Eximbank đón bão trước kỳ đại hội

16:43 | 02/04/2019

DNTH: Kì đại hội lần này của Eximbank lại tiếp tục nóng lên vấn đề nhân sự cấp cao giữa các nhóm cổ đông lớn với nhau.

Eximbank đón bão trước kỳ đại hội - Ảnh 1.

Năm ngoái, Eximbank cũng phải trích lập bổ sung đến 390 tỉ đồng cho 2 vụ việc tiền gửi. (Ảnh: QH).

Kì đại hội lần này của Eximbank lại tiếp tục nóng lên vấn đề nhân sự cấp cao giữa các nhóm cổ đông lớn với nhau.

Lại thêm một diễn biến mới trong câu chuyện nhân sự cấp cao tại Eximbank, khi mới đây, Ngân hàng công bố Nghị quyết số 112/2019 về việc bổ nhiệm bà Lương Thị Cẩm Tú, thành viên Hội đồng Quản trị, giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Quản trị Eximbank nhiệm kỳ VI (2015-2020) thay cho ông Lê Minh Quốc, thành viên Hội đồng Quản trị độc lập trước đó.

Trước đó, bà Tú được bầu vào Hội đồng Quản trị vào dịp Đại hội cổ đông thường niên được tổ chức vào tháng 4/2018. Bà Tú được một nhóm cổ đông đề cử thành đại diện trong Hội đồng Quản trị. Năm ngoái, bản thân vị tân Chủ tịch Hội đồng Quản trị này cũng đã mua cổ phiếu Eximbank, với tỉ lệ sở hữu lên đến 1,12%.

Không chỉ thời điểm công bố khá nhạy cảm, chỉ 1 tháng trước Đại hội cổ đông thường niên, những chuyển động mới trong câu chuyện nhân sự cấp cao ở Eximbank còn gây chú ý vì cách đây 1 năm, Đại hội cổ đông cũng từng nóng lên với danh sách nhân sự mới được ứng cử vào Hội đồng Quản trị với 4 người, nhưng cuối cùng chỉ còn lại bà Tú. 

Bà Tú nguyên là Tổng Giám đốc Ngân hàng Nam Á. Đây cũng là ngân hàng mà nhiều năm trước được đồn đoán rằng sẽ tiến hành M&A với Eximbank.

Tuy nhiên, hành trình lên chiếc ghế cao nhất của Ngân hàng cũng không êm ả. Ngay khi vừa công bố Nghị quyết bổ nhiệm bà Tú, mới đây một bức thư tố cáo liền xuất hiện. Bức thư được cho là của ông Lê Minh Quốc, người vừa bị bãi nhiệm. Nội dung thư tố cáo cuộc họp bầu Chủ tịch Hội đồng Quản trị mới là sai quy định và không có giá trị pháp lí. Cụ thể, ngày 20/3 ông Quốc cho biết có văn bản yêu cầu không thực hiện cuộc họp vào ngày 22/3 do nhóm 5 thành viên Hội đồng Quản trị triệu tập, nhưng cuộc họp này vẫn diễn ra và bầu bà Tú làm chủ tịch.

Eximbank đón bão trước kỳ đại hội - Ảnh 2.

Ngay sau đó, Eximbank đã lên tiếng phản hồi, phủ nhận những cáo buộc về việc miễn nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản tị trái luật trong phiên họp ngày 22.3. Đại diện Eximbank khẳng định phiên họp bổ nhiệm bà Tú là đúng theo quy định của Luật Doanh nghiệp (điều 53) và theo điều lệ Eximbank (Điều 44).

Đáng chú ý, nội dung bức thư cũng nhắc đến một chi tiết là cổ đông chiến lược Nhật Sumitomo Mitsui Banking Corporation (đang nắm 15% cổ phần và có 2 đại diện trong Hội đồng Quản trị) đã có 1 thành viên đột ngột từ chức, dẫn đến những rắc rối trong việc tổ chức các phiên họp Hội đồng Quản trị. 

Tuy nhiên, Eximbank đã phản hồi rằng: “Số lượng thành viên Hội đồng Quản trị tham dự (tại phiên họp ngày 22/3 và các phiên họp trước đó) đều thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Trong đó, có sự đồng thuận của 2 thành viên Hội đồng Quản trị đại diện cho cổ đông Sumitomo Mitsui Banking Corporation - cổ đông chiến lược của Eximbank”.

Trên thực tế, đây cũng không phải là lần đầu tiên ngân hàng này vướng vào những tranh chấp trong Hội đồng Quản trị. Vị trí nhân sự cấp cao đã liên tục thay đổi trong vài năm qua, đồng thời xuất hiện tin đồn các nhóm cổ đông “bằng mặt nhưng không bằng lòng”, không có sự thống nhất với nhau trong vấn đề quản trị và điều hành.

Trước đó, ông Lê Minh Quốc được bổ nhiệm vào vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị Eximbank vào tháng 12/2015, là một phiên họp Đại hội cổ đông bất thường sau nhiều phiên họp trước đó không thành công. Ông Quốc trước đó là thành viên Hội đồng Quản trị độc lập, tức là người không nắm giữ cổ phiếu cũng như không đại diện cho tổ chức nào tại ngân hàng.

Vài năm gần đây, đại diện của cổ đông Sumitomo Mitsui Banking Corporation luôn góp mặt trong ban điều hành, đứng ra thảo luận các vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh của Ngân hàng. Nhóm này có 2 đại diện trong Hội đồng Quản trị, cũng phụ trách dự án chuyển đổi Ngân hàng Eximbank, giúp tinh gọn bộ máy quản lí, cải thiện hiệu quả quản trị và điều hành.

Một diễn biến đáng chú ý khác trong năm qua là cổ đông lớn còn lại Vietcombank hiện đã thoái vốn xuống dưới mức tỉ lệ 5% (vì quy định không sở hữu trên 5% cổ phần tổ chức tín dụng khác). Vì vậy, ngân hàng này không còn là cổ đông lớn, cũng như đã rút đại diện của mình ra khỏi Hội đồng Quản trị và ban kiểm soát vào giữa năm ngoái.

Eximbank đón bão trước kỳ đại hội - Ảnh 3.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu Eximbank lại giao dịch khá nhộn nhịp trong thời gian gần đây. Trên thực tế, thanh khoản và giá cổ phiếu EIB của Eximbank thường có những chuyển động đáng chú ý trước kỳ đại hội, tăng vọt lên vào thời điểm chốt danh sách tham dự đại hội cổ đông. Hiện giá EIB tăng lên mức 17.600 đồng/cổ phiếu trong phiên ngày 26.3, tăng đáng kể so với mức 14.000 đồng/cổ phiếu vào hồi đầu năm.

Trong vài năm gần đây, cổ đông Eximbank vẫn tiếp tục là người chịu thiệt thòi, vì Ngân hàng không chỉ đang phải xử lý những khoản nợ xấu hay lỗ lũy kế, mà còn liên quan đến quy trình vận hành và hoạt động.  2018 cũng là năm đỉnh điểm khi Ngân hàng vướng vào những vụ khách hàng mất tiền trong tài khoản tiền gửi, lên đến hàng trăm tỉ đồng.

Theo báo cáo tài chính quý IV hợp nhất của Eximbank, thu nhập lãi thuần trong năm ngoái của Ngân hàng tăng hơn 20%, nhưng kèm theo đó là chi phí hoạt động cũng tăng cao (gần 32%). Lí do là vì Ngân hàng tăng cường trích lập thêm dự phòng nợ xấu. Năm ngoái, Eximbank cũng phải trích lập bổ sung đến 390 tỉ đồng cho 2 vụ việc tiền gửi.

Với những chuyển động mới nhất, kì đại hội lần này dự kiến tiếp tục nóng vấn đề nhân sự cấp cao giữa các nhóm cổ đông lớn với nhau. Còn với các cổ đông nhỏ, có lẽ điều họ quan tâm bây giờ là bao giờ Eximbank mới thực sự ổn định trở lại?

Theo Nhịp Cầu Đầu Tư

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

The Sonata: Sống tận hưởng tại “tọa độ quốc tế” bên sông Hàn

DNTH: Là khu thấp tầng hiếm hoi kề sông Hàn, The Sonata thuộc quần thể Sun Symphony Residence với những tiện ích sống chuẩn “hội nhập” hứa hẹn quy tụ cộng đồng cư dân tinh hoa, tạo nên giá trị thương mại sôi động, nhịp sống phồn...

Đồng Nai: Vi phạm môi trường, Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam bị xử phạt 790 triệu đồng

DNTH: UBND tỉnh Đồng Nai đã quyết định xử phạt hành chính 790 triệu đồng đối với Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam do vi phạm trong lĩnh vực môi trường.

BCG Energy - 'quân bài' chiến lược trong phát triển bền vững của Bamboo Capital

Trước thách thức của biến đổi khí hậu, Bamboo Capital tiên phong đầu tư vào năng lượng tái tạo thông qua BCG Energy, với mục tiêu dẫn đầu xu hướng năng lượng sạch và góp phần vào tương lai bền vững của Việt Nam.

Chỉ số PMI chững lại do ảnh hưởng của hoạt động xuất khẩu

DNTH: Ngành sản xuất của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng trong tháng 11/2024, tuy nhiên các điều kiện kinh doanh tổng thể cải thiện ở mức độ thấp hơn so với tháng trước đó. Sản lượng và số đơn đặt hàng mới đã tăng chậm lại và...

PV GAS và PV Power ký hợp đồng mua bán chuyến tàu LNG đầu tiên cung cấp cho chạy thử các nhà máy điện

DNTH: Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) và Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power) vừa tổ chức lễ ký hợp đồng cung cấp LNG phục vụ việc chạy thử Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và Nhà máy điện Nhơn Trạch 4.

BSR tổ chức Hội nghị tập huấn cấp ủy năm 2024

DNTH: Đảng ủy Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã tổ chức Hội nghị tập huấn cấp ủy năm 2024 cho các cấp ủy trực thuộc.

XEM THÊM TIN