Người mua cho biết, họ mua lúa mới trổ bông để bào chế thuốc đông y ở TPHCM. Dù mua lúa mới trổ bông, nhưng người mua trả tiền cho nông dân theo giá trị lúc thu hoạch. Cụ thể, nếu thửa ruộng đó đến kỳ thu hoạch được 1 tấn lúa, bán giá 5.500đ/kg, thì khi mua lúa non, họ trả đúng 5,5 triệu đồng.
Chuyện “bán lúa non” đã được chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm, cảnh giác. UBND huyện Bình Đại đã đề nghị các cơ quan, ban ngành, đoàn thể trong huyện tập trung tuyên truyền, giáo dục người dân nâng cao cảnh giác việc “bán lúa non” tràn lan. UBND các xã, thị trấn ngoài việc tuyên truyền, giáo dục người dân, còn phải nắm chắc tình hình, nếu có trường hợp “bán lúa non” tương tự phải báo cáo về UBND huyện.
Cảnh giác với hiện tượng bất thường là cần thiết. Nhưng với chuyện “bán lúa non” thì cảnh giác điều gì? Sợ người nông dân bị thiệt hại chăng? Hoàn toàn không, mà trái lại người nông dân chỉ được lợi. Họ không phải mất công chăm sóc, vun bón ruộng lúa cho đến khi thu hoạch mà vẫn bán được giá lúc lúa chín. Sợ tổn hại đất đai chăng? Không thể, vì khi “bán lúa non”, ruộng đất “tiết kiệm” được lượng dinh dưỡng cho lúa, người nông dân có đất trống sớm hơn gần tháng trời. Sợ đe dọa an ninh lương thực chăng? Lúa gạo của ta đang thừa mứa, hàng năm xuất khẩu hàng triệu tấn. Nhà nước còn khuyến khích chuyển một phần diện tích trồng lúa sang các loại cây trồng khác vì không ít khi lúa thu hoạch không bán được, giá xuống thấp, người nông dân không có lãi.
Chúng ta xuất khẩu mỗi năm hàng triệu tấn gạo mà không cần quan tâm ở nước ngoài họ sử dụng gạo Việt Nam để làm gì, cho người ăn hay làm một việc gì khác.
Trước hiện tượng “bán lúa non”, có thể có người chọn cách hành xử khác. Đó là, mời những người mua tới hướng dẫn họ làm thủ tục mua bán đàng hoàng, bảo đảm không để người nông dân bị thiệt. Nếu họ mua bán thật lòng, giá cả hợp lý, thậm chí còn có thể trải thảm đỏ mời họ tới mua nhiều hơn, khai mở một mặt hàng mới từ cây lúa. Lựa chọn cách hành xử nào, còn tùy quan điểm của từng người, từng địa phương.
Ý kiến bạn đọc...