Khuyến khích áp dụng sớm hoá đơn điện tử

15:25 | 02/11/2020

DNTH: Nghị định 123/2020/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành đã quy định cụ thể việc quản lý, sử dụng hóa đơn khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, cũng như xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc quản lý và sử dụng hóa đơn, chứng từ. Nghị định đã tạo cơ sở quản lý thống nhất cho việc sử dụng hoá đơn, chứng từ, nhất là đối với hoá đơn, chứng từ điện tử, nhằm tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế.

Từ 1/7/2022 bắt buộc áp dụng hoá đơn điện tử trên toàn quốc

Theo thống kê của cơ quan thuế, việc sử dụng hóa đơn hiện nay khá đa dạng, trong đó chủ yếu là do DN đặt in. Kể cả khi số lượng DN sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT) ngày càng tăng, thì vẫn còn một số đơn vị sử dụng hóa đơn do cơ quan thuế đặt in. Cùng với đó, việc áp dụng HĐĐT do DN phát hành (không có mã xác thực của cơ quan thuế) và thí điểm áp dụng HĐĐT do DN phát hành nhưng có mã xác thực của cơ quan thuế vẫn đang được khuyến khích thực hiện. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu của Luật Quản lý thuế số 38, cần phải mở rộng phạm vi áp dụng và cải tiến quy trình quản lý biên lai, chứng từ theo phương thức điện tử cho phù hợp. Do đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 123/2020/NĐ-CP (Nghị định 123) quy định về hoá đơn, chứng từ trên cơ sở kế thừa nội dung HĐĐT tại Nghị định 51/2010/NĐ-CP, Nghị định 04/2014/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 51; Nghị định 119/2018/NĐ-CP và Thông tư số 68/2019/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định 119.

Nghị định 123 có 6 chương, 61 điều, trong đó, một số nội dung đáng chú ý. Cụ thể, tại Khoản 3 Điều 59 quy định: “Bãi bỏ khoản 2 và khoản 4 Điều 35 Nghị định số 119/2018/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 12/9/2018 quy định về hóa đơn chứng từ điện tử kể từ ngày 1/11/2020”. Điều này đồng nghĩa với việc lùi thời hạn bắt buộc các DN, cơ quan, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh phải sử dụng HĐĐT đến ngày 1/7/2022 (trước đây là 1/11/2020). Đồng thời, Nghị định 51/2010/NĐ-CP, Nghị định 04/2014/NĐ-CP và Nghị định 119/2018/NĐ-CP tiếp tục có hiệu lực đến ngày 30/6/2022. Tuy nhiên, Nghị định 123 khuyến khích các tổ chức, cá nhân có điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin áp dụng HĐĐT trước ngày 1/7/2022. Cùng với đó, Nghị định 123 còn quy định tổ chức, cá nhân đã thông báo phát hành hóa đơn đặt in, tự in, HĐĐT không có mã của cơ quan thuế, hoặc đã đăng ký áp dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế, đã mua hóa đơn của cơ quan thuế trước ngày nghị định ban hành (19/10/2020), thì được tiếp tục sử dụng đến 30/6/2022. Trường hợp từ ngày 19/10/2020 đến ngày 30/6/2022, nếu cơ quan thuế có thông báo chuyển đổi để áp dụng HĐĐT, nhưng cơ sở kinh doanh chưa đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin và muốn tiếp tục sử dụng hóa đơn theo các hình thức cũ, thì gửi dữ liệu hóa đơn đến cơ quan thuế. 

Quy định rõ những hành vi bị cấm

Ngoài quy định mới về thời điểm đối với HĐĐT, so với Nghị định 119/2018/NĐ-CP, Nghị định 123 còn có một số thay đổi cơ bản khác. Theo đó, bên cạnh các đối tượng áp dụng HĐĐT được quy định tại Nghị định 119, Nghị định 123 đã mở rộng thêm 2 đối tượng gồm, tổ chức thu thuế, phí, lệ phí và tổ chức in hóa đơn, biên lai, cung cấp phần mềm in biên lai. Cùng với đó, nghị định bổ sung 2 loại hóa đơn bên cạnh 3 loại hóa đơn đã được quy định tại Nghị định 119 là HĐĐT bán tài sản công và hóa đơn điện tử bán hàng dự trữ quốc gia. Tại Nghị định 123, các thời điểm lập hóa đơn cũng được quy định chi tiết hơn so với Nghị định 119, như thời điểm lập hóa đơn trong cung cấp dịch vụ số lượng lớn, phát sinh thường xuyên, cần có thời gian đối soát số liệu giữa các DN; chi tiết thời điểm đối với các trường hợp về bất động sản, xây dựng cơ sở hạ tầng, bán điện của các công ty sản xuất, cung cấp dịch vụ vận tải hàng không, bảo hiểm qua đại lý, dịch vụ ngân hàng, chứng khoán, du lịch…

Đặc biệt, Điều 5 Nghị định 123 đã quy định rõ về các hành vi bị cấm trong lĩnh vực hóa đơn, chứng từ. Cụ thể, cấm công chức thuế cố ý gây phiền hà, khó khăn cho các tổ chức, cá nhân đến mua hóa đơn, chứng từ; cấm cơ quan, công chức thuế có hành vi bao che, thông đồng cho các tổ chức, cá nhân để sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp; hoặc có hành vi nhận hối lộ khi thanh kiểm tra về chứng từ, hóa đơn. Đối với tổ chức, cá nhân bán, cung cấp hàng hóa, dịch vụ và tổ chức, cá nhân có quyền, nghĩa vụ liên quan, cấm thực hiện hành vi gian dối, như sử dụng hóa đơn bất hợp pháp; cản trở công chức thuế thi hành công vụ; truy cập trái phép, làm sai lệch, phá hủy hệ thống thông tin về hóa đơn, chứng từ; đưa hối lộ, hoặc thực hiện các hành vi khác liên quan đến hóa đơn, chứng từ nhằm mưu lợi bất chính. 

Đồng thời, để quản lý chặt chẽ việc lập, sử dụng HĐĐT, Nghị định 123 cũng quy định trách nhiệm của DN, người nộp thuế và các bộ, ngành trong việc chia sẻ, kết nối thông tin, dữ liệu. Theo đó, các DN, tổ chức kinh tế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực điện lực, xăng dầu, bưu chính viễn thông, nước sạch, bảo hiểm, y tế, kinh doanh thương mại điện tử… thực hiện HĐĐT và cung cấp dữ liệu HĐĐT theo định dạng dữ liệu do Tổng cục Thuế công bố. Các tổ chức tín dụng, cung ứng dịch vụ thanh toán cung cấp dữ liệu điện tử về giao dịch thanh toán qua tài khoản khi có yêu cầu của cơ quan thuế. Tổ chức sản xuất, nhập khẩu những sản phẩm chịu thuế TTĐB thuộc đối tượng sử dụng tem cần kết nối thông tin về in và sử dụng tem, tem điện tử với cơ quan quản lý thuế, bởi thông tin này là cơ sở để lập, quản lý và xây dựng cơ sở dữ liệu HĐĐT. Nghị định 123 cũng quy định các tổ chức, đơn vị như quản lý thị trường, Tổng cục quản lý đất đai, cơ quan công an, giao thông… kết nối, chia sẻ thông tin dữ liệu liên quan cần thiết trong lĩnh vực quản lý với Tổng cục Thuế để xây dựng cơ sở dữ liệu HĐĐT.

Hồ Huệ

Theo TCT

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Tháng 11, sản xuất công nghiệp của cả nước tiếp tục xu hướng tích cực

DNTH: Theo số liệu được Tổng cục Thống kê công bố, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) tháng 11/2024 ước tính tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 11,2%; ngành...

Xuất siêu hơn 24 tỷ USD, nông sản tiếp tục là điểm sáng

DNTH: Tổng cục Thống kê cho biết 11 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 715,55 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 14,4%; nhập khẩu tăng 16,4%. Cán cân thương mại hàng hóa...

Doanh nghiệp FDI tăng tốc sản xuất cuối năm

DNTH: Cuối năm là thời điểm "nước rút" để các doanh nghiệp FDI tăng tốc sản xuất, hoàn thành các đơn hàng, ký kết các đơn hàng mới.

Doanh nghiệp bắt nhịp xu hướng tiêu dùng xanh

DNTH: Tiêu dùng xanh đang trở thành xu hướng chủ đạo, tác động mạnh mẽ khiến doanh nghiệp phải thay đổi tư duy, cách làm để sản phẩm và dịch vụ của mình đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng mới hiện nay.

Giảm gánh nợ công

DNTH: Trong bối cảnh ngân sách nhà nước phải đáp ứng nhiều mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội và quốc phòng, việc tiết kiệm chi tiêu không chỉ giúp giảm gánh nặng nợ công mà còn tạo điều kiện để tăng cường...

Năm 'điểm nóng' trên thị trường hàng hóa toàn cầu

DNTH: Nhu cầu của thế giới đối với ngô của Mỹ đang tăng lên. Sản lượng đồng của Chile, nhà cung cấp hàng đầu thế giới, đang phục hồi sau nhiều năm sụt giảm. Và sự phát triển bùng nổ xe điện của Trung Quốc có nguy cơ làm giảm...

XEM THÊM TIN