Một mùa lũ, kẻ khóc, người cười

10:24 | 09/11/2018

DNTH: Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang trải qua một mùa lũ với nhiều hình thái cực đoan mới. Lũ năm 2018 không phải cao so với những đỉnh lũ lịch sử ghi nhận trước đây. Thế nhưng nó lại tạo ra tình trạng đáng lo: lắm người ở vùng đầu nguồn và hạ nguồn phải khóc vì bị thiệt hại nặng, nhưng phần đông người dân vẫn cười vì những lợi ích mùa lũ mang đến. Như vậy, vấn đề đặt ra là ĐBSCL cần xây dựng một kịch bản mới để ứng phó thích hợp, giảm thiểu tình trạng “dở khóc, dở cười” trong mùa lũ…

Người dân đánh bắt thủy sản mùa lũ
Người dân đánh bắt thủy sản mùa lũ

Khóc vì triều cường

Cuối tháng 10.2018, câu chuyện lũ kết hợp triều cường đã tạo ra một “cơn hồng thủy” gây hốt hoảng cho hàng chục ngàn người dân từ vùng đầu nguồn Đồng Tháp đến các tỉnh hạ nguồn như Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang, Vĩnh Long và Cần Thơ. Điều đáng chú ý, giữa tháng 10.2018, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, khi mực nước lũ vùng đầu nguồn trên sông Tiền tại Tân Châu đạt 3,25m, tại Mỹ Thuận đạt 1,77m dưới báo động (BĐ) 0,03m, thì trên sông Hậu vùng đầu nguồn tại Châu Đốc chỉ trên BĐ 1, tại Cần Thơ ở cuối nguồn đạt 1,93m trên BĐ 3 là 0,03m.

Điều này xoay chuyển trục nước lũ dâng cao ở hạ nguồn và mức độ rủi ro do thiên tai cao hơn vùng đầu nguồn. Hàng loạt vụ lở đê, triều cường phá đê nước tràn vào nhiều vùng sản xuất, khu dân cư các tỉnh như: Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng…

Triều cường gây ngập nặng ở nội ô Cần Thơ
Triều cường gây ngập nặng ở nội ô Cần Thơ

“Vỡ đê, nước tràn vào khu vực này có gần 100 công đất trồng sầu riêng. Rất đông bà con đồng lòng phụ đắp đất hàn đê. Lúc đầu đắp bằng tay, sau có máy cô-be hỗ trợ. Nếu không kịp thời phát hiện thì hậu quả khó lường” - ông Nguyễn Hữu Phúc, nhà vườn ở xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang cho biết: Tại cồn Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, đợt triều cường vừa qua đã làm vỡ 3 đoạn đê ven sông.

Ngoài đoạn đê bị vỡ tại ấp Long Quới còn 2 đoạn đê khác ở ấp Tân Sơn và Hòa An, xã Ngũ Hiệp cũng bị vỡ. Nước tràn vào làm gần 500 công vườn sầu riêng bị ngập từ 2 - 3 ngày, có thể sẽ ảnh hưởng đến năng suất trái. Hiện nay, chính quyền và nhân dân địa phương đang chuẩn bị nhân lực, vật lực để sẵn sàng “cứu đê” vào những đợt triều cường tiếp theo nhằm bảo vệ hơn 1.600ha vườn sầu riêng đang cho trái.

“Xã Ngũ Hiệp đã phân công: mỗi ấp từ 3 - 4 người khi nước lớn là đi tuần tra, nếu có nước tràn, vỡ đê thì phải thông báo bà con đắp ngay, giải quyết trong con nước, chứ không để tới ngày sau” - ông Nguyễn Văn Vũ, Bí thư Đảng ủy xã Ngũ Hiệp nói. Huyện Cai Lậy, Tiền Giang có hơn 8.000ha cây sầu riêng. Đây là loại cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế rất cao, lợi nhuận mỗi năm hơn 1 tỷ đồng/ha.

Tuy nhiên, cây sầu riêng rất nhạy cảm với nước, nhất là giai đoạn ra trái khi bị ngập úng sẽ giảm năng suất hoặc chết. Do đó, hiện nay, chính quyền và người dân các địa phương đang dùng mọi biện pháp phòng chống triều cường để giảm thiệt hại.

Tại Vĩnh Long, mọi chuyện tồi tệ hơn. Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh này, nước lũ kết hợp với triều cường đã làm 145 bờ bao bị tràn, 31 bờ bao bị vỡ, 55 đập bị tràn và hơn 30 đập bị vỡ. Ước thiệt hại cho các công trình thủy lợi hơn 600 triệu đồng. 

Thật xót xa khi nước tràn đê bao, bờ bao, nhiều người dân chỉ biết đứng nhìn nước tràn vào gây thiệt hại lúa, nhà cửa và hoa màu. Theo chị Chung Thị Bé Hai ở Vĩnh Long, do không thể đối phó được với nước lũ nên mấy ngày nay chị bỏ mặc nước tràn vào nhà. Hai vợ chồng chỉ biết kê cao đồ dùng trong nhà lên tránh bị hư hỏng.

Còn nhiều người dân rơi lệ nhìn nước ngập hơn nửa thân cây trong vườn nhãn sắp thu hoạch. Đánh giá sơ bộ, đợt triều cường gây thiệt hại khoảng 4 tỷ đồng từ nhà dân, trường học, chợ xã và hơn 1.000ha vườn cây ăn trái… Tỉnh Vĩnh Long đã và đang triển khai các biện pháp phòng chống lũ nhằm hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do nước lũ và triều cường gây ra.

Tình trạng này cũng xảy ra tương tự ở nhiều địa phương như Cần Thơ (vỡ 7 đê bao), Hậu Giang (khoảng 300ha mía gần như mất trắng), Sóc Trăng (vỡ đê bao huyện Cù Lao Dung)…

Đầu mùa lũ, các tỉnh đầu nguồn như An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang có trên 1.200ha lúa mất trắng, trên 100.000ha lúa thu đông bị nước lũ tràn đê uy hiếp. Gần cuối mùa lũ, các tỉnh hạ nguồn chịu “cơn hồng thủy” tồi tệ từ sự kết hợp của nước lũ và triều cường.

Nhiều đoạn trên quốc lộ 1 đi qua địa phận tỉnh Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng nước tràn qua lộ. Nhiều đoạn, người dân phải dùng xe tải để “cõng” mô tô qua nước ngập (khu vực tiếp giáp giữa Hậu Giang và Sóc Trăng). Tại một số địa phương hạ nguồn, nhiều đô thị bị ngập nước nặng vào sáng sớm và chiều tối. Có nơi, người dân phải dùng xuồng đi lại. Đây được xem là “cơn hồng thủy” lịch sử trong hàng chục năm qua ở vùng hạ nguồn ĐBSCL. 

Vì sao vùng hạ nguồn ngập nặng? 

Trong gần 10 năm qua, gần như ĐBSCL đã thích ứng chung sống với lũ. Do nhiều năm liền lũ nhỏ, một phần nhờ cơ sở hạ tầng như các khu dân cư, đê bao, đường - điện - trường - trạm y tế đầu tư căn cơ trước đây, nên những thiệt hại do lũ gây ra không đáng kể.

Lũ từ Campuchia về mạnh
Lũ từ Campuchia về mạnh

Mùa lũ năm 2018, những thiệt hại về nhà ở gần như cá biệt. Tuy nhiên, nó làm xáo trộn và gây ảnh hưởng rất lớn đến các khu dân cư sinh sống ở các đô thị hạ nguồn ĐBSCL. Đây là diễn biến mới và đáng lo ngại.

Sau gần 10 năm vắng lũ, ĐBSCL phải cật lực lo chống chọi với hạn – mặn. Nhìn lại, câu chuyện lũ ở ĐBSCL bắt đầu nóng lên từ sự cố vỡ đập thủy điện Sepien Senamnoi – Lào (ngày 23.07.2018). Từ đó, nỗi lo của ĐBSCL theo con nước từ dòng Mekong đổ về.

Theo số liệu mà Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đưa ra, mực nước lũ tại ĐBSCL đã vượt cao hơn dự tính so với thời điểm vừa xảy ra sự cố vỡ đập thủy điện Sepien Senamnoi.

Lâu nay ở ĐBSCL, khá “trái khoáy” là nông dân và chính quyền giữa các địa phương có tâm lý “trái chiều” nhau từ diễn biến của nước lũ. Cụ thể đầu mùa lũ, tại An Giang và Đồng Tháp, hai tỉnh đầu nguồn lo “sốt vó” bảo vệ lúa. Ngược lại sẽ là tín hiệu khả quan – bớt lo cho mùa khô hạn năm sau từ các tỉnh như Bến Tre, Trà Vinh và một số tỉnh thuộc bán đảo Cà Mau.

Đây là quy luật tự nhiên: Lũ lớn, nguồn nước dồi dào sẽ được tích trữ để điều tiết cân bằng đẩy bớt mặn trong mùa khô hạn. Đối với châu thổ ĐBSCL cuối nguồn sông Mekong, thiếu nước ngọt, không đủ lực đẩy thì nước mặn từ biển “phản đòn” xâm nhập sâu vào nội đồng! Trong gần 10 năm qua, nhiều người cho rằng, nỗi lo về sự phát triển của vùng đất trù phú ĐBSCL lớn hơn người ta nghĩ.

Câu chuyện các nước thượng nguồn Mekong đua nhau xây đập thủy điện không chỉ làm suy kiệt nguồn nước, nguồn thủy sản mà còn tác động rất lớn đến “địa tầng” đã kiến thiết nên ĐBSCL trong hàng ngàn năm qua.

Nhiều năm trước đây, các tỉnh hạ nguồn ĐBSCL đặt vấn đề: Tại sao lũ nhỏ nhưng vùng hạ nguồn lại chịu cảnh ngập theo triều cường ngày càng gia tăng. Phải chăng do các tỉnh đầu nguồn An Giang, Đồng Tháp làm đê bao khép kín, khiến nước tràn về hạ nguồn?

Đây là một câu hỏi bức bách nhưng chưa có câu trả lời rõ ràng và các biện pháp ứng phó! Vì thế, các tỉnh hạ nguồn ĐBSCL vốn chịu chi phối từ chế độ bán nhật triều (nước lớn ròng ngày 2 lần) sẽ tiếp tục bị ngập nặng 2 buổi/ngày vào những ngày nước biển dâng (từ tháng 8 đến tháng 10 âm lịch từ ngày 19 - 21, cuối và đầu tháng).

ĐBSCL lâu nay có 3 túi nước: biển Hồ, Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười. Thế nhưng điều này đang thay đổi. Theo các nhà khoa học, hai vùng trũng (Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười) không còn nước tích trữ để bổ sung cho sông Tiền, sông Hậu đẩy mặn nữa.

Từ năm 2000 - 2011, khả năng trữ lũ của Tứ giác Long Xuyên đã giảm từ 9,2 tỉ mét khối xuống còn khoảng 4,5 tỉ mét khối, tức giảm khoảng 4,7 tỉ do diện tích khoảng 1.100km2 đê bao khép kín ở vùng này. Khối nước 4,7 tỉ mét khối này do không vào được trong đồng, đã gây tăng ngập ở phía hạ lưu trong mùa lũ và cũng đồng nghĩa với việc chúng ta không có 4,7 tỉ mét khối này để đẩy mặn trong mùa khô cho vùng ven biển!

Mùa khô năm 2016 được xem là mùa hạn – mặn lịch sử lớn nhất trong vòng 60 năm qua. Mùa lũ năm 2018, đỉnh lũ ở đầu nguồn không phải cao nhất lịch sử nhưng vùng hạ nguồn đã ghi nhận triều cường lớn bất thường. Các nghiên cứu và nhiều nhà khoa học trên thế giới đã cảnh báo: Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu.

Đặc biệt, ĐBSCL là một trong 3 đồng bằng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu trên thế giới, với các vấn đề như nước biển dâng, khai thác nước từ thượng nguồn, sụp lún… Dự báo, trong vài thập niên tới, nước biển sẽ dâng cao làm ngập lụt phần lớn ĐBSCL vốn đã bị ngập lụt hàng năm, dẫn đến nhiều vùng đất nông nghiệp không sản xuất được.

Là một phần của lưu vực Mekong và có vị trí tiếp giáp biển, ĐBSCL chịu ảnh hưởng của cả điều kiện thời tiết khí hậu thủy văn tại chỗ từ phía thượng nguồn sông Mekong và từ phía biển. Tiến sĩ Dương Văn Ni (Trường Đại học Cần Thơ) lo lắng: “ĐBSCL không có phù sa thì chết chắc. Các đập thủy điện đang giết chết ĐBSCL là do phù sa chứ không phải nguồn nước. Nếu chỉ bàn về nguồn nước ngọt không thôi là không đủ”!

Lũ về cũng tạo nhiều sinh kế cho người dân
Lũ về đã tạo nhiều sinh kế cho người dân

Trước khi có các đập thủy điện trên dòng Mekong, tổng lượng phù sa tới vùng hạ lưu sông Mekong khoảng 85 triệu tấn/năm (cả phù sa lơ lửng và bùn cát đáy). Tuy nhiên, sử dụng mô hình phù sa bùn cát, các nhà khoa học đã tính toán: Tổng lượng phù sa đã sụt giảm mạnh chỉ còn 10,4 triệu tấn/năm (giảm 78%). Đây là một cảnh báo nghiêm trọng về ĐBSCL.

Bởi ĐBSCL được kiến tạo một phần bởi phù sa bùn, cát bồi đắp từ dòng Mekong hàng ngàn năm qua. Tình trạng đất sụp lún, trượt ngày càng gia tăng ở các tỉnh ven biển ĐBSCL. Kéo theo là người dân trong vùng đang xài hoang phí các tầng nước ngầm. Hệ lụy của nó là gây ra hiện tượng xâm nhập mặn ở ngay các tầng chứa nước khác. Thời gian qua, đã xảy ra nhiều vụ sụp lún đất nghiêm trọng ở bán đảo Cà Mau.

Lâu nay lũ chủ yếu gây thiệt hại nặng cho vùng đầu nguồn An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang và Long An. Lũ lớn không ít người dân trồng lúa bị mất trắng “phải khóc ròng”, còn người dân ở hạ nguồn thì cười, vì lũ lớn sẽ tích nước đẩy mặn trong mùa khô.

Thế nhưng điều này hoàn toàn thay đổi: Giờ đầu nguồn và hạ nguồn đều có người khóc vì thiệt hại từ lũ và triều cường. Nhưng nhìn chung, lũ lớn sẽ mang về nhiều cái lợi cho ĐBSCL: Rửa trôi các dư tồn thuốc bảo vệ thực vật, mang phù sa bồi bổ cho sản xuất và địa tầng, gia tăng nguồn lợi thủy sản, đẩy mặn…

Vấn đề đặt ra là các tỉnh đầu nguồn cần đánh giá lại các hệ thống đê bao chống lũ, triệt lũ. Các nhà khoa học lâu nay khuyến cáo chỉ nên sản xuất 2 vụ lúa (đông xuân và hè thu) trong năm, bỏ lúa vụ 3 (lúa thu đông), xả lũ để tích nước điều tiết cho toàn vùng.

Đã đến lúc Bộ NN&PTNT cũng nên xem xét, điều chỉnh cho hợp lý diện tích sản xuất lúa vụ 3 (thu đông) ở ĐBSCL, để giảm thiểu đến mức thấp nhất những rủi ro cho người trồng lúa, tránh gây ảnh hưởng người dân vùng hạ nguồn. Khi đó, mùa lũ sẽ đẹp hơn, tránh tình trạng “kẻ khóc, người cười” như hiện nay!

Từ trận hạn – mặn lịch sử năm 2016 đến đợt triều cường lịch sử năm 2018 ở vùng hạ nguồn ĐBSCL cho chúng ta lời cảnh tỉnh: ĐBSCL không còn là vùng đất trù phú mà trở thành vùng đất dễ tổn thương. ĐBSCL đang đối diện khốc liệt với các hình thái thiên tai ngày càng cực đoan. Nó đòi hỏi các địa phương phải khẩn trương liên kết thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (ngày 17.11.2017). Quyết định này được xem là các “bộ khung” căn cơ để các địa phương và bộ ngành thực hiện nhằm giúp người dân trong vùng có thể an sinh. Theo đó, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp: về tổ chức không gian lãnh thổ, hình thành các tiểu vùng sinh thái làm định hướng phát triển kinh tế, nông nghiệp và cơ sở hạ tầng (vùng đồng bằng ngập lũ, vùng sinh thái nước ngọt, vùng sinh thái nước lợ, nước mặn,…). Bên cạnh đó, tổ chức, phát triển hệ thống đô thị và điểm dân cư nông thôn phù hợp với đặc điểm của hệ sinh thái tự nhiên, điều kiện cụ thể của vùng và từng tiểu vùng sinh thái; bố trí lại dân cư, trong đó kiểm soát và hạn chế việc xây dựng các điểm dân cư tập trung tại các vùng sát bờ sông, kênh, rạch có nguy cơ sạt lở cao nhằm tránh rủi ro…

SỤP LÚN, SẠT LỞ LAN NHANH

“Tốc độ sụp lún của ĐBSCL hiện từ 2 - 4cm/năm. Chủ yếu tại các khu vực thấp vùng ven biển. Đáng lưu ý, quá trình sụp lún với tốc độ ngày càng nhanh. Khu vực bán đảo Cà Mau có tốc độ lún cao nhất” – Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam vừa đưa ra nhận định. Theo đó, nguyên nhân là do nguồn nước ngầm bị khai thác quá mức. Ngoài ra, tình trạng ngập úng, xâm nhập mặn, suy thoái đất, nước ngầm càng trầm trọng hơn trong bối cảnh sụp lún.

Tình trạng sạt lở lan nhanh, ngày càng phức tạp. Hiện ĐBSCL có 562 điểm sạt lở (513 điểm ven sông, 49 điểm bờ biển). Trong đó, có 55 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm trên 248km bờ sông và bờ biển. Tình trạng bồi ít, xói lở nhiều trong 5 năm qua đã khiến diện tích rừng ở ĐBSCL giảm gần 28.387ha (từ 300.417ha còn 272.030ha). Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) khuyến cáo: Các địa phương vùng ĐBSCL cần quản lý chặt chẽ việc xây dựng nhà ở ven sông, kênh, rạch; không xây dựng công trình đối với khu vực đang có diễn biến xói lở. Cần khẩn trương tổ chức xử lý cấp bách 29 dự án sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển đặc biệt nguy hiểm với tổng kinh phí 1.500 tỷ đồng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2018.

Vĩnh Tường

NTV

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Nghề "hot" giúp nhiều lao động ở Đắk Lắk kiếm tiền triệu mỗi ngày

DNTH: Hái cà phê khoán đang trở thành nghề "hot", thu hút nhiều lao động trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, giúp nhiều người kiếm gần 1 triệu đồng mỗi ngày.

Không chủ quan trong phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi

DNTH: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên vừa ban hành văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, chính quyền cơ sở chủ động, hướng dẫn các hộ chăn nuôi chủ động phòng...

Cà phê sốt giá trên toàn cầu, nông dân Việt Nam thu lãi đậm, nhưng đâu mới là mức giá bền vững?

DNTH: Giá cà phê thế giới đã tăng vọt lên mức cao nhất trong gần 50 năm qua. Với tư cách nhà sản xuất robusta hàng đầu thế giới, Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong cuộc biến động này.

Chung tay đẩy lùi dịch tả lợn châu Phi

DNTH: Kể từ khi bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện từ tháng 2/2019 đến nay, ngành chăn nuôi lợn của Việt Nam đã mất trên 6 triệu con lợn do bị mắc bệnh và buộc phải tiêu hủy. Từ đầu năm 2024 đến ngày 25/11, cả nước đã xảy...

Mùa cá ở đầu nguồn châu thổ sông Cửu Long

DNTH: Theo quy luật tự nhiên, hàng năm, cứ tháng 7 âm lịch, nước từ thượng nguồn sông Mekong tràn về Đồng bằng sông Cửu Long mang theo biết bao tôm cá, tràn vào đồng ruộng để sinh sôi, nảy nở,… Đến tháng 9, nước bắt đầu rút, cũng...

Gia Lai quan tâm đầu tư xây dựng chợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số

DNTH: Nhờ có chợ, người dân dễ dàng tiếp cận các sản phẩm nông sản, hàng hóa thiết yếu, từ đó thúc đẩy lưu thông hàng hóa và gia tăng thu nhập cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại tỉnh Gia Lai.

XEM THÊM TIN