Gia Lai: Thương mại về bản, nông sản ra phố

10:17 | 25/05/2025

DNTH: Giai đoạn 2021–2025, chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh Gia Lai được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ và linh hoạt, góp phần nâng tầm nông sản bản địa và cải thiện sinh kế cho người dân.

Kết nối vùng miền bằng thương mại hiện đại

Thời gian qua, hoạt động xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh Gia Lai được tổ chức bài bản, có chiều sâu. Thông qua các hội chợ, hội nghị kết nối cung cầu, triển lãm sản phẩm OCOP và đặc sản địa phương, hàng hóa từ các huyện vùng sâu như Kbang, Đức Cơ, Krông Pa… đã vươn ra thị trường lớn trong và ngoài tỉnh.

Tỉnh Gia Lai đã chủ động xây dựng và tổ chức các chương trình đưa hàng Việt về miền núi, vùng sâu, vùng xa, kết hợp với các ngày hội du lịch, hội chợ biên giới, tuần lễ văn hóa – du lịch. Riêng Phiên chợ biên giới tại Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh thường niên thu hút hơn 60 gian hàng, không chỉ là nơi giới thiệu đặc sản Gia Lai mà còn là điểm giao thương với huyện Oyadav (tỉnh Ratanakiri, Campuchia).

Gia Lai: Thương mại về bản, nông sản ra phố 2
Phiên chợ biên giới tại Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, huyện Đức Cơ năm 2025. Ảnh: Minh Vỹ

Tổ chức 100 gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu nhân dịp Tuần Văn hóa Du lịch tỉnh Gia Lai. Hội chợ triển lãm thương mại tại thành phố Pleiku (quy mô 350 gian hàng); tại thị xã An Khê, các huyện Phú Thiện, Ayun Pa, Đức Cơ và Krông Pa (quy mô 100 gian hàng). Hội chợ triển lãm thương mại tổ chức tại Quảng trường Đại Đoàn Kết, với quy mô 350 gian hàng.

Gia Lai: Thương mại về bản, nông sản ra phố 3
Hội chợ triển lãm thương mại tổ chức tại Quảng trường Đại Đoàn Kết, TP. Pleiku. Ảnh: Minh Vỹ

Tổ chức lễ ra mắt tuyến phố thanh toán không tiền mặt tỉnh Gia Lai; tổ chức phiên Livestream bán hàng “nông sản Gia Lai” trên nền tảng Tiktok shop đã bán ra gần 800 đơn hàng, đạt mốc 149 nghìn lượt xem, trong vòng 4 giờ đồng hồ.

Ông Phạm Văn Binh – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai nhấn mạnh: “Mục tiêu của chúng tôi không chỉ là bán được nhiều hàng, mà là giúp người dân ở vùng sâu, vùng xa thay đổi tư duy sản xuất – tiêu dùng, từng bước tham gia vào chuỗi giá trị hiện đại. Khi sản phẩm nông nghiệp địa phương có thể tự tin bước ra thị trường bằng thương hiệu và chất lượng, thì đời sống người dân mới thực sự chuyển mình”.

Gia Lai: Thương mại về bản, nông sản ra phố 4
Ông Phạm Văn Binh – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai. Ảnh: Minh Vỹ

Đưa OCOP lên sàn, lan tỏa bản sắc vùng miền

Gia Lai hiện có 454 sản phẩm đạt chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên – con số ấn tượng đối với một tỉnh miền núi. Trong đó, 235 sản phẩm đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử như voso.vn, postmart.vn, shoppe.vn, tiki.vn, lazada.vn…, mở ra hướng đi mới cho tiêu thụ sản phẩm trong bối cảnh thương mại truyền thống đang dần chuyển dịch sang nền tảng số.

Các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được hỗ trợ xây dựng gian hàng số, tham gia tập huấn về ứng dụng AI trong marketing và bán hàng trực tuyến. Đây là bước chuyển quan trọng giúp nông dân không chỉ giỏi sản xuất mà còn biết kinh doanh, từng bước chủ động tiếp cận thị trường trong thời đại công nghệ số.

Gia Lai: Thương mại về bản, nông sản ra phố 5
Sở Công Thương Gia Lai tổ chức hội nghị tập huấn đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử. Ảnh: Minh Vỹ

“Chúng tôi xác định thương mại điện tử là con đường ngắn nhất để hàng hóa vùng sâu, vùng xa đến được với người tiêu dùng thành thị, đặc biệt là thế hệ trẻ. Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh để nâng cao kỹ năng số, xây dựng chuỗi cung ứng bền vững và minh bạch hơn”, ông Phạm Văn Binh chia sẻ thêm.

Gắn sản xuất với thị trường

Chương trình phát triển thương mại không thể tách rời sản xuất nông nghiệp. Gia Lai đã triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất – tiêu thụ sản phẩm, nhất là các mặt hàng chủ lực như cà phê, tiêu, chanh dây, mật ong… Các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp – hợp tác xã – hộ dân được nhân rộng, tạo ra chuỗi giá trị ổn định từ đầu vào đến đầu ra.

Các cơ sở sản xuất OCOP được hướng dẫn quy trình đăng ký, tiêu chuẩn hóa sản phẩm, quảng bá trên diện rộng. Nhiều hộ nông dân giờ đây không chỉ là người trồng trọt, chăn nuôi, mà còn trở thành nhà bán hàng, đối tác phân phối nhờ kết nối với chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh.

Không chỉ xúc tiến thương mại, Gia Lai còn đẩy mạnh quản lý và phát triển sở hữu trí tuệ gắn với sản phẩm địa phương. Đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đã hỗ trợ xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho 18 sản phẩm nông sản – trong đó có nhiều thương hiệu quen thuộc như Gạo Phú Thiện, Rau An Khê, Chôm chôm Ia Grai, Mật ong hoa cà phê Gia Lai, Cà phê Gia Lai, Phở khô Gia Lai, Chanh dây, Hồ tiêu Chư Sê…

Gia Lai: Thương mại về bản, nông sản ra phố 6
Sầu riêng, thế mạnh của huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai. Ảnh: Minh Vỹ

Bảo hộ thương hiệu không chỉ giúp sản phẩm được nhận diện rõ ràng mà còn là tấm “hộ chiếu” vững chắc khi vươn ra thị trường trong và ngoài nước. Đây chính là nền móng để thương mại miền núi phát triển bền vững, không chạy theo phong trào mà từng bước tạo dựng giá trị riêng biệt cho từng vùng đất.

Hướng đến mục tiêu phát triển bền vững

Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa tại Gia Lai không chỉ mang tính kinh tế mà còn hàm chứa khát vọng xóa bỏ khoảng cách vùng miền. Từ hội chợ nơi biên giới đến gian hàng số trên sàn thương mại điện tử, từ người nông dân đến doanh nghiệp trẻ, từ cây cà phê trĩu quả đến livestream thu hút hàng trăm ngàn lượt xem – tất cả cho thấy một Gia Lai đang chuyển mình, hội nhập nhưng không mất đi bản sắc.

Đến năm 2025, Gia Lai đặt mục tiêu tiếp tục mở rộng chuỗi cung ứng, tăng số lượng sản phẩm OCOP đạt chuẩn 4 – 5 sao, đồng thời đẩy mạnh hơn nữa số hóa thương mại tại các vùng khó khăn. Đó không chỉ là một chương trình phát triển thương mại – mà còn là một chiến lược “vượt núi” để nâng tầm nông sản địa phương và đời sống người dân nơi đại ngàn.

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Bơ Tây Nguyên được giá vì... mất mùa

DNTH: Mùa bơ năm nay tại Tây Nguyên đang chứng kiến nghịch lý “được giá nhưng mất mùa”. Trong khi giá bơ tăng cao hơn so với các năm trước thì sản lượng lại giảm do thời tiết và sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng của nông dân.

Dừa khô tại Tiền Giang tăng kỷ lục

DNTH: Trái dừa khô hiện được thương lai đến tận vườn mua với giá cao kỷ lục giúp người trồng phấn khởi, yên tâm đầu tư phân bón để chăm sóc vườn dừa.

Xuất khẩu cá tra tăng 23% so với cùng kỳ năm trước

DNTH: Tháng 3/2025, tổng sản lượng cá tra Việt Nam xuất khẩu sang tất cả các thị trường đạt gần 79.000 tấn, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ chế biến sâu mới thực sự phát huy hết giá trị nông sản

DNTH: Chưa bao giờ, bài toán chế biến sâu được đặt ra quyết liệt như giai đoạn này. Khi mà nông sản Việt Nam chỉ có thể tham gia vào dòng chảy chung nếu khẳng định được chuỗi giá trị

Công nghệ QR code – Bước tiến minh bạch hóa nguồn gốc nông sản Việt

DNTH: Nhân dịp hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), sáng 23/4, Cục Quản lý và Phát triển Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đã khai mạc Phòng trưng bày chuyên đề với...

Bài 3: Xây dựng bộ tiêu chuẩn nông sản nội địa: Cuộc cách mạng bắt đầu từ những điều cụ thể

DNTH: Trong hơn một thập kỷ qua, Việt Nam đã chứng kiến nhiều chiến dịch nâng cao chất lượng nông sản để phục vụ xuất khẩu. Từ GlobalGAP đến VietGAP, từ mã số vùng trồng đến tem truy xuất, các quy chuẩn quốc tế đang ngày càng...

XEM THÊM TIN