Chè Thái Nguyên bước sang tầm cao mới

10:28 | 04/09/2018

DNTH: Một chuyên gia về trà ví von rằng, chè Thái Nguyên sau khi đã nạp liệu đủ đầy, khởi động kỹ càng thì bây giờ hoặc không bao giờ nữa có cơ hội cất cánh bay cao, bay xa để chiếm lĩnh, tỏa ngát trên toàn thế giới.

Địa lợi

Không quá khi cho rằng Chè Thái bây giờ như một tượng đài về thương hiệu trà không chỉ của Việt Nam nữa mà còn của cả hành tinh. Cây chè chọn Thái Nguyên để định danh, để nổi tiếng gắn liền với mối tình thơ mộng, huyền thoại của chàng Công nàng Cốc. Chè Thái Nguyên tự nó đã ngon rồi! Không ai trên đất nước này phủ nhận vị thế thủ phủ trà Việt của chè Thái Nguyên với chất lượng trứ danh.

Thời kỳ đầu, Chè Thái có tên là chè Trung du lá nhỏ. Năm 1935, chè Tân Cương tham gia cuộc thi tại Đấu Xảo (Hà Nội) và đạt giải Nhất. Kể từ đó, chè Tân Cương nổi tiếng khắp trong và ngoài nước. Người có công đưa thương hiệu chè Thái Nguyên bay cao cũng chính là ông tổ nghề chè Tân Cương (Thái Nguyên) - ông Đội Năm. Kể từ đó, hàng năm, các thương gia từ Ấn Độ, Mã Lai, Trung Hoa... đều nhập hàng chục tấn chè của ông Đội Năm.

Trải qua một giai đoạn dài, bởi những yếu tố khách quan, biến cố do chiến tranh và quá trình bao cấp, mặc dù tỉnh Thái Nguyên có thế mạnh về sản xuất chè xanh chất lượng cao, diện tích chè lớn, năng suất, sản lượng chè cao, nhưng chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh sản phẩm chè vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; sản xuất, sơ chế chủ yếu theo phương pháp truyền thống quy mô hộ, chưa quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu tập trung theo cơ cấu giống, gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm; chưa gắn kết hiệu quả giữa sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè với văn hóa, du lịch, di tích lịch sử; tỷ lệ sản xuất theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP (hoặc GAP khác) còn thấp.

10-46-22_6
Hội đủ các yếu tố, chè Thái Nguyên hứa hẹn tạo bước nhảy vọt lớn trong tương lai

Vào những năm đầu tiên của thế kỷ 21, trước đòi hỏi về việc đưa ngành chè trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đưa cây chè thành cây chủ lực xóa đói giảm nghèo, cây làm giàu thì việc phải thay đổi cơ cấu giống trở nên bức thiết.

Năm 2001 là mốc quan trọng định vị việc bắt tay vào công cuộc thực hiện dự án phát triển chè của tỉnh Thái Nguyên. Mục đích quan trọng của chương trình là cải tạo, trồng mới, trồng thay thế những nương chè Trung du già cỗi có năng suất thấp. Bộ cơ cấu giống chè mới theo hướng chè xanh chất lượng cao đã được tỉnh Thái Nguyên khuyến nghị gần như được mặc định và được người làm chè đồng tình lựa chọn.

Năm 2011, diện tích chè Trung du chiếm 65,3%, chè giống mới chỉ chiếm 34,7% tổng diện tích. Đến năm 2015 diện tích chè giống mới đã chiếm 62,4%. Đến năm 2020, Thái Nguyên xác định chè Trung du chỉ còn chiếm 20% diện tích; các giống mới chiếm 80% diện tích. Trong đó, các giống được ưu tiên để sản xuất chè xanh chất lượng cao là LDP1 và các giống chè nhập nội như Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên... Việc chuyển dịch nhanh và hiệu quả cơ cấu giống mang tính đột phá, như một cuộc cách mạng về giống, góp phần tiếp tục duy trì vị thế thủ phủ trà Việt của chè Thái Nguyên trên cả 3 mặt: diện tích, năng suất và chất lượng.  

Nhân hòa

Dù được tôn vinh là đệ nhất danh trà nhưng những năm trước đây, Thái Nguyên - thủ phủ trà Việt vẫn còn thiếu rất nhiều những sản phẩm trà có giá trị và đẳng cấp thế giới. Thực tế ấy bị chính thương hiệu đóng đinh và ánh hào quang quá khứ đã mặc định khiến cho chè Thái chỉ độc tôn ở thị trường nội tiêu.

Bà Trần Thị Phương Thảo (Giám đốc Cty TNHH Thương mại - Xuất nhập khẩu Thái Minh, TP Thái Nguyên) cho biết, có rất nhiều những sản phẩm chè của Việt Nam (không phải là chè Thái Nguyên) đang được xuất khẩu với giá 100, 500, 1.000 USD và còn hơn thế nữa. Tại sao lại không tạo ra được nhiều những sản phẩm chè Thái Nguyên có giá cao như vây? Quan trọng hơn cả là việc sản xuất chè an toàn sẽ phải là xu thế tất yếu, là đòi hỏi cấp thiết để đổi thay phương thức. Chỉ đổi thay mới có sản phẩm chè có giá trị, chất lượng cao, đổi thay mới vươn được ra tầm thế giới. Nếu không thì chỉ bằng lòng chấp nhận giá trị thương hiệu chè Thái Nguyên vốn dĩ đã đứng yên từ bấy lâu nay.

Ông Hoàng Văn Dũng (Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thái Nguyên) phân tích, để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm chè thì không nhất thiết phải nhìn vào năng suất, sản lượng. Đánh giá hiệu quả phải dựa vào giá trị của sản phẩm. Nếu chè xuất khẩu với giá 2 USD thì phải mất cả tấn chè mới tương đương được với chỉ 1kg chè mà thị trường quốc tế tiêu thụ. Tỉnh Thái Nguyên mới thông qua Đề án nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững thương hiệu chè Thái Nguyên giai đoạn 2016 - 2020. Dù vẫn xác định nội tiêu là thị trường tiềm năng song hướng đi tất yếu trong tương lai của chè Thái Nguyên phải đáp ứng được tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế.

10-46-22_5
Ảnh: Đ.V.T
Ở hầu khắp các vùng chè xứ Thái hiện nay, người làm chè đều đã tạo ra cho riêng mình những sản phẩm chè đặc biệt với giá trị rất cao. Đơn cử như chè đinh có giá từ 3 - 5 triệu đồng/kg; trà hoa nghệ thuật với giá trên dưới 10 triệu đồng/kg. Một số loại chè có công năng đặc biệt như chè tím với các nghiên cứu khẳng định ngăn ngừa và hạn chế sự phát triển của tế bào ung thư; matcha (bột trà xanh), thức uống có lợi cho sức khỏe…

Thái Nguyên xác định, tiếp tục đẩy mạnh sản xuất trà xanh chất lượng cao. Một số giải pháp đã được cụ thể như xây dựng, quy hoạch vùng nguyên liệu, tiếp tục chuyển đổi cơ cấu giống, đổi mới hình thức sản xuất, đẩy mạnh thu hút đầu tư, hỗ trợ sản xuất… Xuyên suốt trong toàn bộ quá trình thực hiện Đề án và thực tiễn sản xuất, nhiệm vụ cốt lõi là phải nâng cao chất lượng theo hướng đảm bảo ATVSTP, phù hợp với tiêu chuẩn và đáp ứng thị hiếu Quốc tế.

Bà Đỗ Thị Hiệp, Chủ nhiệm HTX chè Tân Hương (HTX được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn Quốc tế UTZ Certified cho sản phẩm chè, xã Phúc Xuân, TP Thái Nguyên) nhận xét, việc đảm bảo VSATTP là tất yếu, là đòi hỏi sống còn đối với sản xuất chè hiện nay. Người làm chè bây giờ coi việc sản xuất chè an toàn là bảo bối, là bí quyết giúp chúng tôi thành công.

Rõ ràng, thị trường đã tạo ra và là tín hiệu để cơ quan quản lý cũng như người làm chè tiếp tục lộ trình khẳng định vị thế chè Thái. Nhiều cơ hội và kỳ vọng đang đón đợi bước nhảy vọt mới của chè Thái Nguyên trong tương lai.  

Thiên thời

Trước diễn biến hội nhập ngày càng sâu rộng, chè Thái Nguyên đã không ít lần tỏa ngát trời Tây. Năm 2016, chè tôm nõn Tiến Vua của Cty CP chè Hà Thái (xã Hà Thượng, huyện Đại Từ) đạt giải Bạc về chất lượng chè tại cuộc thi Chè Quốc tế năm 2016, tổ chức tại Canada. Năm 2017, vượt lên các sản phẩm chè đặc trưng của các quốc gia sản xuất chè lớn trên thế giới, sản phẩm chè "Đinh Vương Phẩm" của Cty CP Chè Tân Cương Hoàng Bình (thành phố Thái Nguyên) đã xuất sắc đạt giải đặc biệt (Overall Award), đem lại niềm vinh dự không chỉ riêng của chè Thái Nguyên mà còn của cả ngành chè Việt Nam.

Trung tuần tháng 11/2017, bộ đôi sản phẩm chè đinh Thái Nguyên được chọn làm quà tặng của nước chủ nhà Việt Nam gửi đến các nguyên thủ, chính khách và thương gia thuộc các nước tham dự tuần lễ cấp cao APEC. Đó là Đinh Tâm trà và Tuyết Hương trà. Bà Nguyễn Thị Hải (Chủ nhiệm HTX chè La Bằng, huyện Đại Từ) cho biết, làm ra Đinh Tâm trà đòi hỏi sự lão luyện, công phu. Từ việc ép đỉnh sinh trưởng của nương chè để tạo tán búp, từ khâu thu hái đến chế biến. Việc giữ cho búp chè không bị gãy, vỡ, dập nát là cả một kỳ công khổ luyện.

Những thành quả nói trên đã mở ra cơ hội, triển vọng và động lực cho các doanh nghiệp chè khai thác, mở rộng và chiếm lĩnh thị trường.

Ngoài nỗ lực chuyển đổi cơ cấu giống, phương thức sản xuất, người làm chè Thái Nguyên đã nhận thức được tầm quan trọng, vai trò của việc nâng cao giá trị gia tăng, xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu. Cùng với 3 lần tổ chức thành công Festival chè Quốc tế, Thái Nguyên đã tạo cú hích, đưa người làm chè và sản phẩm chè Thái Nguyên đứng trước cơ hội rất lớn vươn tầm bay cao, bay xa hơn nữa.
 
 
 
ĐỒNG VĂN THƯỞNG
Báo NN

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Tái cơ cấu nông nghiệp: Chìa khóa xây dựng nông thôn mới ở Long An

DNTH: Long An coi tái cơ cấu nông nghiệp là chìa khóa để nâng cao các tiêu chí nông thôn mới (NTM). Tỉnh cũng đã chủ động ban hành các đề án phát triển ngành, lĩnh vực và sản phẩm nông nghiệp, đồng thời lồng ghép hiệu quả nguồn vốn...

Thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh ngành nông nghiệp tại Tây Nguyên

DNTH: Theo TS. Trần Quý (Viện trưởng Viện Phát triển Kinh tế số Việt Nam) chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là hai yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững ngành nông nghiệp tại Tây Nguyên.

Phát huy vai trò hợp tác xã trong đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao

DNTH: Phát triển hợp tác xã (HTX) là nền tảng cốt lõi để thực hiện thành công Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Gia tăng số lượng thành viên HTX sẽ giúp mở rộng diện tích sản xuất, đồng thời tạo điều kiện...

Đẩy mạnh tín dụng cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

DNTH: Sáng 12/11 tại Hà Nội, Viện chiến lược ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước tổ chức Hội thảo khoa học “Tín dụng cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp” nhằm tìm kiếm giải...

Ứng dụng công nghệ vào chế biến, bảo quản sản phẩm góp phần nâng cao giá trị nông sản

DNTH: Ứng dụng công nghệ vào chế biến và bảo quản nông sản – thực phẩm đóng vai trò then chốt, mở ra cánh cửa cho sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp.

Thị trường Halal: Cơ hội mới cho nông nghiệp Việt Nam

DNTH: Theo Báo cáo Kinh tế Hồi giáo toàn cầu (SGIE) năm 2022, dự đoán chi tiêu cho sản phẩm và dịch vụ Halal sẽ đạt mức 1,67 nghìn tỷ USD vào năm 2025. Đây sẽ cơ hội để nông sản, thủy sản Việt Nam tiến vào thị trường Halal nếu như...

XEM THÊM TIN