Marketing "tiết kiệm" kiểu TGDĐ: Không truyền thông cho mình mà tập trung marketing cho hãng, vì hãng càng bán được nhiều hàng thì công ty càng kiếm được nhiều tiền hơn

10:09 | 10/11/2018

DNTH: Trước khi tạo ra TVC "người xanh" với câu hát "Bạn muốn mua tivi..." đã "làm mưa làm gió" trong năm 2016 - 2017 cho chuỗi Điện Máy Xanh (ĐMX) của Thế giới Di Động (TGDĐ), phòng marketing của công ty này có vai trò rất khiêm nhường, với ngân sách "tiết kiệm".

Chia sẻ tại sự kiện “Marketing giỏi phải kiếm được tiền” do Sage Academy tổ chức mới đây, bà Lê Thảo Trang - Giám đốc Marketing của tập đoàn TGDĐ còn tự nhận phòng ban mình chỉ là "ô sin" hỗ trợ các khối khác trong tập đoàn. Kỳ thực, theo chia sẻ của bà, nhiệm vụ của phòng marketing trong từng giai đoạn phát triển của TGDĐ đều rất đơn giản.

Giai đoạn 1 - TGDĐ "bung" nhanh: Phòng marketing chỉ chuyên đi khai trương cửa hàng

Năm 2008, TGDĐ mới có 32 cửa hàng ở TPHCM. “Rất bé nhỏ, vừa mới nhận đầu tư của Mekong Capital”, bà Lê Thảo Trang nhớ lại 10 năm trước, cũng là khi bà mới bước chân vào tập đoàn.

"Câu chuyện bắt đầu khi công ty quyết định tăng tốc mở rộng. CEO kiêm Giám đốc Bán hàng quyết định là phải phát triển thật nhanh, phải bao phủ đất nước thật nhanh để ‘ăn’ được miếng bánh này", Giám đốc Marketing TGDĐ kể lại.

Lúc đó, theo bà Trang, tất cả các phòng ban đều hừng hực khí thế đi theo Concept 30/6: phủ 30 tỉnh trong vòng 6 tháng. Và nhiệm vụ của phòng marketing trong giai đoạn này, đơn giản là đi khai trương cửa hàng mới.

"Anh muốn bây giờ trong 1 tháng mở 5 - 6 cửa hàng, thì marketing cho anh một kịch bản khai trương. Đơn giản nhất, hiệu quả nhất, mà cứ tới ngày đó cứ khai trương là các bạn cứ bê bài đó và đi", bà Lê Thảo Trang nhớ lại nhiệm vụ được giao.

Marketing tiết kiệm kiểu TGDĐ: Không truyền thông cho mình mà tập trung marketing cho hãng, vì hãng càng bán được nhiều hàng thì công ty càng kiếm được nhiều tiền hơn - Ảnh 1.

Bà Lê Thảo Trang (ngoài cùng bên trái) tại sự kiện "Marketing giỏi phải kiếm được tiền", tổ chức bởi Sage Academy. CafeBiz là đơn vị bảo trợ truyền thông chính thức của sự kiện.

"Trang mới nghĩ một kịch bản khai trương thật nhanh gọn, đơn giản", bà Trang chia sẻ. Bà cho hay, phòng marketing lúc ấy rất ít vai trò trong việc "Làm gì cho khách hàng", mà chỉ cố làm cho tốt nhất việc truyền thông khai trương shop mới - tức làm sao cho nhanh, đúng ngày đúng giờ, để khi cửa hàng mở ra là đã sẵn sàng mọi thứ.

"2 – 3 năm liên tục, chỉ tập trung cho khai trương cửa hàng thôi", bà Trang nhấn mạnh.

Nhưng không phải nhiệm vụ đơn giản thì không tạo hiệu ứng mạnh. Giám đốc Marketing TGDĐ kể lại một kỷ niệm, khi hãng lần đầu tiên mở rộng ra tỉnh, với mục tiêu mở cửa hàng tại tất cả các tỉnh từ thành phố đến Đà Lạt trước ngày 30/4 trong năm nọ.

"Mở mười mấy cái, đi từ Trảng Bom lên tới Gia Lâm, Gia Kỳ, Bảo Lộc, Đức Trọng, mỗi nơi phải có một cái. Suốt tuyến đường đó tụi mình treo logo rất nổi bật, logo TGDĐ và ở dưới là logo của hãng (các hãng điện thoại có hàng hóa trưng bày trong cửa hàng TGDĐ – PV). Cứ 1 siêu thị thì tụi mình treo cỡ 200 cái, liên tục chuẩn bị", bà kể.

Bà nhớ ngày 30/4 năm đó có người nói đùa rằng không thấy cờ Đảng đâu mà toàn thấy cờ... TGDĐ. "Lúc đó hãng tham gia với mình hào hứng lắm", bà Lê Thảo Trang kể lại.

Giai đoạn 2 - phủ hết cả nước: Không tập trung truyền thông cho mình mà marketing cho hãng

Khi TGDĐ đã phủ hết cả nước, phòng marketing tập trung vào nhiệm vụ mới, là truyền thông cho các hãng mà TGDĐ nhận bán hàng.

"Vai trò của giai đoạn này là làm sao trình bày cho họ (các hãng – PV) những chương trình, cách thức nào đó để làm sao họ có thể marketing tốt hơn sản phẩm của họ trong chuỗi của mình, để bán tốt hơn", bà Trang cho biết.

Theo bà Trang, TGDĐ là một trong những đơn vị đầu tiên chủ động đề xuất với các hãng: 'Tôi sẽ làm chiến dịch khuyến mãi cho anh, chứ không phải anh làm đâu".

"Mình phải làm sao để người tiêu dùng thấy sản phẩm của hãng hiện diện một cách tốt nhất trong chuỗi của mình. Thì đó là vai trò của marketing trong giai đoạn này", bà Trang cho biết.

"Giờ mình chủ động đưa ra kế hoạch truyền thông và nói là, tôi muốn tháng này làm chiến dịch này, anh sẽ được xuất hiện như thế nào trong chuỗi tôi... Phải show ra những kênh truyền thông tốt nhất cho hãng, từ website đến shop. Hãng sẽ được xuất hiện ra sao, trên đồng phục nhân viên, banner... ", bà Trang nêu ví dụ.

Theo bà, khi phòng marketing làm hết sức để hãng bán được nhiều hàng nhất, họ hài lòng nhất, thì TGDĐ càng "lấy được tiền của hãng" nhiều nhất – đôi bên đều có lợi.

"Đó là cái hiện giờ công ty đang làm mỗi ngày, cho mỗi chiến dịch, mỗi sản phẩm mới được đưa ra, mỗi mùa vụ", bà Lê Thảo Trang chia sẻ.

 Bà cho biết thêm, định hướng marketing thành 2 giai đoạn như trên cũng tương tự với chuỗi sau là Điện Máy Xanh .
Marketing tiết kiệm kiểu TGDĐ: Không truyền thông cho mình mà tập trung marketing cho hãng, vì hãng càng bán được nhiều hàng thì công ty càng kiếm được nhiều tiền hơn - Ảnh 2.

Làm chiến dịch truyền thông cho các hãng là nhiệm vụ chính của marketing TGDĐ trong giai đoạn sau

Như vậy, có thể thấy trong từng giai đoạn phát triển của TGDĐ, dù phòng marketing đều đóng vai trò hỗ trợ - bà Lê Thảo Trang liên tục nhắc đến từ "ô sin" để nhấn mạnh vai trò này, nhưng mỗi hoạt động đơn giản của team marketing đều rất hiệu quả và có vai trò quan trọng trong chiến lược kinh doanh của TGDĐ.

Về định hướng marketing trong những năm gần đây, bà Trang cho biết vẫn tiếp tục duy trì làm truyền thông cho hãng nhưng đồng thời, với mỗi chuỗi bắt đầu có những cách marketing khác biệt, xuất phát từ những yêu cầu mới.

Như với chuỗi TGDĐ, theo bà Trang, khác biệt trong giai đoạn này là tìm cách tăng thêm giá trị dài hạn cho khách hàng. Như ví dụ bà đưa ra, là chính sách bảo hành, giải pháp tài chính hỗ trợ - chứ không chỉ "mua chiếc điện thoại này tặng 100k, hay món quà A B C " như trước đây. Bà Trang có biết việc "nâng cấp giá trị" này đã bắt đầu từ những năm 2016.

Còn chuỗi Điện máy Xanh, từ năm 2016 chuỗi bắt đầu làm chiến dịch truyền thông, xuất phát từ yêu cầu cần khẳng định thương hiệu so với những cái tên đã có trên thị trường. TVC "người xanh" cùng câu hát "Bạn muốn mua tivi..." đã làm mưa làm gió vào cuối năm 2016, đầu 2017, góp phần tăng độ nhận diện thương hiệu Điện máy Xanh lên đáng kể.

"Marketing giỏi phải kiếm được tiền" là series đầu tiên nằm trong chuỗi chương trình mang tên "Business Talk Forum". Sự kiện được tổ chức bởi Viện Tiếp thị & Kinh doanh Ứng dụng – Sage Academy, mang đến những kinh nghiệm từ các CEO, Founder và Giám đốc marketing trong việc tối ưu hóa hoạt động marketing, đồng thời "định nghĩa" lại giá trị cốt lõi của marketing chính là chi tiền để kiếm được nhiều tiền hơn.

Sau tọa đàm diễn ra sáng 3/11 tại TPHCM, sự kiện sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 11/11 tới đây. CafeBiz là đơn vị truyền thông chính thức cho sự kiện này.

Theo Thảo Thảo

Trí thức trẻ

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Hải Phòng - Café khởi nghiệp sáng tạo

DNTH: Vừa qua, Trung tâm Phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo - Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Hải Phòng tổ chức chương trình Café khởi nghiệp sáng tạo. Tham dự có ông Nguyễn Đình Vinh - Phó Giám đốc Sở KH&CN, đại diện...

Tiến sĩ Nguyễn Đình Trọng: Người kiến tạo công nghệ xử lý rác thải "Made in Vietnam"

"Không xử lý được môi trường, đừng nghĩ đến phát triển bền vững" - Đó là chia sẻ của Tiến sĩ Nguyễn Đình Trọng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghệ T-TECH Việt Nam. Với hơn 22 năm cống hiến, ông đã tiên phong...

Loạt doanh nghiệp bị xử phạt thuế

DNTH: Với hành vi kê khai sai thuế, 3 doanh nghiệp bao gồm Kosy, Tập đoàn TNT và Hodeco đã phải chịu án phạt nặng, trong đó Kosy chịu mức phạt và truy thu lên đến hơn 6,8 tỷ đồng.

Gỡ nút thắt về vốn cho ngành lương thực thực phẩm

DNTH: Các chuyên gia đề xuất ngân hàng cần linh hoạt hơn trong chính sách tín dụng để tháo gỡ khó khăn, giúp ngành lương thực thực phẩm ổn định sản xuất, phát triển bền vững.

Giảm gánh nặng thủ tục, mở rộng cơ hội cho doanh nghiệp

DNTH: Nhằm hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8%, Việt Nam đang tăng cường cải cách thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh.

Loài trà hoa vàng mang tên chung Việt - Nhật

Trong những ngày đại hàn cuối đông, chị Phạm Thị Lý, nhà khoa học gắn bó với nông dân gọi điện rủ tôi đi thăm lại khu bảo tồn Nam dược Nhất Dương Sinh.

XEM THÊM TIN