‘Biếu không’ 1,8 ha đất vàng cho tư nhân

11:26 | 14/06/2020

DNTH: Lô đất C3, B9 Nam Trung Yên, Cầu Giấy, Hà Nội có diện tích 1,8ha vốn là đất công cộng, được dùng để xây dựng các công trình công ích cho Thành phố. Nhưng, 2 lô đất này đã được Tổng công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội “biếu không” cho Thùy Dương.

“Giao trứng cho ác”

Hai ô đất C3, B9 được TP.Hà Nội thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng kỹ thuật bằng nguồn vốn ODA và vốn ngân sách. Handico là doanh nghiệp 100% vốn thuộc sở hữu của TP.Hà Nội, được TP.Hà Nội chỉ định giao đất để xây dựng công trình công cộng như bãi đỗ xe, phòng khám y tế, trung tâm thương mại, chợ, siêu thị.

Điều này có nghĩa là Handico được tham gia quản lý sử dụng đất và thụ hưởng hạ tầng (quyền tài sản) với 100% quyền tham gia góp vốn ban đầu vào dự án.

Từ chủ trương của TP.Hà Nội cho phép huy động vốn theo hình thức xã hội hóa, năm 2007, Handico đã xin thành lập liên danh để cùng với công ty Cổ phần Đầu tư Thùy Dương thực hiện dự án (liên danh Handico – Thùy Dương).

Phải đến năm 2011, TP.Hà Nội mới có quyết định giao 1,8 ha đất cho liên danh Handico – Thùy Dương thuê 50 năm để thực hiện dự án.

Nhưng, trước đó 3 năm (2008) Handico đã tự ý ký văn bản ủy quyền cho công ty Thùy Dương thực hiện toàn bộ công việc chuẩn bị đầu tư mà chưa được sự chấp thuận của TP.Hà Nội.

Lợi dụng văn bản ủy quyền của Handico và quyết định giao đất của UBND TP.Hà Nội, Nguyễn Văn Luân – Tổng giám đốc Công ty Thùy Dương đã ký hợp đồng hợp tác với Công ty Cổ phần đầu tư tài chính công đoàn dầu khí VN (PVFI) chuyển nhượng 40% quyền góp vốn vào dự án, thu về số tiền 128 tỉ đồng (tương đương với giá bán 35 triệu đồng/m2). Số tiền này được Thùy Dương mang đi trả lãi ngân hàng, thanh toán các chi phí phát sinh, không đầu tư vào dự án.

Khu đất B9, Nam Trung Yên, Cầu Giấy, Hà Nội hiện là bãi đất hoang.

Vào thời điểm tháng 5/2015, Công an TP.Hà Nội đã có thông báo và cảnh báo chính thức về những sai phạm của Công ty Thùy Dương cho ông Trương Hải Long – Tổng giám đốc của Handico. Khi sự việc xảy ra, Công an TP.Hà Nội đã tiến hành điều tra, xác minh, Công ty Thùy Dương không chỉ bán 40% quyền góp vốn cho công ty PVFI mà còn lừa bán một số lô biệt thự tự vẽ trên giấy thu tiếp số tiền hơn 20 tỉ đồng của một số cá nhân.

Nhưng sau đó, ông Long vẫn cố tình chỉ đạo cấp dưới ký các văn bản đề nghị TP.Hà Nội cho Handico rút khỏi liên danh và chuyển quyền tham gia góp vốn vào dự án cho Công ty Thùy Dương với giá trị 0 đồng.

Trước hành vi vi phạm pháp luật của ông Nguyễn Văn Luân, ngày 29/10/2015, Cơ quan cảnh sát điều tra công an TP.Hà Nội ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Luân về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

“Hô biến” vốn nhà nước?

Như đã nói ở trên, khi được thành phố giao dự án, Handico có 100% quyền tham gia góp vốn ban đầu. Tuy nhiên, sau khi thành lập liên danh, Handico đã không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, không thực hiện bất cứ việc gì để chuẩn bị đầu tư mà phó mặc cho thành viên liên danh thực hiện.

Chính vì vậy, khi rút khỏi liên danh, quyền tham gia góp vốn của Handico đã bị giảm xuống chỉ còn 29%.

Bất ngờ hơn, năm 2014, sau khi xin được chủ trương điều chỉnh mục đích sử dụng đất, bổ sung nhiều hạng mục nhà ở, thương mại dịch vụ có lợi cho hoạt động kinh doanh, Handico lại tiếp tục có văn bản gửi UBND TP.Hà Nội xin rút khỏi liên danh với lý do tập trung cho các hạng mục đầu tư khác để nhượng quyền đầu tư dự án này cho Thùy Dương.

Mặc dù, TP.Hà Nội đã có văn bản trả lời đồng ý cho Handico rút ra khỏi liên danh và chuyển quyền tham gia góp vốn. Nhưng, yêu cầu Handico phải làm thủ tục định giá và đấu giá 29% quyền tham gia góp vốn này theo đúng quy định của pháp luật.  Nhưng, Handico đã “phớt lờ” yêu cầu này của UBND TP.Hà Nội.

Thêm vào đó, các đơn vị tham mưu đã có tờ trình đề nghị TP.Hà Nội cho Handico rút khỏi liên danh để công ty Thùy Dương làm chủ đầu tư dự án mà không yêu cầu Handico phải thực hiện đấu giá 29% quyền tham gia góp vốn vào dự án. Lý do là Handico chưa đóng góp 1 đồng nào vào dự án. Việc làm này đã gây thất thoát tài sản của Nhà nước.

Trong khi dự án này có giá trị và lợi thế thương mại rất lớn do được Nhà nước giao đất sạch, không phải giải phóng mặt bằng và hạ tầng xung quanh dự án đã được Nhà nước đầu tư hết.

Đồng ý với đề xuất của đơn vị tham mưu, ngày 7/8/2015, UBND TP.Hà Nội đã ký văn bản chấp thuận cho Handico rút ra khỏi liên danh. Đồng thời, cũng trong ngày hôm đó, UBND TP.Hà Nội đã ký 3 quyết định giao Công ty Thùy Dương làm chủ đầu tư các dự án này.

Việc Handico không định giá quyền tham gia góp vốn 29% tổng mức đầu tư dự án tại khu đất vàng mà “biếu không” cho Công ty Thùy Dương đang đặt ra câu hỏi, liệu có hay không việc doanh nghiệp và cơ quan chức năng “bắt tay” để hô biến 29% vốn Nhà nước tại dự án này.

Đây cũng là lý do trong báo cáo Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, TP.Hà Nội đã đề nghị thu hồi và phục hồi điều tra để xác định vi phạm, xử lý các đối tượng vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Theo TNMT

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Hàng trăm hộ dân đề nghị nhận tiền bồi thường, bàn giao mặt bằng trước thời hạn để làm sân bay Long Thành

Theo UBND huyện Long Thành (Đồng Nai), có 368 hộ dân có đơn đề nghị nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng trước thời hạn.

Không có "vùng cấm" cho tổ chức, cá nhân phân lô bán nền trái phép

Bộ Xây dựng vừa có công văn số 4221/BXD-TTr trả lời cử tri về việc kiểm tra, giám sát việc xây dựng trái phép, phân lô bán nền tràn lan tại nhiều địa phương.

TPHCM điều chỉnh hệ số giá đất, quy hoạch 7 dự án tái định cư

UBND TP. HCM vừa phê duyệt điều chỉnh, bổ sung mục tiêu sử dụng đối với 7 dự án tái định cư phục vụ các dự án khu công nghệ cao và các dự án chỉnh trang đô thị, công ích sử dụng vốn ngân sách hoặc có nguồn gốc từ ngân sách.

TP. HCM công bố nhiều vi phạm về đất đai, xây dựng ở quận Thủ Đức và huyện Củ Chi

Thanh tra TP. HCM vừa công bố kết luận thanh tra toàn diện công tác quản lý đất đai và trật tự xây dựng trên địa bàn quận Thủ Đức và huyện Củ Chi giai đoạn 2016 - 2019, trong đó chỉ ra nhiều vi phạm cần khắc phục, chấn chỉnh.

Hà Nội: Điểm mặt doanh nghiệp chây ỳ trả đất công

UBND TP Hà Nội cho biết sẽ tăng cường thanh tra, rà soát việc quản lý, sử dụng cơ sở nhà, đất công trên địa bàn TP của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuê đất nhà nước.

Ôm mộng chuyển đổi, nhà đầu tư 'săn' đất nông nghiệp hồ Tây

Giá đất nông nghiệp, đất xen kẹt, đất vườn tại quận Tây Hồ, Hà Nội đang được chào bán với mức giá cao ngất từ 40-60 triệu đồng/m2. Người mua đất có niềm tin đó là các thửa đất này đều có thể chuyển đổi sang đất ở....

XEM THÊM TIN