'Hội quán nông dân' do tân Bộ trưởng Lê Minh Hoan khởi xướng có gì đặc biệt?
14:04 | 08/04/2021
DNTH: Mô hình "Hội quán nông dân" do tân Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan ra đời được gần 5 năm, đã bước đầu phát huy hiệu quả khi nông dân đã dần thay đổi tư duy sản xuất, tạo ra những giá trị mới cho nông nghiệp.
Từ câu chuyện thay đổi của thị trường và mong muốn nông dân tập hợp lại, cùng sản xuất sạch theo chuỗi giá trị, quy mô lớn, ông Lê Minh Hoan, tân Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp đã khởi xướng thành lập mô hình “Hội quán nông dân” trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
Theo đó, bắt nguồn từ Canh Tân Hội quán - mô hình Hội quán đầu tiên được thành lập vào tháng 7/2016 tại xã An Nhơn, huyện Châu Thành, đến nay, toàn tỉnh Đồng Tháp đã có 109 hội quán với hàng nghìn thành viên tham gia.
Những hội quán được thành lập ở Đồng Tháp trong thời gian qua là hình thức liên kết tự nguyện của nông dân nhằm chia sẻ những kiến thức trong lĩnh vực nông nghiệp, văn hóa, xã hội... và hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh.
Đặc trưng của mô hình này là sự tự nguyện tham gia của người dân, không biên chế, không ngân sách, hoạt động đơn thuần là hướng đến sự thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con. Thời gian sinh hoạt của Hội quán rất linh hoạt, tùy theo điều kiện, các thành viên tự thỏa thuận, không ảnh hưởng đến việc sinh kế, mùa màng, ruộng vườn, chăm lo gia đình....
Hầu hết các hội quán được thành lập đều gắn ít nhất một mặt hàng nông sản đặc trưng của địa phương đó, cho nên hoạt động của từng hội quán đều mang tính đặc thù, là hạt nhân để phát triển chuỗi liên kết sản phẩm tiêu biểu trong sản xuất nông nghiệp, góp phần xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế tập thể.
Hội quán với doanh nghiệp và nông dân
Một số hội quán đã phối hợp với các ngành chức năng, doanh nghiệp, nhà khoa học triển khai mô hình nông nghiệp thông minh như: Máy cấy lúa kết hợp với vùi phân bón thông minh, chỉ bón một lần cho cả vụ; Sử dụng phương pháp điện toán đám mây trong việc theo dõi lượng nước tưới cho cây trồng (Công ty cổ phần Rynan AgriFoods); Những giải pháp sản xuất tiến bộ bền vững, nhằm làm tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành, hiệu quả trong tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu.
Đồng thời kết nối với doanh nghiệp trong tiêu thụ, gắn với thị trường, hướng tới sản xuất sạch (GAP), đảm bảo sản phẩm đủ tiêu chuẩn vào các siêu thị và xuất khẩu; từ đó mô hình được nhân rộng với quy mô lớn, mang lại hiệu quả.
Qua hoạt động hội quán đã xuất hiện nhiều cách làm sáng tạo mang lại hiệu quả kinh tế cao, điển hình như mô hình: “Cây xoài nhà tôi” ở xã Mỹ Xương, TP.Cao Lãnh; “Cây cam vườn tôi” của xã Tân Thuận Đông, TP. Cao Lãnh.
Hội quán cũng là kênh liên kết giữa người nông dân với doanh nghiệp thu mua nông sản. Bước đầu các Hội quán đã ký kết với các công ty trong việc tiêu thụ sản phẩm, thông qua việc ký kết đã nâng cao ý thức cho người dân trong sản xuất phải bảo đảm các yêu cầu, tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm.
Hiện tại, đã có rất nhiều thành viên tham gia mô hình sản xuất theo yêu cầu của đối tác tiêu thụ. Ngoài ra, mô hình trở thành nền tảng hình thành và phát triển các hợp tác xã mới, đến nay, đã có 6 hợp tác xã nông sản an toàn được thành lập trên cơ sở các Hội quán nông dân, qua đây mở ra hướng đi mới, phù hợp định hướng tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới của tỉnh Đồng Tháp.
Điển hình như Hội quán Chanh huyện Cao Lãnh đã ký kết với Công ty VinEco trong việc tiêu thụ sản phẩm và được bán vào hệ thống siêu thị Vincom; Hội quán Thành Tâm, huyện Lai Vung ký kết hợp đồng cung cấp quýt đường và cam xoàn cho Công ty VinEco và đã hợp đồng bao tiêu sản phẩm, thu nhập của các nhà vườn tăng từ 15% đến 25%; Đồng Tâm Hội quán phối hợp với Viện cây ăn quả triển khai 42 ha sản xuất xoài đủ điều kiện xuất khẩu sang ba nước là Mỹ, Malaysia, Trung Quốc…
Với việc ra đời của các mô hình Hội quán ở Đồng Tháp đã phát huy tính tự quản cộng đồng trong hoạt động của Hội quán, theo đó, ngoài chuyện sản xuất và làm ăn, còn là nơi bàn chuyện đời sống, giải quyết các vấn đề chung của xã hội, làm đường, xây cầu, nhà ở, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự...
Từ đó thay đổi dần quan điểm, cách sống người dân trong giải quyết vấn đề cộng đồng, từng bước xác định “chuyện chung của xã hội là chuyện chung của từng người, từng gia đình, mọi người đều có trách nhiệm tham gia thực hiện”, từ đó huy động nguồn lực xã hội để xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Mô hình Hội quán cũng góp phần thay đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, thị trường, hàng hóa, lấy chất lượng là tiên phong, qua đây người dân hiểu được họ đang cần gì và sẽ làm những gì, không còn tư tưởng trông chờ cấp ủy, chính quyền nghĩ thay và ấn định.
Từng thành viên biết tận dụng, chia sẻ cùng phát triển, tạo ra một thương hiệu, thích ứng với thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao; thông qua sinh hoạt Hội quán giữa các thành viên đã có niềm tin và tất cả vì lợi ích chung.
Đồng thời, mô hình Hội quán cũng đã phát huy tính chủ động, sáng tạo, cách làm hay trong sản xuất, trong đời sống ở cơ sở. Qua đây tạo thuận lợi cho công tác phối hợp để tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, rút ngắn khoảng cách người dân và nhà nước. Các Hội quán đã phối hợp với các đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương lồng ghép tuyên truyền, thông tin các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đặc biệt Chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp.
"Người đỡ đầu" của hội quán
Người được nông dân nhắc đến bằng cái tên đầy cảm tình "người đỡ đầu" cho hội quán chính là tân Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan. Ông cho rằng giúp nông dân ngồi cùng nhau trên tinh thần hợp tác, vì lợi ích cộng đồng trong bối cảnh hiện nay là cực kỳ bức thiết.
"Tinh thần "bán anh em xa, mua láng giềng gần" bị cản trở bởi nếp nghĩ "đèn nhà ai nấy rạng, ruộng nhà ai nấy làm". Dường như tất cả chung quy lại do cách nghĩ chia phần chiếc bánh, người khác mà ăn thì mình phải nhịn sao. Chưa kể là sĩ diện, là "chiếu trên, chiếu dưới", nhưng cách xử lý xung đột không thể chỉ dựa vào cái lý khô khan vì một trăm cái lý không bằng một tí cái tình", ông Lê Minh Hoan từng chia sẻ.
Ngoài ra, theo ông Lê Minh Hoan, thị trường cũng là "chiến trường", người ta đang cạnh tranh nhau bằng tri thức mới, bằng công nghệ mới, bằng phương thức mới.
"Người ta thành công không còn theo lối nghĩ "lấy cần cù bù thông minh" nữa. Nước tới chân rồi, cần đến tinh thần cộng đồng, trước hết là tinh thần hợp tác với nhau. Hợp tác tạo ra nguồn lực nhiều hơn", Bộ trưởng Lê Minh Hoan đúc kết.
Mỗi hội quán có thể là tập hợp những người với nghề nghiệp khác nhau, nhiều ít khác nhau, nhưng tất cả đều dựa trên tinh thần cộng đồng và vì cộng đồng.
Theo tân Bộ trưởng Lê Minh Hoan, tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới có quan hệ chặt chẽ với nhau thông qua hoạt động Hội quán. Vì có xây dựng nông thôn mới tốt, tình làng, nghĩa xóm, an ninh trật tự mới tốt, đảm bảo người dân an tâm sản xuất; sản xuất tốt theo định hướng đề án tái cơ cấu nông nghiệp thì người dân có điều kiện hơn để đóng góp xây dựng nông thôn mới. Hầu hết các Hội quán tập hợp những nông dân cùng sản xuất chung một ngành nghề như làm lúa sạch, trái cây, làm bột, hoa kiểng, nhãn, cam, quýt, xoài…
Các hội viên tham gia sinh hoạt, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất hay, cách làm giỏi; kết nối các nhà khoa học, nhà chuyên môn về nông nghiệp đến trao đổi với nông dân về những kỹ thuật sản xuất mới, phương pháp giảm giá thành, tăng năng suất, chất lượng; liên kết với các doanh nghiệp trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nông dân.
Có thể nói, với 109 hội quán của tỉnh dù mỗi nơi có cách tổ chức cũng như tìm ra những giá trị khác nhau. Song thực tiễn bước đầu hoạt động của các hội quán cho thấy, một mô hình liên kết tự nguyện, không biên chế, không ngân sách đã bắt đầu có hiệu quả.
Mô hình hội quán kích hoạt được sự năng động trong các giai tầng, đã nối kết được người với người, khơi dậy niềm tin từ trong hệ thống lan tỏa ra ngoài xã hội. Từ mô hình Hội quán sẽ góp phần phát triển chương trình “OCOP - Mỗi xã một sản phẩm” nhằm chắp cánh cho tài nguyên bản địa và giá trị cộng đồng, tạo ra giá trị gia tăng cao hơn cho nông sản Đồng Tháp.
Cùng với đó, là thí điểm hình thành “Làng thông minh” trên nền tảng Hội quán, giúp cho người nông dân có tầm nhìn đến tương lai và vượt ra khỏi không gian làng xã để kết nối ra bên ngoài dựa trên sự hỗ trợ của công nghệ thông tin và phát triển bền vững.
Ông Lê Minh Hoan sinh năm 1961 tại xã Hòa An, TP.Cao Lãnh, Đồng Tháp. Ông là Đại biểu quốc hội khóa XI, XIII VÀ XIV thuộc đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp.
Ông Hoan đã từng đảm nhận các chức vụ: Phó Giám đốc Sở Xây dựng, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Tháp; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp; Bí thư Thành ủy TP.Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.
Ngày 28/4/2014 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp họp bất thường, bầu ông Lê Minh Hoan - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - giữ chức Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010-2015, thay thế người tiền nhiệm là ông Lê Vĩnh Tân được Bộ Chính trị điều động giữ chức Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.
Tháng 10/2015 tại Đại hội Đảng bộ Đồng Tháp lần thứ X nhiệm kỳ 2015-2020 ông tái đắc cử bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp. Tháng 1/2016 tại Đại hội XII của Đảng, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII.
Ngày 21/9/2020, Thủ tướng đã có quyết định 1433/QĐ-TTg điều động, bổ nhiệm ông Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Đồng Tháp giữ chức Thứ trưởng Bộ NN&PTNT.
Ngày 30/1/2021, tại Đại hội XIII của Đảng, ông Lê Minh Hoan tái đắc cử vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Ngày 8/4/2021, Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm ông Lê Minh Hoan giữ chức vụ Bộ trưởng NN&PTNT.
Tân Yên: Nâng cao giá trị nông sản chủ lực của địa phương
DNTH: Từ một vùng quê nghèo nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Bắc Giang, trong những năm gần đây, huyện Tân Yên đã chuyển mình mạnh mẽ, phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, giúp nâng cao giá trị...
Xuất khẩu rau quả chế biến của Việt Nam thu về gần 1,1 tỷ USD
DNTH: Lũy kế 10 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông sản chế biến của Việt Nam đạt gần 1,1 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2023.
Đức Cơ tổ chức Hội chợ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng dân tộc thiểu số
DNTH: Trong 2 ngày (29 và 30/11), tại thị trấn Chư Ty, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) tổ chức Hội chợ giới thiệu và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn huyện...
Xuất khẩu sầu riêng lao dốc
DNTH: Tháng 10/2024, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của nước ta giảm 68,4% so với tháng 9 và gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hoàng Anh Gia Lai: Tăng cường niềm tin thông qua trải nghiệm thực tế
DNTH: Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL; mã chứng khoán HAG) vừa công bố hoạt động dành cho cổ đông với mục tiêu củng cố niềm tin và tăng cường sự gắn kết.
Tân Yên quyết tâm là huyện đầu tiên về đích nông thôn mới nâng cao của tỉnh
DNTH: Xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, cả hệ thống chính trị cùng Nhân dân huyện Tân Yên đã và đang không ngừng nỗ lực, phấn đấu để được công nhận là huyện nông thôn mới nâng cao đầu tiên của tỉnh...
Đọc nhiều
Đô thị cuộc sống
-
Hà Nội: Nắm bắt kịp thời tình hình tiền lương, thưởng dịp Tết
-
Vẻ đẹp của đồng muối Sa Huỳnh
-
Sẽ chất vấn về ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông tại Hà Nội
-
Bắc Giang phấn đấu hoàn thành mức cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024
-
Công an TP Hà Nội: truy quét tội phạm, đảm bảo trật tự Tết 2025
-
Đề xuất phát hành 100.000 tỷ đồng trái phiếu để cho vay mua nhà ở xã hội
Sống khỏe
-
Hành trình “vượt biển tìm con” của các gia đình hiếm muộn nơi hải đảo
-
Hismart đồng hành cùng những trái tim kiên cường miền Trung
-
Nhiều chính sách đãi ngộ, thu hút và đào tạo bác sĩ tại Gia Lai
-
Công bố kết quả Hành trình Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác
-
Tháng mười yêu thương cùng Starmed và Dr.Wet chăm sóc sức khỏe phụ nữ
Thị trường
-
Ô tô cũ ế ẩm, giới buôn “có lời là bán”
-
"Lướt sóng" bất động sản thời điểm này 90% là thất bại
-
Ninh Thuận bứt phá ngoạn mục, trở thành “mỏ vàng” trong mắt nhà đầu tư
-
Bất động sản Việt Nam vẫn hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài
-
M&A bất động sản phía Nam nhộn nhịp trong mùa dịch
-
Ô tô giảm giá “chạy” tháng ngâu
Ý kiến bạn đọc...