10 năm Nghị quyết 'tam nông': Khơi thông 'điểm nghẽn' đất đai và thị trường

09:48 | 14/12/2018

DNTH: Ngành nông nghiệp Việt Nam 10 năm qua đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, từ một nước nhập nông sản, đến nay, nông sản Việt Nam đã có mặt trên 180 quốc gia, vùng lãnh thổ, đứng thứ 2 Đông Nam Á.

Nông nghiệp chuyển mình

Sau khi Nghị quyết 26-NQ/TW được ban hành, Chính phủ đã có chương trình hành động gồm 3 chương trình mục tiêu quốc gia, 9 đề án quy hoạch và 36 đề án chuyên ngành.

Đây là nghị quyết mang tính lịch sử, đầu tiên đề cập toàn diện đến 3 lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó khẳng định nông dân là chủ thể, xây dựng nông thôn mới là căn bản, phát triển toàn diện nông nghiệp là then chốt.

Nghị quyết đã được các cấp ủy và cả hệ thống chính trị nỗ lực triển khai nghiêm túc và sau 10 năm thực hiện, việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã đạt được nhiều kết quả khả quan, nhiều thành tựu to lớn được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu cắt băng khai mạc Hội nghị trực tuyến toàn quốc và Triển lãm quốc gia tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu cắt băng khai mạc Hội nghị trực tuyến toàn quốc và Triển lãm quốc gia tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Nổi bật trong thành tựu trên phải kể đến là giai đoạn 2008 - 2017, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân toàn ngành nông, lâm, thủy sản đạt trung bình 2,66%/năm, tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 3,9%/năm.

Đến năm 2017, đã có 99,4% số xã có đường nông thôn đến trung tâm xã. 100% số xã và 99,2% số hộ nông thôn có điện, 99,7% số xã có trường tiểu học và trường mẫu giáo, 99,5% số xã có trạm y tế, 88,5% dân số nông thôn được cấp nước sạch hợp vệ sinh.

Đến nay, nước ta đã có 42% số xã đạt tiêu chí là xã nông thôn mới; trên 13.000 hợp tác xã nông nghiệp cùng với trên 35.000 trang trại; đặc biệt, nhiều hộ nông dân xuất sắc đã xuất hiện trong phong trào xây dựng nông thôn mới.

Năng suất lao động nông nghiệp tăng nhanh và tỷ lệ hộ nghèo nông thôn giảm mạnh, bình quân 1,5%/năm. Những sự chuyển biến tích cực này đã mang lại những kỷ lục cho ngành nông nghiệp, năm 2017 xuất khẩu gạo của Việt Nam nằm trong top đầu thế giới, tổng sản phẩm xuất khẩu nông nghiệp 2017 đạt giá trị 36 tỷ USD, năm 2018 tiếp tục lập kỷ lục mới với kim ngạch xuất khẩu ước trên 40 tỷ USD.

Người dân là chủ thể

Trong thành tựu chung của ngành nông nghiệp 10 năm qua, không thể không nhắc đến vai trò trụ cột của người nông dân, những người trực tiếp sản xuất, dám nghĩ dám làm, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, tạo giá trị sản phẩm, tăng thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình.

Nhiều quan điểm cho rằng, ở một số nơi chưa đặt rõ vai trò chủ thể của người nông dân trong đời sống sản xuất, rất nhiều năm một bộ phận người nông dân còn dựa dẫm vào Nhà nước, xem chuyện xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu nông nghiệp là việc của chính quyền.

Nhận định về điều này, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, mục đích cuối cùng của tái cơ cấu ngành nông nghiệp là nâng cao đời sống của người dân theo hướng bền vững và bài học kinh nghiệm đã có trong việc liên kết thời gian qua, đây là các cơ sở pháp lý được ưu tiên hàng đầu.

Trong bối cảnh hội nhập, con người là nhân tố quyết định, yếu tố kiến thức quyết định chung về hội nhập, tác động tới toàn bộ nền kinh tế, người tiêu dùng, người sản xuất trong đó có nông dân. Những kiến thức này phải được cụ thể hóa; người nông dân phải được đào tạo một cách bài bản hơn nữa để trở thành chủ thể của hội nhập, chủ thể của nền kinh tế…

Bởi, trong bối cảnh mới, đất nước hội nhập với việc ký kết 16 hiệp định thương mại tự do, cách mạng công nghiệp 4.0, toàn cầu hóa đang phát triển đa dạng, đồng thời, đối mặt với bảo hộ mậu dịch, nguy cơ xung đột về thương mại, rõ ràng, khu vực nông nghiệp chịu nhiều tác động với cả cơ hội và khó khăn thách thức.

Doanh nghiệp là nòng cốt

Ngành nông nghiệp Việt Nam 10 năm qua đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, từ một nước nhập nông sản, đến nay, nông sản Việt Nam đã có mặt trên 180 quốc gia, vùng lãnh thổ, đứng thứ 2 Đông Nam Á, đứng thứ 15 trên thế giới.

Tuy nhiên, một hạn chế có thể nhìn nhận rõ đó là thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn vẫn còn hạn chế. Khi mà số dân làm nông nghiệp còn quá cao, chiếm 48%; số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp chỉ chiếm 1% tổng số doanh nghiệp, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ. 90% hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu nguyên liệu thô, chưa qua chế biến.

Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp phân tích, trong chuỗi sản xuất để nông nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí thì doanh nghiệp phải là đầu tàu; người nông dân không thể tự mình tạo ra được giá trị gia tăng, vai trò lớn phải là doanh nghiệp.

Những chính sách để doanh nghiệp đầu tư trong nông nghiệp nông thôn được sự hỗ trợ, đó là gián tiếp hỗ trợ cho người nông dân, qua đó kích thích được chuỗi ngành hàng, thay đổi quy trình sản xuất trong nông nghiệp.

Khơi thông “điểm nghẽn”

Là một người có nhiều năm tâm huyết và lăn lộn với sản xuất nông nghiệp, ông Võ Quan Huy (tại Long An) chia sẻ: “Điều quan trọng nhất vẫn là phải có thị trường. Bởi, hiện nay, Trung Quốc đã trồng được cây thanh long với diện tích rất lớn, sắp tới trái thanh long của chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn để vào thị trường này.

Vì vậy, ngành chức năng cần nhanh chóng có dự báo mùa vụ, dự báo nhu cầu của nước bạn để chúng ta sản xuất thanh long mùa vụ lệch với họ, tránh tình trạng dội hàng ở biên giới như thời gian vừa qua. Bên cạnh đó, chúng ta cần xây dựng các tiêu chuẩn cho những mặt hàng có lợi thế để đủ điều kiện xuất khẩu.

Đặc biệt, cần sớm sửa đổi chính sách đất đai để tạo điều kiện cho người nông dân tích tụ ruộng đất mở rộng sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng, nhà xưởng…, làm sao mỗi chủ trang trại có thể lớn mạnh, trở thành “tiểu” doanh nghiệp”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm khu trồng rau thủy canh đạt tiêu chuẩn VietGap tại Lâm Đồng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm khu trồng rau thủy canh đạt tiêu chuẩn VietGap tại Lâm Đồng.

Luật Đất đai năm 2013 có những tác động tích cực, tuy nhiên việc giao đất bình quân khiến đất nông nghiệp trở nên manh mún, quy mô nhỏ, khó có thể cơ giới hóa, hiện đại hóa và tiến hành thực hiện nền sản xuất lớn (quy mô trang trại của hộ gia đình Việt Nam vào loại nhỏ nhất ở Đông Nam Á và trên thế giới).

Bàn về câu chuyện tích tụ đất đai trong sản xuất nông nghiệp, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, đã đến lúc phải thực hiện tích tụ ruộng đất, từ đó thúc đẩy tái cơ cấu, tổ chức sản xuất theo hướng quy mô hơn, hiện đại hơn, thông minh hơn...

Từ đó, tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt hơn đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Với doanh nghiệp tích tụ, tập trung ruộng đất quy mô lớn (100ha trở lên) nên cho phép xây dựng một số các công trình kiên cố như nhà kho, nhà máy sơ chế, nhà kính… có thể nới thời gian sử dụng đất lên đến 70 năm hoặc không quy định về thời gian sử dụng đất nông nghiệp, ông Cung chia sẻ.

Đây cũng là trăn trở của người đứng đầu Chính phủ với mong muốn nền nông nghiệp Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn nữa, khẳng định được thương hiệu và vị thế trên thị trường thế giới. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt câu hỏi, trong thập kỷ tới đây, nông nghiệp Việt Nam đứng ở đâu?

Vị thế nông nghiệp Việt Nam đóng góp như thế nào cho xây dựng đất nước?; đồng thời nhấn mạnh, thế giới đang chuyển mình ngày một nhanh, chúng ta phải đặt ra những lợi thế so sánh đó để thành công. Phải sớm khắc phục, những tồn tại yếu kém trong phát triển nông nghiệp, nông thôn hiện nay, nhất là trong bối cảnh kỷ nguyên số 4.0

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, vấn đề thị trường phải được đặt trước là vấn đề sản xuất để hạn chế tối đa được mùa, mất giá. Phải thay đổi tư duy, cách làm, sản xuất nông nghiệp phải bắt đầu từ nhu cầu, từ thị trường đảm bảo chất lượng, truy xuất nguồn gốc.

Cùng với thúc đẩy xuất khẩu, nông nghiệp Việt cần chú trọng đến thị trường gần 100 triệu dân của Việt Nam. Mặt khác, đi liền với thị trường là vốn, hệ thống ngân hàng tiếp tục cung cấp nguồn vốn tín dụng cần thiết vào nông nghiệp, nông thôn…

Ông Thào Xuân Sùng, Chủ tịch BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam: Hình mẫu người nông dân mới


Trong thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc phát huy vai trò chủ thể của nông dân, xây dựng hình ảnh người nông dân giàu có, nông thôn thịnh vượng; xây dựng hình mẫu người nông dân mới có ý chí, tự lực tự cường vươn lên làm giàu; đoàn kết hợp tác xây dựng nông thôn mới thành công, song song với việc giữ gìn và phát huy các nét đẹp văn hóa truyền thống. Cùng với đó, tiếp tục đổi mới nội dung chương trình đào tạo, dạy nghề cho nông dân để nâng cao trình độ canh tác sản xuất theo chuỗi, nhằm đạt 3 mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm…Năm 2017, cả nước đã xuất khẩu nông sản đạt hơn 30 tỷ USD, thành công này có vai trò không nhỏ của người nông dân. Sở dĩ, người nông dân Việt Nam có những đóng góp đó là do Đảng, Nhà nước đã có những chủ trương, chính sách đúng đắn. Điều đó được thể hiện trong Nghị quyết 26 được Quốc hội, Chính phủ thể chế từng bước để phát huy vai trò chủ thể của giai cấp nông dân Việt Nam.

Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp: Hội quán nông dân


Thành phần tham dự gồm rất nhiều “nhà” như nông dân, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học… Không gian sinh hoạt ngay tại sân nhà nông dân nên rất đầm ấm, gần gũi, bà con có thể tranh thủ thời gian tham gia. Nhờ tham gia sinh hoạt trong “Hội quán nông dân”, cộng đồng dân cư tại khu vực đó cũng gần gũi, hòa đồng hơn, nhiều mâu thuẫn, hiềm khích dần được xóa bỏ, bà con đoàn kết cùng nhau làm ăn, tăng thu nhập. Đặc biệt là phong trào thành lập, phát triển các hợp tác xã được phát triển rất mạnh ở Đồng Tháp, bà con tham gia rất sôi nổi.Vai trò của người nông dân cần được là chủ thể và chính họ cũng nhận thức được vai trò của mình trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đồng Tháp đã có sáng kiến tổ chức nhiều không gian sinh hoạt để nông dân có điều kiện giao lưu, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống và nâng cao nhận thức, đó là mô hình “Hội quán nông dân”.

TS Đặng Kim Sơn:  Thúc đẩy liên kết nông nghiệp


Hiện nay, hạ tầng cho vùng sản xuất nông sản đang là điểm yếu của nền sản xuất nông nghiệp Việt Nam. Hai vùng chuyên canh nông nghiệp chính của cả nước là ĐBSCL và Tây Nguyên không có hàng không chuyên dụng cho nông nghiệp, hoàn toàn không có đường sắt và hầu như không có đường cao tốc kết nối với TP Hồ Chí Minh. Các dịch vụ hỗ trợ và hậu cần khác cho nông nghiệp cũng không tập trung ở các vùng chuyên canh nông nghiệp làm hạn chế khả năng cạnh tranh của nông sản. Phát triển công nghiệp trên địa bàn nông thôn, tạo việc làm, thu nhập cho lao động ở ngay nông thôn để lao động nông nghiệp “ly nông bất ly hương”, không di cư ra đô thị. Cách tốt nhất là tạo ra một mô hình kinh tế liên kết, trong đó các ngành công nghiệp, dịch vụ gắn bó mật thiết với sản xuất nông nghiệp, tạo ra giá trị gia tăng mới, tăng năng suất, khả năng cạnh tranh của nông sản

Ông Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh: "Cơ hội vàng” từ Tam nông

Hà Tĩnh cũng như nhiều địa phương khác coi Nghị quyết 26 là cuộc “cách mạng”, là “cơ hội vàng” để phát triển tam nông nên đã thúc đẩy nhận thức của cả hệ thống chính trị, của nhân dân để triển khai nội dung trong Nghị quyết quan trọng này. Một số lĩnh vực, sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực có bước phát triển đột phá, hướng tới nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn được cải thiện rõ rệt; quyền làm chủ và vai trò chủ thể được phát huy; nông dân phấn khởi, tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Diện mạo nông thôn mới thực sự khởi sắc, văn minh... Mức độ đạt chuẩn các tiêu chí nông thôn mới đều tăng lên, bình quân đạt 15,1 tiêu chí/xã (tăng 11,6 tiêu chí so cuối năm 2010). Đến nay có 115 xã đạt chuẩn (chiếm 50,2%), không còn xã dưới 10 tiêu chí, có 2 xã cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu
 

Bảo Bình

NTV

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Thôn vùng cao ở Lào Cai, trước chìm trong hoa anh túc nay trồng lúa, ngô, cây ăn quả mà giảm nghèo làm giàu

DNTH: Bản Giàng là thôn xa nhất, khó khăn nhất của xã Pa Cheo, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và cấp uỷ, chính quyền địa phương, diện mạo vùng quê nghèo nơi đây đang từng bước thay da, đổi thịt.

Đường hoa nông thôn mới Nam Định, nhìn đâu cũng ra hoa, cây cảnh, cây công trình, làng quê đáng sống

DNTH: Về các miền quê trong tỉnh Nam Định, đi đến đâu cũng dễ dàng bắt gặp những con đường hoa, đường cây rực rỡ, xanh mát. Trong cái nắng chói chang của mùa hạ, những thảm hoa mười giờ, dừa cạn, dứa tím, lạc tiên, chuỗi...

Lào Cai: Nhiều nông dân vùng cao đổi đời nhờ cây tam thất

DNTH: Các xã vùng cao trên của huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai thường lạnh, mát quanh năm với độ ẩm bình quân từ 70 - 80%; đây là môi trường thích hợp để trồng những loại dược liệu quý, trong đó có cây tam thất. Loại cây có giá trị...

Kon Tum: Hỗ trợ hơn 3.300 cây giống sâm Ngọc Linh cho 40 hộ nghèo

DNTH: Ngày 11/2, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) tiến hành cấp phát miễn phí 3.320 cây giống sâm Ngọc Linh cho 40 hộ nghèo, hộ cận nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số tại hai xã Đăk Na và Văn Xuôi.

'Phù thủy' điều khiển cây nhãn thu hoạch quả từ tháng Giêng

DNTH: Trong nghề canh nông, lão Hoàng Quang Tuấn được bà con ở địa phương ví như 'dị nhân' bởi nuôi con nào, trồng cây gì cũng đều thắng đậm hơn người.

Xây dựng nông thôn mới tại Đồng Hưu, Bắc Giang

DNTH: Từ một xã miền núi còn nhiều khó khăn của huyện Yên Thế (tỉnh Bắc Giang), Đồng Hưu nay đã khoác lên mình diện mạo mới nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới. Vùng quê nay đã trở nên trù phú, tràn đầy sức sống, đời sống...

XEM THÊM TIN