Chống rửa tiền - cuộc chiến toàn cầu

15:09 | 11/12/2018

DNTH: Rửa tiền là loại tội phạm đặc biệt “dung dưỡng và cộng sinh” với tham nhũng, làm mất ổn định và đe dọa sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế - xã hội; đe dọa sự ổn định chính trị và an ninh quốc gia. Việc phòng, chống loại tội phạm này cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp và quyết tâm của cả hệ thống chính trị.

Ảnh minh họa - Internet

1. Nguy cơ từ hiểm họa toàn cầu…

Rửa tiền là loại tội phạm đặc biệt “dung dưỡng và cộng sinh” với tham nhũng, làm mất ổn định và đe dọa sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế - xã hội; đe dọa sự ổn định chính trị và an ninh quốc gia. Các khoản thu nhập phi pháp từ tham ô, tham nhũng thông qua mua bất động sản, tài sản, chuyển cho người thân, đầu tư kinh doanh, hoặc chuyển trái phép ra nước ngoài…biến đổi “tiền sạch”. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), hàng năm thế giới mất khoảng 1 nghìn tỷ USD thông qua các hoạt động hối lộ, tham nhũng; hàng nghìn tỷ USD có nguồn gốc phi pháp được rửa qua nhiều kênh trên toàn thế giới. Tại Anh, tội phạm quốc tế chuyển vào hàng trăm tỷ USD để tẩy rửa và tiêu xài. Chống rửa tiền trở thành mặt trận ngày càng nóng và cũng là công cụ hiệu quả để chống tham nhũng trên cả phạm vi toàn cầu và mỗi quốc gia. Năm 2017, Hy Lạp triệt phá thành công đường dây rửa tiền 4 tỷ USD bằng Bitcoin. Nước Anh cho phép nhà chức trách tạm giữ các tài sản nghi ngờ về nguồn gốc của người Anh và người nước ngoài mang vào Anh cho đến khi có giải trình hợp lý. Tổ chức giám sát chống tham nhũng Transparancey International cho rằng, luật mới này của Anh "rất có ích" khi không có triển vọng hợp tác hay buộc tội ở quốc gia của nghi phạm, nhưng có đủ lý do nghi ngờ rằng tài sản của họ ở Anh có được nhờ tham nhũng…

Với sự hỗ trợ của WB, năm 2018, Đội đặc nhiệm chống rửa tiền quốc tế (FATF) có trụ sở tại Pari, sẽ thực hiện báo cáo đánh giá quốc gia về công tác chống rửa tiền tại Việt Nam. FATF thường thực hiện những báo cáo đánh giá năng lực của các quốc gia trong việc ngăn chặn, đấu tranh phòng chống rửa tiền. Quốc gia nào bị coi là không đáp ứng được các cam kết về phòng chống rửa tiền thì sẽ bị liệt vào “danh sách đen”, FATF gửi thông báo, khuyến cáo cho các thể chế tài chính, các ngân hàng đầu tư trên toàn thế giới để các tổ chức này theo dõi chặt chẽ hơn hoặc từ chối các giao dịch về tài chính liên quan. Do đó, làm ảnh hưởng tới hình ảnh và sự phát triển của kinh tế - tài chính của quốc gia đó.

Nhằm ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII: “về cơ chế, chính sách cần tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền, chuyển mạnh từ thanh toán tiền mặt sang thanh toán không dùng tiền mặt…; Thực hiện nghiêm việc kê khai tài sản, thu nhập theo quy định; xây dựng và hoàn thiện cơ chế giải trình và giám sát việc tăng giảm tài sản của cán bộ, đảng viên…”.

Tăng năng lực chống rửa tiền, nhất là tiền có nguồn gốc tham ô, tham nhũng, không thể tách rời với cuộc chiến chống tham nhũng, suy thoái, diễn biến và tự diễn biến trong nội bộ Đảng và bộ máy quản lý nhà nước. Trong cuộc chiến này, vai trò của ngân hàng ngày càng quan trọng, từ việc ban hành các quy định quản lý chung và nội bộ, đến trực tiếp tham gia các hoạt động thực tế về nhận diện, báo cáo và xử lý các tin tức, giao dịch đáng ngờ có liên quan... Từ tháng 5-2007, Việt Nam đã trở thành thành viên của APG (nhóm Châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền) và cam kết thực thi đầy đủ 40 khuyến nghị về chống rửa tiền và 9 khuyến nghị về chống tài trợ khủng bố của FATF. Năm 2009, Việt Nam phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng và thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống rửa tiền theo Quyết định 470/QĐ-TTg ngày 13-4-2009 của Thủ tướng Chính phủ. Ngày 18-6-2012, Quốc hội ban hành Luật số 07/2012/QH13 về phòng, chống rửa tiền. Năm 2014, Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố giai đoạn 2015 - 2020, nhằm xây dựng cơ chế phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố có hiệu quả ở Việt Nam; thực hiện nghĩa vụ thành viên của Việt Nam trong APG. Từ ngày 1-8-2014, Cơ quan Giám sát Ngân hàng (Banking Supervision Agency - BSA) được Ngân hàng Nhà nước phân công giám sát ngân hàng và các đơn vị kiểm toán được yêu cầu báo cáo về các hoạt động rửa tiền và tài trợ khủng bố. Bộ phận này cũng sẽ chịu trách nhiệm đào tạo các ngân hàng về công tác phát hiện và báo cáo các vụ tham nhũng.

Tội phạm rửa tiền có nguồn gốc từ tham nhũng được nhận diện, truy tố, xét xử theo Bộ Luật Hình sự năm 1999, sửa đổi năm 2009 và 2015. Cụ thể, theo Điều 324 Bộ Luật Hình sự năm 2015, người bị cáo buộc tội rửa tiền khi: “ a) Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có;b) Sử dụng tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác;c) Che giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó;d) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b và c khoản này đối với tiền, tài sản biết là có được từ việc chuyển dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi tiền, tài sản do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có”.

Thực tế cũng cho thấy, công tác chống rửa tiền nguồn gốc tham nhũng rất phức tạp, khó khăn về chứng minh, xác định chủ thể, tội danh. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tổng số giao dịch đáng ngờ trong năm 2012 là 51nghìn lượt (trong đó, Ngân hàng Nhà nước đã chuyển sang Bộ Công an 160 vụ) với tổng số tiền giao dịch khả nghi hơn 50.900 tỷ đồng. Còn theo C46 (Bộ Công an), trong năm 2013, Cục Phòng, chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước đã chuyển cho Cơ quan điều tra 23 vụ việc liên quan 201 báo cáo giao dịch đáng ngờ; năm 2014 là 59 vụ và 242 báo cáo; năm 2015 là 105 vụ. Từ năm 2013 đến nay, cơ quan điều tra đã khởi tố hàng nghìn vụ án thuộc 73 tội danh "tiền thân" của tội rửa tiền theo Luật Phòng, chống rửa tiền…

Tại phiên xử sơ thẩm (tháng 2-2017), Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội đã tuyên phạt bị cáoGiang Văn Hiển 12 năm tù với vì tội “Rửa tiền” do mở 22 tài khoản ngoại tệ nhận và rút tiền “hoa hồng” giúp con trai là Giang Kim Đạt (nguyên quyền Trưởng phòng Kinh doanh Vinashinlines) tham ô số tiền hơn 259,5 tỷ đồng, mua 40 bất động sản trong nước và nước ngoài, mua bán 13 ôtô đứng tên mình và người thân trong gia đình …Đây là vụ án rửa tiền có nguồn gốc tham nhũng đầu tiên được đưa ra xét xử. Qua đó, Việt Nam khẳng định quyết tâm chống tham nhũng bằng, trong đó có chống rửa tiền.

Tuy nhiên, kết quả thu hồi tài sản có nguồn gốc tham nhũng còn nhiều hạn chế. Từ năm 2010 đến 2013, tổng giá trị tài sản tham nhũng và thiệt hại do tham nhũng gây ra trên cả nước là 17 nghìn tỷ đồng, song giá trị thu hồi chỉ được 5 nghìn tỷ, đạt khoảng 29,4% và năm 2014, con số tương ứng là khoảng 6.740 tỷ và 1.500 tỷ, khoảng 22,3%.

2. Thực hiện đồng bộ các giải pháp trong cuộc chiến rửa tiền

Chống rửa tiền ngày càng trở thành công cụ quan trọng để chống tham nhũng và nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng. Các biện pháp chống rửa tiền có nguồn gốc tham nhũng phải thực hiện đồng bộ, kịp thời và nghiêm minh theo quy định của pháp luật, trên cơ sở bảo đảm chủ quyền, an ninh quốc gia; bảo đảm hoạt động về kinh tế, đầu tư; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; chống lạm quyền, lợi dụng việc phòng, chống rửa tiền để xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có liên quan.

Kết quả phòng chống rửa tiền cũng tùy thuộc quan trong vào nhận diện và ngăn chặn sớm các hành vi bị cấm theo tinh thần của Luật chống rửa tiền, bao gồm: Tổ chức, tham gia hoặc tạo điều kiện thực hiện hành vi rửa tiền; Thiết lập hoặc duy trì tài khoản vô danh hoặc tài khoản sử dụng tên giả; Thiết lập và duy trì quan hệ kinh doanh với ngân hàng được thành lập tại một quốc gia hoặc vùng lãnh thổ, nhưng không có sự hiện diện hữu hình tại quốc gia hoặc vùng lãnh thổ đó và không chịu sự quản lý, giám sát của cơ quan quản lý có thẩm quyền; Cung cấp trái phép dịch vụ nhận tiền mặt, séc, công cụ tiền tệ khác hoặc công cụ lưu trữ giá trị và thực hiện thanh toán cho người thụ hưởng tại một địa điểm khác; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong phòng, chống rửa tiền xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; cản trở việc cung cấp thông tin phục vụ công tác phòng, chống rửa tiền; đe dọa, trả thù người phát hiện, cung cấp thông tin, báo cáo, tố cáo về hành vi rửa tiền.

 Các tổ chức tài chính chủ động đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ để đáp ứng yêu cầu nhận biết, báo cáo nghi ngờ về  khách hàng và hành vi tiềm năng của tội phạm rửa tiền. Thí dụ như: mở tài khoản hoặc thiết lập giao dịch với tổ chức tài chính và nghi ngờ giao dịch hoặc các bên liên quan đến giao dịch có liên quan đến hoạt động rửa tiền; thực hiện giao dịch không thường xuyên có giá trị lớn, hoặc thực hiện giao dịch chuyển tiền điện tử mà thiếu thông tin về tên, địa chỉ, số tài khoản của người khởi tạo hoặc có nghi ngờ về tính chính xác hoặc tính đầy đủ của các thông tin nhận biết khách hàng đã thu thập trước đó.

Các tổ chức, cá nhân kinh doanh trò chơi có thưởng, casino phải tiến hành xác minh thông tin khách hàng đối với các khách hàng có giao dịch giá trị lớn. Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quản lý bất động sản, môi giới bất động sản, sàn giao dịch bất động sản có trách nhiệm áp dụng các biện pháp nhận biết khách hàng khi cung cấp dịch vụ môi giới mua, bán và quản lý bất động sản cho khách hàng. Tổ chức, cá nhân kinh doanh kim loại quý, đá quý có trách nhiệm áp dụng các biện pháp nhận biết khách hàng trong trường hợp khách hàng có giao dịch mua, bán kim loại quý, đá quý có giá trị lớn bằng tiền mặt. Tổ chức, cá nhân kinh doanh cung ứng dịch vụ công chứng, kế toán, dịch vụ pháp lý của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư có trách nhiệm áp dụng các biện pháp nhận biết khách hàng khi thay mặt khách hàng chuẩn bị các điều kiện để thực hiện giao dịch hoặc thay mặt khách hàng thực hiện giao dịch chuyển giao quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà; quản lý tiền, chứng khoán hoặc các tài sản khác của khách hàng; quản lý tài khoản của khách hàng tại ngân hàng, công ty chứng khoán; điều hành, quản lý hoạt động công ty của khách hàng; tham gia vào hoạt động mua, bán các tổ chức kinh doanh; các tổ chức cung cấp dịch vụ ủy thác đầu tư, dịch vụ thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp, dịch vụ cung cấp giám đốc, thư ký của doanh nghiệp cho bên thứ ba có trách nhiệm áp dụng các biện pháp nhận biết khách hàng khi cung ứng các dịch vụ thành lập công ty; cung cấp giám đốc, thư ký của doanh nghiệp; cung cấp văn phòng đăng ký, địa chỉ hoặc địa điểm kinh doanh; cung cấp dịch vụ đại diện cho công ty; dịch vụ ủy thác đầu tư; dịch vụ cung cấp người đại diện cho cổ đông.

Các đơn vị này phải ban hành và cập nhật các quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền trong phạm vi hoạt động của mình. Đây là sự cụ thể hóa các chính sách chấp nhận khách hàng; quy trình, thủ tục nhận biết khách hàng, xác minh và cập nhật thông tin khách hàng; giao dịch phải báo cáo; quy trình rà soát, phát hiện, xử lý và báo cáo giao dịch đáng ngờ; cách thức giao tiếp với khách hàng thực hiện giao dịch đáng ngờ; lưu giữ và bảo mật thông tin; áp dụng biện pháp tạm thời, nguyên tắc xử lý trong các trường hợp trì hoãn thực hiện giao dịch; chế độ báo cáo, cung cấp thông tin cho Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; bồi dưỡng nghiệp vụ phòng, chống rửa tiền; Kiểm soát và kiểm toán nội bộ việc tuân thủ các chính sách, quy định, quy trình và thủ tục liên quan đến hoạt động phòng, chống rửa tiền; trách nhiệm của từng cá nhân, bộ phận trong việc thực hiện quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền.

Các cơ quan chức năng cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống thuế, thanh toán qua ngân hàng, kê khai tài sản toàn diện và được giám sát chặt chẽ; bổ sung những quy định mới về nhận quà biếu có giá trị lớn; về nghĩa vụ chứng minh, quyền và căn cứ xác minh tài sản, thu nhập và xử lý tài sản không minh bạch, không rõ nguồn gốc. Tăng cường vai trò giám sát của xã hội đối với việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức. Phát triển tình báo và thanh tra tài chính trong việc xác định, phong tỏa và thu hồi tài sản do tham nhũng mà có; Tăng cường các thỏa thuận và phối hợp trong nước và quốc tế về phòng, chống rửa tiền xuyên quốc gia và dẫn độ tội phạm bỏ trốn. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế nhằm nâng cao năng lực phòng, chống rửa tiền của các ngân hàng thương mại; xây dựng cơ chế sàng lọc và báo cáo tự động các giao dịch tiền mặt lớn, nhiều lần liên tục đáng ngờ và tăng chế tài, tiền phạt đối với các vi phạm quy định, báo cáo giao dịch đáng ngờ. Nhận diện và quy trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại có liên quan trong hoạt động rửa tiền có nguồn gốc tham nhũng.

Đặc biệt, cuộc chiến chống rửa tiền không thể tách rời với cuộc đấu tranh kiểm soát và ngăn chặn sự tha hóa quyền lực; chống tham nhũng trong công tác cán bộ. Khi nạn tham nhũng trong công tác cán bộ, đặc biệt là chạy chức, chạy quyền trở nên phổ biến sẽ tạo ra một bộ phận cán bộ kém về cả đạo đức và năng lực. Đây là “giặc nội xâm” đe dọa sự tồn vong của chế độ.

Xây dựng, củng cố các chuẩn giá trị quốc gia và cơ chế bảo vệ lợi ích quốc gia, đặc biệt là chống tham nhũng và tha hóa trong công tác cán bộ. Đây là nhiệm vụ phức tạp và quan trọng của Đảng và Nhà nước. Đề án “Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” được Ban tổ chức Trung ương trình Hội nghị Trung ương 7 khóa XII, với nhiềuđột phá đã tạo môi trường bình đẳng thu hút tiềm năng, trí tuệ của đội ngũ cán bộ các cấp;phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng trọng dụng nhân tài;chuẩn hoá, siết chặt kỷ luật, kỷ cương;mở rộng không gian, cơ chế phát huy trí tuệ, sự năng động sáng tạocủa cán bộ, đảng viên để họ làm động lực cho đổi mới phát triển. Mặt khác, cầnchuẩn hoá và siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa công tác cán bộ, nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị và tình hình mới đặt ra, giải phóng được nguồn lực, phát huy tiềm năng, trí tuệ và sức sáng tạo của đội ngũ cán bộ ở mọi ngành, mọi cấp, mọi lĩnh vực" và "phải có dũng khí, dám thẳng thắn bảo vệ cái đúng, kiên quyết can ngăn cái sai, chống cho được tệ bè phái, cục bộ, cá nhân chủ nghĩa, lợi ích nhóm trong công tác cán bộ và cũng không để bị lợi ích nào cám dỗ, không để bị chi phối bởi quan hệ cá nhân, thân quen nào không trong sáng; kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ" như phát biểu chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sáng 19-1-2018 tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018.

Với mục tiêu hướng tới hoàn thiện thể chế là "Không thể chạy, không dám chạy, không cần chạy và không muốn chạy", sáu nhóm giải pháp chống chạy chức đã được Đảng đưa ra. Trước mắt, cần hoàn thiện và ban hành quy chế, quy định mang tính hệ thống, chặt chẽ, đồng bộ về công tác cán bộ ở tất cả các khâu, từ quy hoạch, giới thiệu, đào tạo, bổ nhiệm, luân chuyển, phân cấp quản lý cán bộ; khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, trong đó có tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Chống rửa tiền có nguồn gốc tham ô và tham nhũng là cách thức triệt tiêu khả năng thụ hưởng tài sản phi pháp của tội phạm tham ô và tham nhũng và là công cụ quan trọng để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, tăng thu hồi tài sản tham nhũng. Đây cũng là điều kiện để nâng cao năng lực và uy tín lãnh đạo của Đảng; bảo đảm sự đoàn kết, phát huy cao độ mọi nguồn lực quốc gia, sức mạnh cộng đồng, vì lý tưởng phát triển bền vững một quốc gia Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh”.

TS Nguyễn Minh Phong

VNHN

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Giăng dây điện chống trộm sầu riêng gây chết người

DNTH: Sầu riêng là loại cây có giá trị kinh tế tương đối cao so với nhiều loại cây trồng khác. Để chống trộm, Nguyễn Khắc Đạt lắp đặt bẫy điện trong vườn sầu riêng, hậu quả làm một người tử vong do bị điện giật.

Chủ đầu tư Nhà máy điện gió Hưng Hải Gia Lai nợ tiền nhà thầu

DNTH: Chủ đầu tư nợ tiền nhà thầu, nhà thầu không thể thanh toán tiền lương cho công nhân và mua vật tư, nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại khu vực dự án.

Công ty CP Xây dựng Phú Lương: Đặt trách nhiệm và uy tín lên hàng đầu

DNTH: Một trong những tiêu chí để phát triển doanh nghiệp đó là trách nhiệm và uy tín, Công ty CP xây dựng Phú Lương (phường Phú Lương, quận Hà Đông,TP Hà Nội) nhiều năm liền được biết đến với các công trình vượt tiến độ, chất...

Loạt vi phạm tại dự án của Tập đoàn FLC ở Gia Lai

DNTH: Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa chỉ ra loạt sai phạm của Dự án Tổ hợp khách sạn và nhà phố thương mại tại số 29 đường Nguyễn Văn Cừ, phường Ia Kring, TP Pleiku (tỉnh Gia Lai) do Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư.

TẬP ĐOÀN T&T GROUP TRAO TẶNG 5 TỶ ĐỒNG HỖ TRỢ LÀM NHÀ ĐẠI ĐOÀN KẾT CHO NGƯỜI NGHÈO TỈNH ĐIỆN BIÊN

DNTH: Tập đoàn T&T Group đã trao ủng hộ tỉnh Điện Biên 5 tỷ đồng (tương ứng với 100 căn nhà), góp phần không nhỏ vào thành công chung của Đề án làm 5.000 nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tại địa phương cũng như từng...

Buộc Công ty Đại Thắng bồi thường thiệt hại vụ 3 thành viên CLB LPBank HAGL tử vong

DNTH: Bên cạnh tuyên phạt bị cáo Đinh Tiến Bình 10 năm tù về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”, tòa xét xử sơ thẩm cũng buộc Công ty TNHH MTV Đại Thắng bồi thường thiệt hại.

XEM THÊM TIN