70 công nhân thủy điện Đăk Mi 2 đã thoát khỏi cô lập

19:24 | 30/10/2020

DNTH: Theo Thiếu tướng Nguyễn Đình Tiến - Phó Tư lệnh Quân khu 5, khoảng 500 cán bộ chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại xã Trà Leng. Trong sáng nay 30/10, lực lượng cứu nạn cứu hộ phát hiện thêm 3 thi thể nạn nhân, 12 người còn đang mất tích. Trong khi đó, 70 công nhân thủy điện Đăk Mi 2 đã thoát vị trí cô lập.

16h30 ngày 30/10

Thông tin từ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam cho biết, 13h ngày 30/10, sau khi nước lũ trên sông Nước Mét, đoạn có cầu bê tông (đã bị lũ cuốn trôi) bắc ngang qua Thủy điện Đăk Mi 2 hạ dần, các công nhân của thủy điện Đăk Mi 2 đã sử dụng dây cáp làm ròng rọc và tự thoát ra khỏi khu vực cô lập. Hiện tại có khoảng 70 công nhân thoát khỏi khu vực nhà máy.

Do vị trí các khu vực thủy điện Đăk Mi 2 bị sạt lở nặng nên nhiều công nhân chưa đến được trung tâm nhà máy để thoát ra ngoài.

Bộ đội cắt rừng tiếp cận cứu công nhân Thủy điện Đăk Mi 2, huyện Phước Sơn.

Được biết, sau khi nhận được thông báo vụ sạt lở núi tại xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn và Nhà máy Thủy điện Đăk Mi 2 bị cô lập, Bộ CHQS tỉnh Quảng Nam đã tham mưu Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và UBND tỉnh, thiết lập Sở Chỉ huy tiền phương TKCN tại xã Phước Công, huyện Phước Sơn để trực tiếp điều hành công tác tìm kiếm, ứng cứu người bị nạn.

Các phương án khẩn trương được đưa ra, trong đó nếu việc tiếp tế lương thực cho các công nhân bằng đường bộ và đường thủy gặp khó khăn, sẽ tính đến phương án dùng trực thăng cứu hộ. Tuy nhiên, hiện nay thời tiết các xã miền núi cao huyện Phước Sơn sương mù dày đặc nên chưa thể dùng phương án cứu hộ đường không.

Hiện tại các lực lượng chức năng đang tích cực điều chỉnh phương án để tiếp cận hiện trường vụ sạt lở núi và Thủy Điện bị cô lập trong thời gian sớm nhất.

Lực lượng tiền trạm đang cơ động theo hướng từ xã Phước Kim qua Phước Thành để đến Phước Lộc. Hiện lực lượng này đã đến xã Phước Thành, cách hiện trường xã Phước Lộc, nơi còn 8 người dân mất tích hơn 8km đường rừng.16h30 ngày 30/10: 500 cán bộ chiến sĩ tìm kiếm xuyên đêmTuyến đường vào xã Trà Leng đã thông đêm qua, Quân khu 5 đã đưa các phương tiện máy móc, trang thiết bị phục vụ công tác tìm kiếm vào hiện trường.

Ảnh: Báo Quảng Nam

Thiếu tướng Nguyễn Đình Tiến - Phó Tư lệnh Quân khu 5 cho biết: "Thời tiết đang chuyển biến xấu nhưng chúng tôi sẽ có sự chuẩn bị, phân công cụ thể nhiệm vụ từng lực lượng đảm bảo. Hiện các lực lượng đang đào xới khu vực vùi lấp nặng, dùng máy cưa để cắt những tảng gỗ lớn ở vị trí tìm kiếm. Chúng tôi đã có hệ thống phát sóng để kết nối, truyền thông tin về bên ngoài. Hệ thống máy điện và điện chiếu sáng cũng được lắp đặt để tìm kiếm nạn nhân trong đêm. Chúng tôi đang đưa đội cảnh khuyển đến hiện trường phục vụ công tác tìm kiếm; dùng ca nô để tìm kiếm trên khu vực sông Lăng. Dự báo thời tiết không thuận lợi, có mưa lớn nhưng chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ sớm và sẽ đảm bảo an toàn cho chiến sĩ".

Trong sáng nay 30/10, lực lượng cứu nạn cứu hộ phát hiện thêm 3 thi thể nạn nhân. Như vậy, đến thời điểm này vụ sạt lở gây chết 9 người; còn lại 12 người mất tích và đang tiếp tục được tìm kiếm.

Có mặt tại Sở chỉ huy tiền phương tại huyện Bắc Trà My trưa nay, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho biết, hiện diễn biến thời tiết tại Nam Trà My không thuận lợi, xuất hiện mưa nhỏ nên chính quyền tỉnh quyết tâm dùng mọi phương tiện, máy móc, lực lượng tinh nhuệ để tìm kiếm các nạn nhân còn lại, kể cả ban đêm.

"Lực lượng chức năng đã đưa chó nghiệp vụ vào tìm kiếm cũng như bay flycam tìm trên sông và hồ Sông Tranh 2. Hiện trên địa bàn mưa to nên công tác tìm kiếm gặp vô vàn khó khăn" - ông Bửu nói.

Khẩn trương triển khai cứu nạn, hỗ trợ người dân bị cô lập tại Phước Sơn

Sáng nay 30/10, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cùng đại diện Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, các ngành chức năng có buổi làm việc với chính quyền huyện Phước Sơn về công tác tìm kiếm nạn nhân mất tích và cứu hộ cứu nạn đối với người dân các xã Phước Kim, Phước Thành, Phước Lộc cùng số công nhân thủy điện Đăk Mi 2 đang bị cô lập do sạt lở.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Quảng - Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn thông tin, đối với 13 người bị vùi lấp mất tích ở xã Phước Lộc, hiện các lực lượng tại chỗ đã tìm được 5 thi thể. Lực lượng tại chỗ vẫn đang tiếp tục triển khai tìm kiếm. Các tổ công tác do huyện, tỉnh và Quân khu 5 tăng cường hiện vẫn chưa thể tiếp cận khu vực này do sạt lở nhiều điểm với khối lượng rất lớn.

Sau khi nghe ý kiến của địa phương, các ngành liên quan về công tác hỗ trợ khẩn cấp trên địa bàn Phước Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh kết luận, trước mắt thành lập ngay sở chỉ huy tiền phương, đặt tại Ban Chỉ huy Quân sự huyện thay vì tại xã Phước Công như đề xuất trước đó. Sở chỉ huy sẽ kịp thời chỉ huy công tác cứu hộ cứu nạn và hỗ trợ cấp bách cho người dân vùng bị cô lập; đặt các tổ ứng trực tại xã Phước Công, Phước Kim (dự kiến thông tuyến vào chiều tối nay).

Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh khẩn trương hỗ trợ lực lượng, trang thiết bị, phối hợp để triển khai các phương án đưa lực lượng tăng cường cho công tác cứu hộ cứu nạn. Đối với xã Phước Thành và Phước Kim với khoảng 3.000 dân, phải tập trung thông đường, tính phương án đảm bảo lương thực, thực phẩm, thuốc men, tuyệt đối không để dân đói rét sau bão số 9.

14h ngày 30/10:

UBND tỉnh Quảng Nam vừa có thông tin chính thức về số người chết, số người bị thương và người mất tích do thiên tai trong những ngày qua, tính tới 14h ngày 30/10. Thông tin sáng nay 30/10 từ hiện trường tìm kiếm vụ sạt ở xã Trà Leng (Nam Trà My) cho hay vừa tìm thêm được  các thi thể nạn nhân.

Trong đó, về vụ sạt lở gây hậu quả nặng nề nhất ở làng ông Đề, thôn 1 xã Trà Leng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho biết, tổng số hộ là 15, tổng số nhân khẩu là 55. Trong đó, đã cứu được 33 người.Danh tính 8 người chết là: Hồ Văn Hùng, Hò Thị Mai, Hồ Văn Thanh, Hồ Thị Đức, Hồ Văn Công, Hồ Viết Mười, Lê Công Huy, Nguyễn Thị Tường Vy.Danh tính 14 người mất tích gồm Lê Hoàng Việt, A Rất Hà, Hồ A Rất Thái Hữu, Hồ Thị Thắm, Hồ Quang Tuyền, Hồ Thị Ân, Trần Cao Nam, Trần Văn Tăng, Võ Ngọc Vinh, Nguyễn Thị Lệ Xoan, Nguyễn Thị Mai Khiếu, Nguyễn Văn Khuê, Hồ Thị Mai Ly, Hồ Thị Then.

Thiếu tướng Nguyễn Đình Tiến, Phó tư lệnh Quân khu 5 chỉ đạo các lực lượng quân đội triển khai tìm kiếm nạn nhân mất tích tại Trà Leng.  Ảnh: VGP/Thế Phong
Các lực lượng phát hiện 1 thi thể cháu nhỏ lúc 9h 30' sáng 30/10. - Ảnh: VGP/Thế Phong

12h ngày 30/10:

Cũng trong sáng nay, lực lượng tìm kiếm của Bộ đội Biên phòng Quảng Nam đã đưa chó nghiệp vụ vào hiện trường hỗ trợ tìm kiếm, đồng thời triển khai thêm phương án tìm kiếm bằng thiết bị bay flycam trên sông và hồ thủy điện Sông Tranh.

Tại xã Trà Mai, vụ tìm kiếm ở điểm sạt lở sáng nay phải tạm dừng vì mưa khá to, 1 người bị thương đã được tìm thấy, 1 người vẫn còn mất tích.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu, con số nạn nhân trong vụ sạt lở tại thôn 2 Trà Leng là 1 người chết, 4 người bị thương; tại thôn 1 là 6 người chết, 16 người mất tích, 22 người bị thương; tại xã Trà Mai có 1 người mất tích, 2 người bị thương; tại xã Trà Vân là 8 người chết, 12 người bị thương

Vào đêm qua 29/10, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ vẫn ở hiện trường chỉ huy cuộc tìm kiếm.

Tình hình vẫn “nước sôi lửa bỏng”

Tại phiên họp Chính phủ sáng 30/10, theo yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có báo cáo ngắn gọn về tình hình ứng phó thiên tai, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng báo cáo làm rõ thêm.

 “Yêu cầu nước sôi lửa bỏng vì các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi… chìm đắm trong nước lũ, nhà cửa hư hỏng nặng nề, nhiều học sinh nghỉ học, đi lại vô cùng khó khăn”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

“Mưa bão là kẻ thù đối mặt, còn sạt lở đất là kẻ thù không biết xuất hiện lúc nào, do đó ứng phó vô cùng khó khăn, nên thiệt hại sau bão là vô cùng lớn, không chỉ ở miền Trung mà các tỉnh trung du miền núi phía Bắc cũng như vậy”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận định về các sự cố do sạt lở đất.

Hiện, các lực lượng đang tập trung khắc phục hậu quả thiên tai, Phó Thủ tướng đề nghị tập trung một số công việc.

Việc đầu tiên là tiếp tục tìm kiếm người mất tích, hiện công tác này đang được tập trung quyết liệt ở Quảng Nam, đặc biệt là ở huyện Nam Trà My. Tại xã Trà Leng, theo thông tin mới nhất, còn 16 người đang mất tích.

Thứ hai, hỗ trợ người dân gặp khó khăn, trước hết là sửa chữa nhà cửa với hàng chục nghìn ngôi nhà hư hỏng, tất cả nhà cấp 4 bị bay mái; hỗ trợ lương thực thực phẩm thuốc men. Cùng với đó, khắc phục hậu quả sau cơn bão, sửa chữa hệ thống điện, hệ thống thông tin liên lạc, giao thông, công trình trường học, bệnh viện, công sở, các công trình dịch vụ…

Thứ ba, tập trung ứng phó với bão lũ, cả cơn bão sắp tới, lũ đang lên ở miền Trung. Rà soát tất cả khu vực nguy hiểm để sơ tán dân, mặc dù ta có bản đồ tổng thể nhưng chưa có chi tiết từng xã, cần tiếp tục đầu tư cho việc này.

Thứ tư, tập trung phục hồi sản xuất, đây là nhiệm vụ thường xuyên, trong đó có vấn đề hỗ trợ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tiếp tục tổng hợp yêu cầu của các địa phương để Thủ tướng Chính phủ có quyết sách phù hợp hỗ trợ khôi phục các hạ tầng thiết yếu nhất, phục hồi sản xuất…

11h ngày 30/10:Đoàn công tác của Tỉnh ủy do Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Phan Việt Cường dẫn đầu  đã có mặt tại Phước Sơn để chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn tại các điểm sạt lở. Trước đó, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo hoãn cuộc họp HĐND tỉnh (dự kiến diễn ra hôm nay 30/10) để tập trung cho công tác cứu hộ cứu nạn, khắc phục hậu quả sạt lở.

Theo báo cáo, hiện nay các tuyến đường đi Phước Kim, Phước Lộc, Phước Thành đã thông tuyến đến cầu Xà Oai. Hiện vẫn còn khá nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng trên tuyến đường vào khu vực sạt lở vùi lấp 11 người dân xã Phước Lộc.

Hiện nay xã Phước Lộc còn 6 người mất tích trong tổng số 13 người, gồm 11 người ở thôn 3 (thôn 6 cũ) và 2 cán bộ bị vùi lấp ở thôn 1 khi đang trên đường công tác. Ngoài ra, có 217 công nhân thủy điện Đăk Mi 2 đang bị cô lập. Thủy điện Đăk Mi 2 nằm trên địa phận xã Phước Công và Phước Lộc.

Việc cơ động vào các vị trí tìm kiếm người mất tích và số công nhân bị cô lập gặp rất nhiều khó khăn do sạt lở và một số sông suối nước vẫn còn chảy xiết.

Ban Chỉ huy Quân sự huyện Phước Sơn đề nghị các lực lượng tại chỗ xã Phước Lộc tiếp tục huy động lực lượng cứu nạn, tìm kiếm người mất tích. Các lực lượng đang nỗ lực thông tuyến để tăng cường hỗ trợ.

Đối với số công nhân bị cô lập, hiện nay tiến hành tiếp tế lương thực thực phẩm qua dây cáp được công ty thủy điện kéo qua trạm vận hành. Phương án đưa ra là tìm kiếm thân cây to cắt gỗ làm cầu, kiểm tra đường Đăk Chong, Đăk Lây để cơ động vào hoặc đề nghị trực thăng tiếp tế.

Ban Chỉ huy Quân sự huyện Phước Sơn đề nghị lập sở chỉ huy tiền phương đặt tại xã Phước Công để phục vụ công tác chỉ đạo. Hiện đoàn công tác đã vào khảo sát tiền trạm.

Ảnh: TTXVN

Sáng 30/10/2020, tại UBND huyện Phước Sơn (Quảng Nam), Sở chỉ huy tiền phương tìm kiếm cứu nạn vụ sạt lở đất ở huyện Phước Sơn họp bàn phương án tiếp cận hiện trường. Đây không chỉ là sạt lở đất mà là một vụ lũ quét, rất nguy hiểm cho công tác tìm kiếm cứu nạn.Trước mắt, việc tiếp cận hiện trường của lực lượng bên ngoài rất khó khăn và nguy hiểm do có nhiều điểm sạt lở, suối chảy siết nên có khả năng gây thương vong cho đoàn tìm kiếm cứu nạn. Dự kiến, nếu thời tiết thuận lợi, lực lượng quân đội có thể đưa máy bay để tiếp cận hiện trường nhanh nhất.

Hiện trường vụ sạt lở tại xã Trà Leng, Nam Trà My. - Ảnh: Báo Quảng Nam

Cũng theo ông Hồ Quang Bửu, sau một ngày nỗ lực tiếp cận hiện trường, đến chiều 29/10, các lực lượng tìm kiếm cứu nạn cứu hộ sau khi tiếp tục đi bộ gần 4 km đã đến được thôn 1 xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Họ đã cùng với người dân địa phương đã tìm được  12 người bị thương nặng và 6 thi thể , đều là  người dân ở thôn 1 xã Trà Leng. Những người bị thương đang được đưa đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Bắc Trà My. Thi thể những người thiệt mạng đã được bàn giao cho người thân và chính quyền để lo hậu sự theo phong tục địa phương.

"Nguyên nhân sự cố kinh hoàng này bước đầu được xác định là do lũ ống dẫn đến sạt lở núi", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu cho biết thêm.

Hiện tại ở xã Trà Leng vẫn còn 14 người còn đang mất tích. Thiếu tướng Nguyễn Đình Tiến, Phó Tư lệnh Quân khu 5 đang tiếp tục chỉ huy công tác tìm kiếm cứu nạn, trong khi đó đường đến xã Trà Leng vẫn còn hơn 3 km bị sạt lở nặng, gây ách tắc giao thông.

Trong đêm 29/10, các phương tiện cơ giới hạng nặng đã được ngành giao thông tỉnh Quảng Nam tăng cường để san ủi bùn đá, dọn dẹp cây cối đổ ngã, thông đường để các lực lượng tìm kiếm cứu nạn vào hiện trường, đẩy nhanh công tác tìm kiếm, cứu hộ.

Tỉnh Quảng Nam và lực lượng tham gia công tác tìm kiếm đang tập trung tối đa nguồn lực để nhanh chóng tìm kiếm người bị mất tích trong vụ lũ ống gây sạt lở khủng khiếp này ở  hai xã Trà Leng và Trà Vân, huyện Nam Trà My.

Huy động tối đa lực lượng tìm kiếm các nạn nhân bị vùi lấp

Tối 29/10, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh ban hành văn bản chỉ đạo khẩn trương triển khai công tác cứu hộ, tìm kiếm nạn nhân bị vùi lấp do sạt lở đất tại các huyện Nam Trà My, Phước Sơn.

Huy động toàn bộ lực lượng hiện có của các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn phối hợp với lực lượng các đơn vị quân đội thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh và lực lượng của các sở, ban ngành liên quan của tỉnh khẩn trương thực hiện khai thông, mở đường để các lực lượng, phương tiện sớm tiếp cận các khu vực bị sạt lở, triển khai ngay công tác tìm kiếm, cứu hộ các nạn nhân bị vùi lấp, mất tích. Các lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn phải tuân thủ sự chỉ đạo của Sở chỉ huy tiền phương và Ban chỉ huy hiện trường, đảm bảo tuyệt đối an toàn trong quá trình tìm kiếm.

18h46 ngày 29/10:

Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam xác nhận đến 14h chiều nay (29/10), lực lượng cứu hộ Quân khu 5, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam ...đã tiếp cận được hiện trường điểm sạt lở đất tại thôn 1, xã Trà Leng. Vụ sạt lở đất tại đây đã làm 11 nhà dân, với 53 nhân khẩu bị vùi lấp, mất tích.Đến 15h chiều nay, lực lượng chức năng đã tìm được 33 người còn sống và 6 thi thể nạn nhân bị vùi lấp. Hiện tại, lực lượng cứu nạn đang tập trung nỗ lực tìm kiếm 14 người còn đang mất tích trong vụ sạt lở. 

Tại hiện trường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu đánh giá cao nỗ lực cứu hộ, chủ động "4 tại chỗ"  trong công tác cứu nạn của huyện Nam Trà My. "Bằng mọi giá phải tìm kiếm tất cả nạn nhân. Hy vọng trong ngày mai sẽ tìm được hết người mất tích" - ông Bửu nói.

Chiều tối 29/10, ông Thái Hoàng Vũ - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, ông Trần Kim Sơn - Phó Bí thư Huyện ủy Bắc Trà My đã đến Trung tâm Y tế huyện Bắc Trà My thăm hỏi các nạn nhân bị sạt lở đất ở Trà Leng.

Lãnh đạo huyện Bắc Trà My đã thăm hỏi, động viên các bệnh nhân điều trị tại Khoa cấp cứu của bệnh viện. Đồng thời trao hỗ trợ 1 triệu đồng/người đối với các bệnh nhân đang điều trị tại đây.

Đến 18 giờ 30, Trung tâm đã tiếp nhận 13 nạn nhân đến điều trị, chuyển viện 4 trường hợp nặng.

16h ngày 29/10:

Lúc 13h chiều nay 29/10, điểm sạt lở cuối cùng tại km81, quốc lộ 40B đã được thông tuyến giúp lực lượng cứu nạn của Quân khu 5 với 200 cán bộ chiến sĩ. Các lực lượng có thể đi vào hiện trường vụ sạt lở đất tại xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.

Lực lượng tiếp cận sớm nhất gồm 20 cán bộ chiến sĩ công binh, quân y mang theo thùng cứu thương vào để cấp cứu các trường hợp bị thương. Có 4 trường hợp bị thương nặng được đưa ra trước, trong đó có 2 trẻ nhỏ từ khu vực sạt lở xã Trà Leng, đến Trung tâm y tế huyện Bắc Trà My để chữa trị. Hiện nay xe cứu thương tiếp tục vào hiện trường để đưa các nạn nhân bị thương trong số những người mất tích ở Trà Leng đến bệnh viện cấp cứu. Người bị thương nặng sẽ tiếp tục được chuyển về tuyến bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Nam.Theo Thượng tá Hà Ra Diêu - Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Nam Trà My, tính đến đầu giờ chiều nay đã cứu được 33 người, 16 người bị thương, trong đó có 8 người bị thương nặng; tìm thấy 6 thi thể, còn 13 người chưa tìm thấy.Những người may mắn sống là do được nước bùn đẩy dồn về chân núi, sau đó trồi lên trên lớp đất nên thoát chết.Bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Thị Minh Thúy, Phó giám đốc Trung tâm Y tế Bắc Trà My cho biết, đến 16h chiều 29/10, Trung tâm Y tế huyện đã tiếp nhận 5 bệnh nhân tại xã Trà Leng, trong đó có 2 bệnh nhân nặng, qua hội chuẩn thống nhất chuyển về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam để điều trị.Trên toàn tỉnh Quảng Nam, tới 16h chiều 29/10, có 19 người chết do sạt lở đất, 22 người mất tích. Trong đó, huyện Nam Trà My có 14 người chết, 13 người mất tích; huyện Phước Sơn có 5 người chết, 8 người mất tích, huyện Bắc Trà My mất tích 1 người. 

Sơ cứu nạn nhân tại hiện trường.
Các lực lượng chức năng vừa đưa 4 người bị thương, trong đó có 2 trẻ nhỏ từ khu vực sạt lở xã Trà Leng, đến Trung tâm y tế huyện Bắc Trà My để chữa trị. - Ảnh: VGP
Các lực lượng chức năng vừa đưa 4 người bị thương, trong đó có 2 trẻ nhỏ từ khu vực sạt lở xã Trà Leng, đến Trung tâm y tế huyện Bắc Trà My để chữa trị. - Ảnh: VGP
Ảnh: VGP

Sáng 29/10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng có mặt tại Quảng Nam, chỉ đạo tìm kiếm cứu nạn trong các vụ sạt lở gây hậu quả nghiêm trọng khiến hàng chục người mất tích. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gọi điện trao đổi, gửi lời động viên đến lực lượng cứu nạn, yêu cầu tập trung tất cả khả năng để có thể tìm kiếm các nạn nhân mất tích.14h ngày 29/10:Tính đến chiều ngày 29/10, lực lượng chức năng đã tìm thấy 16 thi thể trong hai vụ sạt lở nghiêm trọng khiến 53 người mất tích tại huyện Nam Trà My (Quảng Nam), trong đó, có 8 nạn nhân là người ở xã Trà Vân và 8 nạn nhân ở xã Trà Leng. Lực lượng tại chỗ cùng tìm thấy 3 thi thể trong vụ sạt lở vùi lấp 11 người tại xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn.Danh tính 8 nạn nhân tử vong tại xã Trà Vân (theo báo Quảng Nam):

1. Đinh Văn Thiều, SN 1993;

2. Vũ Thị Kim Hồng, SN 1990;

3. Đinh Thị Thiên Ân, SN 2020;

4. Đinh Thị Mai Hương, SN 2016;

5. Vũ Văn Nam, SN 1983;

6. Vũ Thị Nhung, SN 2008;

7. Vũ Thị Thảo, SN 2010;

8. Vũ Ngọc Trãi, SN 2013.* Tại Kon Tum, ngày 29/10, lãnh đạo UBND tỉnh ùng chính quyền huyện Kon Rẫy và lực lượng chức năng trong tỉnh đã đến hiện trường vụ cầu treo nối huyện Kon Rẫy với xã Đăk Pne bị cuốn trôi do ảnh hưởng của bão số 9, khiến gần 1.500 người dân (438 hộ) trong xã Đăk Pne bị cô lập hoàn toàn.

12h ngày 29/10: Thêm điểm sạt lở mới, 11 người bị vùi lấp

Trong khi đó, thông tin từ lãnh đạo UBND huyện Phước Sơn, sáng nay 29/10, tại thôn 6 của xã Phước Lộc (giáp giới với tỉnh Kon Tum) xuất hiện một điểm sạt lở vùi lấp 11 người. Tỉnh ủy Quảng Nam ngay trong sáng nay đã yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tiếp cận hiện trường vụ sạt lở.

Hiện đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Nguyễn Mạnh Hà  - Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy; Đại tá Nguyễn Bá Thông - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đang trên đường lên Phước Sơn khảo sát, tiếp cận hiện trường. Trung đội cơ động của Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng đã xuất phát đến hiện trường.Lực lượng tại chỗ của thôn đã tìm thấy 3 thi thể trong số 11 người bị vùi lấp nói trên.Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ sạt lở đất nghiêm trọng vùi lấp nhiều người tại Quảng Nam. Trước đó, tại thôn 1 xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, sạt lở đất vùi lấp 45 người, 4 người thoát nạn. Tại thôn 1 xã Trà Vân, huyện Nam Trà My, có 8 người bị vùi lấp (đã tìm thấy thi thể), 12 người bị thương. 

Theo thông tin chưa chính thức, trước khi xảy ra vụ việc, có 2 gia đình ở Trà Leng đã kịp chạy lên rừng, nên con số thương vong có thể không cao như dự báo ban đầu.Theo báo cáo các cơ quan chức năng, hiện nay tuyến đường bộ huyết mạch từ trung tâm huyện Bắc Trà My lên huyện Nam Trà My đã bị sạt lở nghiêm trọng, địa phương đang phối hợp với các lực lượng của Quân khu 5 tích cực giải phóng mặt đường, để các lực lượng, phương tiện cứu hộ từng bước tiếp cận hiện trường. Các lực lượng tại chỗ cũng đang tích cực tìm kiếm người mất tích. *Tối 28/10, tại thôn Tà Làng, xã Bha Lêê (Tây Giang, Quảng Nam) cũng xảy ra vụ sạt lở núi vùi lấp một nhà dân, 8 thành viên trong gia đình may mắn thoát chết trong gang tấc nhờ chạy thoát được ra ngoài.

Sáng nay 29/10, lãnh đạo huyện Tây Giang đến thăm và hỗ trợ gia đình 3 triệu đồng. Đồng thời yêu cầu Đồn Biên phòng A Nông và dân quân xã hỗ trợ di dời gia đình đến nơi an toàn.

Phải thông cho được đường bộ vào hiện trường

Vào lúc 09h30’ ngày 29/10, tại Ban CHQS huyện Bắc Trà My, Ban Chỉ huy tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn các nạn nhân vụ sạt lở đất xảy ra tại xã Trà Leng (huyện Nam Trà My) tổ chức họp khẩn để triển khai các phương án đưa lực lượng, phương tiện tiếp cận hiện trường, tổ chức tìm kiếm, cứu nạn.

Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; Trung tướng Nguyễn Long Cáng, Tư lệnh Quân khu 5; đồng chí Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam; đồng chí Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đồng chủ trì cuộc họp.

Do địa hình bị chia cắt, chính quyền địa phương vẫn chưa thống kê được chính xác có bao nhiêu điểm sạt lở trên đường cơ động, tiếp cận xã Trà Leng.

Nếu chỉ có một điểm sạt lở ở cuối huyện Bắc Trà My, từ nay đến đầu giờ chiều, lực lượng công binh Quân khu 5 có thể thông tuyến lên ngã 3 Trà Leng, cách điểm sạt lở 17 km nữa.

Ban chỉ đạo cứu hộ, cứu nạn yêu cầu các lực lượng vừa đẩy nhanh công tác giải phóng mặt đường, vừa khảo sát, chuẩn bị phương tiện, ô tô, ca nô, tàu thuyền, sẵn sàng cơ động bằng đường thủy, đường mòn, quyết tâm lên xã Trà Leng sớm nhất trong khả năng có thể.

Đồng chí Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: “Tới 09.00 giờ sáng nay, lực lượng cứu hộ tại chỗ đã tìm kiếm, đưa ra khỏi hiện trường sạt lở 8 nạn nhân.Theo thông tin chưa chính thức, trước khi xảy ra vụ việc, có 2 gia đình ở Trà Leng đã kịp chạy lên rừng, nên con số thương vong có thể không cao như dự báo ban đầu”.

Phát biểu tại cuộc họp, Trung tướng Nguyễn Long Cáng, Tư lệnh Quân khu 5 đề nghị các cơ quan, đơn vị tập trung tối đa lực lượng, phương tiện, quyết tâm đẩy nhanh công tác tiếp cận hiện trường, tìm kiếm cứu nạn các nạn nhân; bảo đảm tốt thông tin liên lạc, an ninh, an toàn, đời sống hậu cần cho các lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn.

Sau khi nghe ý kiến của các thành viên Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường yêu cầu huyện Nam Trà My nhanh chóng đưa lực lượng cơ động tại chỗ của địa phương vào trước và sớm nhất có thể.

Bắc Trà My tiếp tục hỗ trợ Quân khu 5 trong công tác khai thông đường; hỗ trợ lực lượng cơ động cho Nam Trà My, ưu tiên dân quân tự vệ thông thạo, am hiểu địa hình, thời tiết địa phương.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cũng đề nghị các lực lượng tiếp tục nghiên cứu phương án tiếp cận đường thủy.

Đề nghị Bộ Quốc phòng, Quân khu 5 hỗ trợ tối đa phương tiện cơ giới cho công tác tìm kiếm cứu nạn.

Ngoài ra, cần nhanh chóng hỗ trợ mai táng cho các trường hợp đã tìm được thi thể theo đúng phong tục địa phương.

Bằng mọi giá phải tìm kiếm cứu nạn người càng sớm càng tốt trong vòng 3 ngày tới khi thời tiết còn nắng ráo.

Sạt lở trên đường vào hiện trường sạt lở tại Nam Trà My.  - Ảnh: VGP

Những người bị nạn đang rất cần chúng ta

Chỉ đạo tại hiện trường, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận định tình hình rất phức tạp. Ông yêu cầu các lực lượng tập trung với phương châm “bốn tại chỗ”, đặc biệt nòng cốt là lực lượng vũ trang, huy động vật tư, thiết bị cần thiết để khai thông đường, đến sớm nhất nơi sạt lở đất để cứu đồng bào - những người bị nạn đang rất cần chúng ta.

“Phải tìm kiếm những người mất tích, cứu những người còn sống sót”, Phó Thủ tướng lưu ý nhiệm vụ này rất cấp bách, các lực lượng cần tập trung cao độ và đặc biệt đảm bảo an toàn cho lực lượng tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn.

Gọi điện báo cáo với Thủ tướng về tình hình tại đây, Phó Thủ tướng cho biết con đường đi vào hiện trường rất trắc trở, nhiều điểm sạt lở. Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, Tư lệnh Quân khu 5, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam đang tập trung chỉ đạo thông đường vào hiện trường.

Nhanh chóng khai thông đường, đến nơi sạt lở để cứu hộ. Những người bị nạn đang rất cần chúng ta.

Trung tướng Nguyễn Long Cáng - Tư lệnh Quân khu 5, trình bày phương án tiếp cận hiện trường vụ sạt lở. Ông cho biết lực lượng hành quân từ 1h sáng nhưng đến nay chỉ giải phóng được những điểm có cây gãy đổ.

Theo báo cáo của lực lượng tại hiện trường, tuyến đường này hiện có 5 điểm sạt lở, đã giải phóng được 3 điểm và còn 2 điểm chưa thông - đều là hai điểm sạt lở lớn.

Phương án của Quân khu 5 được Tư lệnh Nguyễn Long Cáng báo cáo trước hết là phối hợp với địa phương để thông đường, sau đó đi bộ vào khu bà con đang ở, vì ôtô không đi được. Ông khẳng định lực lượng quân đội trong quá trình tìm cứu cứu hộ, cứu nạn đều được huấn luyện đảm bảo an toàn.

“Quá trình di chuyển chúng tôi có sự hiệp đồng chặt chẽ. Chỗ nào nghi ngờ nguy hiểm là dừng kiểm tra xong mới di chuyển để đảm bảo an toàn cho lực lượng”, Tư lệnh Quân khu 5 nói.

Ông cho biết ở thôn 1, xã Trà Leng hiện chưa có lực lượng cứu hộ đến, chỉ có nguời địa phương.Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp cận nhanh nhất hiện trường. Trường hợp chưa đưa được máy móc vào tìm kiếm thì cử lực lượng quân đội, công binh vào trước, tìm kiếm thủ công. Cùng với đó, nghiên cứu phương án đưa máy bay trực thăng vào ứng cứu.

Ảnh VGP/Nhật Bắc

* Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gọi điện trao đổi với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về công tác cứu nạn.

Thủ tướng gửi lời động viên đến lực lượng cứu nạn, đề nghị tập trung tất cả khả năng để có thể tìm kiếm các nạn nhân mất tích.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ huy công tác tìm kiếm, cứu nạn. Ảnh VGP/Nhật Bắc

7h40 phút, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tới huyện Bắc Trà My, nơi đóng Sở chỉ huy tiền phương, sau đó đi tiếp lên Nam Trà My để chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn 53 người mất tích tại Quảng Nam. 6h30 ngày 29/10: Cùng lúc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường sẽ đi đánh giá thiệt hại do mưa bão và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả sau bão tại Bình Định và Quảng Ngãi.

Ngay sau cuộc họp khẩn với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về 2 vụ sạt lở nghiêm trọng tại Nam Trà My, đêm 28/10, lãnh đạo UBND tỉnh, Quân khu 5, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cũng tổ chức họp bàn phương án tìm kiếm, cứu nạn các nạn nhân mất tích.

Xe cơ giới xử lý các điểm sạt lở tìm lối vào hiện trường. Ảnh: Quảng Nam Online

Rạng sáng nay 29/10, các lực lượng của Quân khu 5, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, địa phương và các ngành liên quan đã tìm cách tiếp cận vị trí sạt lở.

Trung tướng Nguyễn Long Cáng - Tư lệnh Quân khu 5 trực tiếp chỉ huy lực lượng quân sự xử lý các điểm sạt lở trên đường và Trà Leng. Ảnh: Quảng Nam Online

Trung tướng Nguyễn Long Cáng - Tư lệnh Quân khu 5 đã khảo sát việc mở đường vào hiện trường 2 vụ sạt lở ở Nam Trà My.

Tư lệnh yêu cầu lực lượng công binh sử dụng cơ giới phải nhanh chóng mở đường sớm nhất có thể. Đồng thời phải làm sao vừa cứu người dân vừa đảm bảo an toàn cho lực lượng cứu hộ, cứu nạn.

Các lực lượng nỗ lực dọn dẹp cây cối thông tuyến lên Bắc Trà My. Ảnh: Báo Quảng Nam

Theo đó, thống nhất thành lập 3 sở chỉ huy gồm: sở chỉ huy chính đặt tại Bắc Trà My và 2 sở chỉ huy trực tiếp tại hiện trường ở xã Trà Leng và xã Trà Vân (Nam Trà My).

Vào 3h sáng nay 29/10, Trung đoàn 885 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh), Lữ đoàn Công binh 270 (Quân khu 5) chuẩn bị quân số, 1 máy đào, 1 máy xúc lật, máy phát điện nhỏ, cưa máy, cuốc, xẻng… cơ động lên hiện trường.

Đồng thời, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Nam Trà My trinh sát đường vào hiện trường sạt lở; lực lượng công binh sẽ tiến hành mở đường khẩn cấp. Trung đoàn 143 (Sư đoàn 315, Quân khu 5) cũng sẵn sàng trạng thái chiến đấu, cơ động khi cần thiết.

Lực lượng trinh sát cũng xác định địa hình, địa chất để sở chỉ huy đưa ra các phương án tìm kiếm hiệu quả, an toàn nhất. Công tác y tế được chuẩn bị chu đáo, có thể trưng dụng Trung tâm Y tế Nam Trà My để phục vụ khi cần thiết.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng quyết định thành lập Sở Chỉ huy tiền phương để triển khai cứu hộ nạn nhân vụ sạt lở đất ở Trà Leng-Trà Vân, Nam Trà My, ngay trong đêm 28/10. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

11h đêm 28/10:Tại cuộc họp với lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Quân khu 5 đêm 28/10 tại trụ sở Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đồng ý thành lập Sở Chỉ huy tiền phương để thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, do Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh chỉ đạo và một lãnh đạo Quân khu 5 là cấp phó.Thông tin về vụ sạt lở đất rất nghiêm trọng trên địa bàn huyện Nam Trà My, Phó Thủ tướng cho biết sự cố xảy ra tại hai thôn là thôn 1 xã Trà Leng và thôn 1 xã Trà Vân."Đây là sự cố hết sức nghiêm trọng, đã vùi lấp nhiều người," Phó Thủ tướng nói. Cụ thể, tại thôn 1 xã Trà Leng, sạt lở đất vùi lấp 45 người, 4 người thoát nạn. Còn tại thôn 1 xã Trà Vân, có 8 người bị vùi lấp.Theo Phó Thủ tướng, một số sự cố có thể lường trước được nhưng riêng sạt lở đất do mưa lũ kéo dài ở vùng núi rất khó đoán định. "Bão vào chủ động ứng phó được nhưng sạt lở đất rất khó khăn, không chỉ Quảng Nam mà các địa phương khác cũng vậy", Phó Thủ tướng chia sẻ.Đánh giá cao lãnh đạo tỉnh, các lực lượng, Bộ Quốc phòng và Quân khu 5 rất chủ động tập trung xây dựng phương án khẩn trương tìm kiếm, song Phó Thủ tướng cũng lưu ý việc tìm kiếm sẽ khó khăn do địa bàn xảy ra sự cố rất phức tạp, đi lại khó khăn. Hơn nữa, mưa lũ kéo dài cộng với cơn bão số 9 vừa rồi tác động rất mạnh, làm sạt lở đất tại nhiều khu vực."Đường đi vào để tìm kiếm cứu nạn rất khó, phải tập trung lực lượng, thiết bị, chỉ huy hậu cần với phương châm 4 tại chỗ để thực hiện nhiệm vụ này", Phó Thủ tướng chỉ đạo.Phó Thủ tướng lưu ý Quảng Nam cần đặc biệt tập trung ứng phó với mưa lũ và sạt lở đất, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, đột xuất của tỉnh, của các lực lượng trên địa bàn. Ông yêu cầu tiếp tục rà soát các vị trí nguy hiểm để sơ tán dân. "Khó nhưng cũng phải làm", Phó Thủ tướng quán triệt.Thủ tướng ra Công điện khẩnTối 28/10, do ảnh hưởng của bão số 9 gây mưa to, gió lớn, tại thôn 1 xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam đã xảy ra vụ sạt lở núi, vùi lấp nhiều nhà dân.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng họp khẩn trong đêm 28/10 với các lực lượng chức năng để triển khai các phương án cứu hộ cứu nạn người dân ở thôn 1, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Nhận được tin báo, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có Công điện khẩn gửi Uỷ ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Tư lệnh Quân khu 5, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu phối hợp với các lực lượng liên quan tập trung bằng mọi biện pháp cần thiết để khẩn trương cứu hộ, cứu nạn những người bị vùi lấp, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ.Lúc 22h30, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Công an, Quân khu 5 họp khẩn tại Trụ sở Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam để bàn biện pháp cứu hộ cứu nạn.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thảo luận phương án cứu hộ, cứu nạn các nạn nhân vụ sạt lở đất. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trước đó, tối cùng ngày, trực tiếp kiểm tra và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão số tại Quảng Nam, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu chính quyền các cấp tỉnh Quảng Nam cần phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm: Tìm kiếm bằng được những trường hợp hiện còn mất tích; giúp người dân sửa chữa, xây dựng lại nhà cửa, bảo đảm cung cấp lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân.Đặc biệt, có phương án để kịp thời ứng phó với mưa lũ, trước hết là rà soát, sơ tán dân khỏi những khu vực nguy hiểm (ngập sâu, có nguy cơ sạt lở); bảo đảm vận hành an toàn hồ đập, không để xảy ra tác động tiêu cực; tập trung lực lượng với phương châm 4 tại chỗ để ứng phó với mọi tình huống.

Cũng tại Nam Trà My, lúc 13h30' cùng ngày 28/10, một ngọn núi bất ngờ sạt lở khiến hàng nghìn khối đất đá tràn xuống trung tâm Tăk Pỏ, xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, khiến nhiều ngôi nhà cùng tài sản của người dân bị vùi lấp. Có 4 người bị vùi lấp nhưng đã thoát ra được. Sau khi vụ sạt lở xảy ra, chính quyền huyện Nam Trà My đã sơ tán khoảng 100 hộ dân bị ảnh hưởng đến nơi an toàn.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, do ảnh hưởng của bão số 9, từ 9h ngày 28/10, địa bàn tỉnh Quảng Nam đã có gió mạnh từ cấp 8-10. Tổng lượng mưa bình quân từ 150-300 mm. Mưa lớn khiến mực nước một số trạm thủy văn trên địa bàn tỉnh liên tục dâng cao: Trên sông thu Bồn ở thành phố Hội An là 0,96 m, cao hơn báo động 1 là 0,04 m; trên sông Tam Kỳ ở thành phố Tam Kỳ là 0,82 m, cao hơn báo động 1 là 0,82 m; trên sông Vu Gia ở huyện Đại Lộc là 6,54 m, cao hơn báo động 1 là 0,04 m./.

chinhphu.vn

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Tổng thống Bulgaria kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Việt Nam

DNTH: Tối 27/11, Tổng thống Bulgaria Rumen Radev rời TP Hồ Chí Minh, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường.

Sắp xếp lại tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ phải gắn với nhiệm vụ tăng tốc bứt phá

DNTH: Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ yêu cầu: Bộ máy mới phải tốt hơn bộ máy cũ và đi vào hoạt động ngay, không để ngắt quãng công việc, không được khoảng trống thời gian; không để bỏ trống địa bàn, lĩnh vực; không để ảnh...

Một số tồn tại, vi phạm trong tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp tại Bộ Giao thông vận tải

DNTH: Thanh tra Chính phủ vừa có thông báo kết luận thanh tra việc tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh...

Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân lên đường thăm chính thức Malaysia

DNTH: Nhận lời mời của Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim và Phu nhân, sáng 21/11, Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân Ngô Phương Ly cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Thủ đô Hà Nội, lên đường thăm chính thức Malaysia từ ngày 21 đến...

Việt Nam tham gia sáng lập Liên minh toàn cầu chống đói nghèo

DNTH: Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G20, Việt Nam đã tham gia sáng lập Liên minh toàn cầu chống đói nghèo và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề xuất ba bảo đảm chiến lược cho công cuộc xóa bỏ đói nghèo trên toàn cầu.

Tri ân các thế hệ nhà giáo, Học viện Báo chí và Tuyên truyền khẳng định vị thế trong đào tạo báo chí

DNTH: Ngày 18/11, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024).

XEM THÊM TIN