Thực tế cho thấy, tại thời điểm quan trọng này, thế giới đang đối mặt với nhiệm vụ lịch sử là chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm, thay đổi triệt để cách thế giới sản xuất và tiêu thụ lương thực thực phẩm thông qua một cách tiếp cận tổng thể và phối hợp. Điều này đòi hỏi các nhà lãnh đạo thế giới phải thay đổi tư duy, các chính sách và mô hình kinh doanh.
Đây cũng là nội dung trọng tâm của hội nghị trù bị cho Hội nghị thượng đỉnh Hệ thống Lương thực thế giới, vừa diễn ra tại trụ sở Tổ chức Lương Nông Liên Hợp Quốc (FAO) ở Rome, Italy. Trong đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đã tham dự trực tuyến và phát biểu tại phiên họp cấp cao về “Thúc đẩy sáng tạo ở các quốc gia để chuyển đổi các hệ thống lương thực - thực phẩm”.
Dữ liệu mới nhất của Liên Hợp Quốc cho thấy, nạn chặt phá rừng để gieo trồng, tạo dựng các hệ thống lương thực thực phẩm là nguyên nhân tạo ra 30% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu, khiến nó trở thành nguyên nhân hàng đầu gây tình trạng biến đổi khí hậu.
Việc chuyển đổi các hệ thống lương thực thực phẩm toàn cầu thông qua thay đổi cách thức quản lý, điều hành và sử dụng càng đặc biệt cấp thiết bởi vì chúng cũng là nguyên nhân gây ra 80% tổn thất đa dạng sinh học trên thế giới. Đây là những yếu tố rất quan trọng đối với sức khỏe của hàng tỉ người, cũng như việc đạt được các SDG, nhất là những mục tiêu liên quan đến việc làm, phát triển kinh tế và bất bình đẳng.
Bên cạnh đó, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc cũng chỉ ra rằng, biến đổi khí hậu vừa là nguyên nhân, vừa là hậu quả của nạn đói. Theo đó, có tới 811 triệu người phải đối mặt với nạn đói vào năm 2020, nhiều hơn 161 triệu người so với năm 2019.
“Thế giới đang đi chệch hướng để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) của Liên Hợp Quốc vào năm 2030. Nghèo đói, bất bình đẳng về thu nhập và chi phí thực phẩm cao đã gây ra những hệ lụy và biến đổi khí hậu và xung đột là hậu quả cũng như nguyên nhân của vấn đề trên", Tổng Thư ký António Guterres nhấn mạnh. Ông cũng kêu gọi tất cả các nước chuyển đổi hệ thống lương thực để tăng tốc độ phát triển bền vững.
Trước tình hình đó, việc giải quyết nạn đói ngày càng gia tăng và tình trạng nghèo dinh dưỡng là những thách thức mà cộng đồng quốc tế phải nỗ lực vượt qua. Đến nay, đã có 145 quốc gia tổ chức các cuộc đối thoại quốc gia để đưa ra quyết định về hệ thống lương thực bền vững vào năm 2030. Những cuộc đối thoại này được tổ chức theo hình thức các cuộc họp trực tuyến thường xuyên, diễn đàn công khai và khảo sát thanh niên, nông dân, người dân bản địa, xã hội dân sự, các nhà nghiên cứu, khu vực tư nhân, các nhà lãnh đạo chính sách và các bộ trưởng nông nghiệp, môi trường, y tế, dinh dưỡng và tài chính.
Tại Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam sẽ tích cực tham gia thúc đẩy chuyển đổi hệ thống lương thực - thực phẩm toàn cầu với tư cách là quốc gia cung cấp lương thực thực phẩm “minh bạch, trách nhiệm, bền vững”.
Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, Việt Nam chủ trương đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, phát triển mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao khả năng chống chịu, thích ứng của nông nghiệp với biến đổi khí hậu, tổ chức kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến, thị trường, xuất khẩu, chuỗi giá trị toàn cầu; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi các hệ thống lương thực - thực phẩm theo hướng xanh, ít phát thải và bền vững...
Biến đổi khí hậu đang xảy ra nhanh hơn 20 - 50 lần
Biến đổi khí hậu luôn là thách thức lớn nhất đối với môi trường sống hiện nay cũng như tương lai của con người. Theo giới chuyên gia, tốc độ biến đổi khí hậu đang xảy ra nhanh hơn 20 - 50 lần so với bất kỳ giai đoạn biến đổi khí hậu nào trong lịch sử Trái Đất. Kể từ năm 2015, nền nhiệt Trái Đất đã ấm lên trung bình 1 độ C, khiến các đợt nắng nóng gây hạn hán và chết người xuất hiện với tần suất dày đặc hơn, các cơn bão nhiệt đới cũng ngày càng trở nên tàn khốc hơn. Ngày càng có nhiều nước và vùng lãnh thổ dễ bị tổn thương hơn và khả năng vượt qua yếu hơn trước tác động của biến đổi khí hậu.
Trên thực tế, thời tiết cực đoan được đánh giá là nhân tố thách thức đối với hòa bình và an ninh thế giới khi các số liệu cho thấy biến đổi khí hậu làm gia tăng 10% - 20% nguy cơ xung đột, khiến hàng nghìn người thiệt mạng, hàng trăm nghìn người mất nhà cửa, trong khi hàng triệu người rơi vào cảnh mất an ninh lương thực. Cùng với đó, hiểm họa y tế ngày càng gia tăng cả về quy mô và cấp độ khi biến đổi khí hậu khiến các dịch bệnh xuất hiện nhiều hơn.
Ý kiến bạn đọc...