Ác mộng ở Bà Rịa - Vũng Tàu: Bài 2 - Lồng bè tăng 40 lần, gậy ông đập lưng ông

10:31 | 26/07/2019

DNTH: Ngoài tình trạng nguồn nước ô nhiễm do bị xả thải, chính việc phát triển ồ ạt các lồng bè nuôi cá tự phát, vượt xa quy hoạch đã dẫn đến thảm cảnh “gậy ông đập lưng ông!”.

11.361 lồng bè ken đặc trên sông

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, năm 2007, nghề NTTS lồng bè trên sông Chà Và (xã Long Sơn, TP Vũng Tàu) được hình thành, lúc đầu chỉ có khoảng 10 hộ nuôi. Tuy nhiên, đến nay toàn tỉnh đã phát triển lên đến 400 cơ sở lồng bè, với 11.361 lồng nuôi, tăng khoảng 40 lần so với cách nay 10 năm và được phân bổ ở 3 khu vực, gồm sông Chà Và, sông Dinh và sông Mỏ Nhát.

13-49-51_2

Làng bè trên sông Chà Và ken dày đặc khiến môi trường nước ngày một đi xuống.

Đại diện Sở NN-PTNT nhận định, ngoài nguyên nhân xả thải từ các nhà máy chế biến hải sản, mật độ nuôi dày đặc thì rác thải sinh hoạt hàng ngày phát sinh trên các lồng bè cũng là một trong những nguyên nhân làm ô nhiễm môi trường nước. Vì vậy, hiện tỷ lệ NTTS thành công trên sông Chà Và đã giảm tới… 60% so với mấy năm trước!

Ghi nhận ý kiến của những hộ dân NTTS quy mô lớn trên sông Chà Và cho thấy, mật độ nuôi cá trong lồng dày và khoảng cách giữa các bè quá gần nhau cũng là nguyên nhân hạn chế sự phát triển của thủy sản. Một số hộ nuôi cá ở tiểu khu 9 sông Chà Và thừa nhận, có đợt, các bè nuôi từ sông Dinh kéo về khu này để né nguồn nước ô nhiễm đổ ra từ cống số 6 (xã Tân Hải, TX Phú Mỹ) khiến bè tụ quá dày.

Do thấy cá có hiện tượng yếu, bơi lừ đừ nổi trên mặt nước, bà con phải vội thu hoạch bớt và bán tháo dẫn đến thua lỗ. Thậm chí trước kia, khi thấy nghề nuôi có lãi nên một số người đã tự đóng bè thả xuống sông nuôi cá mà không xin phép cơ quan chức năng. Tuy nhiên, do kỹ thuật nuôi không đảm bảo nên tình trạng ô nhiễm càng thêm nghiêm trọng.

Trước thực trạng nghề nuôi thủy sản lồng bè đang “tăng nóng” và kéo theo những hệ lụy khó lường, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã chỉ đạo cho ngành chức năng tỉnh xây dựng quy hoạch khu nuôi lồng bè và nhuyễn thể hai mảnh vỏ trên toàn địa bàn tỉnh đến năm 2020. Ngoài khu nuôi trên sông Chà Và, đến nay tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã bổ sung thêm diện tích nuôi trên sông Dinh và sông Mỏ Nhát để đáp ứng nhu cầu nuôi ngày càng tăng của người dân.

Cụ thể, tổng 3 khu vực quy hoạch NTTS lồng bè có 125ha diện tích mặt nước (so với trước đây chỉ quy hoạch hơn 75ha), với tỷ lệ diện tích lồng đặt so với diện tích mặt nước của các tiểu khu khoảng 31,3%. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có 259 cơ sở với 7.760 lồng nuôi đã được sắp xếp theo quy hoạch, còn lại 141 cơ sở với 3.601 lồng nuôi hiện vẫn nằm ngoài vùng quy hoạch và chủ yếu tập trung trên sông Chà Và.

Theo chỉ đạo điều chỉnh quy hoạch của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, từ nay đến cuối năm 2019, các cơ sở NTTS lồng bè trong khu quy hoạch trên sông phải cắt giảm 50% mật độ lồng nuôi, sắp xếp bè nuôi trật tự, khoảng cách phù hợp, bảo đảm an toàn về luồng lạch và mỹ quan khu vực.

Theo tính toán của cơ quan chức năng, nhiều khu NTTS trên sông Chà Và đã vượt quy hoạch. Hơn nữa, do số lượng lồng bè dày đặc như hiện nay đã làm cản trở dòng chảy, khiến môi trường nước bị ô nhiễm cục bộ. Đây cũng là khu vực nuôi trồng thủy sản thường xuyên xảy ra các sự cố liên quan đến cá chết hàng loạt trong những năm vừa qua.  

Thay đổi cách nuôi, bảo vệ môi trường

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, UBND tỉnh đang chỉ đạo đẩy mạnh quy hoạch sắp xếp lại lồng bè nuôi nhằm hướng đến mục tiêu phát triển nghề NTTS lồng bè theo hướng bảo vệ môi trường bền vững và ưu tiên ứng dụng công nghệ cao.

Ông Lê Tòng Văn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: “Tỉnh hiện có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn, chủ yếu ở các khu vực cửa sông, cửa biển, gần bờ. Nếu giữ hình thức NTTS như hiện nay sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi yếu tố con người và gây ô nhiễm môi trường. Do vậy, việc khuyến khích phát triển nghề NTTS lồng bè ứng dụng công nghệ cao là cần thiết để quyết liệt bảo vệ môi trường”.

Hiện tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang cho nhân rộng mô hình nuôi cá trên sông Chà Và áp dụng công nghệ nuôi cá lồng bè bằng lưới nhuộm chống bám bẩn (công nghệ Na Uy).

13-49-51_3

Mô hình thí điểm nuôi cá lồng bè ứng dụng công nghệ cao trên sông Chà Và.

Ông Phan Hoàng Sơn, nuôi cá biển lồng bè ở tiểu khu 4, sông Chà Và cho biết: “Gia đình tôi áp dụng công nghệ này từ tháng 6/2018. Kinh nghiệm thực tế tôi thấy, lưới dùng để nuôi cá lồng bè bình thường sẽ rất nhanh bám cặn bã, thức ăn thừa của cá, chất phù du, rong rêu có trong nước, nên người nuôi phải thường xuyên giặt, rửa lưới, vừa tốn thời gian vừa tốn chi phí. Còn nay áp dụng công nghệ mới, không chỉ vừa cắt giảm được chi phí mà công nghệ này còn giúp môi trường vùng nuôi được bảo đảm, cá lớn nhanh hơn, hiệu quả kinh tế cao hơn”.

Anh Nguyễn Duy Hải, chủ nuôi cá lồng bè trên sông Chà Và, xã Long Sơn cũng chia sẻ: “Lồng bè công nghệ Na Uy có dạng tròn hoặc vuông, làm từ nhựa chịu lực HDPE. Do chu vi lồng lớn (rộng 100m, độ sâu từ 4-6m) nên cá nuôi trong lồng tròn được trao đổi oxy nhiều hơn và lại được vận động thoải mái nên cá ăn khỏe, nhanh lớn hơn”.

Theo anh Hải, vật liệu này cho phép nuôi ở những vùng biển xa bờ, nơi môi trường nước trong sạch, giúp hạn chế nguy cơ ô nhiễm và dịch bệnh; kiểm soát được chất lượng an toàn thực phẩm. Đặc biệt, lồng nuôi bằng công nghệ nhựa chịu lực HDPE giúp mang lại hiệu quả cao hơn khoảng 20% so với cách nuôi trong lồng truyền thống; đồng thời có khả năng chịu được sóng to, gió lớn, bão cấp 12. 

Trao đổi với NNVN, ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, tỉnh đang phối hợp với Phân viện Nghiên cứu Hải sản phía Nam triển khai thí điểm một số mô hình nuôi cá lồng bè ứng dụng công nghệ cao trên sông Chà Và. Do vậy, thời gian gần đây Sở đã tổ chức nhiều chương trình chuyển giao và hướng dẫn bà con ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ NTTS lồng bè mới để nâng cao hiệu quả gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.

Ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: “Tỉnh đang điều chỉnh quy hoạch nghề NTTS và xây dựng chiến lược phát triển ngành nuôi thủy sản nói chung, trong đó ưu tiên nghề nuôi biển. Do đó, tỉnh đẩy mạnh triển khai các mô hình nuôi biển ứng dụng công nghệ cao, nhằm giảm áp lực khai thác biển và chuyển dần sang nghề nuôi trồng thủy sản biển bền vững”.

Theo MINH SÁNG/Báo Nông Nghiệp

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Nghề "hot" giúp nhiều lao động ở Đắk Lắk kiếm tiền triệu mỗi ngày

DNTH: Hái cà phê khoán đang trở thành nghề "hot", thu hút nhiều lao động trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, giúp nhiều người kiếm gần 1 triệu đồng mỗi ngày.

Không chủ quan trong phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi

DNTH: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên vừa ban hành văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, chính quyền cơ sở chủ động, hướng dẫn các hộ chăn nuôi chủ động phòng...

Cà phê sốt giá trên toàn cầu, nông dân Việt Nam thu lãi đậm, nhưng đâu mới là mức giá bền vững?

DNTH: Giá cà phê thế giới đã tăng vọt lên mức cao nhất trong gần 50 năm qua. Với tư cách nhà sản xuất robusta hàng đầu thế giới, Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong cuộc biến động này.

Chung tay đẩy lùi dịch tả lợn châu Phi

DNTH: Kể từ khi bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện từ tháng 2/2019 đến nay, ngành chăn nuôi lợn của Việt Nam đã mất trên 6 triệu con lợn do bị mắc bệnh và buộc phải tiêu hủy. Từ đầu năm 2024 đến ngày 25/11, cả nước đã xảy...

Mùa cá ở đầu nguồn châu thổ sông Cửu Long

DNTH: Theo quy luật tự nhiên, hàng năm, cứ tháng 7 âm lịch, nước từ thượng nguồn sông Mekong tràn về Đồng bằng sông Cửu Long mang theo biết bao tôm cá, tràn vào đồng ruộng để sinh sôi, nảy nở,… Đến tháng 9, nước bắt đầu rút, cũng...

Gia Lai quan tâm đầu tư xây dựng chợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số

DNTH: Nhờ có chợ, người dân dễ dàng tiếp cận các sản phẩm nông sản, hàng hóa thiết yếu, từ đó thúc đẩy lưu thông hàng hóa và gia tăng thu nhập cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại tỉnh Gia Lai.

XEM THÊM TIN