Theo đó, diện mạo của ngành nông nghiệp đã có nhiều đổi thay, trong đó có sự đóng góp rất lớn của ngành ngân hàng. Bên cạnh các chính sách an sinh xã hội (ASXH), ngành ngân hàng luôn triển khai các chính sách tín dụng, hỗ trợ NNNT, nông dân, tín dụng cho người nghèo, hộ nghèo, cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số… là nhiệm vụ hàng đầu trong công tác xóa đói giảm nghèo bền vững.
Hệ thống NHCSXH là một trong những kênh chủ lực phục vụ hỗ trợ cho người nghèo vay vốn để phát triển sản xuất và thoát nghèo bền vững
Đổi thay từ chính sách
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của ngành ngân hàng trong giai đoạn 2011 - 2020 là vào 3 mục tiêu, trong đó ưu tiên hàng đầu chính là nguồn vốn tín dụng cho sản xuất, phục vụ phát triển NNNT, nông dân.
Trong tổng số dư nợ tín dụng của cả nước hiện nay khoảng 6,8 triệu tỷ đồng, thì dư nợ đối với lĩnh vực NNNT chiếm 1,65 tỷ đồng. Trong đó, riêng tín dụng trực tiếp cho những hộ nghèo hiện nay khoảng 285 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng ¼ tín dụng cho NNNT. Đặc biệt, ngành ngân hàng cũng đã xây dựng, triển khai những cơ chế chính sách thuận lợi nhất để đảm bảo người nghèo tiếp cận nguồn vốn một cách nhanh nhất, dễ dàng nhất, từ điều kiện, thủ tục đến thời hạn vay vốn cũng như lãi suất…
Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã ban hành nhiều giải pháp khuyến khích các tổ chức tín dụng (TCTD) mở rộng tín dụng thương mại phát triển mạng lưới ở khu vực NNNT, giảm tỷ lệ dư nợ bắt buộc cho các TCTD có tỷ trọng dư nợ tín dụng NNNT lớn (trên 40%) đã hỗ trợ các TCTD ngày càng mở thị phần về khu vực NNNT. Đây sẽ là nguồn lực cộng hưởng giúp người nghèo tăng quy mô sản xuất, rút ngắn thời gian thoát nghèo, phát triển kinh tế bền vững.
Thời gian qua, không chỉ được tháo gỡ khó khăn về vốn cho bà con nông dân trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản, khi phát sinh khó khăn do thiên tai, bão lũ… NHNN đã ban hành kịp thời các chính sách hỗ trợ cho vay, khoanh nợ, xóa nợ, giãn nợ, hạ lãi suất, kéo dài thời gian để người nghèo ổn định cuộc sống. Các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, hộ muốn thoát nghèo đều là đối tượng được quan tâm và ưu đãi nhiều nhất trong quan hệ tín dụng hiện nay.
Ngoài ra, NHNN cũng đã tham mưu Chính phủ các cơ chế huy động cả hệ thống chính trị từ nhân lực đến vật lực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo. Cùng với đó là việc xây dựng chuỗi các sản phẩm tín dụng để phục vụ người nghèo theo tiến trình phát triển của họ, hỗ trợ người dân không chỉ giảm nghèo mà còn thoát nghèo bền vững tại NHCSXH. Hiện nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đưa đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước; trong đó, tập trung ưu tiên cho vay các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới…
Có thể nói, hệ thống NHCSXH là một trong những kênh chủ lực phục vụ hỗ trợ cho người nghèo vay vốn. Đây là mô hình tín dụng đặc thù của Việt Nam khác với các nước trên thế giới. Mô hình tín dụng đối với người nghèo này được đánh giá là một thành công lớn của Việt Nam trong công cuộc xóa đói giảm nghèo.
Mô hình ngân hàng này là hiệu quả, trước hết là trên cơ sở nỗ lực của NHCSXH khi tổ chức triển khai chính sách xuống tận bản làng, tận người dân. Ngoài cơ chế chính sách ưu đãi về lãi suất, điều kiện vay vốn, có lẽ một điều đặc biệt nhất đó là sự chăm sóc đối với người nghèo đến từng gia đình. Cán bộ tín dụng của ngân hàng đến trực tiếp gia đình hộ nghèo để cho vay, thu nợ, giải ngân, để hướng dẫn sử dụng vốn hiệu quả hơn.
Không để người nghèo bị bỏ lại
Nhờ những chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước và Chính phủ mà nhiều hộ nông dân nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã dần thoát nghèo và vươn lên |
Bện cạnh ban hành cơ chế, chính sách tín dụng hỗ trợ người nghèo, tín dụng phát triển NNNT, ngành ngân hàng luôn chủ động, tích cực triển khai công tác ASXH, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo của các địa phương theo đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước và Chính phủ.
Chính vì vậy, mục tiêu hướng tới của ngành ngân hàng trong công tác ASXH trước hết là ý thức cộng đồng, trách nhiệm với người nghèo, đồng thời hiện thực hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước và Chính phủ là sẽ “không để một ai bị bỏ lại phía sau”. Chính vì thế, những năm qua bằng trách nhiệm cộng đồng, ý thức với người nghèo với truyền thống “lá lành đùm lá rách”, hàng năm ngành ngân hàng đã dành một khoản kinh phí đóng góp cho hoạt động ASXH. Khoản kinh phí này trước hết từ chính nguồn đóng góp của cán bộ, nhân viên bằng lương của mình; từ quỹ phúc lợi của TCTD, ngân hàng thương mại tạo ra nguồn chi phí hợp lý được phép sử dụng cho mục đích ASXH.
Trong năm 2018, hưởng ứng sự vận động của NHNN, với tấm lòng tương thân, tương ái, toàn thể cán bộ ngành ngân hàng đã dành được 1.247 tỷ đồng triển khai các hoạt động ASXH trên toàn quốc. Trong đó, đã triển khai 960 tỷ đồng vào một số chương trình lớn như: xóa nhà tạm, nhà dột nát vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; hỗ trợ các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn xây dựng hơn 1.600 căn nhà ở; xây dựng trường học, trạm y tế, nâng cao điều kiện học tập, khám chữa bệnh cho người dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn (79 công trình giáo dục, 26 trạm y tế, xe cứu thương...).
Xây dựng đường, cầu dân sinh cho vùng khó khăn hoặc chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ; hỗ trợ nhu yếu phẩm, đồ dùng cấp thiết, giúp người dân vùng lũ sớm ổn định cuộc sống. Hỗ trợ trẻ em nghèo, khuyết tật, trẻ em vùng sâu, vùng xa thông qua các chương trình tặng học bổng, tặng quà Tết, chăn, quần áo ấm...; hoạt động đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, chăm lo thương bệnh binh, gia đình chính sách...
Ý kiến bạn đọc...