Xuất khẩu thủy sản mừng 10 tỷ USD và nghĩ về tương lai

14:08 | 01/01/2025

DNTH: Xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2024 hân hoan về đích 10 tỷ USD, thị trường vươn tới 170 quốc gia và vùng lãnh thổ. Một thành tựu đáng mừng, song vẫn còn nhiều trăn trở.

Kết quả xuất khẩu ấn tượng

Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe đánh giá, năm 2024, ngành thủy sản Việt Nam đã vượt qua nhiều thách thức và đạt được kết quả ấn tượng, với tổng kim ngạch xuất khẩu lên tới 10 tỷ USD. Đây là một thành tựu lớn không chỉ của ngành thủy sản mà còn đóng góp vào kết quả xuất khẩu chung của ngành nông nghiệp, đạt kỷ lục 62 tỷ USD trong năm 2024.

Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân dự báo, nhu cầu thủy sản toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trong năm 2025, tạo nhiều cơ hội cho  thủy sản Việt Nam.

Các sản phẩm thủy sản Việt Nam đã tiếp cận hơn 170 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới nhờ chất lượng vượt trội và uy tín của các doanh nghiệp. Tôm, cá tra, cá ngừ và hải sản chế biến là những sản phẩm xuất khẩu chủ lực. Đặc biệt, tôm và cá tra đạt mức tăng trưởng ấn tượng, với kim ngạch xuất khẩu gần 4 tỷ USD và 2 tỷ USD tương ứng.

Các sản phẩm thủy sản xuất khẩu chủ lực của nước ta đều duy trì sự ổn định và bứt phá mạnh mẽ trong quý cuối năm nhờ mở rộng phân khúc và cải tiến chất lượng. Xuất khẩu cá ngừ dù gặp khăn về nguồn nguyên liệu nhưng cũng đạt xấp xỉ 1 tỷ USD, nhờ tận dụng được nguồn nguyên liệu nửa đầu năm cùng với sự khôi phục nhu cầu thị trường.

Kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam năm 2024 tăng trưởng ấn tượng, đạt gần 4 tỷ USD. Ảnh: Hồng Thắm.

Kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam năm 2024 tăng trưởng ấn tượng, đạt gần 4 tỷ USD. Ảnh: Hồng Thắm.

Theo ông Hòe, một trong những điểm sáng đáng chú ý là thị trường Trung Quốc và Hồng Kông, ghi nhận mức tăng trưởng vượt trội 26,8%, đạt 1,92 tỷ USD, chiếm tỷ trọng đến 19,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Điều này cho thấy nhu cầu tiêu thụ thủy sản tại khu vực này vẫn rất mạnh mẽ, đặc biệt là sau sự hồi phục từ các khó khăn trước đó.

Bên cạnh đó, thị trường Mỹ cũng đóng vai trò quan trọng với giá trị xuất khẩu đạt 1,83 tỷ USD, tăng 16,9%. Điều này chứng tỏ sản phẩm thủy sản Việt Nam tiếp tục duy trì được sự ưa chuộng tại một trong những thị trường khó tính nhất.

Thị trường CPTPP cũng là một điểm sáng lớn với kim ngạch đạt 2,56 tỷ USD và tỷ lệ tăng trưởng 6,2%. Thị trường này ngày càng trở thành một đối tác quan trọng nhờ vào lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do.

Các khu vực như EU (1,02 tỷ USD, tăng 7,1%) và Nhật Bản (1,55 tỷ USD, tăng 3,1%), dù tăng trưởng chậm hơn nhưng vẫn là các thị trường ổn định và có tỷ trọng lớn trong cơ cấu xuất khẩu thủy sản Việt Nam.

Sự nhanh nhạy của doanh nghiệp

Ông Hòe chia sẻ, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã phải vượt qua nhiều thách thức như: Thiếu nguyên liệu trong nước, giá nguyên liệu tăng, trong khi vẫn phải cạnh tranh khốc liệt với sản phẩm cùng loại các quốc gia sản xuất thủy sản lớn như Ấn Độ, Ecuador và Indonesia.

Đồng thời, các rào cản thuế quan, đặc biệt là thuế chống trợ cấp đối với tôm đông lạnh xuất khẩu, thuế chống bán phá giá tôm, cá tra tại Mỹ, cũng là một thử thách không nhỏ.

Đối với cá ngừ, mực, bạch tuộc và các loài hải sản xuất khẩu, ngoài vấn đề thiếu hụt nguyên liệu, còn phải tiếp tục gặp khó liên quan đến các thủ tục xác nhận, chứng nhận thủy sản có nguồn gốc khai thác, khiến việc xuất khẩu bị đình trệ.

“Mặc dù vậy, các doanh nghiệp đã kiên trì cải tiến chất lượng sản phẩm, mở rộng phân khúc sản phẩm và đa dạng hóa thị trường để duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu”, Tổng Thư ký VASEP nhấn mạnh.

Các doanh nghiệp đã kiên trì cải tiến chất lượng sản phẩm, mở rộng phân khúc sản phẩm và đa dạng hóa thị trường để duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu. Ảnh: Hồng Thắm.

Các doanh nghiệp đã kiên trì cải tiến chất lượng sản phẩm, mở rộng phân khúc sản phẩm và đa dạng hóa thị trường để duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu. Ảnh: Hồng Thắm.

Cùng quan điểm, Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân nhận định, xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2024 đã có bước tiến ngoạn mục khi đạt 10 tỷ USD. Đây là tín hiệu tích cực giúp doanh nghiệp, người nuôi thêm động lực về sự phục hồi của thị trường và khả năng cung ứng của Việt Nam không chỉ trong năm 2024 mà còn ở những năm tiếp theo.

Ông Luân khẳng định, để đạt được những kết quả này, phải kể đến sự nỗ lực của các cơ quan quản lý từ Trung ương đến địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội và người dân; sự chỉ đạo điều hành linh hoạt của Trung ương, Bộ NN-PTNT và các địa phương...

“Ngoài ra, còn là sự nhanh nhạy của cộng đồng doanh nghiệp và địa phương trong việc tranh thủ cơ hội thị trường, từ đó quay trở lại tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết ngày một tốt hơn. Kết quả tích cực trong năm 2024 sẽ là tiền đề cho năm 2025”, ông Luân nhấn mạnh.

Mục tiêu 10-11 tỷ USD năm 2025

Cục trưởng Trần Đình Luân dự báo, nhu cầu thủy sản toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trong năm 2025, tạo nhiều cơ hội cho ngành thủy sản Việt Nam.

“Chúng ta có nhiều lợi thế cạnh tranh so với các quốc gia đối thủ nhờ năng lực sản xuất vượt trội. Cùng đó, với sự chỉ đạo linh hoạt, thích ứng kịp thời; việc tổ chức sản xuất gắn kết chặt chẽ giữa các thành phần tham gia chuỗi giá trị; và sự tích cực trong công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý Nhà nước, tôi tin tổ chức sản xuất thủy sản năm 2025 sẽ tiếp tục gặt hái thành công và kim ngạch xuất khẩu thủy sản sẽ duy trì đà tăng trưởng”, ông Luân nhấn mạnh.

Chung ý kiến, ông Hòe nhận định, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2025 với mục tiêu đạt 10-11 tỷ USD.

Ngành thủy sản có nhiều cơ hội nhờ vào các hiệp định FTA và nhu cầu tiêu thụ gia tăng tại các thị trường lớn. Tuy nhiên, các thách thức vẫn sẽ tồn tại, bao gồm sự cạnh tranh từ các quốc gia khác, các quy định nghiêm ngặt về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, cũng như những biến động về giá nguyên liệu, chi phí sản xuất.

“Những biến động địa chính trị, chiến tranh thương mại trên toàn cầu có thể mang tới cả cơ hội và thách thức cho các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam”, ông Hòe nhận định.

Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua thách thức và tăng trưởng bền vững, ông Hòe đề xuất một số giải pháp trọng tâm như: Cải thiện cơ sở hạ tầng, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại để tăng trưởng xuất khẩu bền vững trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu.

“Các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, như: Cải cách thủ tục hành chính và mở cửa thị trường cũng đóng vai trò quan trọng giúp doanh nghiệp thủy sản duy trì và phát triển xuất khẩu”, ông Hòe nói thêm.

Điểm sáng thị trường Halal

Nhận định về thị trường Halal, ông Hòe cho rằng, thị trường Halal đang nổi lên là cơ hội lớn cho thủy sản Việt Nam, đặc biệt là tại các quốc gia Hồi giáo như Malaysia, Indonesia và Trung Đông.

Năm 2024, thị trường Trung Đông ghi nhận một mức tăng trưởng ấn tượng 19%, với giá trị xuất khẩu đạt 367 triệu USD. Đây là một tín hiệu tích cực cho thấy khu vực này đang trở thành một thị trường tiềm năng cho thủy sản Việt Nam trong tương lai.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2025 với mục tiêu đạt 10-11 tỷ USD. Ảnh: Quỳnh Chi.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2025 với mục tiêu đạt 10-11 tỷ USD. Ảnh: Quỳnh Chi.

Tuy nhiên, để thâm nhập và mở rộng thị trường này, các doanh nghiệp cần đáp ứng các tiêu chuẩn Halal nghiêm ngặt, từ quy trình sản xuất đến chứng nhận sản phẩm.

“Tiềm năng của thị trường này là rất lớn, nhưng các doanh nghiệp cũng phải vượt qua một số rào cản, bao gồm yêu cầu về chứng nhận và quy trình sản xuất đặc thù”, ông Hòe lưu ý.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến tin tưởng: “Trong những năm tới, Việt Nam sẽ tiếp tục ký được các nghị định thư về các sản phẩm động vật, thủy sản, nhờ đó giá trị xuất khẩu sẽ đạt được mức tăng trưởng rất lớn. Không chỉ tăng tốc xuất khẩu vào các thị trường truyền thống, Việt Nam đang mở cửa ở những thị trường mới, đặc biệt thị trường Halal ở Trung Đông”.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: “Halal được đánh giá là một thị trường tiềm năng, đầy cơ hội để Việt Nam dần chinh phục và đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe. Tuy nhiên, khó khăn đối với thị trường Halal hiện nay là đòi hỏi các tiêu chí rất chặt chẽ và kỹ lưỡng; đồng thời, các nước không thừa nhận tiêu chuẩn lẫn nhau, nên khi mở cửa thị trường của nước nào là phải chắc thị trường đó”.

Tăng trưởng xanh là xu thế tất yếu

Đánh giá về xu hướng tăng trưởng xanh của ngành thủy sản, ông Hòe cho hay, ngành thủy sản Việt Nam đang bắt đầu chuyển đổi theo xu hướng xanh hóa, nhưng quá trình này còn chậm và chưa đồng đều, cần đẩy mạnh hơn nữa. Để tăng tốc và có sự đột phá trong công cuộc này, cần có sự hỗ trợ từ các chính sách và đầu tư vào công nghệ thân thiện với môi trường. Các doanh nghiệp cần phải cải tiến quy trình sản xuất, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và ứng dụng các phương pháp nuôi trồng bền vững.

Còn theo Cục trưởng Trần Đình Luân: “Hiện nay, việc tính toán giảm phát thải và tăng trưởng xanh trong lĩnh vực thủy sản chưa phải là yêu cầu bắt buộc. Tuy nhiên, đây là ngành hàng xuất khẩu nên cần phải đáp ứng các yêu cầu chung của thị trường thế giới. Đó là xu hướng tất yếu, thể hiện sự chủ động hội nhập của chúng ta trước những yêu cầu từ các thị trường nhập khẩu”.

Ông Luân cho biết, Cục Thủy sản đang tiến hành xây dựng một số mô hình liên kết giữa các doanh nghiệp và nhà sáng kiến có những kỹ thuật hay để tiếp tục cải tiến nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất hơn nữa, thông qua đó cũng sử dụng những công cụ để tính toán lượng phát thải cụ thể cho từng mô hình.

Những kết quả ban đầu của các mô hình đang cho thấy có những điểm cải tiến để giảm phát thải trong lĩnh vực nuôi tôm, cá tra hay nuôi biển. Với lĩnh vực nuôi biển, mô hình nuôi kết hợp cá, nhuyễn thể với rong biển đang cho thấy tính bền vững, giảm phát thải, đảm bảo hiệu quả kinh tế.

“Trong thời gian tới, Cục Thủy sản sẽ tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn để nhân rộng và lan tỏa các mô hình, tiến tới giúp những người sản xuất thủy sản có thể học và làm theo được”, ông Luân nói thêm.

Trăn trở và định hướng

Trong một bài viết gần đây, TS. Hồ Quốc Lực, nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FIMEX VN) bày tỏ những trăn trở của ông về con tôm, con cá tra - hai mặt hàng chủ lực trong ngành thủy sản xuất khẩu Việt Nam.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP nhận định: “Những biến động địa chính trị, chiến tranh thương mại trên toàn cầu có thể mang tới cả cơ hội và thách thức cho các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam”.

Dù năm 2024 đã ghi nhận những con số lạc quan như: Sản lượng tôm, cá tra tăng trưởng tốt; chế biến phát triển; kim ngạch xuất khẩu tăng…, ông Lực cho rằng niềm vui này vẫn chưa trọn vẹn vì còn không ít thách thức chưa được giải quyết tốt.

Ông Lực chia sẻ, một trong những vấn đề lớn hiện nay là tình trạng tồn đọng về con giống. Con giống tốt là yếu tố quyết định giúp tăng tỷ lệ nuôi thành công, giảm giá thành và nâng cao sức cạnh tranh. Đối với con tôm, cần con giống có khả năng chống chịu bệnh tốt. Còn đối với cá tra, yêu cầu con giống phải có tỷ lệ cá bột và tỷ lệ thu hồi cá thương phẩm cao hơn, hệ số thức ăn thấp hơn, từ đó giúp cá mau lớn hơn.

Ông cũng nhấn mạnh, việc quan trắc và dự báo tình hình dịch bệnh, cũng như áp dụng các biện pháp phòng, trị dịch bệnh kịp thời, hiệu quả là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, hiện tại, công tác này chưa thực sự được triển khai đầy đủ và hiệu quả.

Trong thời gian tới, nếu giao được mặt nước biển vùng ngoài 6 hải lý cho doanh nghiệp đầu tư quy mô lớn thì nuôi biển sẽ là một trong những lĩnh vực bứt phá, đóng góp đáng kể vào giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Ảnh: Hồng Thắm.

Trong thời gian tới, nếu giao được mặt nước biển vùng ngoài 6 hải lý cho doanh nghiệp đầu tư quy mô lớn thì nuôi biển sẽ là một trong những lĩnh vực bứt phá, đóng góp đáng kể vào giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Ảnh: Hồng Thắm.

Bàn về định hướng phát triển của ngành thủy sản trong thời gian tới nhằm giữ đà xuất khẩu, ông Luân cho biết, trong Chương trình Quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021-2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành, ngành thủy sản sẽ không tập trung vào việc tăng diện tích nuôi, thay vào đó sẽ chú trọng vào chất lượng và hiệu quả. “Đây là việc mà chúng ta đang thực hiện để giữ đà xuất khẩu”.

Ông Luân cũng nhấn mạnh việc tăng chế biến sâu, kéo dài chuỗi giá trị và không có phụ phẩm để phát huy hiệu quả hơn nữa đối với các đối tượng chủ lực. Bên cạnh đó, ngành sẽ tập trung vào việc đa dạng hóa sản phẩm, đặc biệt là các loại thủy sản nuôi nước ngọt như rô phi, lươn, hoặc những đối tượng khác có tiềm năng xuất khẩu.

Ngoài ra, ông Luân còn đề cập đến việc duy trì và khai thác hiệu quả tiềm năng mặt nước, đặc biệt là hồ chứa và hệ thống sông ngòi. Đồng thời cũng sẽ tiếp tục thúc đẩy tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi, hợp tác xã và tổ hợp tác để gia tăng hiệu quả sản xuất.

Đối với lĩnh vực nuôi biển, ông Luân cho hay, thời gian qua đã triển khai nhiều chương trình tập huấn kỹ thuật nhằm nâng cao trình độ, kỹ năng cho người nuôi biển để họ có thể tham gia quá trình nuôi, xây dựng các mô hình, chẳng hạn như nuôi hàu kết hợp trồng rong biển…

“Với nuôi biển xa bờ, hiện nay, nhiều doanh nghiệp rất muốn tham gia. Vì vậy, trong thời gian tới, nếu giao được mặt nước biển vùng ngoài 6 hải lý cho doanh nghiệp đầu tư quy mô lớn thì nuôi biển sẽ là một trong những lĩnh vực bứt phá, đóng góp đáng kể vào giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam”, ông Luân tin tưởng và kỳ vọng.

Theo Nongnghiep.vn

Nguồn: https://nongnghiep.vn/xuat-khau-thuy-san-mung-10-ty-usd-va-nghi-ve-tuong-lai-d413900.html


Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Giá cà phê hôm nay 1/1/2025: Giảm không đáng kể

DNTH: Giá cà phê trong nước đồng loạt giảm nhẹ 700 đồng/kg, giao dịch trung bình ở mức 120.400 đồng/kg.

Giá vàng hôm nay 1/1: Giảm 300.000 đồng

DNTH: Giá vàng hôm nay giảm 300.000 đồng/lượng cả 2 chiều. Tổng kết, giá vàng thế giới đã kết thúc năm 2024 với mức tăng 26% trong năm, ghi nhận năm hoạt động tốt nhất kể từ 2010.

Tỷ giá USD ngày 1/1: Tăng nhẹ ngày đầu năm

DNTH: Ngân hàng Nhà nước hôm nay công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD tăng 8 đồng, hiện ở mức 24.335 đồng. Trong khi đó, trên thị trường Mỹ, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng...

Giá heo hơi hôm nay 1/1: Tăng giá tại vài địa phương

DNTH: Giá heo hơi ngày đầu năm 2025 điều chỉnh tăng tại một số địa phương.

Giá heo hơi hôm nay 31/12: Chững lại

DNTH: Sau một tuần liên tục tăng giá, giá heo hơi hôm nay không có biến động đáng kể. Hiện, giá heo hơi đang trong khoảng từ 64.000 - 69.000 đồng/kg, Hà Nội là địa phương có mức giá cao nhất cả nước.

Giá vàng hôm nay 31/12: Vàng thế giới và trong nước cùng giảm

DNTH: Giá vàng hôm ghi nhận mức giảm đột ngột của vàng thế giới. Trong nước, giá vàng giảm 200 nghìn đồng/lượng ngay khi mở cửa.

XEM THÊM TIN