Bỏ lại những u mê
Người Chứt (có nhóm mang tên khác: người Sách, người Rục, người Arem, người Mã Liềng...) là những nhóm người sống chủ yếu trong hang đá, duy trì cuộc sống bằng săn bắt, hái lượm.
Để đến được với bà con, chúng tôi đã lên đường từ rất sớm, cố gắng giữ tâm thế ổn định nhất để men theo những cung đường ngoằn ngoèo hình chữ U uốn lượn. Bởi chỉ cần sơ sẩy một chút thôi là có thể gặp nguy hiểm rồi. Từ xa nhìn lại, bản làng người Chứt hiện lên bé nhỏ, lạc lõng nằm lọt thỏm giữa bốn bề rừng thẳm.
Ngược dòng thời gian, vào khoảng cuối thập niên 50 của thế kỷ trước, tại khu vực huyện Hương Khê xuất hiện một số người bập bẹ nói tiếng kinh. Những người này lúc ẩn lúc hiện tại các khu chợ trong vùng để đưa những sản vật mà họ đánh bắt, hái lượm được như chim, thú, măng rừng …để đổi lấy gạo, muối và các vật dụng sinh hoạt hàng ngày.
Nhóm người kỳ lạ này được cán bộ, bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh tìm thấy tại các hang núi phía tây của tỉnh Quảng Bình sau nhiều nỗ lực. Ở nơi núi sâu rừng thẳm tộc người dựng lán, lấy lá cây, vỏ cây kết lại làm cái che thân, sống hoang dại, sinh tồn chủ yếu bằng săn bắt, hái lượm. Thế nên mặc dù được sự quan tâm hết mực của Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh, nhưng như một thói quen không thể bỏ, được ít hôm ổn định sống ở bản Giàng (thuộc xã Hương Liên, huyện Hương Khê) bà con lại bỏ làng, bỏ bản trở về với tiếng gọi của rừng thiêng.
Để giúp bà con ổn định cuộc sống, sau nhiều lần thất bại trong việc đưa bà con về bản thì đến năm 1991, tỉnh Hà Tĩnh quyết định lập bản nhỏ dưới chân núi Ka Đay. Cũng từ đây, bà con được ở trong những căn nhà sàn được xây cất kiên cố bên dòng sông Ngàn Sâu, dưới chân núi Kà Ðay hùng vĩ. Ở đây bà con có nguồn nước sạch kéo về tận nơi, có ruộng để trồng lúa, có chuồng để thả lợn, chăn gà và đặc biệt bà con có cơ hội để học lấy con chữ xóa mù...
Bà Hồ Thị Sinh một trong những lão làng của bản trầm ngâm khi nhớ về những năm tháng sống trong hang đá. Bà Sinh chia sẻ, hồi đó khổ lắm! Tộc ta không có nhà ở, cơm ăn và quần áo mặc đầy đủ như bây giờ đâu. Cả bốn mùa, đàn ông đóng khố, đàn bà mặc váy kết từ lá hoặc vỏ cây rừng. Sống cầm cự bằng củ khoai, củ mài. Hôm nào bắt được con chuột, con dúi thì cái bụng mới êm. Hoàn toàn không biết chữ. Còn chuyện ốm đau thì nhờ thầy mo cúng con ma rừng. Nhưng người bệnh cũng chết vì con ma rừng bắt đi.
Trao đổi với phóng viên, Trung tá Nguyễn Văn Thiên - Tổ trưởng tổ cắm bản Rào Tre, Đồn Biên phòng Bản Giàng (Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh) chia sẻ: “Để bà con an cư được như bây giờ chúng tôi đã phải mất rất nhiều thời gian nếm mật nằm gai, ăn ở cùng họ mới thuyết phục được họ ra định cư. Mới đầu họ cứ ra bản được một thời gian ngắn lại bỏ trốn vào rừng, nhiều lần chúng tôi đã có ý định bỏ cuộc nhưng vì nghĩ đến những thế hệ giống nòi mai sau nếu vẫn trong tình trạng hôn nhân cận huyết, tộc người sẽ bước đến bờ vực suy vong nòi giống nên chúng tôi lại cố”.
Bản nhỏ trở mình hòa nhập
Suốt 3 thập niên trôi qua, đơn vị của Trung tá Nguyễn Đình Thiên, cán bộ tổ công tác được giao nhiệm vụ cắm bản Rào Tre (Đồn biên phòng Bản giàng thuộc Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh) được giao nhiệm vụ đồng hành cùng tộc người Chứt. Công việc đầy gian nan vất vả nhưng vượt lên tất cả là giá trị nhân văn, nhân bản sâu sắc, các chú bộ đội đồn Biên Phòng đã từng bước rút ngắn khoảng cách, xây dựng và củng cố niềm tin giúp bà con dần rời xa những hủ tục rợn người.
Với người Chứt, thầy mo rất quan trọng, thầy mo được cho là người sẽ xua đuổi được tà ma, chữa bệnh. Chuyện dựng vợ, gả chồng lại càng đơn giản, chỉ cần người con trai mang bó củi đến để trước nhà cô gái, đươc gia đình nhà gái lấy vào bếp đun thì người con trai được tự do đến ăn ở tại nhà gái mà không cần hôn ước gì khác. Chính điều này đã dẫn đến tình trạng hôn nhân cận huyết thống trong cộng đồng người Chứt. Điều này về lâu dài sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, ảnh hưởng sâu rộng đến việc duy trì nòi giống.
Chị Hồ Thị Kiên, nữ trưởng bản người Chứt ở Rào Tre cười nói: “Cuộc sống bà con đã thay đổi rất nhiều. Dân bản đã biết trồng sắn, trồng keo, trồng lúa nước, chăn nuôi gà, lợn… Rồi như không dấu nổi niềm vui, chị Kiên trải lòng, những tập tục, tập quán lạc hậu như hôn nhân cận huyết cũng đang từng bước được xóa bỏ”.
Nói về những đổi thay của bà con, Trung tá Nguyễn Văn Thiên - Tổ trưởng Tổ công tác bản Rào Tre, Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh cho biết: "khi được đưa về bản để sinh sống, người Chứt có tiếng nói riêng, nhưng không có chữ viết, trước đây 100% bà con đều mù chữ, đến nay sau nỗ lực của các cấp, các ngành, con em trong độ tuổi đều được đến trường.
Với trách nhiệm của người lính cắm bản, ngoài giúp đỡ bà con phát triển kinh tế, sinh đẻ có kế hoạch, rời xa những tập tục lạc hậu, chúng tôi còn đặc biệt quan tâm đến bảo tồn, khôi phục nét đẹp sinh hoạt văn hóa, các lễ hội, trang phục truyền thống của người Chứt, không để bị mai một”.