Xuất khẩu của Việt Nam sẽ phục hồi vào cuối năm 2023

15:07 | 04/06/2023

DNTH: Hàng tồn kho tại Mỹ và toàn thế giới đang giảm với tốc độ khá nhanh và vấn đề hàng tồn kho dự báo sẽ được giải quyết vào cuối năm nay. Triển vọng cho khối sản xuất đang tích cực trở lại và đơn hàng tại các nhà máy ở Việt Nam sẽ phục hồi từ cuối năm 2023.

Đó là nhận định của bà Nguyễn Hoài Thu, Tổng Giám đốc điều hành Quỹ Đầu tư chứng khoán và trái phiếu, VinaCapital, khi trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ.

Xuất khẩu của Việt Nam sẽ phục hồi vào cuối năm 2023 - Ảnh 1.
Bà Nguyễn Hoài Thu

Hàng tồn kho trên thế giới đang giảm nhanh

Theo bà Nguyễn Hoài Thu, điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam từ đầu năm đến nay là sự phục hồi của du lịch, đặc biệt là sự trở lại của khách du lịch quốc tế, đã hỗ trợ phần nào tăng trưởng tiêu dùng.

Cụ thể, Việt Nam đang chứng kiến sự phục hồi khá mạnh mẽ về lượng khách du lịch nước ngoài. Trong 5 tháng đầu năm 2023, số lượng khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam đã đạt 63% so với mức trước dịch COVID-19, trong đó lượng khách du lịch Trung Quốc cũng bắt đầu phục hồi, đạt trên 18% so với mức trước dịch COVID-19. Kết quả là doanh số bán lẻ thực 5 tháng đầu năm, (đã loại bỏ tác động của lạm phát) tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước.

Còn về khó khăn, khối sản xuất và các doanh nghiệp xuất khẩu phải chịu áp lực lớn từ sự sụt giảm nhu cầu đối với các mặt hàng "sản xuất tại Việt Nam" ở thị trường Mỹ và các nước phát triển, dẫn đến tăng trưởng sản xuất công nghiệp giảm 2,5% trong 5 tháng đầu năm 2023, so với tăng trưởng hơn 9% cùng kỳ và mức tăng trưởng bình quân hàng năm trên 10% trong dài hạn. Chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI của Việt Nam trong tháng 5 cũng xuống mức thấp nhất trong năm là 45,3 do việc giảm đơn hàng mới tại các nhà máy.

"Tuy nhiên, khi nhìn vào tình hình hàng tồn kho tại Mỹ và toàn thế giới, chúng tôi thấy hàng tồn kho tại Mỹ đang giảm với tốc độ khá nhanh. Cụ thể, hàng tồn kho của các nhà bán lẻ ở Mỹ đã tăng nhanh và đạt đỉnh ở cuối năm 2022 với mức tăng trưởng là 20% so với cùng kỳ, và con số này hiện đang giảm nhanh về mức 10% và sẽ tiệm cận mức 0% vào cuối năm nay. Vấn đề hàng tồn kho dự báo sẽ được giải quyết vào cuối năm nay, do đó chúng tôi tin rằng triển vọng cho khối sản xuất đang dần tích cực trở lại và các đơn hàng tại các nhà máy ở Việt Nam sẽ bắt đầu phục hồi từ cuối năm 2023", bà Thu cho biết.

Chính phủ quyết liệt trong xử lý từng nút thắt của nền kinh tế

Về nỗ lực điều hành của Chính phủ, bà Nguyễn Hoài Thu đánh giá cao việc Chính phủ quyết liệt trong xử lý từng nút thắt của nền kinh tế với sự đồng bộ của các chính sách tiền tệ và tài khóa.

Theo đó, để đối phó với sự chậm lại của tăng trưởng kinh tế, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, từ kích thích tăng trưởng thông qua kích cầu tiêu dùng, gỡ bỏ vướng mắc trên thị trường vốn, thị trường trái phiếu cũng như thị trường bất động sản.

Các chính sách hỗ trợ tiêu dùng có thể kể đến đó là 3 lần giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước từ đầu năm tới nay để hỗ trợ giảm lãi suất cho vay cho cá nhân và doanh nghiệp; chính sách giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% được áp dụng từ ngày 1/7 tới đây; hay đề xuất của Chính phủ trình Quốc hội gần đây liên quan tới việc nâng thời hạn thị thực của khách quốc tế tới Việt Nam nhằm thu hút khách du lịch…

Trong hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, Chính phủ đã thông qua một loạt các thông tư, nghị định, như: Nghị định 12 về gia hạn thuế và tiền thuê đất; Nghị định 08 cho phép giãn gốc và lãi trái phiếu doanh nghiệp tối đa 2 năm để các doanh nghiệp có thêm thời gian sắp xếp nguồn vốn trả nợ nhà đầu tư trái phiếu; Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước sửa đổi thông tư 16 về việc ngân hàng thương mại được mua lại trái phiếu doanh nghiệp đã bán ra trong vòng 12 tháng; và Thông tư 02 về cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho các khoản vay ngân hàng.

Đầu tư công - động lực tăng trưởng còn nhiều dư địa

Nói về khó khăn của nền kinh tế Việt Nam hiện nay, bà Nguyễn Hoài Thu cho rằng đó vẫn là thách thức từ tổng cầu. Khi mà cầu của các đối tác thương mại chính như Mỹ và châu Âu còn yếu khiến cho hoạt động xuất khẩu chậm lại. Cùng với đó, thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa phục hồi cũng đã tác động đến hoạt động kinh tế, và ảnh hưởng tới nhu cầu trong nước.

Các nhân tố thúc đẩy tăng trưởng chính của một nền kinh tế gồm: Tiêu dùng; đầu tư tư nhân; chi tiêu đầu tư công; và xuất khẩu ròng.

Hiện nhân tố xuất khẩu ròng đang chịu áp lực từ sự sụt giảm nhu cầu của các đối tác thương mại chính. Mặc dù kỳ vọng nhu cầu này sẽ được phục hồi trong thời gian tới, tuy nhiên đây là nhân tố khách quan, khó có thể tác động và điều chỉnh trong ngắn hạn.

Chính sách của Chính phủ vừa qua đã hướng tới hỗ trợ tiêu dùng và đầu tư tư nhân. Mặc dù vậy, các nhân tố này hiện cũng bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp từ xuất khẩu sụt giảm, tác động bất lợi từ thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

"Nhưng một động lực mà chúng tôi cho rằng Chính phủ còn nhiều dư địa để thúc đẩy tăng trưởng là chi tiêu đầu tư công. Chính phủ dự kiến sẽ giải ngân đầu tư công khoảng 755.000 tỷ đồng trong năm 2023. Nếu nguồn vốn này được giải ngân hiệu quả thì sẽ hỗ trợ rất tích cực giúp đẩy tổng cầu của nền kinh tế trong năm nay, tạo hiệu ứng lan tỏa tới nhiều ngành, nghề qua đó thúc đẩy đầu tư tư nhân, và tiêu dùng", bà Nguyễn Hoài Thu nhận định.

Tổng Giám đốc điều hành Quỹ Đầu tư chứng khoán và trái phiếu cho rằng Thủ tướng Chính phủ rất quyết tâm trong chỉ đạo giải ngân vốn đầu tư công. Nhưng những tồn đọng, điểm nghẽn hiện nay nằm ở giải phóng mặt bằng; thủ tục hành chính; tiến độ thi công chậm; biến động về giá nguyên vật liệu như xăng, dầu, nhân công... Để khắc phục những vấn đề này, hy vọng cơ quan chức năng, chính quyền các cấp thật quyết liệt trong việc sửa đổi các quy trình, quy định và xử lý các điểm nghẽn nói trên, tạo tiền đề cho việc giải ngân tốt hơn nguồn vốn này trong cả trung và dài hạn.

 

Theo Báo Chính Phủ

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Thị trường tiềm năng xuất khẩu viên nén gỗ của doanh nghiệp Việt Nam lớn như thế nào?

DNTH: Ông Olaf Naehrig, kỹ sư trưởng Tập đoàn KAHL: Ngành viên nén Việt Nam cần thúc đẩy mở cửa thị trường tại Châu Âu. Bởi vì đây mới là khu vực tiêu thụ nhiều viên nén nhất trên thế giới.

'Sự thật Việt Nam đã thành nước Tự do, Độc lập'

DNTH: Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố trước quốc dân, đồng bào và toàn thế giới ngày 2/9/1945 đã khẳng định Việt Nam là một quốc gia tự do, độc lập. Ở đó người dân có quyền sống, quyền tự do, quyền mưu...

Kinh tế Việt Nam qua góc nhìn quốc tế: Những điểm nhấn trên thị trường vốn

DNTH: Tháng 8/2024, kinh tế Việt Nam tiếp tục đón nhận nhiều đánh giá tích cực. Ngân hàng Thế giới (WB) đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2024 lên 6,1% từ mức 5,5% trước đó. Tăng trưởng trong hai năm 2025 và 2026...

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Biểu tượng của độc lập, tinh thần dân tộc, lòng yêu nước và ý chí kiên cường

DNTH: "Đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung, cộng đồng người Việt Nam ở Trung Quốc nói riêng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là biểu tượng của độc lập, của tinh thần dân tộc, tinh thần yêu nước, ý chí bất...

Những quy định mới trong kinh doanh bất động sản 

DNTH: Cả 3 bộ luật có ảnh hưởng trực tiếp đến ngành bất động sản (Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh Bất động sản 2023 và Luật Đất đai 2024) đã có hiệu lực góp phần quan trọng, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, giúp thị trường...

Doanh nghiệp xuất khẩu cần lưu ý gì trong vụ kiện phòng vệ thương mại?

DNTH: Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ngày càng đối mặt với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại (PVTM) mới từ các quốc gia nhập khẩu, đòi hỏi cần có những biện pháp ứng phó kịp thời. Phóng viên báo Tin tức đã trao đổi với...

XEM THÊM TIN