Để người trồng lúa thôi 'ngồi trên lửa

10:21 | 19/02/2019

DNTH: Hạt lúa ĐBSCL một lần nữa phải long đong khi sắp vào vụ thu hoạch rộ. Người nông dân đồng bằng giờ đây như ngồi trên đống lửa. Nhiều giải pháp "giải cứu" được bàn thảo. Tuy nhiên, đó vẫn chưa phải là giải pháp căn cơ và bền vững...

Để người trồng lúa thôi ngồi trên lửa - Ảnh 1.

Thu hoạch ruộng lúa nàng thơm canh tác hữu cơ ở ấp Cầu Chùa, xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, Long An. Trong khi giá lúa giảm, giá lúa nàng thơm dùng phân hữu cơ vẫn được doanh nghiệp thu mua mức giá tại ruộng là 9.500 đồng/kg - Ảnh: T.NGUYÊN

Chúng ta đã xuất khẩu gạo 30 năm nay và hiện là quốc gia có số lượng gạo xuất khẩu đứng hàng thứ ba trên thế giới. Nhưng khối lượng xuất khẩu theo từng năm có khuynh hướng giảm dần. Vì sao?

4 giải pháp cho hạt gạo

Trước tiên vẫn là chuyện chất lượng hạt gạo Việt. Làm thế nào gạo Việt phải có chất lượng ít ra cũng bằng chất lượng gạo của những nước đang cạnh tranh xuất khẩu với ta. Hiện nay tiêu chuẩn nhập khẩu gạo vào một số quốc gia rất cao. 

Ở Nhật Bản khoảng 600 tiêu chuẩn thuốc bảo vệ thực vật, châu Âu và Mỹ cũng khoảng vài trăm. Với hơn 2 triệu người Việt ở nước ngoài, trong đó có thị trường nhập khẩu gạo chất lượng cao ở Mỹ có tiềm năng lớn về số lượng lẫn về giá.

Vì thế, đừng để hạt gạo Việt bị trả về vì tồn dư hoạt chất trong gạo vượt ngưỡng cho phép như đã từng xảy ra. Hạt gạo xuất khẩu phải ưu tiên gạo chất lượng cao, an toàn, sạch, không chỉ quan tâm theo số lượng, người nông dân canh tác còn chăm chăm theo năng suất nữa.

Thứ hai là cần những bộ giống lúa, gạo chất lượng cao. Hiện nay chỉ bộ giống lúa thơm ST (Sóc Trăng) của tiến sĩ - Anh hùng lao động Hồ Quang Cua cho hạt gạo xuất khẩu có thể cạnh tranh với gạo Basmati trồng ở Ấn Độ và Pakistan; gạo Khao Dawk Mali hay Jasmine trồng ở Thái Lan. 

Hiện tại giá gạo xuất khẩu các giống này trên dưới 1.000 USD/tấn, gấp đôi giá gạo xuất khẩu thường. Nhưng không hiểu vì sao giống ST này vẫn còn trồng rất hạn chế ở ĐBSCL? 

Các nhà khoa học nông nghiệp Việt vẫn chưa tạo ra nhiều bộ giống tốt, mới tương tự để tạo ưu thế cho xuất khẩu là một sự thiệt thòi cho nền nông nghiệp xuất khẩu.

Thứ ba là gạo Việt chưa có thương hiệu trên thị trường gạo thế giới. Tạo một thương hiệu cho một nông sản, nhiều quốc gia trên thế giới thường cần khoảng thời gian 10 năm. Việt Nam xuất khẩu gạo 30 năm nay vẫn chưa có một thương hiệu trên thế giới là thiếu sót lớn. 

Thời vàng son xuất khẩu gạo trên 7,7 triệu tấn/năm đã qua rồi, nhu cầu thị trường gạo thế giới ngày nay không như thập niên trước. 

Mãi đến bây giờ thương hiệu gạo Việt vẫn chưa được định hình trên thị trường gạo thế giới trong khi sự canh tranh về chất lượng hạt gạo ngày càng khốc liệt với sự xuất hiện thêm nhiều quốc gia mới tham gia thị trường này.

Nhiều người đi nước ngoài về có kể lại, ở những nơi có gạo Việt Nam đều có nhiều mặt hàng gạo của nhiều nước, nhất là Thái Lan với bao bì in nhiều biểu tượng bắt mắt, dễ nhìn, nêu địa chỉ sản xuất cũng như có nhiều thứ tiếng để cạnh tranh. Những chuyện này doanh nghiệp xuất khẩu làm đâu có khó khăn gì.

 

Thứ tư, phải hình thành càng sớm càng tốt một nền nông nghiệp xanh, sạch và hữu cơ. Một định hướng phù hợp cho gạo xuất khẩu và phù hợp với việc bảo vệ môi trường (như thông tin trên Tuổi Trẻ ngày 16-2, trang 6, trong khi giá lúa rớt xuống thấp, lúa hữu cơ vẫn giữ được giá cao).

Gạo ngon cho thị trường nội địa, tại sao không?

Giá lúa bất ổn định có nguyên do doanh nghiệp chưa khai thác thị trường tiềm năng ở nội địa. Thời gian ăn đủ no, mặc đủ ấm đã qua. Giờ gạo thơm ngon, gạo sạch giá có đắt chút thị trường vẫn chấp nhận mua. 

Chúng ta có mấy sản phẩm gạo ngon được vang danh ở thị trường trong nước? Người mua muốn tìm loại gạo sạch, gạo ngon cũng bối rối không biết mua gạo nào, ở đâu! Đây là một thị trường lớn mà từ trước đến nay ít có doanh nghiệp tập trung đầu tư.

Đã đến lúc cần chú trọng quảng bá gạo Việt cho thị trường nội địa song song với thị trường xuất khẩu để ổn định có căn cơ và bền vững cho đầu ra lúa gạo. 

Vấn đề là phải đảm bảo chất lượng, uy tín và niềm tin về thương hiệu gạo Việt trong lòng người Việt. Trên con đường đi tìm đầu ra ổn định cho lúa gạo Việt, rất cần sự gắn kết chặt chẽ và đồng bộ trong chuỗi liên kết xuất khẩu và thị trường tiêu thụ trong nước. 

Phải có sự liên kết nông dân, nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp. Cho tới nay sự liên kết này còn rất lỏng lẻo. 

Chưa có chiến lược hỗ trợ quảng bá thương hiệu lúa gạo Việt, tái cơ cấu nông nghiệp như chọn lợi thế từng vùng, chọn giống, chọn mô hình, thay đổi tư duy sản xuất nông dân, chọn cách đầu tư, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp tạo dòng chảy vốn lớn vào nông nghiệp.

Địa phương cần mạnh dạn quy hoạch

Có một thực tế phải nhìn nhận là địa phương chưa mạnh dạn cơ cấu giống lúa, diện tích sản xuất trong từng mùa vụ.

Với quán tính sản xuất "thấy người ăn khoai vác mai đi đào", năm nay giống nào dễ bán sang năm đua nhau trồng, người nông dân vô tình phá vỡ quy hoạch về giống cũng như diện tích gieo trồng, tạo nên sản lượng lúa thừa "cục bộ".

Trường hợp một số hộ nông dân trồng giống lúa IR 50404 là điển hình. Đây là giống lúa được các nhà khoa học cũng như nhiều địa phương khuyến cáo không nên sản xuất từ lâu vì bất cập về giá cũng như dễ bị sâu bệnh tấn công.

Thêm vào đó doanh nghiệp không điều nghiên, tiên liệu thị trường tiêu thụ để có kế hoạch thu mua; cứ hợp đồng với nông dân càng nhiều diện tích càng tốt và người nông dân không ngại gieo trồng.

Đến lúc giá lúa giảm mạnh, để bảo toàn đồng vốn, họ sẵn sàng bỏ rơi nông dân.

Theo Báo Tuổi Trẻ

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Hiệu quả từ mô hình làng nghề kêt hợp làm du lịch tại Quảng Phú Cầu (Hà Nội)

DNTH: Xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) có truyền thống làm tăm hương,đang là điểm du lịch được nhiều du khách trong và ngoài nước tìm đến. Tham quan tại làng, du khách không chỉ có bộ ảnh check-in đẹp, mà còn được tìm...

Phú Yên gỡ vướng cho du lịch nông thôn phát triển

DNTH: Phú Yên - Du lịch nông thôn được kỳ vọng khởi sắc khi đề án thí điểm xây dựng các mô hình du lịch nông thôn và phát triển sản phẩm OCOP được ban hành.

Bình Thuận công bố 10 sản phẩm chế biến từ trái thanh long

DNTH: UBND tỉnh Bình Thuận vừa công nhận 30 sản phẩm, bộ sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Bình Thuận năm 2024 để tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Nam năm 2024. Trong đó có tới 10 sản...

Tân Yên: Nâng cao giá trị nông sản chủ lực của địa phương

DNTH: Từ một vùng quê nghèo nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Bắc Giang, trong những năm gần đây, huyện Tân Yên đã chuyển mình mạnh mẽ, phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, giúp nâng cao giá trị...

Xuất khẩu rau quả chế biến của Việt Nam thu về gần 1,1 tỷ USD

DNTH: Lũy kế 10 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông sản chế biến của Việt Nam đạt gần 1,1 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2023.

Đức Cơ tổ chức Hội chợ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng dân tộc thiểu số

DNTH: Trong 2 ngày (29 và 30/11), tại thị trấn Chư Ty, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) tổ chức Hội chợ giới thiệu và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn huyện...

XEM THÊM TIN