Đạo đức sinh thái trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế
17:31 | 17/11/2021
DNTH: Bảo vệ môi trường sinh thái là một trong những vấn đề sống còn của nhân loại, là mục tiêu, nội dung cơ bản trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới. Trước những tác động tiêu cực đến từ mặt trái của toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, kinh tế thị trường, việc nhận thức đúng đắn mối quan hệ biện chứng giữa con người với tự nhiên và xây dựng đạo đức sinh thái càng trở nên cấp thiết hiện nay.
1- Sinh thái học là khoa học nghiên cứu sự tác động lẫn nhau giữa cơ thể sống với môi trường xung quanh, cũng như nghiên cứu mối quan hệ qua lại giữa con người, xã hội loài người và môi trường sinh thái, nhằm nắm bắt những quy luật sinh thái và vận dụng có hiệu quả những quy luật này trong hoạt động thực tiễn của con người, bảo đảm sự phát triển hài hòa và bền vững. Đây là một trong những vấn đề quan trọng và cấp thiết, liên quan đến sự tồn vong của nhân loại trong thời đại ngày nay.
Về bản chất, môi trường sinh thái là sự thống nhất vật chất của các yếu tố tự nhiên - con người - xã hội, là kết quả gắn bó chặt chẽ giữa sự tiến hóa của môi trường sống và lịch sử phát triển xã hội loài người. Các yếu tố này có quan hệ biện chứng với nhau. Con người không thể tách khỏi môi trường sinh thái tự nhiên - nguồn sống của chính mình. Con người và xã hội là sự phát triển cao của môi trường sinh thái tự nhiên. Vì vậy, con người vừa mang những đặc điểm sinh học tự nhiên, vừa mang bản chất xã hội. Nhờ có tư duy và ngôn ngữ, sự sáng tạo và văn hóa, con người đã tác động khai thác tự nhiên để đáp ứng những nhu cầu ngày càng cao của bản thân và xã hội. Cách ứng xử của con người với tự nhiên, cách xử lý mối quan hệ giữa xã hội và tự nhiên thể hiện đạo đức sinh thái nhất định.
Đạo đức sinh thái (còn được gọi là đạo đức môi trường) là những quan điểm, cách thức ứng xử của con người và xã hội đối với tự nhiên, nhằm bảo đảm sự cùng tồn tại và phát triển của giới tự nhiên và xã hội. Hành vi đạo đức sinh thái là biểu hiện cao nhất của đạo đức sinh thái. Hành vi đạo đức sinh thái là cách ứng xử của con người đối với hệ sinh thái, được điều chỉnh, quy định bởi những chuẩn mực, quy tắc đạo đức sinh thái nhất định.
Đạo đức sinh thái đúng đắn và lành mạnh, phải bắt nguồn từ lợi ích của cả tự nhiên và xã hội. Từ ý thức đạo đức sinh thái, như quan niệm, tư tưởng, tình cảm của con người đối với tự nhiên, đến hành vi đạo đức sinh thái của con người đều phải nhằm mục đích bảo vệ tính chỉnh thể, toàn vẹn của hệ thống “tự nhiên - con người -xã hội”, bảo đảm sự sống và sự phát triển lành mạnh của cả xã hội và tự nhiên. Tuy nhiên, trong quá trình tác động, khai thác tự nhiên phục vụ nhu cầu cuộc sống, con người đã có những hành vi vi phạm đạo đức sinh thái. Vì vậy, vấn đề cấp thiết được đặt ra là con người cần phải ý thức được vai trò của môi trường sinh thái tự nhiên trong phát triển xã hội; xác định một cách đúng đắn vị trí, vai trò của mình trong mối quan hệ với tự nhiên; giải quyết hài hòa mối quan hệ lợi ích giữa con người và giới tự nhiên; thay đổi thái độ đối với giới tự nhiên, từ khai thác đến mức “tận diệt” sang khai thác đi đôi với bảo vệ, tái tạo và tôn trọng giới tự nhiên.
2- Ngày nay, quá trình toàn cầu hóa đang thúc đẩy sự ràng thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia trên thế giới. Rất nhiều vấn đề đã vượt lên trên tầm kiểm soát của mỗi quốc gia, đòi hỏi nhân loại phải chung tay giải quyết. Những đám mây mang đầy chất phóng xạ không cần “giấy thông hành” cũng xuyên qua được “cửa khẩu” của rất nhiều nước. Vi-rút Corona biến thể gần hai năm nay, đã vượt ra khỏi biên giới các quốc gia, tạo ra những thách thức lớn cho con người và xã hội. Thiên tai, động đất, lũ lụt, sóng thần, núi lửa cháy rừng… diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới. Những thảm họa đó đã cướp đi sinh mạng hàng triệu người, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chính trị, kinh tế, văn hóa… của các quốc gia khắp năm châu. Cả thế giới đang phải chung tay trong cuộc chiến đầy gian nan, khắc nghiệt chống lại đại dịch COVID-19. Có thể nói, nhân loại đang phải đối mặt với vấn nạn ô nhiễm môi trường và nguy cơ của cuộc khủng hoảng sinh thái nghiêm trọng.
Thời gian qua, mặt trái của kinh tế thị trường đã có những tác động to lớn đến nhiều mặt của đời sống nhân loại, trong đó có các chuẩn mực đạo đức nói chung và đạo đức sinh thái nói riêng. Lợi ích cá nhân vị kỷ được hình thành từ mặt trái kinh tế thị trường không chỉ tấn công vào mối quan hệ giữa con người với con người, làm suy thoái đạo đức xã hội, mà còn tấn công dữ dội vào cả mối quan hệ giữa con người với tự nhiên. Vì mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận, không ít doanh nghiệp, cá nhân sẵn sàng bỏ qua các tiêu chí về môi trường, khai thác theo kiểu “tận diệt” tự nhiên, để lại nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho cả tự nhiên và xã hội.
Cùng với đó, sự gia tăng nhanh chóng của dân số cùng những nhu cầu của đời sống con người, sự mở cửa giao lưu với nước ngoài, sự phát triển bùng nổ của khoa học và công nghệ… đã thúc đẩy các hoạt động khai thác, “chinh phục” các nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách mạnh mẽ hơn. Do đó, môi trường tự nhiên ngày càng bị thu hẹp. Tình trạng cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên (đất, nước, không khí, rừng, biển, khoáng sản,…), ô nhiễm môi trường sống đã và đang trở thành vấn nạn trên khắp thế giới. Việc kiểm soát, phòng ngừa, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường; sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ đa dạng sinh học của các hệ sinh thái; bảo đảm cuộc sống lành mạnh cho con người đang trở thành những yêu cầu cấp bách được đặt ra cho mọi quốc gia để bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững.
Mối quan hệ giữa con người và tự nhiên luôn mang tính lịch sử - cụ thể và phụ thuộc vào trình độ phát triển của xã hội. Việt Nam đang ở giai đoạn đổi mới về mọi mặt để phát triển và giai đoạn chuyển đổi này dài hay ngắn, hậu quả của nó để lại cho môi trường sinh thái nhiều hay ít, hoàn toàn phụ thuộc vào hoạt động và ý thức của con người. Chúng ta không phải là quốc gia đầu tiên thực hiện việc chuyển đổi này và bài học đau xót của các nước phát triển khi khai thác tài nguyên thiên nhiên quá mức vẫn còn hiện hữu ở ngay trước mắt.
Vấn đề đặt ra cho con người ngày nay là làm sao để vừa khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên để phục vụ cho sự phát triển xã hội mà vẫn giữ được lý tưởng “thiên - nhân hợp nhất” truyền thống, để không “hy sinh môi trường sinh thái” vì lợi ích vị kỷ của con người. Con người cần có khoa học và công nghệ, cần các nguồn tài nguyên thiên nhiên để tồn tại và phát triển, nhưng là một thực thể sinh học - xã hội nên đồng thời con người cũng rất cần môi trường sống trong sạch, lành mạnh.
Lý tưởng đạo đức sinh thái “thiên - nhân hợp nhất” luôn có tính hợp lý trong quá trình phát triển của xã hội loài người. Ngày nay, lý tưởng này được đặt ra trên cơ sở hoạt động có ý thức, có luận cứ khoa học của con người hiện đại; nghĩa là con người có những hiểu biết ngày càng sâu sắc hơn về những quy luật của tự nhiên và biết vận dụng một cách hợp lý để phục vụ cho sự phát triển của xã hội, không còn phụ thuộc vào thiên nhiên như hàng ngàn năm trước.
Ở nước ta hiện nay, ở một vài nơi, môi trường tự nhiên đang bị khai thác và sử dụng quá mức, bị ô nhiễm và tàn phá nặng nề. Vì vậy, hơn lúc nào hết, cần phải có một hệ thống đạo đức sinh thái, dựa trên lý tưởng “thiên - nhân hợp nhất” hiện đại, trên những nguyên lý cơ bản về mối quan hệ hài hòa, tôn trọng lẫn nhau giữa con người và tự nhiên. Do đó, cần quán triệt những quan điểm sau:
Thứ nhất, con người và xã hội loài người là sản phẩm, là một bộ phận cấu thành không thể tách rời của giới tự nhiên; là một dạng vật chất trong thế giới vật chất thống nhất; là một yếu tố, một khâu quan trọng của hệ thống tự nhiên - con người - xã hội.
Thứ hai, con người trong quá trình hoạt động sống, khai thác và biến đổi tự nhiên, cần phải tính toán đầy đủ và nghiêm túc đến việc bảo vệ giá trị nội tại của mọi khách thể tự nhiên.
Thứ ba, sự khai thác các giá trị của khách thể - tự nhiên của con người để phục vụ cho sự sống, sự tồn tại và phát triển của xã hội là tất yếu, khách quan, là đòi hỏi của sự phát triển. Song, sự khai thác đó phải tuân theo nguyên tắc hoạt động của chu trình sinh học, hay chu trình trao đổi vật chất, năng lượng và thông tin giữa xã hội và tự nhiên. Bởi vì, cơ chế hoạt động của chu trình sinh học là cơ chế bảo đảm sự thống nhất, tính toàn vẹn của toàn bộ sinh quyển.
Thứ tư, con người phải tự giác điều chỉnh hành vi của mình trong mối quan hệ với tự nhiên, nhằm mục đích tạo ra sự hài hòa thật sự với tự nhiên. Trong hoạt động thực tiễn khai thác và sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên, con người không chỉ biết biến các khách thể - tự nhiên thành phương tiện để thỏa mãn nhu cầu của mình, đem lại lợi ích cho mình, mà còn cần biết tôn trọng, không làm tổn hại đến sự tồn tại và phát triển của tự nhiên.
Thứ năm, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, các nguồn tài nguyên thiên nhiên phải thực sự được coi là nguồn vốn quý giá của sản xuất xã hội. Một nền sản xuất, dù là ở quy mô nào, cũng không thể đứng vững được khi lạm dụng vào nguồn vốn. Do vậy, khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường sống không chỉ là vấn đề đạo đức sinh thái, mà còn chính là bảo vệ nguồn vốn quý giá của sản xuất - một vấn đề kinh tế quan trọng trong quá trình phát triển lâu dài, bền vững của các quốc gia hiện đại.
3- Trước những yêu cầu của thực tiễn, thời gian tới, để xây dựng đạo đức sinh thái và nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường ở nước ta, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
Một là, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục để thay đổi tư duy, quan niệm của các cấp ủy, chính quyền và toàn thể nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, về vị trí, vai trò của tự nhiên, con người và về mối quan hệ gắn bó qua lại chặt chẽ giữa con người với tự nhiên; từ đó xây dựng đạo đức sinh thái mới, chuyển hóa ý thức đạo đức sinh thái thành hành vi đạo đức sinh thái và thực hiện một cách tự giác trong cộng đồng, hướng tới thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
Hai là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường. Kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường trong các chiến lược, kế hoạch phát triển của quốc gia và từng địa phương. Chú trọng xây dựng năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu và với các sự cố môi trường. Tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để phát hiện kịp thời và áp dụng các chế tài xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
Ba là, kết hợp sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy với sự quản lý thống nhất của Nhà nước, sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể nhân dân trong công tác bảo vệ môi trường và xây dựng đạo đức sinh thái. Phát triển các phong trào quần chúng tham gia bảo vệ môi trường sinh thái ở địa phương một cách thường xuyên, liên tục với những hoạt động phù hợp, hiệu quả và sáng tạo, thông qua những cuộc vận động, những hình thức sinh hoạt cộng đồng, những mô hình hiệu quả và bổ ích, như “Tết trồng cây”, phong trào “Xanh - sạch - đẹp”, “Du lịch sinh thái”, nghiên cứu khoa học và sáng tác nghệ thuật về các chủ đề “Ngôi nhà chung”, “Văn hóa sinh thái”… Biểu dương kịp thời những điển hình tiên tiến trong thực hiện đạo đức sinh thái, nhân rộng những mô hình sinh thái tốt, qua đó nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sinh thái, xây dựng môi trường sinh thái lành mạnh.
Bốn là, tăng cường đầu tư nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường sinh thái cũng như hoạt động xử lý các sự cố ô nhiễm môi trường. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa nhằm thu hút đa dạng các nguồn đầu tư trong xã hội (trong đó có các nguồn đầu tư đến từ tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước) cho hoạt động bảo vệ môi trường sinh thái và xây dựng đạo đức sinh thái. Đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ trong công tác điều tra cơ bản, quan trắc, dự báo, cảnh báo về tài nguyên và môi trường, trong xử lý ô nhiễm, khắc phục suy thoái và sự cố môi trường. Ứng dụng và phát triển công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, phát triển các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi trường, hình thành ý thức và hành vi đạo đức sinh thái trong mỗi doanh nghiệp.
Năm là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong xây dựng đạo đức sinh thái và bảo vệ môi trường sống trên Trái đất.
Hiện nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, mỗi con người đều là công dân toàn cầu sống trong “ngôi nhà chung”- Trái đất - cùng đối mặt với những vấn đề, những thách thức chung, trong đó có nạn ô nhiễm môi trường, nguy cơ khủng hoảng sinh thái mà không một quốc gia nào có thể tự giải quyết. Do đó, mỗi quốc gia cần nhận thức sâu sắc nghĩa vụ, trách nhiệm của mình và tăng cường giao lưu, hợp tác, đối thoại quốc tế để chung tay bảo vệ môi trường sống cho toàn nhân loại, xây dựng đạo đức sinh thái, hướng tới nền hòa bình và sự phát triển bền vững cho toàn thế giới./.
PGS, TS. TRẦN LÊ BẢO
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
“Chòm dân cư văn minh” thôn Văn Miếu - điển hình sáng tạo trong thi đua dân vận khéo
DNTH: Từ những kết quả đạt được sau hơn một năm xây dựng mô hình “khu dân cư văn minh - tuyến đường kiểu mẫu kiểu mẫu” gắn với cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng, nâng cao tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu đã phát...
Kết nối sản phẩm OCOP với du lịch: Du khách có thêm nhiều trải nghiệm về văn hóa địa phương
DNTH: Việc phát triển, kết nối sản phẩm OCOP với phát triển du lịch tại Quảng Ninh sẽ tạo thêm kênh tiêu thụ, mở rộng thị trường và giúp các sản phẩm OCOP của tỉnh ngày càng vươn xa hơn.
Bắc Giang: Phát động Cuộc thi “Đường nông thôn mới kiểu mẫu huyện Tân Yên” giai đoạn 2024-2026
DNTH: Nhằm xây dựng một miền quê đáng sống tạo động lực về đích nông thôn mới (NTM) nâng cao, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang đã phát động cuộc thi “Đường nông thôn mới kiểu mẫu huyện Tân Yên” giai đoạn 2024 - 2026 và nhận...
Yêu cầu bắt buộc về chuyển đổi xanh, xuất khẩu xanh
DNTH: Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2024 với chủ đề “Xúc tiến xuất khẩu xanh” đề cập nhiều vấn đề "nóng" với các ngành xuất khẩu nội địa trước những quy định bắt buộc của các quốc gia nhập khẩu về phát triển...
Khi nông dân biến sợi rơm thành sợi vàng
DNTH: Thay vì đốt đồng sau mỗi mùa vụ gây ô nhiễm môi trường, nông dân An Giang đã tìm ra nhiều cách để tận dụng rơm rạ hiệu quả, giúp tăng thu nhập.
Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam: Ngày càng có thêm nhiều làng quê đáng sống
DNTH: Hội Nông dân Việt Nam và Bộ TN&MT đã phối hợp thành lập các tổ nhóm, CLB nông dân tham gia bảo vệ môi trường ở địa phương, Hội Nông dân cơ sở hoạt động rất hiệu quả, góp phần xây dựng môi trường nông thôn sáng xanh sạch...
Đọc nhiều
Đô thị cuộc sống
-
Yên Dũng: Lập biên bản vi phạm đối với công trình xây dựng không phép
-
Người dân làng đào Nhật Tân tất bật tuốt lá, chuẩn bị cho vụ Tết Ất Tỵ
-
Hà Nội: Nắm bắt kịp thời tình hình tiền lương, thưởng dịp Tết
-
Vẻ đẹp của đồng muối Sa Huỳnh
-
Sẽ chất vấn về ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông tại Hà Nội
-
Bắc Giang phấn đấu hoàn thành mức cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024
Sống khỏe
-
Nhà có nhiều cửa sổ có tốt về mặt phong thủy không?
-
Hành trình “vượt biển tìm con” của các gia đình hiếm muộn nơi hải đảo
-
Hismart đồng hành cùng những trái tim kiên cường miền Trung
-
Nhiều chính sách đãi ngộ, thu hút và đào tạo bác sĩ tại Gia Lai
-
Công bố kết quả Hành trình Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác
Thị trường
-
Ô tô cũ ế ẩm, giới buôn “có lời là bán”
-
"Lướt sóng" bất động sản thời điểm này 90% là thất bại
-
Ninh Thuận bứt phá ngoạn mục, trở thành “mỏ vàng” trong mắt nhà đầu tư
-
Bất động sản Việt Nam vẫn hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài
-
M&A bất động sản phía Nam nhộn nhịp trong mùa dịch
-
Ô tô giảm giá “chạy” tháng ngâu
Ý kiến bạn đọc...