Việt Nam – Phát huy hiệu quả nội lực để phát triển

14:26 | 31/10/2019

DNTH: DN&TH: Là đất nước đang phát triển trong một thế giới mở, Việt Nam cần chấn chỉnh việc thực hiện nghiêm túc chính sách pháp luật của chính quyền các cấp, kết hợp với giáo dục đạo đức xã hội và áp dụng linh hoạt công cụ tài chính, hướng tới sự phát triển thành công của nền kinh tế, khi cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã khởi động trên nhiều quốc gia

Một đất nước hùng cường, một nền kinh tế phát triển, đương nhiên phải song hành theo đó là sự ổn định về chính trị, kết hợp với lực lượng lao động có chất lượng cao và những hệ thống dây chuyền tự động hóa, thay thế sức lao động của con người trên quy mô sản xuất của cải vật chất cho quốc gia. Kinh tế thế giới đã trải qua 3 cuộc cách mạng, đưa nền sản xuất của cải vật chất cho xã hội loài người lên các nấc thang mới. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3, sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa trong sản xuất, mở rộng khái niệm sản xuất vật chất, làm thay đổi nhận thức về chuỗi giá trị, giúp nhiều quốc gia gặt hái được những thành công nhất định.

Nền kinh tế Việt Nam trong khoảng những năm 2010 trở về đây, cũng hòa theo dòng chảy của công nghệ để hiện đại hóa, thay thế mới dây chuyền thiết bị trong sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm đáng kể chi phí đầu vào cho giá thành sản xuất, tạo sức cạnh tranh với sản phẩm đến từ nước ngoài trên chính thị trường trong nước. Nhiều sản phẩm đã ra được thị trường thế giới, nhờ sự đóng góp của công nghệ mới và việc tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất, như lĩnh vực thủy sản, nông sản, đồ gỗ nội thất, hàng may mặc.

Tuy nhiên, để đặt chân vào danh sách các nước phát triển, Việt Nam cần có một lộ trình toàn diện và hiện thực về chính sách phát triển đất nước, định hướng nghiêm túc cho ngành giáo dục trong việc đào tạo con người - đào tạo lao động, thực hiện nghiêm các Tiêu chuẩn Việt Nam trong quá trình sản xuất đối với từng ngành nghề, cải thiện môi trường đầu tư nhằm thu hút vốn và công nghệ mới.

Yêu cầu đặt ra cho kinh tế Việt Nam trong thời kỳ mới

Một lộ trình toàn diện cho quá trình phát triển đất nước, phải hiện thực hóa những nội dung bản lề, được luật hóa trong các kỳ họp Quốc hội. Để triển khai các mục tiêu dài hạn, đi đầu là sự nghiêm túc của các cơ quan chức năng trong quá trình điều hành chính sách pháp luật. Những năm gần đây, nhiều vụ việc vi phạm pháp luật cho thấy người đại diện của cơ quan chức năng thiếu trách nhiệm, để lại hậu quả cho xã hội như những vụ án oan sai; Lạm dụng chức vụ quyền hạn để thao túng và tìm kiếm lợi ích cho bản thân; Dự án nhiều héc ta trong Hà Nội, đã đi vào hoạt động nhưng không được cấp phép; Khách sạn nằm gần trung tâm hành chính của tỉnh, đã đi vào khai thác nhưng không có giấy phép xây dựng; Nhiều thương hiệu có uy tín trên thị trường, vì lợi nhuận mà gian lận thương mại; Thuốc chữa bệnh bị làm giả để móc túi người tiêu dùng; Hàng hóa không rõ nguồn gốc nhiều vô kể trong các chợ trung tâm; Hóa chất cấm, được bày bán và sử dụng tràn lan; Môi trường ô nhiễm ở khắp nơi từ hệ lụy của phát triển kinh tế thiếu kiểm soát…

Từ góc nhìn khác cho thấy, đằng sau những vụ việc vi phạm pháp luật, đã rõ về đối tượng chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, bộ máy chính quyền đang ở đâu trong thời điểm đó, ai đã “dung túng” cho các đối tượng vi phạm, mặc sức “nhào nặn” luật pháp theo những hình hài mà họ mong muốn? Sau nhiều năm, cán bộ luân chuyển sang các vị trí công tác khác, đã mấy ai phải quay lại chịu trách nhiệm về những sai phạm do mình làm ra?

Sự lo lắng của người dân khi nghe tin về sức khỏe của Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, trong chuyến công tác tại tỉnh Kiên Giang vào đầu năm 2019, cho thấy quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Chính phủ, giúp bảo vệ nền tảng chế độ, nâng cao lòng tin cho nhân dân, đang phát huy hiệu quả. Yêu cầu đặt ra để ổn định và xây dựng đất nước, buộc chúng ta phải xử lý được nạn tham nhũng trong bộ máy chính quyền. Đó cũng là bước chuẩn bị, củng cố niềm tin, tạo “nền tảng mềm” cho bước khởi đầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trên đất nước ta, hướng tới mục tiêu của một quốc gia phát triển.

Có rất nhiều vị lãnh đạo cấp cao sau khi nghỉ hưu, họ trở về với cuộc sống đời thường một cách thanh thản, mộc mạc và giản dị, họ tiếp tục hòa mình vào cuộc sống của nhân dân, cảm nhận nỗi gian truân, vất vả của người lao động để làm tiếp bổn phận của mình với đất nước, với dân tộc. Nhưng cũng còn đó, một số vị lãnh đạo ra về trong nhung lụa, nhà lầu xe hơi, cuộc sống đủ đầy, con cái tiêu pha hoang phí trên nền tảng của cha mẹ để lại.

Sau 50 năm, di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nguyên màu mực. Sự răn dạy của Người qua từng cử chỉ, hành động, lời nói, đều mang tính nhân văn sâu sắc. Vượt lên trên hết là sự thấu hiểu, thấm thía của Người về nỗi đau khi dân tộc bị chà đạp, mất đi quyền tự do. Nỗi đau đó thấm đẫm nước mắt của Cha ông, làm tối đi màu da của dân tộc, trong một thời gian dài của lịch sử nước nhà. Những hình ảnh đó vẫn chưa đủ để chúng ta soi mình vào, đau cùng nỗi đau của Cha ông, sẻ chia cùng sự khát khao độc lập tự do của Người hay sao?

Đã đến lúc chúng ta phải nghiêm túc hơn trước ngưỡng cửa hội nhập, đưa bạn bè quốc tế vào tầm nhìn về một Việt Nam đủ sức đương đầu với những khó khăn, thách thức đang đặt ra trước mắt. Khi pháp luật được thực hiện nghiêm minh, công bằng trong cạnh tranh xuất hiện, cánh cửa kinh tế trong nước sẽ mở ra, cuốn hút các nhà đầu tư nước ngoài để vốn và công nghệ mới có cơ hội vào Việt Nam nhanh hơn, nhiều hơn, lợi ích cho quốc gia cũng từ đó mà sinh sôi.

Vai trò của ngành giáo dục trong phát triển đất nước

Ở các quốc gia phát triển, việc tuân thủ đạo đức kinh doanh và thực hiện triệt để quy chuẩn trong quá trình sản xuất, được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, để nền kinh tế có sự ổn định và bền vững, yếu tố con người luôn được xem là quan trọng nhất, bởi đạo đức kinh doanh xuất phát từ đạo đức của mỗi con người mà trong đó, nền giáo dục, môi trường đào tạo và môi trường gia đình là những yếu tố then chốt, đưa đến một kết quả như mong muốn.

Những năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành công, đóng góp một phần không nhỏ vào sự ổn định của đất nước, tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, đi theo đó là việc “thị trường hóa” các mặt trong xã hội, dẫn đến mọi lĩnh vực đều ảnh hưởng của quy luật cung cầu. Bản chất của quy luật cung cầu chỉ xuất hiện trên thị trường trao đổi hàng hóa, những nhân tố ảnh hưởng gồm lượng cung hàng hóa, giá bán trên thị trường, thu nhập của người dân, sức mua của tiền tệ… và các biến số kinh tế khác. Khi mọi thứ đều có thể mang ra trao đổi, trong đó có đạo đức và quyền lực, sẽ tương tự như chức năng thứ hai của tiền tệ xuất hiện(1). Vậy thước đo nào xứng đáng trao đổi với đạo đức và quyền lực trong xã hội? Hệ lụy mà nó để lại những ai sẽ phải gánh chịu?

Còn nhớ tháng 3/2018, rộ lên việc ông Huỳnh Bê - Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Mây (xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk), bị tố cáo vì nhận tiền để chạy việc của nhiều giáo viên. Theo đơn tố cáo, người ít thì đưa cho ông Huỳnh Bê 120 triệu, người nhiều lên tới 300 triệu đồng. Vụ việc bị phát giác khi 578 giáo viên dạy hợp đồng tại huyện Krông Pắk, phải bỏ tiền “chạy chọt” nhưng đứng trước nguy cơ mất việc làm. Ông Huỳnh Bê đương nhiên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình. Tuy nhiên trên góc độ cơ quan chức năng, việc gây hoang mang cho đội ngũ giáo viên phải chăng đang tạo cơ hội cho những kẻ muốn “rũ rối” sự việc, để nhặt nhạnh nốt những đồng lương “còi cọc” còn lại của giáo viên? Đạo đức có thể đã trở thành hàng hóa tại những tình huống tương tự như vậy.

Câu chuyện về ngành giáo dục còn nhiều vô kể như việc giáo viên yêu cầu cả lớp tát hội đồng một em học sinh vào ngày 19/11/2018, tại Trường THCS Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình; Giáo viên bắt học sinh uống nước rẻ lau bảng tại trường tiểu học An Đồng, huyện An Dương, TP.Hải Phòng vào ngày 3/4/2018…

Vậy nguyên nhân do đâu mà hàng loạt vụ việc thiếu đạo đức, diễn ra trong chính các môi trường giáo dục nhân cách và đạo đức như vậy? Có thể thấy một thực trạng hiện nay là mức lương theo quy định của nhà nước chỉ đủ ổn định cuộc sống gia đình. Tuy nhiên, những lãnh đạo trong bộ máy chính quyền các cấp có nhà cao cửa rộng, nhiều không kể siết. Phải chăng ngoài giờ làm việc, họ đã đi làm thêm như “lái xe ôm, bán chổi đót”, chứ không phải đổi quyền lực và đạo đức để lấy tài sản? Cấp dưới gồng mình chạy đua, xếp chỗ chờ đến lượt mình ngồi vào ghế, mặc cho nghèo hèn đeo bám, không phải do những kẻ cơ hội tạo ra? Khi đứng trên bục giảng, nỗi lo cơm áo gạo tiền và những vấn đề xoay quanh cuộc sống gia đình, đang đè nặng lên đôi vai Thầy cô, đương nhiên sự tận tâm với nghề cũng vì thế mà giảm đi. Hơn nữa, việc lực chọn đầu vào để đào tạo giáo viên, không thể coi nhẹ. Không thể vì lợi ích mà sơ tuyển những sinh viên có điểm đầu vào dưới mức trung bình cho ngành giáo dục.

Giả sử luật pháp nghiêm minh, những khoản tiền do “bắt tay dưới gầm bàn” sẽ đi thẳng vào ngân sách nhà nước, lợi ích của người dân được phân chia đều hơn, xã hội sẽ công bằng hơn, các nhà đầu tư nước ngoài tìm đến bởi một môi trường đầu tư lý tưởng, mục tiêu của Đảng và Nhà nước sẽ sớm hoàn thành, xã hội cũng vì thế mà ổn định.

Bài toán đạo đức của ngành giáo dục, phải xuất phát từ việc điều hành chính sách pháp luật một cách nghiêm minh của cơ quan chức năng, tăng thu nhập cho đội ngũ giáo viên, song hành với đó là quy định nghiêm ngặt của ngành giáo dục khi lựa chọn đầu vào, tiêu chí đầu ra và quá trình giảng dạy của giáo viên. Đặc biệt, đây là môi trường nòng cốt để có những thế hệ trẻ đủ đức, đủ tài, mang đến sự ổn định cho đất nước trong tương lai. Vì vậy, tuyệt đối không thể bị “thị trường hóa” môi trường giáo dục như những sự việc đã xảy ra; Không để những kẻ “buôn chính sách” có cơ hội xáo trộn, gây hoang mang dư luận để “bòn rút hạnh phúc, khoét sâu nỗi khổ” của người lao động chân chính.

Tuy nhiên, ngoài những "con sâu làm rầu nồi canh", còn đó rất nhiều những Thầy cô tâm huyết với nghề, họ bắt nhịp được với sự vận động của xã hội, bằng nhiệt huyết của bản thân kết hợp với lòng yêu nghề và sự sáng tạo, họ đã đóng góp một phần không nhỏ để cho ra xã hội những nhân cách yêu nước, làm nên bản sắc Việt Nam trước bạn bè quốc tế, mà trường hợp dưới đây là một ví dụ điển hình.

Đó là cô giáo Võ Thị Thúy Loan, chủ nhiệm lớp 5A3, trường tiểu học Tây Sơn, quận Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội. Sau những ngày đầu cô trò nhận nhau trước khi khai giảng năm học mới 2019, các con đều cảm nhận sự thân thiện, cởi mở với quyền tự do phát biểu, bộc bạch được cô cho phép. Trước ngày khai trường, các con mang về một tâm thư của cô chủ nhiệm gửi cho phụ huynh, với mong muốn hiểu các con hơn và đồng hành cùng gia đình trong thời gian cô làm chủ nhiệm. “Tôi thật lòng muốn được biết mỗi học sinh của mình là bạn nhỏ thế nào ở nhà, ở ngoài nhà trường”. Sự sáng tạo cùng với tâm huyết và mong muốn về một giá trị đích thực trong giáo dục của Thầy cô, sẽ hun đúc cho thế hệ trẻ hiểu được nguồn cội, giữ được văn hóa và cống hiến cho một Việt Nam hùng cường trong tương lai. Hơn thế nữa, phía sau tâm thư là sự thấu hiểu một môi trường sinh sống mà gia đình đang dành cho thế hệ trẻ.

Thư ngỏ của Cô giáo Võ Thị Thúy Loan, lớp 5A3, trường Tiểu học Tây Sơn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, - Gửi phụ huynh học sinh

Viết tâm thư gửi gia đình và học sinh, là việc làm đã được nhiều giáo viên sử dụng trong những năm gần đây. Nó không mới, nhưng là cả tâm huyết của Thầy cô. Hơn nữa tâm thư là những trăn trở của Thầy cô, trước sự xuống cấp về đạo đức của xã hội và là hy vọng về một nền giáo dục sẽ đóng góp cho sự phát triển của nước nhà, trong tương lai.

Một môi trường cũng vô cùng quan trọng trong rèn luyện đạo đức, nhân cách của con người là gia đình. Việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao giá trị gia đình sẽ giúp xã hội hoàn thiện hơn. Mấy năm gần đây xảy ra nhiều vụ việc đau lòng như ấu dâm; Cha cưỡng dâm chính con gái ruột của mình; Người thân hành hạ lẫn nhau. Mới đây nhất là vụ việc xảy ra tại xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, TP.Hà Nội, do tranh chấp đất đai, người anh cầm dao sát hại 5 người thân trong gia đình người em, dẫn đến 4 người tử vong. Những nỗi đau đó như “vết thù trên lưng ngựa hoang”, mà xã hội đang phải gồng mình chịu đựng.

Báo chí là công cụ tuyên truyền, định hướng dư luận, nâng cao nhận thức cho nhân dân. Vì vậy, việc điều chỉnh tỷ lệ bài viết tích cực nhiều hơn bài viết tiêu cực, sẽ giảm năng lượng tiêu cực trong xã hội. Hiện tượng “sự việc sai, nói nhiều thành đúng” như hiện nay mà biểu hiện rõ nhất là mạng xã hội, cũng dẫn đến tính tiêu cực trong xã hội ngày một tăng cao, tuy nhiên nhiều người lại cho đây là những việc hết sức bình thường. Góc độ cơ quan quản lý báo chí, cần có quy định cụ thể cho tỷ lệ bài viết tích cực, bởi nâng cao tư tưởng tích cực và thay đổi nhận thức, có tác động rất lớn trong việc bảo vệ chế độ, giữ gìn sự ổn định của đất nước và nền hòa bình của dân tộc, trong thời điểm hiện nay.

Trách nhiệm nâng cao tri thức, đạo đức, nhân cách của toàn xã hội, đứng đầu phải là bộ máy chính quyền các cấp và sự vào cuộc của ngành giáo dục, trên nền tảng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Sinh thời Bác luôn quan tâm tới giáo dục thế hệ trẻ, Người viết: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Tư tưởng đó không chỉ bó hẹp trong việc giáo dục tri thức, học vấn, mà sâu xa là nhằm đào tạo ra những con người toàn diện, có tri thức, lý tưởng, đạo đức, nhân cách và sức khoẻ... Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Hiền, dữ phải đâu là tính sẵn, phần nhiều do giáo dục mà nên”. 50 năm lời người còn đó, nhưng vì sao đạo đức xã hội ngày một xuống cấp mà chúng ta chưa thể khắc phục? Đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cần có giải pháp cụ thể để xã hội thực sự thay đổi.

Yếu tố tài chính trong sản xuất của cải vật chất cho xã hội

Trong sản xuất của cải vật chất, vốn đầu tư là một yếu tố đầu vào song hành cùng các yếu tố khác như lao động, khoa học công nghệ và thiết bị. Ở những đất nước đang phát triển như Việt Nam, giải phóng nguồn lực con người đóng góp không nhỏ vào quá trình tăng trưởng đó. Tuy nhiên, một nền kinh tế tăng trưởng thành công, đa phần phụ thuộc vào việc mở rộng quy mô đầu tư và đương nhiên, yếu tố vốn sẽ tăng theo tỷ lệ thuận của quá trình mở rộng sản xuất kinh doanh đó. Như vậy, vốn đầu tư trong sản xuất của cải vật chất là yếu tố chi phối lớn, mang đến sự thành công trong quá trình tăng trưởng của một nền kinh tế.

Việc cung cấp nguồn vốn cho các doanh nghiệp, thông qua công cụ tài chính của Ngân hàng Nhà nước phải đồng bộ, có giải pháp phù hợp với từng thời điểm nhằm hỗ trợ kịp thời, giúp kinh tế tăng trưởng bền vững. Cơ cấu hệ thống tài chính Việt Nam, được phân chia theo hình thức biểu hiện gồm: Tài chính doanh nghiệp; Thị trường vốn; Tài chính hộ gia đình, cá nhân; Ngân hàng, các tổ chức tín dụng; Tài chính công, các tổ chức xã hội; Tài chính quốc tế và các tổ chức trung gian, theo mô hình sau đây:

Qua mô hình thị trường tài chính cho ta thấy, việc sản xuất của cải vật chất là nhóm doanh nghiệp, hộ gia đình và cá nhân. Nhóm thị trường vốn, ngân hàng và các tổ chức tín dụng là nơi tạo nguồn vốn cho các doanh nghiệp sản xuất.

Trong đó, thị trường vốn là nơi mua bán, trao đổi giấy tờ có giá trị như cổ phiếu, trái phiếu. Thị trường này thường phát huy hiệu quả đối với các doanh nghiệp có quy mô lớn, mặt hàng sản xuất có sự vận động mạnh trên thị trường. Những doanh nghiệp có quy mô nhỏ và ít biến động, thường khó tận dụng vốn ở lĩnh vực này. Như vậy, các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường phải tìm kiếm nguồn vốn từ Ngân hàng và các tổ chức tín dụng, với lãi suất bình quân trên dưới 10%/năm.

Trong khi đó, tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa của nước ta chiếm trên 90% quy mô nền kinh tế. Với lãi suất trên dưới 10%/năm, khi nền kinh tế tăng trưởng tốt, số ngày của 1 vòng quay vốn ít, các doanh nghiệp thu về lợi nhuận như mong muốn. Tuy nhiên, khi kinh tế tăng trưởng chậm lại hoặc suy thoái, số ngày của 1 vòng quay vốn tăng lên, mức lãi suất trên dưới 10%/năm sẽ là một gánh nặng cho các doanh nghiệp, bởi chi phí vốn làm tăng giá thành sản xuất từ nguyên nhân số ngày của 1 vòng quay vốn tăng. Trên góc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam, sản xuất của cải vật chất cho quốc gia lại đặt lên vai nhóm doanh nghiệp, hộ gia đình và cá nhân, nhóm Ngân hàng và các tổ chức tín dụng đang hưởng lợi quá cao, là tác nhân làm kìm hãm lĩnh vực sản xuất.

Để bắt nhịp với kinh tế thế giới, Việt Nam cần sử dụng công cụ tài chính một cách linh hoạt và phù hợp, nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước, chú trọng ưu tiên phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, tận dụng lợi thế nông nghiệp, hỗ trợ việc áp dụng công nghệ mới vào sản xuất. Khi tìm được hướng đi trọng điểm để phát triển kinh tế bền vững, mong rằng tỷ lệ doanh nghiệp có tuổi đời dài ở nước ta, sẽ tăng lên theo thời gian.

Vũ Chiến

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Đức Long Gia Lai đã trao hơn 500 triệu đồng hỗ trợ các tỉnh phía Bắc

DNTH: Chiều 18/9, đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai cho biết, vừa nhận tổng trị giá hơn 500 triệu đồng từ Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai.

Tư lệnh Cảnh sát Cơ động giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND Hải Dương

DNTH: Thiếu tướng Lê Ngọc Châu được điều động, chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương nhiệm kỳ 2020-2025, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương nhiệm kỳ 2021-2026.

Thúc đẩy trao quyền kinh tế, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, lập nghiệp

DNTH: Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, các doanh nghiệp nữ, các hợp tác xã do phụ nữ làm chủ đóng góp to lớn vào thành tựu phát triển chung của khu vực doanh nghiệp và hợp tác xã.

Thủy điện Ialy mở rộng dự kiến phát điện vào cuối năm nay

DNTH: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, vừa hạ thành công rotor tổ máy 1 Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng, tiến tới chạy thử nhằm phát điện vào tháng 11 năm 2024.

Kon Tum xảy ra trận động đất độ lớn 5.0 richter, rủi ro thiên tai cấp 2

DNTH: Bốn trận động đất liên tiếp vừa xảy ra ở tỉnh Kon Tum, trong đó trận mạnh nhất có độ lớn 5.0 richter, gây rung lắc tỉnh Kon Tum, Gia Lai và các tỉnh, thành lân cận.

Tổ chức trọng thể Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Ngày 26/7/2024, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và gia đình đã tổ chức trọng thể Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành...

XEM THÊM TIN