Xuất khẩu gạo từ nay đến cuối năm có nhiều ẩn số

05:50 | 10/07/2024

DNTH: Nửa đầu năm 2024, xuất khẩu gạo cả nước đạt 2,98 tỷ USD, tăng 10,4% về lượng nhưng tăng tới 32% về giá trị, như vậy gạo là mặt hàng duy nhất tăng cả về số lượng và giá bán.

1
6 tháng đầu năm, gạo là mặt hàng duy nhất tăng cả về số lượng và giá bán.

Xuất khẩu gạo tăng trưởng 2 con số

Theo số liệu thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), 6 tháng đầu năm 2024, cả nước thu hoạch 3,48 triệu ha lúa, tăng 0,5% so cùng kỳ năm 2023; năng suất bình quân 67,1 tạ/ha, tăng 0,7 tạ/ha; sản lượng trên diện tích đã thu hoạch đạt 23,3 triệu tấn, tăng 1,6%.

Sản lượng lúa gạo tăng là tiền đề cho gạo đạt lượng lớn xuất khẩu trong bối cảnh nhu cầu gạo thế giới đang tăng cao. Nửa đầu năm 2024, xuất khẩu gạo cả nước đạt 2,98 tỷ USD, tăng 10,4% về lượng nhưng tăng tới 32% về giá trị. Các chuyên gia ngành Nông nghiệp nhận định, xuất khẩu gạo Việt Nam tăng mạnh từ đầu năm đến nay do giá xuất khẩu gạo tăng. Các thị trường xuất khẩu gạo chính của Việt Nam hiện nay là Philippines, Indonesia, Trung Quốc, Ghana, Malaysia, Singapore… Trong đó, thị trường Philippines chiếm hơn 38% tổng lượng gạo xuất khẩu.

Có thể thấy, tăng trưởng xuất khẩu gạo của Việt Nam đến từ việc khai thác tốt thị trường nhập khẩu Philippines. Từ đầu năm 2024 đến nay, quốc gia vùng Đông Nam Á này tăng sản lượng tiêu thụ gạo nước ta lên 1 triệu tấn và nhiều khả năng năm nay sẽ vượt mốc 4 triệu tấn. Ngoài ra, từ năm 2023 đến nay, Ấn Độ là nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới đã hạn chế, gần như là cấm xuất khẩu gạo tẻ. Ở chiều ngược lại, đây lại là lợi thế lớn cho Việt Nam trong việc đàm phán cũng như thúc đẩy gia tăng giá trị hạt gạo.

Ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, với những dấu hiệu trên cho thấy, Việt Nam có thể vượt mục tiêu xuất khẩu gạo trong năm 2024 và Việt Nam hoàn toàn có đủ khả năng đáp ứng nhu cầu nhập khẩu lúa gạo của thế giới.

Có nhiều ẩn số

2

Ông Nguyễn Văn Đôn, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang), thông tin thị trường chính của gạo Việt Nam là châu Á, châu Phi, còn thị trường châu Âu, Mỹ rất thấp. Vì vậy, dù giá bán gạo sang Mỹ, châu Âu cao nhưng sản lượng ít. "Các yếu tố có thể ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu gạo của Việt Nam từ nay đến cuối năm là khi nào Ấn Độ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo và chính sách nhập khẩu gạo của thị trường mua lớn nhất là Philippines (chiếm 45% thị phần) sẽ thay đổi thế nào? Do đó, xuất khẩu gạo từ nay đến cuối năm có nhiều ẩn số" - ông Đôn phân tích.

Một yếu tố nữa là thị trường Trung Quốc, từng là khách hàng lớn nhất của ngành gạo Việt Nam, lại đang giảm nhập khẩu gạo. 6 tháng đầu năm, nước này chỉ nhập hơn 215.000 tấn gạo, giảm đến 68% so với cùng kỳ năm ngoái và đứng thứ 5 trong số các thị trường nhập khẩu gạo nhiều nhất của Việt Nam.

Đặc biệt, Trung Quốc chỉ mua gạo ST24, ST25 và nếp chứ không nhập gạo phổ thông như trước. Nguyên nhân được khách hàng đưa ra là do giá cao và nguồn dự trữ gạo của Trung Quốc vẫn đáp ứng được ở phân khúc này.

Liên quan đến thị trường gạo Philippines, ngày 8-7, Thương vụ Việt Nam tại Philippines thông tin đầu tháng 7, các nhà nông dân Philippines đã nộp đơn khiếu nại yêu cầu tòa án tối cao của nước này tuyên bố Sắc lệnh 62 về giảm thuế nhập khẩu các mặt hàng nông sản trong đó có gạo từ 35% xuống 15% là vi hiến. Sự việc này có thể ảnh hưởng đến thực thi Sắc lệnh số 62 và triển vọng xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Philippines.

Cũng trong ngày 8-7, Thương vụ Việt Nam tại Indonesia phát đi cảnh báo xuất khẩu gạo Việt Nam sang thị trường Indonesia có thể gặp bất lợi do Cơ quan hậu cần Quốc gia - Bulog (Cơ quan được phân giao thu mua gạo thầu quốc tế của Chính phủ Indonesia) và Cơ quan Lương thực quốc gia Indonesia bị một tổ chức dân sự People's Democracy Study (SDR) khiếu kiện lên Ủy ban chống tham nhũng quốc gia (KPU) vì liên quan tới cáo buộc tham nhũng từ việc mua gạo.

Thương vụ Việt Nam tại Indonesia nhìn nhận điều này có khả năng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc thu mua lúa gạo của Indonesia từ Việt Nam từ nay đến hết năm 2024 hoặc cho tới khi vụ việc được điều tra làm rõ.

Từ vụ việc đáng tiếc này, Thương vụ Việt Nam tại Indonesia khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cần thận trọng trong bất cứ giao dịch, phát ngôn; cạnh tranh lành mạnh, không để ảnh hưởng đến xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, Indonesia là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của gạo Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2024, chiếm gần 17% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.

Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) khuyến cáo, các doanh nghiệp cần liên kết các hợp tác xã, hộ dân tập trung vào nhóm lúa gạo chất lượng cao nhằm bảo đảm việc xuất khẩu thuận lợi. Thời điểm này là cơ hội lớn cho lúa gạo Việt Nam khẳng định vị thế trên thị trường thế giới. Là nước xuất khẩu gạo đứng thứ ba thế giới, Việt Nam cần chú trọng hơn nữa đến giá xuất khẩu với những mặt hàng gạo chất lượng cao. Đây là phân khúc phải hướng tới nhằm tạo sự bền vững cho ngành hàng này.

Chuẩn bị cho những biến động của thị trường năm 2024, hiện Bộ Công thương đã xây dựng những giải pháp mang tính chiến lược, hữu dụng và phù hợp với từng kịch bản có thể xảy ra. Bộ Công thương sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ động đàm phán để đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, tận dụng cơ hội chiếm lĩnh các thị trường mới, tiềm năng để tăng cường tính cạnh tranh cho ngành hàng lúa gạo.

 Theo Thương Hiệu Và Sản Phẩm

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Người đàn ông Pháp với khu vườn ngập tràn rau củ Việt Nam

DNTH: Ông Andre Souppaya có hành trình gần 10 năm cải tạo khu vườn nhỏ 120 m2 ở ngoại ô Paris, Pháp trồng thành công nhiều loại rau củ quê nhà Việt Nam.

Phiên điều trần lịch sử: Các quốc gia đảo nhỏ đòi công lý trước biến đổi khí hậu

DNTH: Phiên điều trần kéo dài hai tuần này nhằm xác định các nghĩa vụ pháp lý của các quốc gia trong việc chống biến đổi khí hậu và hỗ trợ những nước dễ bị tổn thương trước tác động tàn phá của hiện tượng này.

Hé lộ chi tiết về hầm trú ẩn hạt nhân Kub-M của Nga

DNTH: Nga vừa công bố sản xuất hầm trú ẩn di động Kub-M, được thiết kế để bảo vệ cư dân trong các tình huống khẩn cấp như vụ nổ hạt nhân. Với thiết kế mô-đun linh hoạt, mỗi tổ hợp bao gồm container chứa người và các tiện...

Kinh tế Nga cạn kiệt nguồn lực và áp lực từ các lệnh trừng phạt

DNTH: Nền kinh tế Nga đang đối mặt với thách thức chưa từng có khi cạn kiệt nguồn lực, thiếu hụt nhân sự và chịu áp lực từ các lệnh trừng phạt phương Tây. Với lãi suất đạt mức kỷ lục và đồng rúp suy yếu, liệu Nga có thể...

Mỹ đã truy tố tỷ phú Ấn Độ Gautam Adani vì tội hối lộ như thế nào?

DNTH: Vào tháng 6/2020, một công ty năng lượng tái tạo của tỷ phú Ấn Độ Gautam Adani đã giành được gói thầu phát triển năng lượng mặt trời lớn nhất từ trước đến nay: hợp đồng cung cấp 8 gigawatt điện cho một công ty điện lực...

Bên trong những lá thư lạnh người của sát nhân Jack the Ripper

DNTH: Trong đợt sát hại nhiều người gây khiếp sợ nước Anh vào mùa thu năm 1888, kẻ sát nhân có biệt danh Jack the Ripper (Jack đồ tể) đã gửi những lá thư lạnh người đến các nhà báo và quan chức, chế giễu họ vì không ngăn được các...

XEM THÊM TIN