Vì sao cần thay đổi phương pháp tính thuế tiêu thụ đặc biệt với bia rượu?

22:36 | 09/11/2023

DNTH: Phương pháp tính thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu hiện đang tồn tại nhiều bất hợp lý, đòi hỏi cần có sự thay đổi, để đạt được những mục tiêu đặt ra và đem lại sự công bằng hơn.

Nghị quyết 115/NQ-CP phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 7/2023, đã nêu ra định hướng xây dựng phương pháp tính thuế hỗn hợp đối với rượu, bia. Theo đó, sẽ khắc phục những bất cập của phương pháp tính thuế tương đối hiện nay, bảo đảm mục tiêu thuế tiêu thụ đặc biệt góp phần định hướng sản xuất, hạn chế sử dụng các sản phẩm không có lợi cho sức khỏe.

54fbb727c203145d4d12
Biểu đồ: Tốc độ tăng trưởng của rượu so với bia (%), 2010 - 2018. (Nguồn: Euromonitor)

Phương pháp tính thuế tương đối hiện nay: đánh đồng chất lượng, không khuyến khích giảm nồng độ cồn

Việt Nam hiện đang áp dụng phương pháp tính thuế tiêu thụ đặc biệt tương đối với sản phẩm bia, rượu. Tức là áp phần trăm thuế suất dựa trên giá bán. Điều này vô tình đánh đồng về chất lượng sản phẩm bên trong, tạo ra sự mất công bằng cho nhà sản xuất. Bởi các sản phẩm bia có độ cồn thấp hơn, ít tác hại cho sức khỏe hơn, đôi khi lại chịu thuế bằng, hoặc cao hơn các sản phẩm có độ cồn cao hơn, nhưng lại được các nhà sản xuất bán rẻ hơn để lôi kéo người tiêu dùng.

Một ví dụ điển hình là: Thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào bia là 65%, cao hơn mức thuế suất 35% của các loại rượu vang (có nồng độ cồn dưới 20%). Xét trên khía cạnh ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, thì độ cồn càng cao sẽ có tác hại càng lớn. Tuy nhiên, phương pháp tính thuế tương đối hiện tại đang tạo ra sự không công bằng bởi những sản phẩm bia có độ cồn thấp, đôi khi sẽ phải nộp tiền thuế nhiều hơn các sản phẩm có độ cồn cao hơn.

Chính vì tâm lý bán bao nhiêu tiền đóng thuế bấy nhiêu, nên phương pháp tính thuế tương đối khuyến khích nhà sản xuất tập trung vào việc kiểm soát chi phí để giảm giá thành, vì giá bán thấp thì số tiền thuế phải nộp sẽ thấp. Dẫn đến nhà sản xuất có thể giảm chất lượng sản phẩm, để có giá bán thấp, thay vì đầu tư vào công nghệ tiên tiến, để nâng cao chất lượng, đổi mới sản phẩm và có giá bán cao xứng đáng với chất lượng sản phẩm.

Mặt khác, cách tính thuế theo phương pháp tương đối hiện nay không khuyến khích người tiêu dùng lựa chọn các sản phẩm có độ cồn thấp, chất lượng tốt. Theo số liệu thống kê giai đoạn 2018 - 2021, sản lượng tiêu thụ bia tại Việt Nam không giảm mà có xu hướng dịch chuyển từ nhóm sản phẩm giá cao sang sản phẩm giá thấp hơn. Đây là hồi chuông cảnh tỉnh để có chế độ thuế mang tính điều tiết tốt hơn, nhằm mang lại thói quen tốt hơn cho người tiêu dùng.

Phương pháp thuế hỗn hợp: giảm tác nhân gây hại cho sức khỏe, định hướng sản xuất, đảm bảo nguồn thu

Nhận thấy bất hợp lý từ phương pháp tính thuế tương đối, một số nước trên thế giới đã chuyển sang áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt theo phương pháp tuyệt đối, tức là đánh thuế dựa trên nồng độ cồn với bia, rượu. Bia, rượu có nồng độ cồn càng cao, sẽ chịu thuế càng cao. Đây là cơ chế khá công bằng, minh bạch, vừa tăng khả năng cạnh tranh lại vừa giúp điều chỉnh hành vi lạm dụng bia, rượu. Tuy nhiên việc chuyển đổi sang phương pháp tính thuế này có thể mất nhiều thời gian và cần có lộ trình cụ thể.

Theo PGS.TS Nguyễn Thường Lạng - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cả hai phương pháp tính thuế trên đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng, không có phương pháp nào là tối ưu. Vì vậy, trên thế giới đang chuyển sang áp dụng phương pháp tính thuế hỗn hợp, tức là kết hợp cả thuế tương đối và tuyệt đối với sản phẩm bia, rượu. Chế độ thuế hỗn hợp, hiện đã được áp dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia trên thế giới như: Singapore, Philippines, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản...

Hệ thống thuế hỗn hợp có những lợi thế rõ ràng trong việc thực hiện mục tiêu của chính phủ là giảm tác hại của việc tiêu thụ cồn, đồng thời vẫn đảm bảo nguồn thu ngân sách bền vững và khuyến khích sự phát triển của ngành bia.

Theo cơ cấu thuế hỗn hợp, mức thuế tuyệt đối được đánh trên lượng tiêu thụ (lon/ lít). Do đó, các nhà sản xuất có động lực để đầu tư chi phí (ví dụ như sử dụng nguyên vật liệu đầu vào có giá trị cao hơn, đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại hơn, v.v..), để tạo những sản phẩm giá trị chất lượng cao, thậm chí có độ cồn thấp và ít tác hại hơn. Khi có nhiều lựa chọn sản phẩm chất lượng tốt hơn, người tiêu dùng sẽ có xu hướng tự điều chỉnh giảm tiêu dùng các sản phẩm có chất lượng kém, gây nhiều tác hại đến sức khỏe. Khi các sản phẩm ít cồn có giá thấp hơn, thì sẽ khuyến khích nhiều đổi mới hơn và mức tiêu thụ nồng độ cồn nguyên chất có thể giảm. Về tác động đối với ngân sách, trong dài hạn, nguồn thu ngân sách được gia tăng bền vững xét trên tổng thu từ các loại thuế trực thu (thuế đánh trên thu nhập) và gián thu.

Tiến sỹ Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, lý tưởng nhất là Nhà nước nên điều chỉnh chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu, theo phương pháp hỗn hợp. Đây là xu hướng đang diễn ra trên thế giới và đã được chứng minh có hiệu quả tốt hơn trong quản lý sản phẩm bia, rượu. Phương pháp này vừa có thể điều tiết tiêu dùng, giảm tác động tiêu cực của đồ uống có cồn đến sức khoẻ con người, vừa có đóng góp cho xã hội và nền kinh tế.

Trên thực tế, chế độ thuế hỗn hợp được chứng minh là có thể cân bằng được các nhược điểm của thuế tương đối và thuế tuyệt đối. Nó sẽ đem lại sự phát triển bền vững cho toàn ngành và nền kinh tế. Tại Việt Nam, hầu như không có hãng bia nào “thuần nội địa”, đa phần là công ty quốc tế, liên doanh và công ty vốn Nhà nước. Tất cả các công ty này đều có danh mục sản phẩm với nhiều phân khúc từ bia phổ thông đến bia cao cấp. Do đó, phương pháp hỗn hợp sẽ mang lại lợi ích chung của toàn ngành. Tạo ra động lực để phát triển sản phẩm chất lượng cao, có nồng độ cồn thấp, góp phần đạt được mục tiêu bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Vụ ‘thao túng’ đấu giá đất ở Sóc Sơn: Xử lý nghiêm minh, đưa niềm tin trở lại

DNTH: Tình trạng thao túng đấu giá đất như ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội) vừa qua nếu không được kiểm soát, sẽ là lực cản lớn đối với thị trường bất động sản.

CSGT mở cao điểm, công chức vi phạm nồng độ cồn bị gửi giấy về cơ quan

DNTH: Lực lượng cảnh sát toàn quốc sẽ ra quân cao điểm dịp tết 2025 từ ngày 15.12 tới. Trong cao điểm, lực lượng vũ trang, công chức, viên chức nào vi phạm nồng độ cồn sẽ bị gửi thông báo về cơ quan.

Thu hồi, chấm dứt hoạt động nhiều dự án qui mô tại Kon Tum

DNTH: Ngày 4/12, nguồn tin cho biết, các cơ quan chức năng tỉnh Kon Tum vừa ra quyết định thu hồi, chấm dứt hoạt động 4 dự án quan trọng tại TP. Kon Tum và huyện Kon Plông.

Cẩn trọng bị lừa đảo với dịch vụ cấp đổi hộ chiếu, mua vé ca nhạc trên mạng

DNTH: Sáng 2/12, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cảnh báo lừa đảo liên quan đến dịch vụ cấp đổi hộ chiếu, chiếm đoạt tiền, thông tin cá nhân trên mạng; lừa đảo bán vé xem các chương trình ca nhạc đang thu hút...

Truy tố 10 bị can trong vụ dự án Đại Ninh

DNTH: Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vừa ban hành cáo trạng vụ án “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” liên quan đến Dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng...

Tiêu hủy hơn 62.000 bao thuốc lá nhập lậu

DNTH: Ngày 27/11, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Tây Ninh (Ban Chỉ đạo 389 tỉnh) tiến hành tiêu hủy 62.188 bao thuốc lá ngoại nhập lậu các loại, do ngành chức năng thu giữ, xử lý tịch thu theo quy định...

XEM THÊM TIN