Cây lúa, con tôm làm thay đổi đồng bằng

08:47 | 03/01/2019

DNTH: ĐBSCL vựa lúa của cả nước nơi đây cũng là vựa tôm của… toàn quốc. “Vương quốc” con tôm, cây lúa ở miền đất trù phú bậc nhất này thời gian qua đã có sự thay đổi mạnh mẽ cả chất và lượng. Chính cuộc cách mạng 4.0 đã thật sự thay đổi cả một vùng đất vốn được cho là còn lắm khó khăn của thế kỷ trước.

Mô hình lúa tôm cho hiệu quả cao tại ĐBSCL. Ảnh: PHAN THANH CƯỜNG

Mô hình lúa tôm cho hiệu quả cao tại ĐBSCL. Ảnh: PHAN THANH CƯỜNG

Cây lúa khó bị soán ngôi

Khảo sát của Bộ NNPTNT đầu năm 2018 về lợi thế của cây, con từng tiểu vùng ĐBSCL cho thấy cây lúa vẫn là lựa chọn cây chủ lực của các địa phương bên cạnh các cây, con khác. Những vùng lúa từ miền tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười, Bán đảo Cà Mau… vẫn là lựa chọn để các tỉnh phát triển. Đó là một phần của chủ trương thận trọng trong chuyển đổi đất lúa. Dù vậy cây lúa hiện tại không còn phụ thuộc quá nhiều vào… trời đất.

Ông Trần Văn Chuyện - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng - nhận định: “Sóc Trăng được lợi thế là xây dựng cây lúa chất lượng cao. Chúng tôi đang chuyển hướng lúa gạo từ cây lương thực, đảm bảm an ninh lương thực sang sản xuất để phục vụ xuất khẩu. Muốn được điều này phải có thương hiệu mạnh, hạt gạo làm ra phải có chất lượng thay vì chạy theo sản lượng”.

Vấn đề này từ hơn 10 năm nay đã được Anh hùng Lao động Hồ Quang Cua “âm thầm” thực hiện bằng việc xây dựng các bộ giống ST có giá trị xuất khẩu cao. Ông Cua nhận định: “Cây lúa tại vùng ĐBSCL này sẽ ít cho cây con khác soán ngôi được do: Tập quán sản xuất, điều kiện thổ nhưỡng… Nhưng điều quan trọng là nếu áp dụng khoa học kỹ thuật mạnh vào. Chuyển hướng từ xuất khẩu gạo thô sang gạo chất lượng cao, gạo mần, nguyên liệu để làm thực phẩm chức năng... nghĩa là nâng cao giá trị xuất khẩu lên thì người trồng lúa… sống được”.

Thực tế những dòng lúa ST với mô hình hợp tác của ông Hồ Quang Cua đem đến lợi nhuận cao cho người trồng lúa. Làm thay đổi cách nghĩ tư hữu về ruộng đất của nông dân. Người nông dân từng bước trở thành công nhân nông nghiệp trong chuỗi sản xuất hạt gạo.

Tư duy mới trên đầm tôm

Tháng 2.2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị ngành tôm tại Cà Mau. Tại đây Thủ tướng giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành đến năm 2025 giá trị xuất khẩu con tôm phải đạt 10 tỉ USD.

Người đứng đầu Chính phủ đã “bật đèn xanh” cho con tôm phát triển. Ngay trong năm 2018 hàng loạt các dự án, mô hình nuôi tôm đã được xây dựng. Điển hình là khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tôm Việt Nam được thành lập tại Bạc Liêu. Các mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, siêu thâm canh trong nhà kín, siêu thâm canh mật độ cao… được xây dựng. Năng suất tôm nuôi hiện nay lên đến 30 tấn/ha, điều mà cách đây 5 năm chưa ai dám tưởng tượng.

Ông Dương Thành Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - nhận định: “Thực tế cho thấy con tôm trong thời gian qua thất bại hầu hết ở mô hình quảng canh. Ở mô hình siêu thâm canh, thâm canh mật độ cao rủi ro rất ít xảy ra. Tuy nhiên, để đầu tư cho mô hình này cần nguồn vốn lớn cộng với kỹ thuật cao, điều mà không phải người nuôi nào cũng có được”.

Không chỉ tạo ra sản lượng lớn, năng suất cao mà tất cả đều hướng đến chất lượng sản phẩm. Bà Âu Ngọc Vững - Cty Âu Vững Bạc Liêu - nhận định: “Cty chúng tôi chủ yếu xuất khẩu, chính vì vậy yêu cầu của đối tác rất khắt khe về chất lượng. Hiện tại DN chúng tôi liên kết với người nuôi theo tiêu chuẩn do nhà nhập khẩu đưa ra. Tất cả đều hướng đến tôm sạch, tôm chất lượng. Tôi cho rằng sắp tới việc chất lượng tôm nuôi càng khắt khe hơn nhiều”.

Trong khi đó, ông Lê Văn Quang - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Minh Phú - rằng, việc áp dụng công nghệ vào nuôi tôm theo tiêu chuẩn sạch bệnh, chất lượng đã tạo nên uy tín cho con tôm Việt Nam.

Và con tôm trên đất lúa

Đến nay, 7 tỉnh ven biển ĐBSCL phát triển khá mạnh mô hình này, với tổng diện tích trên 140.000ha, hiệu quả rất cao. Đây cũng là hệ thống canh tác mới, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng trong thời gian tới. PGS-TS Phạm Văn Dư - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) - cho biết: “Tiềm năng và lợi thế phát triển hệ thống canh tác tôm - lúa trong toàn vùng có thể đạt đến 200.000ha. Vì vậy việc khai thác và phát huy sản xuất tôm - lúa cần tiếp tục thực hiện với những định hướng rõ rệt hơn về quy hoạch vùng, giống lúa, chất lượng tôm và khai thác các hoạt động sản xuất khác như rau, màu và các loại thủy sản khác”.

Bên cạnh đó việc bố trí, sử dụng lao động phù hợp trong suốt quá trình canh tác tôm - lúa sẽ góp phần tăng thêm sản phẩm và thu nhập cho nông dân. Riêng về lúa, có nhiều loại giống phù hợp những vùng đất có độ nước lợ khác nhau để khai thác tốt tiềm năng mặn - ngọt.

Cà Mau, Kiên Giang có những tương đồng về thời tiết, tình trạng xâm nhập mặn trong vùng sản xuất tôm - lúa như: Mùa mưa đến chậm hơn, lượng mưa ít và giữa mùa mưa có nắng hạn kéo dài khoảng 2 tuần, nên thời vụ xuống giống lúa trễ hơn các vùng khác và phải sử dụng giống lúa ngắn ngày để “né” mặn. Còn Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Tiền Giang, Bến Tre... mùa mưa đến sớm hơn, nông dân có điều kiện rửa mặn và xuống giống sớm, sản xuất lúa - tôm vùng này thích hợp cho những giống lúa thích hợp.

Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Sóc Trăng Trần Đình Luân cho biết: Về lâu dài, tỉnh tiếp tục huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi, phân định rạch ròi các vùng ngọt, mặn, lợ, phục vụ tốt việc chủ động cấp, thoát nước cho việc nuôi tôm và trồng lúa. Tỉnh ưu tiên mở rộng mô hình tôm - lúa, vì thực tế mô hình này đã mang lại hiệu quả cao, bền vững trong thời gian qua, nhất là trong tình hình biến đổi khí hậu.

- ĐBSCL có diện tích tự nhiên khoảng 4 triệu ha. Mỗi năm ĐBSCL có 4.308.644ha trồng lúa (nhiều vụ) sản xuất 25.901.087 tấn. Thực tế, nông dân chuyển đổi những vùng trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi cây, con khác có thể thành công cũng là vùng đất một lúa rồi trồng 1 hay 2 vụ màu. Trồng lúa mỗi vụ thu lợi ít nhất 10 triệu đồng/ha. Nếu áp dụng kỹ thuật hợp lý thì lợi nhuận thu được có thể 18 - 20 triệu đồng. (nguồn Bộ NNPTNT)

- Đến năm 2020, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ vùng ĐBSCL 650.000ha, trong đó: Tôm sú 560.000ha (thâm canh, bán thâm canh đạt 65.000ha); Tôm thẻ chân trắng 90.000ha. Tổng sản lượng tôm nuôi nước lợ toàn vùng đạt 700.000 - 825.000 tấn, giá trị xuất khẩu đạt 4,0 tỉ USD, thu hút nguồn lao động khoảng 1.200.000 người. Đến năm 2030, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ toàn vùng 670.000ha, trong đó: Tôm sú 570.000ha (thâm canh, bán thâm canh đạt 70.000ha); Tôm thẻ chân trắng là 100.000ha. Tổng sản lượng tôm nuôi nước lợ vùng ĐBSCL đạt 850.000 - 900.000 tấn, giá trị xuất khẩu đạt 5,0 tỉ USD, thu hút 1.300.000 lao động. Đến năm 2020, nhu cầu giống tôm nước lợ cần khoảng 120 tỉ con, năm 2030, khoảng 160 tỉ con giống. (nguồn: Bộ NNPTNT)

NHẬT HỒ
Báo LĐ

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Tân Yên: Nâng cao giá trị nông sản chủ lực của địa phương

DNTH: Từ một vùng quê nghèo nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Bắc Giang, trong những năm gần đây, huyện Tân Yên đã chuyển mình mạnh mẽ, phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, giúp nâng cao giá trị...

Xuất khẩu rau quả chế biến của Việt Nam thu về gần 1,1 tỷ USD

DNTH: Lũy kế 10 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông sản chế biến của Việt Nam đạt gần 1,1 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2023.

Đức Cơ tổ chức Hội chợ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng dân tộc thiểu số

DNTH: Trong 2 ngày (29 và 30/11), tại thị trấn Chư Ty, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) tổ chức Hội chợ giới thiệu và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn huyện...

Xuất khẩu sầu riêng lao dốc

DNTH: Tháng 10/2024, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của nước ta giảm 68,4% so với tháng 9 và gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hoàng Anh Gia Lai: Tăng cường niềm tin thông qua trải nghiệm thực tế

DNTH: Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL; mã chứng khoán HAG) vừa công bố hoạt động dành cho cổ đông với mục tiêu củng cố niềm tin và tăng cường sự gắn kết.

Tân Yên quyết tâm là huyện đầu tiên về đích nông thôn mới nâng cao của tỉnh

DNTH: Xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, cả hệ thống chính trị cùng Nhân dân huyện Tân Yên đã và đang không ngừng nỗ lực, phấn đấu để được công nhận là huyện nông thôn mới nâng cao đầu tiên của tỉnh...

XEM THÊM TIN