Xây dựng quy hoạch cần kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển

20:51 | 14/09/2022

DNTH: Sáng 14/9, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị thẩm định quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định đồng chủ trì hội nghị. Cùng dự hội nghị có lãnh đạo các bộ, ban, ngành, địa phương là thành viên Hội đồng Thẩm định, các chuyên gia phản biện.

Ưu tiên hình thành và phát triển các vành đai công nghiệp

Tại hội nghị, các thành viên Hội đồng thẩm định đã đánh giá, nhiệm vụ Quy hoạch tổng thể quốc gia đã được thực hiện một cách công phu, nghiêm túc, bài bản, cầu thị, huy động được sự tham gia đông đảo, hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức quốc tế.

Quy hoạch tổng thể quốc gia để phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của đất nước - Ảnh 3.
GS.TS. Đào Xuân Học, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Quá trình triển khai lập Quy hoạch tổng thể quốc gia đã tuân thủ đầy đủ quy trình lập quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch. Về cơ bản, nội dung Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã bám sát quy định của Luật Quy hoạch, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ và phù hợp với Nhiệm vụ lập quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 04/10/2020.

Quy hoạch tổng thể quốc gia để phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của đất nước - Ảnh 4.
PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phát biểu ý kiến. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Về cơ bản, các ý kiến của các thành viên, ủy viên Hội động thẩm định đã nhất trí với những nội dung quan trọng của báo cáo quy hoạch như đánh giá tổng quát về kết quả đạt được và hạn chế, yếu kém giai đoạn vừa qua, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; các quan điểm, mục tiêu phát triển, các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm trong thời kỳ quy hoạch; các định hướng lớn về bố trí không gian phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng; các vùng động lực, các hành lang kinh tế.

Các thành viên nhất trí với quan điểm, tư tưởng chủ yếu của Quy hoạch tổng thể quốc gia là phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào yếu tố hiệu quả trong giai đoạn đến năm 2030, sau đó dần phát triển hài hòa, bền vững, cân đối giữa các vùng miền, địa phương đến năm 2050.

Các thành viên nhất trí với định hướng động lực tăng trưởng là cần tập trung phát triển vùng động lực tăng trưởng và cực tăng trưởng. Cụ thể, phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, tập trung vào vùng lõi động lực tăng trưởng là tam giác Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, trong đó, Thủ đô Hà Nội là cực tăng trưởng; phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tập trung vào vùng lõi động lực tăng trưởng là tứ giác Thành phố Hồ Chí Minh - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh là cực tăng trưởng.

Quy hoạch tổng thể quốc gia để phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của đất nước - Ảnh 6.
Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Các thành viên cũng nhất trí với việc định hình và sắp xếp thứ tự ưu tiên các hành lang kinh tế và vành đai công nghiệp, đô thị chính: quy hoạch tập trung hình thành các hành lang kinh tế theo trục Bắc - Nam và hướng Đông - Tây dựa trên các tuyến giao thông đường bộ cao tốc, đường sắt, kết nối các cảng biển, cảng hàng không quốc tế, cửa khẩu quốc tế, gắn với các đô thị, trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng. Ưu tiên hình thành và phát triển các vành đai công nghiệp, đô thị quanh Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, gắn kết với các cửa ngõ quốc tế.

Các thành viên cũng nhất trí với các đột phá phát triển hạ tầng: ưu tiên phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó có giao thông đô thị Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, năng lượng, viễn thông... gắn với hình thành các hành lang kinh tế và xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại tại các vùng động lực (vùng lõi) và cực tăng trưởng của các vùng kinh tế trọng điểm.

Quy hoạch tổng thể quốc gia để phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của đất nước - Ảnh 7.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch lần đầu tiên được triển khai lập ở Việt Nam theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Công tác quy hoạch như người công binh mở đường

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch lần đầu tiên được triển khai lập ở Việt Nam theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017; đây là nhiệm vụ mới, rất quan trọng, khó khăn, phức tạp, chưa có tiền lệ và chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm.

Nhưng đây cũng là một cơ hội rất lớn để chúng ta đánh giá lại hiện trạng phát triển và tổ chức không gian phát triển của quốc gia một cách thực chất, tổng thể, qua đó cụ thể hóa đường hướng phát triển đất nước; định hình không gian phát triển, lộ trình phát triển và nguồn lực phát triển của quốc gia.

Quy hoạch tổng thể quốc gia để phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của đất nước - Ảnh 8.
Thủ tướng trao đổi với các chuyên gia tại hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

"Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, mỗi quốc gia muốn phát triển nhanh, bền vững phải chọn con đường đi đúng, xác định được cách thức, nguồn lực, động lực và thời gian để đến đích. Chính vì vậy, công tác quy hoạch được xem như người công binh mở đường; một bản quy hoạch tốt sẽ giúp có được con đường đi tốt nhất, hiệu quả nhất và nhanh nhất để đạt được các mục tiêu phát triển đất nước đề ra tại chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cả nước giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050 được thông qua tại Đại hội XIII của Đảng.

Phải cầu thị, lắng nghe, tiếp thu mọi ý kiến đóng góp xác đáng

Hình tượng công tác quy hoạch như người công binh mở đường cũng nhấn mạnh vai trò dẫn dắt phát triển, kiến tạo phát triển của Nhà nước trong mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà Đảng và Nhân dân ta đã lựa chọn. Để làm tốt công tác quy hoạch, phương pháp tiếp cận phải đúng, đòi hỏi chúng ta phải cầu thị, lắng nghe, tiếp thu mọi ý kiến đóng góp xác đáng, tham khảo kinh nghiệm tốt của quốc tế, tận dụng mọi nguồn lực, phát huy trí tuệ tập thể để xây dựng bản quy hoạch tốt nhất", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu.

Quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch tích hợp, tổng hợp, đòi hỏi sự phối hợp liên ngành, liên cấp, với sự tham gia, vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, các viện nghiên cứu, các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài nước.

Trên cơ sở ý kiến tham gia thẩm định bằng văn bản và ý kiến tham gia tại phiên họp thẩm định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ chỉ đạo đơn vị tư vấn phối hợp với các bộ, ngành và cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu tiếp thu, giải trình các ý kiến tham gia trong phạm vi của quy hoạch tổng thể quốc gia để hoàn thiện hồ sơ quy hoạch tổng thể quốc gia đạt chất lượng cao nhất.

Đối với những ý kiến đề nghị bổ sung các nội dung chi tiết, cụ thể về định hướng phát triển và phân bố không gian các ngành, lĩnh vực; tiếp thu, nghiên cứu tối đa các ý kiến xác đáng, đồng thời đề nghị đưa vào nội dung các quy hoạch ngành quốc gia hoặc quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh do phạm vi khái quát và chiến lược của quy hoạch tổng thể quốc gia.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh công tác quy hoạch có ý nghĩa rất quan trọng với sự phát triển. Việc xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia là công việc khó bởi được làm lần đầu tiên, chưa có tiền lệ, quy mô rộng, nhiệm vụ lớn, phức tạp, nhạy cảm, do đó phải giữ vững đoàn kết, thống nhất, phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể, lắng nghe ý kiến của nhau, quyết định theo đa số với tinh thần trách nhiệm cao nhất để bảo đảm chất lượng và tiến độ công việc.

Quy hoạch cần có kế thừa, ổn định, đổi mới

Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ một số nội dung để các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình hoàn thiện quy hoạch, trình các cấp có thẩm quyền theo quy định.

Theo đó, Thủ tướng cho rằng trước hết cần làm rõ quy hoạch khác với chiến lược 10 năm và kế hoạch 5 năm như thế nào. Việc xây dựng quy hoạch phải bám sát chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, trong đó có Luật Quy hoạch, nhiệm vụ quy hoạch được Chính phủ phê duyệt, để cụ thể hóa thành quy hoạch bảo đảm, khả thi, hiệu quả, dễ đọc, dễ nhớ, dễ làm, dễ đánh giá, dễ giám sát, kiểm tra. Đồng thời, phải đánh giá sát tình hình, bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo với các "số liệu biết nói" cụ thể.

Với tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, quy hoạch phải chỉ ra được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, từ đó có giải pháp phù hợp để phát huy tối đa các nguồn lực, trong đó nội lực (gồm con người, thiên nhiên, truyền thống văn hóa - lịch sử) là cơ bản, chiến lược, quyết định, lâu dài, tranh thủ ngoại lực (gồm vốn, công nghệ, quản lý, đào tạo nhân lực…) là quan trọng và đột phá, đồng thời chỉ ra, hóa giải được những mâu thuẫn, thách thức, tồn tại, yếu kém của nội tại nền kinh tế (như về hạ tầng, thể chế, kết nối vùng, kết nối quốc tế, chênh lệch phát triển giữa các khu vực…)

Về xác định không gian phát triển theo vùng lãnh thổ, Thủ tướng cho rằng đây là nhiệm vụ đã được nghiên cứu, triển khai từ lâu, việc xây dựng quy hoạch cần có kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển. Về nội dung này Thủ tướng gợi ý quy hoạch cần xác định các ngành mũi nhọn sát tình hình thực tiễn, điều kiện và hoàn cảnh đất nước, gồm nông nghiệp; các ngành công nghiệp nền tảng như công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp vật liệu, công nghiệp năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; các ngành dịch vụ như logistics, dịch vụ tiêu dùng, ngân hàng, tài chính, thương mại điện tử, công nghiệp văn hóa…

Quy hoạch tổng thể quốc gia để phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của đất nước - Ảnh 11.
Thủ tướng lưu ý nhiệm vụ chuyển đổi cơ cấu kinh tế; xác định thứ tự ưu tiên để bố trí, ưu tiên nguồn lực phù hợp. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Việc xây dựng quy hoạch cần quán triệt và cụ thể hóa phát triển nhanh nhưng bền vững, phát triển hài hòa kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và môi trường, đặt văn hóa ngang tầm kinh tế, chính trị, xã hội, xác định văn hóa lịch sử truyền thống là một nguồn lực, "văn hóa còn thì dân tộc còn"; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Mở rộng không gian phát triển gồm không gian ngầm, không gian biển và bầu trời; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế ban đêm; phát triển không gian văn hóa gắn với du lịch.

Theo đó, nhiệm vụ chuyển đổi cơ cấu kinh tế; xác định thứ tự ưu tiên để bố trí, ưu tiên nguồn lực phù hợp; bảo đảm môi trường sinh thái, xử lý các vấn đề môi trường; vấn đề di dân để quy hoạch không gian gắn với phát triển dân số hài hòa, hợp lý.

Đồng thời Thủ tướng cũng lưu  ý cách thức huy động nguồn lực để thực hiện quy hoạch (gồm nhân lực, vật lực, tài lực; trong đó có nguồn lực Nhà nước, nguồn lực từ người dân và doanh nghiệp, nguồn lực bên ngoài), trong đó yếu tố con người là quyết định, đặc biệt là đội ngũ cán bộ và người đứng đầu. Người đứng đầu Chính phủ nhắc lại quan điểm "nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ đổi mới và sức mạnh bắt nguồn từ lòng dân".

Lưu ý thêm việc đánh giá tác động của việc thực hiện quy hoạch, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến tại hội nghị, tiếp tục hoàn thiện các hồ sơ, văn bản liên quan, triển khai các thủ tục theo quy định để xin ý kiến Bộ Chính trị, trình Chính phủ trước khi trình Quốc hội thông qua.

Quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch cấp quốc gia, mang tính chiến lược theo hướng phân vùng và liên kết vùng của lãnh thổ bao gồm đất liền, các đảo, quần đảo, vùng biển và vùng trời; hệ thống đô thị và nông thôn; kết cấu hạ tầng; sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường; phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế

 

Về phạm vi, nội dung quy hoạch tổng thể quốc gia xác định việc phân bố và tổ chức không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường có tầm quan trọng cấp quốc gia, quốc tế và có tính liên vùng mang tính chiến lược trên lãnh thổ bao gồm đất liền, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời.

 

Hội đồng thẩm định Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được thành lập theo Quyết định số 965/QĐ-TTg ngày 10/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

 

Trong quá trình triển khai lập quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với 16 bộ, ngành xây dựng Báo cáo Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia (các quan điểm, mục tiêu và định hướng ưu tiên phát triển). Báo cáo Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia đã được Thường trực Chính phủ, Chính phủ, Ban cán sự Đảng Chính phủ thảo luận, cho ý kiến nhiều lần. Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các bộ, ngành xây dựng 41 hợp phần quy hoạch, và nghiên cứu, tích hợp, xây dựng dự thảo Báo cáo Quy hoạch tổng thể quốc gia.

 

Trong quá trình lập quy hoạch tổng thể quốc gia, Bộ đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo với sự tham gia của các chuyên gia trong nước và quốc tế để hoàn thiện quy hoạch; gửi xin ý kiến các bộ, ngành, Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Kinh tế Trung ương và 5 Ủy ban của Quốc hội, các chuyên gia và các địa phương, đồng thời đăng tải hồ sơ Quy hoạch tổng thể quốc gia trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để lấy ý kiến rộng rãi của cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan.

 

Trong quá trình lập quy hoạch tổng thể quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã tham khảo nhiều kinh nghiệm quốc tế, trong đó có quy hoạch quốc gia của các nước như Malaysia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Indonesia, Nhật Bản - các nước có nhiều điều kiện tương đồng và mức độ phát triển cao hơn trong khu vực - để tìm hiểu kinh nghiệm tổ chức lập và nội dung quy hoạch quốc gia ở các nước nêu trên. Đồng thời, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã cử các chuyên gia hỗ trợ nghiên cứu, góp ý cho các nội dung lớn của báo cáo quy hoạch tổng thể quốc gia.

 

 

 

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ động ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ ở Trung Bộ

DNTH: Chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với gió mạnh trên biển, mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống bảo đảm kịp thời, hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại. Yêu cầu trên được Thủ...

Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh

DNTH: Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham...

Khẳng định Việt Nam độc lập, tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, đóng góp trách nhiệm, hiệu...

DNTH: Chuyến công tác tại Brazil và Cộng hòa Dominica của Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định tầm nhìn chiến lược, cam kết mạnh mẽ, đề xuất có trách nhiệm và sẵn sàng tham gia, đóng góp nhiều hơn nữa của Việt Nam đối với các...

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Thống đốc tỉnh Kanagawa (Nhật Bản)

DNTH: Tối 15/11, tiếp Thống đốc tỉnh Kanagawa (Nhật Bản) Kuroiwa Yuji - người đã được trao tặng Huân chương hữu nghị của Việt Nam và cùng đoàn đại biểu chính quyền, doanh nghiệp tỉnh thăm Việt Nam 7 lần, Thủ tướng Phạm Minh Chính...

Thủ tướng sẽ dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Brazil và thăm Dominica

DNTH: Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Phu nhân sẽ có chuyến công du Brazil dự Hội nghị thượng đỉnh G20, tiến hành các hoạt động song phương và thăm chính thức Cộng hòa Dominica.

Thủ tướng: Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt

DNTH: Chỉ rõ 5 yếu tố về thời gian, trí tuệ, khát vọng, tự lực và hội nhập, cùng 3 nội dung cần đặc biệt lưu ý để tiếp tục đổi mới giáo dục và đào tạo theo chủ trương của Đảng, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khát...

XEM THÊM TIN