Việt Nam - EU: Tăng cường hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

20:35 | 22/03/2024

DNTH: Tại Việt Nam, hợp tác và hội nhập quốc tế được coi là giải pháp then chốt để nâng cao tiềm lực và trình độ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) của đất nước.

Các nỗ lực thúc đẩy hợp tác song phương và đa phương không ngừng được đẩy mạnh với các hoạt động trên nhiều lĩnh vực và khuôn khổ khác nhau. Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đánh giá cao sự hợp tác và hỗ trợ quý báu từ Liên minh Châu Âu (EU), cũng như các nước thành viên EU, nơi được coi là ngôi nhà trí tuệ của nhân loại.

Tại trụ sở Bộ KH&CN, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đã tiếp Đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam do Đại sứ đặc mệnh toàn quyền EU tại Việt Nam Julien Guerrier làm trưởng đoàn. Tham dự buổi làm việc có Lãnh đạo và chuyên viên các đơn vị trực thuộc Bộ KH&CN: Vụ Hợp tác quốc tế; Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên; Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật; Vụ Công nghệ cao; Cục Sở hữu trí tuệ; Cục Thông tin KH&CN quốc gia; Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.

1
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt và Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Liên minh Châu Âu tại Việt Nam Julien Guerrier

Tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi và thảo luận thông tin liên quan nhằm thúc đẩy các hoạt động hợp tác KH,CN&ĐMST gồm: Chương trình Horizon Europe; nguồn nhân lực nghiên cứu tại các viện, trường; sự tham gia của nhà khoa học Việt Nam vào các chương trình nghiên cứu chung của EU; nghiên cứu và triển khai; thương mại và đầu tư; ứng phó với biến đổi khí hậu; an ninh, quốc phòng.

Đại sứ Julien Guerrier cho biết, với ông, Việt Nam là một đất nước thân thuộc. Đại sứ nhận thấy Việt Nam đã có nhiều thay đổi ấn tượng, hội nhập và tham gia sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Việt Nam đang tập trung phát triển công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ sinh học, y dược. Việt Nam đang hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia phát triển vào 2045, nước trung hòa về các bon vào năm 2050.

Đại sứ Julien Guerrier nêu rõ, trong nhiệm kỳ của mình, ông muốn hoàn thành sứ mệnh hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu kép nêu trên. Đồng thời, Việt Nam là một đối tác quan trọng, tiên phong trong triển khai các chiến lược tại khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương của EU.

Để hiện thực hóa các mục tiêu này cả EU và Việt Nam cần nỗ lực và đầu tư vào lĩnh vực KH,CN&ĐMST. Giống như các quốc gia đang phát triển, Việt Nam cần đầu tư vào nghiên cứu, ĐMST thì mới có thể trở thành quốc gia đi đầu để hiện thực mục tiêu này.

2
Toàn cảnh buổi làm việc.

Đại sứ Julien Guerrier cho biết, EU mong muốn với kinh nghiệm về nghiên cứu ĐMST có thể hỗ trợ cho những nỗ lực này của Việt Nam. Theo đó, EU sẽ tập trung vào ba lĩnh vực: Thứ nhất là về thương mại và đầu tư, với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã thực thi trong những năm gần đây, hiện Việt Nam đang là đối tác thương mại hàng đầu của EU tại ASEAN; Thứ hai là hành động ứng phó với biến đổi khí hậu phù hợp với mục tiêu về phát thải ròng bằng 0 vào 2050. Việt Nam đang là quốc gia tiên phong tại khu vực và tiên phong trong số các quốc gia đang phát triển mà EU cũng đang hợp tác thông qua cơ chế Đối tác Chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). EU đang cùng điều phối với Vương quốc Anh hỗ trợ cho Việt Nam cùng với Nhóm G7 để hiện thực hóa cơ chế này; Thứ ba là hợp tác về an ninh và quốc phòng, EU coi vấn đề ổn định và hòa bình ở khu vực là rất quan trọng cần được đảm bảo.

Đồng thời, Đại sứ Julien Guerrier đã thông tin về quỹ hỗ trợ nghiên cứu và ĐMST, có tên gọi là Horizon Europe. EU đã mở đăng ký các nguồn viện trợ đầu tư dành cho các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đại sứ khuyến khích các sinh viên, nhà nghiên cứu của Việt Nam đăng ký và tiếp nhận nguồn viện trợ từ quỹ Horizon Europe để trao đổi kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, công nghệ với các đối tác EU.

Đại sứ Julien Guerrier đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong vấn đề hoàn thiện hành lang pháp lý về KH&CN, EU sẽ hỗ trợ kỹ thuật và trao đổi thông tin cho Việt Nam dưới hình thức hội thảo tập huấn, hội thảo tham vấn do các nước thành viên của EU thực hiện.

Cùng với đó, Đại sứ Julien Guerrier bày tỏ vui mừng và ủng hộ khi hai bên đang dự thảo Ý định thư để tiến tới sớm ký kết, qua đó tạo lộ trình để hai bên hợp tác nghiên cứu và phát triển.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đã chia sẻ với Đoàn công tác EU về tiềm lực và thành tựu nổi bật của KH&CN Việt Nam. Đồng quan điểm với Đại sứ Julien Guerrier về hành lang pháp lý KH&CN của Việt Nam ngày càng hoàn thiện, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động nghiên cứu và ĐMST. Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt thông tin, trong năm 2021, Chính phủ và Quốc hội Việt Nam đã ban hành một số văn bản quan trọng trong đó có Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST đến năm 2030 và Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030, trong đó xác định rõ vai trò then chốt của KH,CN&ĐMST, góp phần quan trọng tạo bước đột phá về năng lực sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế tăng trưởng bền vững.

Trong thời gian vừa qua, Bộ KH&CN đã có những hoạt động hợp tác hiệu quả với EU trong các lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng, sở hữu trí tuệ, thông tin KH&CN, ứng dụng công nghệ cao, AI, năng lượng sạch, biến đổi khí hậu…

Bộ trưởng đánh giá cao chương trình Chiến lược Cửa ngõ toàn cầu (Global Gateway Strategy) do EU đưa ra vào tháng 12/2021, với các Chương trình trong lĩnh vực nghiên cứu và ĐMST, trong đó có Chương trình Horizon Europe, được triển khai tích cực trong giai đoạn 2021-2027.

Hiện nay, Bộ KH&CN đang là đầu mối Chương trình Horizon Europe giai đoạn 2021-2027. Trong năm 2023, Bộ KH&CN cũng đã phối hợp chặt chẽ với Phái đoàn EU tại Việt Nam và EURAXESS triển khai một số hoạt động cụ thể, hiệu quả và có ý nghĩa nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà nghiên cứu và khoa học Việt Nam hợp tác với các đối tác EU trong nhiều dự án đa dạng ở các cấp độ khác nhau nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu thuộc các mối quan tâm chung như y tế, biến đổi khí hậu, chuyển đổi số...

Bộ trưởng bày tỏ mong muốn, trong nhiệm kỳ của mình Đại sứ tiếp tục quan tâm, ủng hộ và thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác với Việt Nam trong một số lĩnh vực hai bên cùng coi trọng, đặc biệt mong muốn phía EU hỗ trợ sinh viên và nhà nghiên cứu của Việt Nam có thể học tập và tham gia các nhóm nghiên cứu chung với các chuyên gia hàng đầu của EU, và mong muốn EU hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực của Việt Nam về chíp bán dẫn.

Kết thúc buổi làm việc, hai bên cam kết sớm hoàn thành nội dung dự thảo Ý định thư, tạo khuôn khổ pháp lý chặt chẽ hơn, thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa hai bên. Đồng thời, hai bên đều bày tỏ mong muốn thúc đẩy hợp tác hơn nữa để hiện thực hóa được các mục tiêu phát triển KH,CN&ĐMST nói riêng và thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị hợp tác, đối tác lâu dài.

 Theo Thương Hiệu Và Công Luận

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Khỉ sống 6 tháng nhờ thận lợn chỉnh sửa gene

DNTH: Một nhóm nghiên cứu tại Trung Quốc đã đạt được bước đột phá lớn, với việc khiến một con khỉ có thể sống trong 6 tháng với quả thận lợn được chỉnh sửa gene.

Hệ thống Napas xử lý bình quân hơn 26 triệu giao dịch/ngày

Theo thông tin ngày 30/11 của Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas), năm 2024, hệ thống Napas xử lý bình quân hơn 26 triệu giao dịch/ngày, tăng tương ứng 30,8% số lượng và 15,9% về giá trị giao dịch so với năm 2023.

Hạ tầng số và công nghệ mới tạo bước tiến cho Internet Việt Nam

DNTH: Sáng 27/11, Hội thảo, Triển lãm Ngày Internet 2024 (Internet Day 2024) với chủ đề “Bước tiến mới cho Internet Việt Nam (Bứt phá với DC, Cloud, 5G và AI)” đã khai mạc tại Hà Nội.

Các nhà khoa học Caribe biến rong biển gây hại thành nhiên liệu chạy xe

DNTH: Khi số lượng lớn tảo biển xâm lấn dạt vào bờ biển Caribe năm 2011, người dân địa phương đã vô cùng lúng túng.

Meey Group chia sẻ giải pháp công nghệ bất động sản thông minh

DNTH: Ngày 22/11, ông Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc dự án Công ty Cổ phần Tập đoàn Meey Land (Meey Group) đã có bài thuyết trình ấn tượng tại Diễn đàn Chuyển đổi số Hải Phòng 2024, đề cập nhiều sản phẩm số ứng dụng AI trong lĩnh vực...

Hoàn thiện chính sách phát triển năng lượng nguyên tử

DNTH: Luật Năng lượng Nguyên tử (Luật số 18/2008/QH12) được Quốc hội Việt Nam khoá XII thông qua tại Kỳ họp thứ 3 ngày 3/6/2008 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2009.

XEM THÊM TIN