Thiết tưởng không cần phải đưa ra ví dụ, khi chỉ cần dũng cảm nhìn vào chính lịch sử phát triển của bản thân đất nước chúng ta. Bài học đắt giá từ việc đánh giá sai vai trò của doanh nhân nên thỉnh thoảng được nhắc lại.
Vì sao doanh nhân lại quan trọng đến vậy?
Đơn giản vì doanh nhân thuộc nhóm người khôn ngoan nhất, có đầu óc tổ chức sản xuất, kinh doanh khác biệt so với đa số còn lại. Như những gì chúng ta chứng kiến, họ thường khiến cộng đồng ngạc nhiên về khả năng này. Và điều rất quan trọng là họ luôn có khát vọng làm giầu. Thực tế quá rõ ràng chỉ ra rằng, không phải ai cũng có khát vọng làm giầu, mặc dù hầu như mọi người đều mong ước cháy bỏng làm sao để có một cuộc sống giầu có. Cái nghịch lý này càng cho thấy vai trò không thể thay thế của doanh nhân và xã hội cần phải nhìn nhận họ như những thành viên ưu tú của quốc gia.
Doanh nhân khác đa số chúng ta ở chỗ nào?
Hóa ra rất dễ phân biệt giữa ai đó sinh ra để làm doanh nhân, với một người bình thường. Đầu tiên, doanh nhân là người thích làm ông chủ. Thay vì làm thuê, họ muốn là chủ đi thuê. Thay vì thụ động tìm và thực hiện công việc người khác giao cho, họ chủ động tạo ra công việc để làm người điều hành. Thay vì yên phận, bằng lòng với mình, họ không chấp nhận sự an bài, luôn thích mạo hiểm, thích thử sức, thích trải nghiệm cảm giác thành công hoặc thất bại. Nhiều thứ mà người bình thường bỏ qua, thì họ nhìn thấy tiềm ẩn những món lợi lớn. Không ít việc người thường do dự, thì họ mạnh mẽ lao vào. Nơi mà người thường sợ, thì họ tìm thấy cảm hứng để thể hiện bản thân, bao gồm cả những cảm xúc thăng hoa.
Đã là doanh nhân thì phải dồn tâm huyết cho việc kiếm tiền. Kiếm tiền là một ham muốn thuộc về bản năng sinh tồn của con người. Với doanh nhân, kiếm tiền còn là thứ cảm hứng rất đặc biệt. Không hiểu được điều đó, chúng ta sẽ không hiểu, hoặc hiểu méo mó về doanh nhân. Trong các sự méo mó, thì đòi hỏi doanh nhân phải sống như người bình thường, sinh hoạt như người bình thường, là thứ suy nghĩ thiếu thực tế và kém cỏi nhất. Đáng lẽ phải tạo mọi điều kiện để họ giầu có, chấp nhận sự giầu có của họ ở mọi phương diện sinh hoạt, thì vẫn còn rất nhiều người cảm thấy trái tai, gai mắt, thậm chí cổ vũ và nuôi dưỡng thứ tình cảm căm ghét họ. Trong khi đó chúng ta cũng lại dễ dãi bỏ qua cho họ những tiêu chuẩn nghiêm ngặt về mặt văn hóa, đạo đức để làm một doanh nhân đúng nghĩa.
Chúng ta nên nhớ và phải chấp nhận thực tế sau đây: Ở đâu trên thế giới này cũng luôn có hai loại doanh nhân.
Loại thứ nhất kiếm tiền như một lẽ sống, như cái cách mình cống hiến cho xã hội, ghi danh với trời đất. Họ kiếm tiền vì mình nhưng còn vì nhiều người khác, mình giầu lên, kéo theo nhiều người khác cũng có cơ hội kiếm sống tốt hơn, mình kiếm được nhiều tiền, nhưng đồng thời cũng thúc đẩy tăng trưởng xã hội, kiếm tiền nhưng không bằng mọi giá, mà phải phù hợp với các quy tắc đạo đức. Đồng tiền nhét vào két họ phải sạch tinh tươm, là bằng chứng để họ hãnh diện với xã hội. Vì thế, tầm quan trọng của người giầu tại các quốc gia văn minh luôn vô cùng lớn, không chỉ về khía cạnh tiền bạc. Tiếng nói của họ trong các vấn đề lớn luôn được lắng nghe. Họ tạo ra cảm hứng sống, khát vọng phát triển cho cộng đồng.
Đó là những người giầu có thật sự.
Loại doanh nhân thứ hai coi kiếm tiền như một mánh lới, hoàn toàn chỉ vì mình. Họ kiếm tiền bằng mọi giá, bất chấp những rủi ro cho xã hội, bất chấp những thua thiệt của người khác qua việc mình có nhiều tiền. Những doanh nhân loại này chỉ có thể gọi là những người có nhiều tiền.
Vậy người nhiều tiền và người giầu có khác nhau ở chỗ nào?
Người nhiều tiền chỉ là anh ta có nhiều tiền về mặt số học. Anh ta cũng có thể là triệu phú, tỉ phú, nhưng ngoài tiền ra, anh ta chẳng có gì khác. Trong số những người làm ăn phi pháp, khi chưa sa lưới pháp luật, rõ ràng có những kẻ có rất nhiều tiền. Nhưng họ không bao giờ là những người giầu có. Họ kiếm tiền trên sự cùng kiệt, tan nát, đau đớn của hàng triệu người khác. Thay vì kiến tạo, họ là những kẻ vơ vét và tàn phá. Xét cho cùng thì đó là những người nghèo nàn nhất thế gian, bởi không bao giờ họ tìm thấy một mảy may hạnh phúc - thứ duy nhất thực sự đáng được coi của cải.
"Từ có nhiều tiền, đến giầu có, là cả một khoảng cách rộng mênh mông và chỉ có thể lấp đầy bằng văn hóa. Cũng như bất cứ nghề nhiệp nào khác, tự mỗi doanh nhân sẽ phải đưa ra lựa chọn là kẻ nhiều tiền hay người giầu có" - Nhà văn Tạ Duy Anh. |
Từ có nhiều tiền, đến giầu có, là cả một khoảng cách rộng mênh mông và chỉ có thể lấp đầy bằng văn hóa. Cũng như bất cứ nghề nhiệp nào khác, tự mỗi doanh nhân sẽ phải đưa ra lựa chọn là kẻ nhiều tiền hay người giầu có.
Xin có vài lời bàn thêm:
Một dân tộc thông minh, coi trọng sự phát triển, là phải biết tạo ra cho mình đội ngũ các nhà doanh nhân. Càng đông đảo những người khôn ngoan, quốc gia càng có nhiều cơ may thành công. Ngoài ra, họ là chỗ dựa quan trọng cả về vật chất và tinh thần cho cộng đồng mỗi khi có thiên tai, địch họa.
Chúng ta cần phải có thêm thật nhiều người như vậy: Giàu có và yêu nòi giống. Giầu có và sang trọng về tư cách sống. Giầu của cải nhưng cũng giầu lòng trắc ẩn với nhân dân. Việc Nhà nước ta đang kêu gọi giới trẻ dũng cảm khởi nghiệp, cũng có nghĩa kêu gọi nhiều người can đảm chấp nhận làm doanh nhân, theo tôi là một hành động đúng đắn và thông minh. Nhưng nó cũng cho thấy, làm doanh nhân vẫn còn là một nghề phải cần rất nhiều sự dũng cảm để dấn thân.
Chính vì thế, mọi lời hô hào là chưa đủ. Thứ cần hơn nhiều chính là một hệ thống chính sách tốt, minh bạch, có tác dụng khích lệ, bảo vệ những người có năng khiếu và khát vọng làm giầu.
Theo Nhà Đầu Tư
Ý kiến bạn đọc...