu, Bộ trưởng cho biết, vừa qua giá xăng dầu thế giới tăng đột biến, do đứt gẫy nguồn cung và khủng hoảng Nga – Ukraine. 

Ở trong nước nguồn cung xăng dầu cũng gặp khó khăn do Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn giảm công suất hoạt động đột ngột.

Trước tình hình đó, Bộ Công thương cũng đã chủ động tham mưu cho Chính phủ. Đồng thời chỉ đạo hệ thống phải nhập đủ sản lượng bù vào số lượng Nhà máy Nghi Sơn thiếu hụt. Đến thời điểm hiện tại chúng ta đủ nguồn cung xăng dầu cho hết tháng 3.

Bộ Công thương cũng đã chỉ đạo các doanh nghiệp tiếp tục có kế hoạch nhập khẩu cao hơn mức bình thường để đảm bảo nguồn cung trong nước không lúc nào thiếu. 

Nếu sử dụng hết công cụ thuế phí mà vẫn không kìm được giá, sẽ phải áp dụng các chính sách an sinh

Về điều hành giá, Bộ Công thương phối hợp với Bộ Tài chính để điều hành linh hoạt. Sử dụng hiệu quả Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Qua đó biên độ tăng giá xăng dầu Việt Nam (từ 29 - 40%) thấp hơn so với thế giới (tăng từ 40 - 60% tùy mặt hàng).

Tuy nhiên hiện nay, dư địa điều chỉnh của Quỹ Bình ổn giá không còn nhiều. Hai Bộ đã chủ động tham mưu cho Chính phủ, trình UBTVQH xem xét giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu.

Bộ Công thương sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường. Nếu giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng cao, bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế, phí. 

Nếu đã sử dụng hết các công cụ thuế phí mà vẫn không kìm được giá xăng dầu, để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, sẽ phải áp dụng các chính sách bảo đảm an sinh xã hội,…

Bên cạnh đó, Bộ Công thương tiếp tục chỉ đạo các lực lượng trực thuộc, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các cơ sở bán lẻ xăng dầu cố tình găm hàng tăng giá.

07:22 ngày 16/03/2022

Cân đối xăng dầu đang đứng trước khó khăn kép; đấu giá đất vượt xa giá thị trường

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Chúng ta cố gắng cùng nhau làm sáng tỏ vấn đề để sau chất vấn và trả lời chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành kết luận, nghị quyết với những giải pháp sát, đúng nhất với đòi hỏi của thực tiễn, tạo chuyển biến trong các lĩnh vực được chất vấn.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: chúng ta cố gắng cùng nhau làm sáng tỏ vấn đề để sau chất vấn và trả lời chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành kết luận, nghị quyết với những giải pháp sát, đúng nhất với đòi hỏi của thực tiễn, tạo chuyển biến trong các lĩnh vực được chất vấn.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, vấn đề cân đối xăng dầu đang đứng trước khó khăn kép. Cử tri, Nhân dân và các đại biểu Quốc hội đều rất quan tâm đến các biện pháp của Bộ Công Thương, của Chính phủ để bảo đảm được nguồn cung xăng dầu (bao gồm cả vấn đề sản xuất, nhập khẩu, cung ứng xăng dầu).

Báo cáo của Bộ Công thương đã giải trình các vấn đề này. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mong muốn qua chất vấn sẽ có câu trả lời rõ ràng, chắc chắn hơn.

Về đấu giá đất, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, vấn đề đấu giá đất với mức giá vượt xa giá trị của thị trường. Qua đó, đẩy giá đất các khu vực lân cận lên cao nhằm mục đích trục lợi cá nhân. Việc thực hiện các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, hứa mua, hứa bán về đất đai cũng đang rất nóng, rất thời sự.

Vì vậy, 54 Đoàn đại biểu Quốc hội đã gửi đề xuất chất vấn về Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều quan tâm đến vấn đề này.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời rõ. Đồng thời, nghiên cứu thêm ý kiến các hiệp hội về vấn đề này để xem chính sách, pháp luật có vấn đề gì và cần tiếp tục hoàn thiện như thế nào? 

Cố gắng cùng nhau làm sáng tỏ vấn đề

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, hai nhóm vấn đề lớn được đưa ra chất vấn không chỉ là trách nhiệm của riêng Bộ Công Thương và Bộ Tài nguyên và Môi trường mà còn có trách nhiệm của các bộ, ngành khác và Chính phủ.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các bộ trưởng chuẩn bị kỹ lưỡng, trả lời thấu đáo cho đại biểu Quốc hội, cho cử tri và nhân dân.

Ông cũng đề nghị các đại biểu Quốc hội tiếp tục phát huy kinh nghiệm chất vấn tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khóa XV. Hỏi ngắn gọn, súc tích, rõ trọng tâm, trọng điểm, sử dụng hiệu quả thời gian để chất vấn làm rõ các vấn đề. 

"Chúng ta cố gắng cùng nhau làm sáng tỏ vấn đề để sau chất vấn và trả lời chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành kết luận, nghị quyết với những giải pháp sát, đúng nhất với đòi hỏi của thực tiễn, tạo chuyển biến trong các lĩnh vực này", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh. 

07:11 ngày 16/03/2022

Phiên chất vấn là cơ hội để Bộ trưởng trao đổi, trả lời chính thức những vấn đề đại biểu, người dân quan tâm

8.00' TƯỜNG THUẬT: Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn tăng giá xăng, 'thổi' giá đất,… - Ảnh 1.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: phiên chất vấn là cơ hội để được trực tiếp trao đổi, trả lời chính thức những vấn đề đại biểu Quốc hội và người dân quan tâm.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, chất vấn đã trở thành hoạt động mang tính thường xuyên trong hoạt động của Quốc hội và trả lời chất vấn là trách nhiệm của Bộ trưởng, trưởng ngành. Ông cho biết sẽ chuẩn bị tốt nhất cho phiên giải trình.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng chia sẻ coi phiên chất vấn là cơ hội để được trực tiếp trao đổi, trả lời chính thức những vấn đề đại biểu Quốc hội và người dân quan tâm.

Bộ trưởng khẳng định các nội dung chất vấn lần này đều mang tính thời sự, có câu hỏi hay thì Bộ trưởng sẽ cố gắng trả lời hay, vừa hỏi vừa trao đổi để giúp hoàn thiện chính sách, pháp luật, giải pháp trong điều hành quản lý liên quan đến các lĩnh vực Bộ Tài nguyên và Môi trường phụ trách.

TƯỜNG THUẬT: Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn tăng giá xăng, 'thổi' giá đất,… - Ảnh 2.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Các nội dung được lựa chọn chất vấn lần này là đúng lúc, đúng, trúng vấn đề. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Cùng quan điểm, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định các nội dung được lựa chọn chất vấn lần này là đúng lúc, đúng, trúng vấn đề.

Đây là cơ hội cho Bộ trưởng có tiếng nói chính thức và báo cáo trách nhiệm trong quản lý điều hành cũng như tiếp thu các ý kiến để tiếp tục có giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực quản lý.

 

Link TƯỜNG THUẬT: Phải nâng cao năng lực sản xuất, bán cái thị trường cần

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Quốc vương Campuchia

DNTH: Chiều 28/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã hội kiến Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni đang thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam.

Tổng thống Bulgaria kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Việt Nam

DNTH: Tối 27/11, Tổng thống Bulgaria Rumen Radev rời TP Hồ Chí Minh, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường.

Sắp xếp lại tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ phải gắn với nhiệm vụ tăng tốc bứt phá

DNTH: Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ yêu cầu: Bộ máy mới phải tốt hơn bộ máy cũ và đi vào hoạt động ngay, không để ngắt quãng công việc, không được khoảng trống thời gian; không để bỏ trống địa bàn, lĩnh vực; không để ảnh...

Một số tồn tại, vi phạm trong tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp tại Bộ Giao thông vận tải

DNTH: Thanh tra Chính phủ vừa có thông báo kết luận thanh tra việc tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh...

Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân lên đường thăm chính thức Malaysia

DNTH: Nhận lời mời của Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim và Phu nhân, sáng 21/11, Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân Ngô Phương Ly cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Thủ đô Hà Nội, lên đường thăm chính thức Malaysia từ ngày 21 đến...

Việt Nam tham gia sáng lập Liên minh toàn cầu chống đói nghèo

DNTH: Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G20, Việt Nam đã tham gia sáng lập Liên minh toàn cầu chống đói nghèo và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề xuất ba bảo đảm chiến lược cho công cuộc xóa bỏ đói nghèo trên toàn cầu.

XEM THÊM TIN