UBND huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã chỉ đạo chọn 50 hộ đại diện cho những người sản xuất, kinh doanh hành, tỏi xin đăng ký nhãn hiệu tập thể hành, tỏi Lý Sơn và ngày 10/12/2007, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã có quyết định chứng nhận nhãn hiệu hành, tỏi Lý Sơn.
Thật - giả khó phân biệt
Theo tìm hiểu của phóng viên, trên đảo Lý Sơn hiện có hàng trăm địa điểm bán tỏi Lý Sơn nhưng khi hỏi mua, mỗi chủ hàng lại nói một giá và chênh nhau khá nhiều.
Cửa hàng thì ra giá tỏi khô 150.000 đồng/kg, cửa hàng khác lại báo giá 100.000 đồng/kg, thậm chí có hàng bảo chỉ 80.000 đồng/kg…, song tất cả đều khẳng định đây là tỏi Lý Sơn chính hiệu?
Khi chúng tôi thắc mắc: “Tại sao cũng tỏi Lý Sơn nhưng lại có giá chênh nhiều như vậy?”, người bán không giải thích mà chỉ nói: “Khách mua được bên nào thì mua”.
Theo ông Nguyễn Văn Định, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh và Chế biến hành, tỏi Lý Sơn, sở dĩ có sự chênh lệch giá bán là do bị nhái thương hiệu bởi các loại tỏi trồng ở nơi khác như tỏi Ninh Hiển (Khánh Hòa) cũng tràn về đây và bày bán như tỏi Lý Sơn. Về hình thức, tỏi Ninh Hiển và Lý Sơn cơ bản giống nhau, rất khó phân biệt.
Tỏi giả thương hiệu Lý Sơn hiện nay được bán công khai tràn lan trên thị trường. Không chỉ ở đất liền, ngay tại đảo Lý Sơn cũng có tình trạng thật giả lẫn lộn, từ tỏi trắng bình thường cho đến tỏi đen (loại tỏi đã qua chế biến) cũng bị trà trộn.
Điều đáng nói là, ngay cả nhiều người dân Lý Sơn cũng chưa chắc nhận ra được đâu thật- đâu giả huống chi du khách. Giá tỏi Lý Sơn khô hiện được bán dao động trong khoảng 100.000-150.000 đồng/kg (giá bán tại Lý Sơn), trong khi tỏi Ninh Hiển chỉ 50.000-60.000 đồng/kg. Bởi vậy mới có tình trạng giả thương hiệu tỏi Lý Sơn.
Bên cạnh đó, người trồng tỏi trên đảo Lý Sơn sau khi thu hoạch thì phần lớn đều đưa ra thị trường tiêu thụ theo kiểu truyền thống là: không bao bì, không nhãn mác, không tem chống giả.
Hầu hết các đại lý kinh doanh tỏi Lý Sơn trên đảo đều làm bao bì hết sức hời hợt. Tỏi được đựng trong bao lưới, nhãn hiệu được in sơ sài mà ai cũng có thể làm được.
Ông Nguyễn Ngọc Thủy, chủ cơ sở kinh doanh Tỏi Ngọc (huyện Lý Sơn), chia sẻ, ông mở đại lý lớn đầu tiên ở Lý Sơn rồi tự làm thương hiệu cho mình, cho cá nhân để tự bảo vệ chứ chưa có tem chống giả cho tỏi. Ông Thủy mong muốn sớm có một thương hiệu riêng tỏi Lý Sơn.
Bà Phạm Thị Hương, Phó chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn, cho biết, mỗi năm, tỏi Lý Sơn chỉ sản xuất được một vụ, sản lượng đạt trên 2.000 tấn, nên không có chuyện quá nhiều như ngoài thị trường hiện nay. Vào thời điểm này, tỏi Lý Sơn tươi có giá 45-50 ngàn đồng/kg; còn tỏi khô có giá 100-150 ngàn đồng/kg.
“Từ cuối tháng 2, đầu tháng 3 dương lịch năm nay là thời điểm vào mùa thu hoạch tỏi trên đảo Lý Sơn. Một số tiểu thương đã lén lút vận chuyển tỏi ở nơi khác về đảo để bán dưới nhãn mác tỏi Lý Sơn kiếm lời. Người dân trồng tỏi phản ánh về việc một số tiểu thương cho tỏi vào thùng xốp đóng kín rồi trà trộn cùng các thùng trái cây, thực phẩm tươi sống vận chuyển ra đảo để bán. Lực lượng chức năng và người dân đảo Lý Sơn đã phát hiện một số trường hợp vận chuyển tỏi có xuất xứ từ tỉnh Khánh Hòa về đảo”, bà Hương xác nhận.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố Quảng Ngãi, các cơ sở mua bán tỏi nấp dưới mác “Đặc sản tỏi Lý Sơn” mọc ra như nấm. Tuy nhiên, ngành Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, việc tỏi Lý Sơn hay tỏi nơi khác thì chưa xác định được. Cũng không có cơ sở xác định, truy xuất nguồn gốc, bởi các cơ sở này mua của nông dân, mà nông dân thì lấy đâu ra hóa đơn đỏ bán hàng?
Giải pháp bảo vệ thương hiệu?
Theo ông Định, vì rất khó phân biệt tỏi Lý Sơn với tỏi nhái thương hiệu nên để tránh mua phải tỏi kém chất lượng, người tiêu dùng nên đến các siêu thị hoặc những điểm bán lẻ tỏi Lý Sơn có uy tín hoặc có tem chống hàng giả của Hiệp hội hành, tỏi để mua, như thế có thể yên tâm hơn.
Cùng chung quan điểm, bà Hương cũng cho rằng, để giảm tình trạng nhái thương hiệu tỏi Lý Sơn, UBND huyện Lý Sơn đã chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các chuyến tàu vận chuyển hàng hóa và cơ sở kinh doanh tỏi trên địa bàn. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho chủ tàu thuyền và các tiểu thương chấp hành không được chở tỏi nơi khác ra đảo (Vì việc này, rất ảnh hưởng đến thương hiệu tỏi Lý Sơn). Tuy nhiên, biện pháp trên chỉ áp dụng ở Lý Sơn, còn ở đất liền thì chúng tôi không dám chắc bởi ngoài tầm quản lý của huyện.
Cũng theo bà Hương, địa phương không có quyền cấm vận chuyển hàng hóa nông sản, nhưng những tàu thuyền không đăng ký chở hàng hóa, mà chở tỏi từ đất liền ra đảo thì chúng tôi sẽ xử lý nghiêm tàu thuyền đó. Bởi vậy, tình trạng tỏi nơi khác tràn về Lý Sơn đã giảm đi.
Bà Hương cho biết thêm, chính quyền địa phương cũng đang khẩn trương phối hợp với Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Ngãi tiến hành các biện pháp truy xuất nguồn gốc tỏi, bảo vệ thương hiệu tỏi đặc sản trước sự đổ bộ ồ ạt của các loại tỏi khác từ đất liền lên đảo như hiện nay. Dự kiến đến cuối năm 2018, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ thẩm định để hoàn thiện chỉ dẫn địa lý tỏi Lý Sơn.
Thiết nghĩ, thay vì tập trung lo phần ngọn là ngăn chặn tỏi khác vận chuyển ra đảo để chống nạn trà trộn, giả thương hiệu, nên chăng chính quyền huyện Lý Sơn phải làm từ gốc, đó là xây dựng chỉ dẫn địa lý, in bao bì, nhãn mác, tem chống giả. Có như vậy, thương hiệu tỏi Lý Sơn mới được bảo vệ một cách vững chắc.
Đã hơn 9 năm kể từ khi tỏi Lý Sơn được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận thương hiệu nhãn hiệu tập thể và được bảo hộ nhưng chuyện bảo hộ cho tỏi Lý Sơn vẫn khá chậm chạp. Đến nay, tỏi Lý Sơn vẫn chưa in được nhãn hiệu, logo, tem chống giả chung dù câu chuyện này đã được chính quyền địa phương cùng Hiệp hội Kinh doanh và Chế biến hành tỏi Lý Sơn đặt ra từ lâu. Hiện nay, chỉ một vài cơ sở sản xuất kinh doanh trên đảo tự in bao bì, nhãn mác cho tỏi Lý Sơn nhưng rất nhỏ lẻ. Thậm chí, việc xây dựng chỉ dẫn địa lý cho tỏi Lý Sơn để làm căn cứ truy xuất nguồn gốc thì vẫn còn đang trong giai đoạn xúc tiến thực hiện? |
Ý kiến bạn đọc...