HoREA: Nhiều doanh nghiệp bất động sản phải 'vay nóng' để trả lương, lãi ngân hàng

16:22 | 25/08/2021

DNTH: HoREA chỉ ra thực tế nhiều doanh nghiệp phải chạy đôn chạy đáo vay mượn, thậm chí phải “vay nóng” để trả lương, duy trì hoạt động tối thiểu, trả lãi ngân hàng, nhất là các khoản vay tín dụng đến hạn do sợ bị xếp loại “nợ xấu, nhóm nợ xấu hơn”.

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch Covid - 19”.

HoREA cho hay đại dịch Covid - 19 đã tạo ra cơn đại khủng hoảng trên phạm vi toàn cầu và tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế nước ta, từng doanh nghiệp, từng hộ gia đình và từng người dân.

“Sau hơn một năm rưỡi đồng hành với nhà nước trong phòng, chống đại dịch Covid - 19 và nỗ lực chống chịu để tự cứu mình, cho đến nay có thể nhận thấy rõ là hầu hết các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản đã dần kiệt sức, thậm chí có một số doanh nghiệp lâm vào cảnh sức cùng lực kiệt, nguồn lực bị bào mòn, có nguy cơ bị phá sản, nếu không được nhà nước hỗ trợ kịp thời thêm”, Hiệp hội nhấn mạnh.

HoREA cũng cho rằng lĩnh vực bất động sản đóng góp khoảng 7 - 8% GDP cả nước và có liên quan đến hơn 35 ngành nghề khác nhau, tạo công ăn việc làm cho hàng triệu người lao động. Do vậy, nhà nước cần có cơ chế chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản vượt qua cơn bão đại dịch Covid - 19 lần này, để tiếp tục đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở cho các tầng lớp.

Theo Hiệp hội, hiện nay, nhiều khó khăn đang bủa vây hầu hết các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp bất động sản khi phải thực hiện giãn cách xã hội qua 4 đợt bùng phát dịch bệnh, kể từ đầu năm 2020 cho đến nay và dịch Covid - 19 còn đang diễn biến phức tạp, khó lường.

Cái khó đầu tiên, theo HoREA là “ách tắc, vướng mắc” do một số quy định pháp luật “bất cập” và quy trình thủ tục hành chính chồng chéo đối với các dự án nhà ở thương mại.

“Thiếu dòng tiền mới là cái khó trực tiếp lớn nhất và đáng quan ngại nhất, vì tương tự như cơ thể bị “thiếu ô-xy”, việc “thiếu ô-xy dòng tiền” có thể làm cho doanh nghiệp bị “ngộp thở” ngay lập tức, do không còn tiền để trả lãi vay, trả nợ, không còn tiền để duy trì bộ máy và hỗ trợ, giữ chân người lao động,... các dự án không thể triển khai đúng tiến độ, phải dừng công trình xây dựng, thiếu sản phẩm trong lúc thị trường bị “đứng hình”, giao dịch bị sụt giảm mạnh, không bán được sản phẩm, doanh số bán hàng bị “rơi thẳng đứng”, không thể huy động được vốn như trước đây”, HoREA nêu.

Cũng theo hiệp hội này, cái khó “thiếu dòng tiền” có liên quan trực tiếp đến “cái khó về tín dụng” vì trong lúc này, lãi suất vay ngân hàng chưa giảm như kỳ vọng và doanh nghiệp vẫn phải trả lãi ngân hàng “đều đặn” hàng tháng.

HoREA cũng chỉ ra thực tế nhiều doanh nghiệp phải chạy đôn chạy đáo vay mượn, thậm chí phải “vay nóng” để trả lương, duy trì hoạt động tối thiểu, trả lãi ngân hàng, nhất là các khoản vay tín dụng đến hạn so dợ bị xếp loại “nợ xấu, nhóm nợ xấu hơn”.

“'Kẹt tiền, kẹt vốn, bị mất thanh khoản' là rủi ro và là nguy cơ lớn nhất của mọi doanh nghiệp phải đương đầu, mặc dù có thể vẫn còn tài sản nhưng do chưa bán được dẫn đến “thiếu dòng tiền”, nên doanh nghiệp có thể bị “chết trên đống tài sản” của chính mình”, HoREA cho hay.

Hiệp hội ghi nhận trong gần hai năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo quyết liệt các ngân hàng thương mại thực hiện các giải pháp hỗ trợ khá hiệu quả cho doanh nghiệp. Các ngân hàng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi suất cho vay cho khoảng gần 800.000 khách hàng, bao gồm các doanh nghiệp, hộ gia đình với dư nợ gần 2 triệu tỷ đồng. Trong đó, đã giảm lãi vay trực tiếp, gián tiếp cho những khoản vay cũ hay khoản vay mới cho doanh nghiệp khoảng 18.830 tỷ đồng.

Tuy nhiên, HoREA cho rằng hầu như các doanh nghiệp bất động sản chưa được các ngân hàng xem xét hỗ trợ thỏa đáng vì vẫn bị coi là lĩnh vực kinh doanh tiềm ẩn rủi ro.

Do vậy, HoREA kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được chủ động xem xét quyết định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ của khách hàng (doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp bất động sản, hộ gia đình, cá nhân) và được áp dụng đối với số dư nợ phát sinh trong khoảng thời gian từ 23/01/2020 đến ngày 30/06/2022 (do Thông tư 03/2021/TT-NHNN chỉ quy định kéo dài đến 31/12/2021), nhất là việc xem xét cho khách hàng được vay vốn mới.

Theo Hiệp hội, việc này sẽ hỗ trợ thiết thực hơn cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid -19, giúp giảm chi phí vốn vay, giảm chi phí đầu vào, được tiếp cận các khoản vay mới, để có thêm thời gian dần phục hồi sản xuất, kinh doanh trong điều kiện bình thường mới.

Trên cơ sở lãi suất tiền gửi bình quân hiện nay, HoREA cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước khuyến nghị các ngân hàng thương mại xem xét giảm lãi cho vay khoảng 2%/năm cho các khách hàng là hợp lý hợp tình, đảm bảo hài hoà lợi ích của các bên.

Copy Link

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Giá trị thương mại vượt trội từ mặt tiền 8m của dòng Thương phố Đại Lộ 120m²

DNTH: Thương phố Đại Lộ 120m² tại Vinhomes Wonder City thu hút nhà đầu tư nhờ mặt tiền 8m, gấp đôi nhà phố thông thường, tối ưu khai thác thương mại dài hạn. Đặc biệt, khách hàng giao dịch thời điểm này sẽ được “nhân đôi...

Nhà sáng lập Ecopark ra mắt Đảo Châu Âu - Biểu tượng Wellness Island đầu tiên tại Nghệ An

DNTH: Đảo Châu Âu, Eco Central Park lựa chọn mặt nước làm ngôn ngữ thiết kế chủ đạo với những điểm đặc biệt: Mật độ xây dựng 14% - thấp nhất toàn dự án; mỗi m2 xây dựng tương ứng 2m2 mặt nước; mật độ cây xanh mặt nước,...

Vinhomes Green City: Nhà phố chỉ từ 4,79 tỷ đồng, “gây sốt” nhờ combo chính sách chưa từng có

DNTH: Tại Vinhomes Green City, đại đô thị all-in-one đầu tiên tại Tây Bắc TP.HCM, lần đầu tiên, giá thấp tầng Vinhomes được đưa về mức “tốt nhất lịch sử” - chỉ từ 4,79 tỷ đồng, rẻ hơn nhiều so với căn hộ cao tầng tại trung...

Bắc Giang: Hạ tầng giao thông “mở khóa” thị trường địa ốc

DNTH: Trong những năm gần đây, Bắc Giang đã vươn mình mạnh mẽ trên bản đồ kinh tế miền Bắc. Động lực chính đến từ sự bứt phá của hạ tầng giao thông, từ các tuyến vành đai huyết mạch đến những dự án cao tốc hiện đại,...

Năm 2025 khó hoàn thành chỉ tiêu nhà ở xã hội

DNTH: Quyết định số 444/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ giao chỉ tiêu hoàn thành nhà ở xã hội trong năm 2025 và các năm tiếp theo đến năm 2030 để các địa phương bổ sung vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội; năm 2025, cả nước...

PDR có hơn 500 ha đất tại TP.HCM sau sáp nhập

DNTH: “Chưa có lúc nào quỹ đất của Phát Đạt nhiều như thời gian này” – đó là chia sẻ đáng chú ý của ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR) trong buổi gặp gỡ với các đại...

XEM THÊM TIN