Chuẩn bị chu đáo các điều kiện đón năm học mới 2024 - 2025

14:44 | 04/09/2024

DNTH: Ngày 4/9, nhiều địa phương đã chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy, học, nhà công vụ cho giáo viên, vệ sinh trường lớp, trang hoàng để đón năm học mới 2024 - 2025.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang cùng các đại biểu cắt băng khánh thành công trình Trường THCS Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Quang Cường/TTXVN

Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang dự khai giảng tại Tuyên Quang

Ngày 4/9, Đoàn công tác Bộ Công an do Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an làm Trưởng đoàn đã về nguồn thăm Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào, dự Lễ khánh thành và khai giảng năm học mới tại Trường Trung học cơ sở Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Cùng dự có lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỉnh Tuyên Quang, UBND huyện Sơn Dương và các sở, ban, ngành trong tỉnh.

Năm học 2024 - 2025, Trường Trung học cơ sở Minh Thanh có 392 học sinh. Công trình nhà lớp học 2 tầng và nhà Hành chính - Quản trị của trường được Bộ Công an đầu tư, khởi công từ tháng 5/2024, diện tích mặt sàn xây dựng 2.300 m2, có 24 phòng chức năng. Công trình được đầu tư với tổng số tiền 15,3 tỷ đồng, do Bộ Công an huy động các nhà tài trợ. Sau 4 tháng triển khai thi công, công trình hoàn thành vượt tiến độ, khánh thành đúng vào dịp khai giảng năm học mới 2024 - 2025, tạo điều kiện thuận lợi cho con em các dân tộc trên địa bàn xã Minh Thanh có môi trường học tập, rèn luyện tốt hơn.

Phát biểu tại buổi lễ, Thượng tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an gửi lời tri ân và bày tỏ cảm ơn chính quyền, bà con xã Minh Thanh luôn chăm sóc, bảo tồn Khu di tích Nha Công an Trung ương để nơi đây mãi mãi là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho các thế hệ Công an nhân dân. Bộ trưởng ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực, sự phối hợp của các đơn vị cùng nhân dân xã Minh Thanh để có được công trình khang trang đưa vào sử dụng đúng vào dịp năm học mới. Đồng thời, chúc mừng tập thể cán bộ, giáo viên và học sinh nhà trường đón năm học mới với ngôi trường mới.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang phát biểu tại Lễ khai giảng năm học 2024 -2025 của Trường THCS Minh Thanh, huyện Sơn Dương. Ảnh: Quang Cường/TTXVN

Bộ trưởng Bộ Công an mong muốn, thầy trò nhà trường cùng nhau vượt qua khó khăn để có một năm học mới đầy thắng lợi. Các thầy cô giáo không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục, tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, tiếp tục đổi mới công tác quản lý giáo dục. Các học sinh trau dồi kiến thức, rèn luyện về đạo đức, lối sống, phấn đấu trở thành con ngoan, trò giỏi, xứng đáng với sự kỳ vọng của gia đình, thầy cô và xã hội...

Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang thay mặt lãnh đạo tỉnh cám ơn Bộ trưởng Lương Tam Quang và lãnh đạo Bộ Công an, các nhà tài trợ đã giúp đỡ xây dựng Trường Trung học cơ sở Minh Thanh với đầy đủ trang thiết bị giảng dạy. Đồng thời nhấn mạnh, với ngôi trường mới, thầy trò nhà trường cần tiếp tục đổi mới giáo dục, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong mọi hoạt động; tích cực xây dựng văn hóa học đường, môi trường giáo dục lành mạnh, giàu bản sắc. Các học sinh phải phấn đấu trở thành những con ngoan trò giỏi. Thành tích học tập của các em chính là lời cảm ơn gửi tới các đồng chí lãnh đạo Bộ Công an.

Dịp này, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang đã tặng Thư viện sách với 700 đầu sách chuyên khảo về truyền thống dân tộc và phòng học máy tính cho Trường Trung học cơ sở Minh Thanh.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang cùng các đại biểu thăm Khu tưởng niệm các vị tiền bối cách mạng tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào. Ảnh: Quang Cường/TTXVN

Trước đó, Đoàn công tác Bộ Công an đã về nguồn thăm Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào và Khu di tích Nha Công an Trung ương.

Đầu tư cơ sở vật chất, kiên cố hóa trường lớp

Tiến sĩ Lê Quang Trí, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tiền Giang cho biết, nhằm chuẩn bị chu đáo cho năm học mới 2024-2025, ngành tập trung đầu tư cơ sở vật chất, kiên cố hóa trường lớp, hướng tới chuẩn hóa các trường chuẩn quốc gia, đáp ứng tốt hơn nhu cầu dạy và học.

Giai đoạn 2021 - 2025, tổng mức đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng trường lớp ở bậc mầm non với 53 công trình là trên 1.000 tỉ đồng; bậc tiểu học 64 công trình, trị giá hơn 1.064 tỉ đồng; trung học cơ sở có 48 công trình với 1.007 tỉ đồng; bậc trung học phổ thông có 20 công trình, trị giá 441 tỉ đồng.

Hệ thống cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục, trường học trên địa bàn tỉnh từng bước được chuẩn hóa, hiện đại, tỷ lệ phòng học bán kiên cố đạt cao, đảm bảo nhu cầu dạy và học. 

Toàn tỉnh có 376/507 trường đạt chuẩn quốc gia (đạt 74,16%), trong đó bậc mầm non có 130 trường, bậc tiểu học có 138 trường, bậc trung học cơ sở có 80 trường cùng bậc trung học phổ thông có 28 trường.

Tại huyện Châu Thành, trong năm học mới này, huyện xây dựng, đưa vào sử dụng hoàn chỉnh 35 phòng học, 15 phòng bộ môn phục vụ học tập, 11 nhà vệ sinh, 2 nhà đa năng, sửa chữa 15 phòng học, sửa chữa 22 phòng học chuyển đổi thành phòng hành chính quản trị. Phòng Giáo dục và Đào tạo tham mưu Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất 20 trường nhằm phục vụ tốt việc dạy và học, với tổng kinh phí trên 16 tỉ đồng.

Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Thành Võ Văn Dũng, thời gian qua, huyện không ngừng đầu tư xây dựng trường chuẩn quốc gia nhằm nâng cao công tác giảng dạy và thực hiện hoàn thành tiêu chí số 5 về trường học trong xây dựng nông thôn mới.

Đến nay, toàn huyện có 40/59 trường đạt chuẩn quốc gia, 67,8%. Huyện đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trường đạt chuẩn quốc gia và kiểm định chất lượng giáo dục đối với Trường Mầm non Đông Hòa và Trường Tiểu học Điềm Hy.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tiền Giang Lê Quang Trí cho biết, thời gian tới, để tiếp tục hoàn chỉnh cơ sở vật chất trong trường học, ngành tăng cường xã hội hóa xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học đồng bộ với lộ trình xây dựng các trường đạt chuẩn quốc gia. Đồng thời rà soát hệ thống trường lớp, xây dựng kế hoạch duy tu, bảo dưỡng, đảm bảo cơ sở vật chất, thiết bị dạy, học đối với các trường thực hiện dạy 2 buổi/ngày; thực hiện Đề án kiên cố hóa trường, lớp học cùng nhà công vụ cho giáo viên...

Tỉnh Tiền Giang hiện có 507 cơ sở giáo dục từ bậc học mầm non đến trung học phổ thông với trên 8.000 phòng học, trong đó có trên 90% phòng học kiên cố, đảm bảo sẵn sàng đáp ứng nhu cầu dạy, học trong năm học 2024-2025.

Sửa chữa, khắc phục hạng mục xuống cấp

Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đang chỉ đạo ngành chức năng, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố trong tỉnh chuẩn bị tốt các điều kiện cho năm học mới 2024-2025.

Tỉnh yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo tổ chức kiểm tra, rà soát toàn bộ cơ sở vật chất tại các trường học, kịp thời sửa chữa, khắc phục và xử lý hạng mục xuống cấp, gây mất an toàn (hệ thống điện, ánh sáng trong lớp học, cổng trường, cắt tỉa cành cây…); kiên quyết không sử dụng các công trình xuống cấp, không đảm bảo an toàn. Đồng thời, thực hiện tốt công tác khử khuẩn, vệ sinh trường lớp đảm bảo mỹ quan học đường “xanh-sạch- đẹp”; xây dựng kế hoạch bảo quản, khai thác sử dụng hiệu quả thiết bị và tài liệu được trang bị; sửa chữa, mua bổ sung (hoặc đề nghị trang bị) thiết bị còn thiếu; thanh lý thiết bị hư hỏng không sử dụng được hoặc hết hạn sử dụng.

Sở chỉ đạo khẩn trương rà soát, tăng cường nguồn lực đầu tư xây dựng trường chuẩn quốc gia, đảm bảo tiến độ, lộ trình để hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết số 10-NQ/TU, ngày 10/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII về phát triển giáo dục tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, tập trung rà soát, khắc phục tình trạng cơ cấu đội ngũ giáo viên còn bất cập giữa các cấp học; thực hiện linh hoạt, điều chuyển, bố trí, sắp xếp phù hợp, đảm bảo cân đối về số lượng, đồng bộ về cơ cấu.

Sở Giáo dục Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục chủ động phối hợp với nhà xuất bản, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện việc cung ứng sách giáo khoa trên địa bàn, bảo đảm chất lượng. Đặc biệt, chỉ đạo thực hiện các văn bản hướng dẫn về quản lý, thu, chi tài chính, công khai các khoản thu, chi; tuyệt đối không để tình trạng lạm thu gây bức xúc trong nhân dân.

Theo báo cáo sơ bộ, hiện hầu hết các trường học trong tỉnh cơ bản chuẩn bị đầy đủ điều kiện cho năm học mới 2024-2025. 

Những năm gần đây, Vĩnh Phúc đầu tư hàng ngàn tỷ đồng cho giáo dục và đào tạo. Nhiều trường học được nâng cấp mở rộng hoặc xây mới khang trang theo các tiêu chuẩn, quy định mới. Đến năm học 2023 -2024, quy mô mạng lưới trường, lớp các cấp học, bậc học trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc phát triển đồng hộ, với 516 trường học và cơ sở giáo dục, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập trên địa bàn.

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Bừng sáng tài sắc muôn hoa tại vòng Bán kết Press Beauty 2025

DNTH: Ngày 29/3, Top 20 nữ sinh đã cùng tranh tài tại vòng thi bán kết của cuộc thi Tài sắc nữ sinh Báo chí (Press Beauty) 2025. Vòng thi là một sân khấu rực lửa, nơi thể hiện tài năng của các thí sinh sau quá trình được học tập, rèn luyện...

Độc đáo lễ cầu mưa trên đỉnh núi thần Chư Tao Yang

DNTH: Lễ cầu mưa là nét văn hóa dân gian đặc trưng của đồng bào dân tộc Jrai, với mục đích cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, mong cho dân làng có sức khỏe tốt, cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Dân vũ “Tháng Ba Tây Nguyên - Em là hoa Pơ lang”

DNTH: Chương trình dân ca dân vũ “Tháng Ba Tây Nguyên - Em là hoa Pơ lang” của các dân tộc Tây Nguyên là một trong những điểm nhấn thú vị tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) cuối tuần này.

Nhiều sản phẩm du lịch mới của Hà Nội sắp ra mắt

DNTH: Theo số liệu báo cáo của Sở Du lịch Hà Nội, trong tháng 3/2025, tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt 2,61 triệu lượt khách. Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 709.000 lượt, khách du lịch nội địa ước đạt 1,91 triệu...

Tu bổ, tôn tạo di tích Đền Đuổm (Thái Nguyên) xứng tầm giá trị lịch sử

DNTH: Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc Việt Nam, các loại hình tín ngưỡng, thờ cúng anh hùng dân tộc, những người có công với đất nước xuất hiện từ rất sớm, phản ánh quá trình dựng nước, giữ nước trong lịch sử, là...

Hành trình đi tìm hương vị trong phố

DNTH: Hà Nội - nơi mỗi món ăn là một mảnh ghép ký ức. Dự án sách "Ký hoạ hương vị phố Cổ Hà Nội" ra đời từ cái duyên gặp gỡ của nhóm thi họa và những người trót yêu Hà Nội cùng chung một khát vọng: lưu giữ và lan tỏa những...

XEM THÊM TIN