Xuất khẩu gỗ, dệt may đón nhận nhiều tín hiệu tích cực

18:15 | 26/02/2024

DNTH: Vượt qua cú sốc tăng trưởng âm trong năm 2023, bước vào đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ và dệt may đã có tín hiệu khả quan, song khó khăn thách thức vẫn còn nhiều.

1
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã ghi nhận nhiều tín hiệu khả quan.

Những tín hiệu lạc quan

Năm 2023 là một năm hết sức khó khăn đối với ngành gỗ và sản phẩm gỗ. Đây là năm đầu tiên ngành xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam đứng tốp 5 thế giới ghi nhận tăng trưởng âm sau khi duy trì đà tăng suốt 2 thập kỷ qua.

Tuy nhiên, đầu tháng 1/2024 tình hình xuất khẩu của Việt Nam nói chung và xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ nói riêng đã ghi nhận nhiều tín hiệu khả quan.

Thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), tháng 1/2024, xuất khẩu đạt 33,6 tỷ USD, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2023. Xuất khẩu tăng mạnh nhờ động lực từ hai nhóm ngành chính là nông, lâm, thủy sản và công nghiệp chế biến với mức tăng lần lượt gần 97% và 38%. Nhóm hàng nông, lâm, thuỷ sản vẫn tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu với kim ngạch ước đạt 3,33 tỷ USD, chiếm 9,9% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, gỗ và sản phẩm gỗ là mặt hàng duy nhất có kim ngạch xuất khẩu vượt mốc 1 tỷ USD chỉ trong tháng 1/2024 và chiếm 29% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành nông nghiệp. Từ kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ cho thấy tín hiệu phục hồi từ những tháng cuối năm 2023.

Với năm 2024, ngành lâm nghiệp đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 17,5 tỷ USD, đây là chỉ tiêu khá cao, đặc biệt trong bối cảnh xung đột chính trị đang leo thang và khó đoán định, cả yếu tố đầu ra và đầu vào của xuất khẩu đều khó khăn.

Theo ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh tại TP.HCM (VCCI HCM), trong bối cảnh đó, một trong những việc cấp thiết mà doanh nghiệp gỗ và sản phẩm gỗ cần chú trọng đó chính là mở rộng những thị trường mới, tăng cường đa dạng hóa các kênh bán hàng từ truyền thống và phi truyền thống. Do đó, công tác xúc tiến thương mại nói chung và với ngành gỗ nói riêng là hết sức cần thiết.

Trong khi đó, những tín hiệu tích cực cho ngành dệt may đã bắt đầu xuất hiện, dù vẫn còn nhiều khó khăn bủa vây.

Tại buổi họp công bố hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) diễn ra ngày 8/1/2024, ông Cao Hữu Hiếu, tổng giám đốc Vinatex, cho biết dù ngành dệt may đang phải đối mặt với khó khăn chưa từng có, nhưng với việc cố gắng duy trì doanh thu và giảm lợi nhuận để giữ chân 62.000 lao động, kỳ vọng tình hình thị trường sẽ tích cực trở lại vào quý 2 năm nay.

Ông Hiếu cho biết, tình hình đang ngành dệt may có những dấu hiệu tích cực trở lại khi số lượng đơn đặt hàng nhiều hơn ở thị trường tiêu thụ dệt may lớn của thế giới là Mỹ.

Điều này mở ra kỳ vọng sẽ giúp cho bức tranh tiêu dùng toàn cầu ấm hơn, kích cầu toàn bộ hệ thống và sản xuất sẽ khởi sắc trở lại.

Cũng theo ông Hiếu, ngành dệt may vừa trải qua một năm được đánh giá là "khó nhất từ trước đến nay". Nếu không tính năm 2020, đại dịch COVID-19 khiến toàn thế giới "đóng cửa", 2023 là năm đầu tiên kể từ khi thành lập tập đoàn, cũng là năm đầu tiên kể từ khi ngành dệt may Việt Nam xuất khẩu ra thế giới, kim ngạch xuất khẩu đã giảm gần 10%.

Dù vẫn duy trì được mức tăng trưởng dương với doanh thu là 17.225 tỉ đồng (tăng 4,4%) và lợi nhuận trước thuế đạt 377 tỉ đồng (chỉ tăng 1,9%), nhưng kết quả này không như kỳ vọng.

"Tập đoàn đã dự báo sát diễn biến thị trường, đưa ra những kịch bản nhưng không nghĩ rằng kịch bản xấu nhất đã diễn ra, dù chúng tôi đã có nhiều biện pháp", ông Hiếu cho rằng khó khăn này sẽ tiếp tục vào đầu năm 2024 và chỉ hy vọng khả quan vào nửa cuối năm.

Trong năm 2024, theo ông Vương Đức Anh - chánh văn phòng Vinatex, các dự báo đều cho thấy những hy vọng nền kinh tế thế giới có sự cải thiện. Trong đó, tại thị trường Mỹ, với tín hiệu có thể có ba đợt cắt giảm lãi suất lên tới 0,75%, sẽ là động lực thúc đẩy tiêu dùng trở lại. Các quốc gia cạnh tranh gặp nhiều vấn đề về lao động, xung đột vũ trang ở trong nước... nên các đơn hàng có khả năng sẽ quay lại Việt Nam.

Doanh nghiệp linh hoạt vượt khó

2
Doanh nghiệp dệt may linh hoạt vượt qua giai đoạn khó khăn.

Ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc VCCI TP.HCM cho rằng ngành gỗ xuất khẩu đang phải đối mặt với nhiều thách thức do xung đột giữa các quốc gia diễn biến phức tạp, ảnh hưởng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo ông Trần Quốc Mạnh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển Sản xuất Thương mại Sài Gòn (SADACO), xu hướng thị trường xuất khẩu gỗ hiện có nhiều thay đổi. Doanh nghiệp đang trăn trở tìm khách hàng mới và muốn sản phẩm của họ phù hợp với thị trường mục tiêu đang nhắm tới. Việc làm hàng mẫu trong ngành gỗ khó khăn, cần tỉ mỉ trau chuốt, yêu cầu cao hơn so với các mặt hàng khác. Do đó việc doanh nghiệp phối hợp với khách hàng tạo ra mẫu mã mới là cơ hội để cho ra sản phẩm có chất lượng, uy tín thương hiệu, chiếm lĩnh thị trường, đây là hướng đi mạnh dạn, linh hoạt và cần thiết.

Hiện nay vấn đề cước phí của hãng tàu sang 2 thị trường lớn nhất của xuất khẩu gỗ là Mỹ và Châu Âu bị gián đoạn khiến việc đáp ứng đơn hàng không kịp thời. Vận chuyển trục trặc khiến cước phí tăng lên, cụ thể là sang Mỹ giá cước trên 4.000 USD/container, gây khó khăn, áp lực cho doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu gỗ về chi phí đầu vào.

Theo ông Vương Đức Anh - chánh văn phòng Vinatex, thời gian gần đây các doanh nghiệp dệt may đã nhận được các đơn hàng tích cực hơn. Tuy nhiên, do đơn giá còn rất thấp, mức giảm trung bình 30%, cá biệt có nơi 50%, nên doanh nghiệp sẽ có lựa chọn ưu tiên.

Theo đó, các doanh nghiệp sẽ cân nhắc việc nhận các đơn hàng lớn kéo dài từ 3-6 tháng với giá thấp, thay vào đó là nhận đơn hàng ngắn ngày nhưng có giá tốt hơn để nâng cao hiệu quả hoạt động.

"Trước đây, đơn hàng CM (chi phí cắt và may thành phẩm) làm trong 40 ngày nhưng giờ chỉ 10 ngày, làm được thì có đơn hàng, không làm được thì thôi. Dù vậy chúng tôi vẫn phải làm, vì đó là ngách, con đường để chúng tôi vượt qua áp lực cạnh tranh về giá", ông Đức Anh nói.

Tuy nhiên, với kỳ vọng thị trường ấm trở lại vào nửa cuối năm, nhiều doanh nghiệp nhận các đơn hàng nhỏ, có tính cạnh tranh giá cao để duy trì hoạt động thay vì nhận đơn hàng cho 6 tháng đang có giá rất thấp.

Cùng với việc nhận các đơn hàng nhỏ lẻ có đơn giá cao hơn để cạnh tranh, nhiều đơn vị của Vinatex cũng tập trung đầu tư để thực hiện chuyển đổi, "xanh hóa" ngành dệt may.

Theo ông Hiếu, chiến lược "xanh hóa" đã được tập đoàn đưa ra từ 10 năm trước, nên đã có nhiều nhà máy lắp đặt được các hệ thống điện áp mái, sản xuất sản phẩm từ năng lượng mặt trời với hơn 25 triệu kWh trong năm 2023.

Các doanh nghiệp ngành may cũng đã chuyển đổi lò đốt hơi sử dụng nguyên liệu hóa thạch sang lò hơi điện, giảm phát thải khí nhà kính ra môi trường, đáp ứng các tiêu chuẩn về ESG (gồm môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp), tập trung các chỉ tiêu xanh, sản xuất sạch và nguyên liệu, sản phẩm tuần hoàn.

Các doanh nghiệp dệt may cũng liên tục cập nhật những yêu cầu về xanh hóa của các thị trường tiêu thụ lớn như thuế biến đổi carbon, yêu cầu về phát triển bền vững, thẩm định chuỗi cung ứng...

"Các giải pháp mà chúng tôi đưa ra là kiên định mục tiêu tham gia vào chuỗi cung ứng với vị thế vững chắc, là đối tác ưu tiên của các nhà sản xuất - phân phối lớn trên thế giới. Xây dựng tập đoàn với định hướng là một điểm đến cung ứng giải pháp trọn gói về dệt may và thời trang xanh.

Thực hiện các cam kết và sáng kiến về môi trường, xã hội, quản trị công ty (ESG) và có những dự báo về thị trường để có giải pháp thích ứng linh hoạt với biến đổi của thị trường", ông Hiếu nói.

 Theo Thương Hiệu Và Sản Phẩm

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Kinh tế Nga cạn kiệt nguồn lực và áp lực từ các lệnh trừng phạt

DNTH: Nền kinh tế Nga đang đối mặt với thách thức chưa từng có khi cạn kiệt nguồn lực, thiếu hụt nhân sự và chịu áp lực từ các lệnh trừng phạt phương Tây. Với lãi suất đạt mức kỷ lục và đồng rúp suy yếu, liệu Nga có thể...

Mỹ đã truy tố tỷ phú Ấn Độ Gautam Adani vì tội hối lộ như thế nào?

DNTH: Vào tháng 6/2020, một công ty năng lượng tái tạo của tỷ phú Ấn Độ Gautam Adani đã giành được gói thầu phát triển năng lượng mặt trời lớn nhất từ trước đến nay: hợp đồng cung cấp 8 gigawatt điện cho một công ty điện lực...

Bên trong những lá thư lạnh người của sát nhân Jack the Ripper

DNTH: Trong đợt sát hại nhiều người gây khiếp sợ nước Anh vào mùa thu năm 1888, kẻ sát nhân có biệt danh Jack the Ripper (Jack đồ tể) đã gửi những lá thư lạnh người đến các nhà báo và quan chức, chế giễu họ vì không ngăn được các...

Trung Quốc khoan trúng mỏ vàng 1.000 tấn, trị giá hơn 80 tỷ USD

DNTH: Mỏ vàng khổng lồ được phát hiện ở tỉnh Hồ Nam có trữ lượng ước tính hơn 1.000 tấn, trị giá lên tới 83 tỷ USD.

Lực lượng hùng hậu của Fox News trong nội các Trump 2.0

DNTH: Trong khi Tổng thống Joe Biden tự hào về việc chọn nội các đa dạng nhất trong lịch sử, một nội các mà ông nói là "giống nước Mỹ", thì Tổng thống đắc cử Donald Trump lại đang vận dụng kinh nghiệm trong ngành truyền hình, với...

Thị trường nông sản: Chính sách tăng thuế VAT sẽ ảnh hưởng tới giá gạo ở Indonesia

DNTH: Người đứng đầu Cơ quan Lương thực Quốc gia (Bapanas) của Indonesia, Arief Prasetyo Adi mới đây cho biết chính sách tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) lên 12% vào đầu năm 2025 sẽ gây ra những ảnh hưởng tới giá gạo, bất chấp mặt hàng...

XEM THÊM TIN