Cần hướng đi mới cho vùng nhãn Hưng Yên

23:15 | 20/02/2025

DNTH: Hưng Yên được coi là xứ nhãn, quê nhãn, nhưng hiện nay vựa nhãn này đang rất khó tăng cao giá trị và sản lượng, cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ.

Rất nhiều thuận lợi

Hưng Yên là tỉnh có rất nhiều lợi thế cho sản xuất nhãn theo hướng hàng hoá giá trị cao, như được cả nước biết đến, mệnh danh là đất nhãn, xứ nhãn, quê nhãn; có bề dày trồng nhãn hơn 300 năm; lưu giữ được nhiều dòng, giống nhãn đặc sản quý hiếm; nhiều nhà nông giàu kinh nghiệm thâm canh, chọn lọc nhãn giống; có nhiều làng nghề chế biến nhãn quả sau thu hoạch và chiết, ghép nhân giống cây ăn quả, bao gồm sản xuất cây nhãn giống; luôn được các cấp chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ thúc đẩy sản xuất nhãn nói riêng. Nhờ vậy vào thời kỳ cao điểm (những năm 2005 - 2015), diện tích nhãn của tỉnh này đã đạt 5.500ha, lớn nhất miền Bắc lúc bấy giờ, giúp xoá đói, giảm nghèo và làm giàu cho hàng nghìn nông hộ.

PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả) và cộng sự thăm, khích lệ mô hình xử lý cho thu hoạch rải vụ nhãn của ông Hoàng Quang Tuấn ở Khoái Châu, Hưng Yên. Ảnh: Hải Tiến.

PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả) và cộng sự thăm, khích lệ mô hình xử lý cho thu hoạch rải vụ nhãn của ông Hoàng Quang Tuấn ở Khoái Châu, Hưng Yên. Ảnh: Hải Tiến.

Bên cạnh những lợi thế nêu trên, Hưng Yên cũng là vùng quê địa linh nhân kiệt, có nhiều di tích lịch sử văn hoá, cách mạng, nhiều điểm du lịch tâm linh (chùa Chuông, đền Mẫu, Văn Miếu Xích Đằng...), nhiều khu đô thị đẹp nổi tiếng châu Á (EcoPark, Vinhomes Ocean Park 1; 2; 3...). Hưng Yên còn có mạng lưới giao thông đồng bộ, hiện đại hàng đầu cả nước, cho phép kết nối giao thương thuận lợi với mọi miền đất nước. Đây là những tiền đề vững chắc cho phát triển sản xuất nhãn gắn với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh theo hướng tích hợp đa giá trị.

Không ít khó khăn

Từ năm 2016 đến nay, diện tích nhãn của Hưng Yên có xu hướng giảm dần, hiện toàn tỉnh còn khoảng 4.900ha nhãn các loại, bao gồm cả những cây nhãn ven đường chủ yếu để lấy bóng mát. Nguyên nhân của sự giảm này có yếu tố nhãn Hưng Yên phải cạnh tranh quyết liệt với nhãn sản xuất tại các địa phương miền núi phía Bắc và các tỉnh Tây Nguyên. Trong đó, riêng tỉnh Sơn La đã có tới gần 20.000ha nhãn các loại, chất lượng quả cũng ngon không thua kém nhãn Hưng Yên, bởi nguồn giống, quy trình thâm canh, cách chế biến long nhãn đều được chuyển giao từ Hưng Yên.

Nhãn trồng ở Sơn La cũng có nhiều lợi thế, cây ra hoa, đậu quả vào mùa khô lạnh, không có mưa phùn nên ít bị nấm bệnh hại hoa và quả non, giúp giảm phun thuốc BVTV, giảm chi phí đầu tư, hạ giá thành sản phẩm. Đất đai Sơn La còn khá rộng, nguồn lao động dồi dào, giá thuê nhân công rẻ, chênh lệch nhiệt độ ngày/đêm lớn nên canh tác nhãn ở đây thường cho năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất cao vượt trội Hưng Yên.

Năm 2025 này, khoảng 80% diện tích nhãn Hưng Yên có hoa. Ảnh: Hải Tiến.

Năm 2025 này, khoảng 80% diện tích nhãn Hưng Yên có hoa. Ảnh: Hải Tiến.

Ngoài ra, những năm gần đây, cây nhãn Hưng Yên đã bén chân đồng đất các tỉnh Gia Lai, Đăk Nông (Tây Nguyên), cho năng suất, chất lượng rất tốt nên quả nhãn Hưng Yên cũng mất dần thị phần ở khu vực này. Cạnh đó, vào những năm Hưng Yên mất mùa nhãn diện rộng, còn phải chịu thêm áp lực nhãn quả nhập khẩu từ Thái Lan, tuy chỉ dùng cho chế biến nhưng cũng làm cho địa phương này khó đẩy được giá nhãn lên cao.

Kèm theo sản xuất nhỏ lẻ, canh tác manh mún và tư duy tiểu nông "ăn chắc mặc bền" còn ăn sâu trong nếp nghĩ của nhiều nông hộ dẫn đến đa số người dân không muốn cho thuê hoặc nhượng lại quyền sử dụng đất 03 để các hộ khác có diện tích đủ lớn cho thâm canh tăng năng suất nhãn. Ví dụ, giống Hương Chi trồng ở khu vực thành phố Hưng Yên có ưu điểm ngon, vỏ mỏng, hương thơm, cùi dày, nhưng phải cắt tỉa không tiếc mới có được chất lượng như vậy. Do đây là giống nhãn ra hoa nhiều đợt trên cùng cành cây, cùng mùa vụ, do tâm lý ăn chắc, người làm vườn không cắt tỉa hoặc cắt tỉa không triệt để nhằm thất thu quả của lứa hoa này vẫn còn cho quả của lứa hoa sau. Điều này dẫn đến khi thu hoạch quả nhãn không đồng đều, cùng một chùm nhãn có 2 - 3 loại quả, khác nhau về độ chín, khối lượng và chất lượng, làm giảm giá trị hàng hoá, giảm thu nhập.

Biến đổi khí hậu như mưa kéo dài, độ ẩm không khí cao làm phát sinh nhiều nấm bệnh, ảnh hưởng xấu tới khả năng đậu quả trên cây nhãn, khiến cây nhãn ra hoa, đậu quả gặp bất lợi.

Mùa nhãn Hưng Yên ra hoa.

Mùa nhãn Hưng Yên ra hoa.

Mặt khác, lực lượng lao động nông nghiệp trẻ, khoẻ của Hưng Yên đang được hút vào các khu công nghiệp trên địa bàn. Đất canh tác đang bị thu hẹp do nhường cho phát triển công nghiệp, đô thị và các công trình giao thông quan trọng cũng là nguyên nhân làm cho vựa nhãn Hưng Yên giảm sản lượng, khó tiêu thụ sản phẩm và khó bán được giá cao, gồm cả những năm mất mùa nhãn, dẫn đến hiệu quả sản xuất thấp, làm nản lòng nhà nông trong đầu tư thâm canh nhãn.

Giải pháp  

- Đổi mới giống: Hiện nay Hưng Yên đang trồng bộ giống nhãn khá đa dạng, trong đó giống nhãn Hương Chi (ở khu vực phía nam tỉnh) và giống nhãn muộn Khoái Châu/nhãn Miền Thiết ở huyện Khoái Châu (chiểm tỷ lệ khoảng 80%). Các giống nhãn này tồn tại khá lâu trên địa bàn, đã bộc lộ nhiều đặc tính không phù hợp như giống nhãn Miền Thiết có vỏ dày, mã xấu, khi chín gặp mưa kéo dài cùi quả sẽ sượng, nhạt, giảm chất lượng. Trong khi đó giống nhãn Hương Chi do những nhược điểm đã nêu ở phần trên, nếu cắt tỉa triệt để sẽ rất tốn công, thuê mượn thì coi như hết lãi.

Vì vậy, nên thay 2 giống nhãn trên bằng các giống nhãn Siêu ngọt, Ánh Vàng 205, T6, T2, T1, Siêu sớm; cùi cổ, đường phèn. Cạnh đó, cần tăng cường hợp tác với Viện Nghiên cứu Rau quả (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) để chọn tạo lại giống nhãn Hương Chi và một số giống khác nhằm sớm có được các dòng nhãn mới mang đủ các đặc tính ưu tú vốn có, loại bỏ những đặc tính không mong muốn.

Hưng Yên có nhiều nông dân giàu kinh nghiệm trong thâm canh nhãn

Hưng Yên có nhiều nông dân giàu kinh nghiệm trong thâm canh nhãn

- Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu trà, vụ: Nên duy trì sản xuất ổn định 4.500 - 5.000ha nhãn và chuyển dịch trà vụ thu hoạch vào thời kỳ nhu cầu thị trường thế giới tăng cao như Trung Quốc cần nhiều từ sau Tết Trung thu. Trong đó, cơ cấu khoảng 60% diện tích cho lấy quả chính vụ (tháng 7 – 9 dương lịch), gồm khoảnh 55% diện tích trồng các giống Siêu ngọt, Ánh vàng 205 và khoảng 5% diện tích nhãn đặc sản cùi cổ, đường phèn... Diện tích còn lại (40%) chuyển sang xử lý cho thu hoạch rải vụ từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau, nên sử dụng các giống T1, T2, T6 và Siêu ngọt.

Để thực hiện tốt 2 giải pháp trên, tỉnh cần có cơ chế mạnh khuyến khích tích tụ đất canh tác nhãn, như hỗ trợ kinh phí hoặc lãi vay ngân hàng cho các hộ thuê lại diện tích nhãn để đầu tư thâm canh kết hợp với chế biến và hỗ trợ phí vận chuyển nhãn quả rời tới các địa phương khác ở trong và ngoài tỉnh dễ thuê mượn lao động hơn để tăng cường công tác chế biến. 

Việc đầu tư, hỗ trợ cần theo trọng điểm, chỉ hỗ trợ những hộ có diện tích nhãn từ 0,5ha trở lên và đủ một trong các điều kiện như đang ứng dụng hiệu quả tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nhãn (như chuyển đổi ghép cải tạo giống mới năng suất, chất lượng cao; xử lý cho thu hoạch quả trái vụ, rải vụ); sản xuất thông minh gắn với các loại hình du lịch; chế biến sau thu hoạch hoặc hỗ trợ cao cho các hộ chế biến sâu, tạo ra các dòng sản phẩm OCOP khác biệt, có giá trị cao, các hộ sản xuất nhãn hữu cơ, hướng hữu cơ và xuất khẩu...  Đồng thời, tiếp tục tăng cường tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật để nâng cao trình độ thâm canh nhãn cho nông dân.

"Phải mất hàng trăm năm mới tạo dựng được danh tiếng "đất nhãn", "xứ nhãn" trong tâm thức người dân Việt Nam. Đây chính là tài nguyên vô giá của các bậc tiền nhân để lại, mỗi chúng ta ngày nay phải ngày càng nâng cao hơn nữa giá trị thu nhập cho vựa nhãn Hưng Yên", nhà vườn chuyên nhãn đường phèn quả vuông Trịnh Văn Cương ở xã Phương Nam, TP Hưng Yên nhìn nhận.

Theo Nông nghiệp Việt Nam

Nguồn: https://nongnghiep.vn/can-huong-di-moi-cho-vung-nhan-hung-yen-d421443.html


Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Nuôi gà đen, lợi nhuận 'đỏ'

DNTH: Gà đen H'Mông là giống bản địa có sức đề kháng rất tốt, chất lượng thịt thơm ngon, giàu dinh dưỡng, được thị trường ưa chuộng, giá bán và lợi nhuận cao.

Ngăn nguy cơ hạn hán, đảm bảo nước cho vụ Đông Xuân

DNTH: Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 (Yagi), Lào Cai có 538 công trình thủy lợi và trên 2.100 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn bị hư hỏng nặng.

Gìn giữ giống đào cổ thất thốn ở Nhật Tân

DNTH: Ở làng đào Nhật Tân (quận Tây Hồ, Hà Nội), người dân địa phương yêu mến gọi ông Lê Hàm là nghệ nhân bảo tồn giống đào cổ thất thốn, bởi ông đã gắn với duyên nghiệp lưu giữ và nhân giống đào quý của vùng đất này...

"Đánh liều" trồng rau rừng mọc hoang, ngờ đâu dân tình đến nhà anh nông dân Đắk Lắk mua tới tấp

DNTH: Khi vườn rau bò khai-một loại rau dại vốn mọc hoang của gia đình anh Ma Văn Sa (xã Ea Tir, huyện Ea H'leo, tỉnh Đắk Lắk) phát triển, nhiều hộ dân trong vùng đã đến mua về ăn. Nhận thấy nhu cầu sử dụng loại rau rừng đặc sản này...

Biến rác hữu cơ thành phân hữu cơ quy mô nông hộ

DNTH: Theo các chuyên gia, nếu biết tận dụng lượng chất thải hữu cơ trong sinh hoạt biến thành phân bón hữu cơ sẽ mang lại hiệu quả kinh tế và môi trường cho nhiều nông hộ.

Nông dân Hòa Bình lãi hàng trăm triệu mỗi năm từ gà ri bản địa

DNTH: Chăn nuôi chuẩn hóa cùng đầu ra đảm bảo giúp người nuôi gà ri bản địa ở huyện Lạc Sơn (Hòa Bình) có thể thu lợi nhuận từ 200 - 600 triệu đồng/năm.

XEM THÊM TIN