Mùa mai tái sinh

10:15 | 07/02/2025

DNTH: Ăn Tết xong, các nhà vườn mai cảnh ở An Nhơn (Bình Định) ra sức 'bồi bổ sức khỏe' cho những chậu mai còn lại trong vườn để năm sau cho nhiều bông búp.

Nhiều nhà vườn mai cảnh ở xã Nhơn An (thị xã An Nhơn, Bình Định) chuẩn bị thay chậu cho những chậu mai còn lưu lại vườn. Ảnh: V.Đ.T.

Nhiều nhà vườn mai cảnh ở xã Nhơn An (thị xã An Nhơn, Bình Định) chuẩn bị thay chậu cho những chậu mai còn lưu lại vườn. Ảnh: V.Đ.T.

Hiện trên toàn địa bàn thị xã An Nhơn (Bình Định) có hơn 2.200 hộ trồng mai cảnh với hơn 2 triệu chậu mai. Năm nay do thời tiết lạnh kéo dài, suốt cả tháng không có ánh nắng mặt trời nên phần lớn mai cảnh của các nhà vườn đều đơ bông búp, hoa nở muộn, Tết không tiêu thụ được, phải lưu lại vườn đợi Tết năm sau lại ra thị trường. Vừa qua Tết, các nhà vườn đã ra sức chăm sóc, “bồi bổ sức khỏe” cho những cây mai còn lưu lại trong vườn để năm sau đủ sức cho nhiều bông búp.

Theo anh Nguyễn Minh Phúc, chủ nhà vườn trồng mai cảnh ở khu vực Huỳnh Kim, phường Nhơn Hòa (thị xã An Nhơn), năm nào cũng vậy, ăn xong cái Tết là các nhà vườn trồng mai cảnh hao tốn tài chính khá nhiều. Ai cũng phải dồn tiền mua chậu, mua đất để thay chậu, thay đất cho những chậu mai còn lưu lại trong vườn, ngoài ra còn phải mua thuốc kích rễ, kích chồi để cây mai phát triển, chuẩn bị cho mùa bông mới.

“Năm nay đất cát quá đắt, xe chở khoảng 2 khối cát có giá đến 700.000đ/xe (trong khi trước đây vài năm giá cát chỉ 350.000đ/xe); đất phù sa mỗi xe khoảng 2 khối cũng có giá đến 600.000đ/xe. 1 khối đất vô chỉ được 30 chậu có kích cỡ 60cm. Nhà vườn nào thay 1.000 chậu mai phải mua đến hơn 30 khối đất, tiêu tốn vị chi hơn 10 triệu đồng”, anh Phúc chia sẻ.

Vừa qua Tết, đi về các vùng nông thôn xã Nhơn An - nơi được mệnh danh là “thủ phủ mai vàng” của thị xã An Nhơn, đến đâu chúng tôi cũng thấy không khí các nhà vườn mai cảnh rộn ràng chẳng kém những ngày trước Tết. Nếu như trước Tết, trong tháng 11, tháng Chạp nhà vườn mai cảnh nào cũng tất bật với việc lặt lá mai để cây mai cho hoa kịp Tết thì bước sang tháng Giêng, nhà vườn nào cũng rộn ràng với việc nhổ cọc, cắt nụ, cắt hoa, xới đất, thay chậu...

Những chậu kiểng mới được nhà vườn mua dự trữ để thay chậu, thay đất cho cây mai. Ảnh: V.Đ.T.

Những chậu kiểng mới được nhà vườn mua dự trữ để thay chậu, thay đất cho cây mai. Ảnh: V.Đ.T.

Không khí trên các con đường bê tông dẫn về các làng mai cũng khác xa những ngày tháng Chạp. Nếu trong tháng Chạp, những con đường bê tông ở xã Nhơn An dập dìu những chiếc xe tải vận chuyển mai cảnh đi tiêu thụ thì bước sang tháng Giêng lại dập dìu những chiếc xe tải nhỏ, xe cọc cạch chở chậu, chở đất về các làng mai phục vụ việc thay chậu, thay đất cho các chậu mai cảnh để chuẩn bị cho mùa mai mới.

Lang thang trên Quốc lộ I ngang qua xã Nhơn An (thị xã An Nhơn), chúng tôi thấy trước các nhà vườn mai cảnh nằm dọc hai bên quốc lộ chất từng đống chậu kiểng và những đống đất mới mua để chuẩn bị thay cho các chậu mai. Mới mùng 9 tháng Giêng (ngày 6/2), chúng tôi thấy có nhà vườn đã bày ra những chậu kiểng mới nằm thẳng tắp giữa những chậu mai chưa kịp xả bông búp, một lao động nữ đang đẩy xe rùa chở cát đổ vào những chậu kiểng chuẩn bị cho việc tái sinh mùa mai mới.

Những chậu kiểng mới nằm chờ đất mới cho những cây mai của anh Nguyễn Minh Phúc còn lưu lại vườn. Ảnh: V.Đ.T.

Những chậu kiểng mới nằm chờ đất mới cho những cây mai của anh Nguyễn Minh Phúc còn lưu lại vườn. Ảnh: V.Đ.T.

Nhiều nhà vườn trồng mai bonsai năm nay do hoa nở muộn bán không được nên ra Giêng thuê nhiều lao động nữ về “bồi bổ sức khỏe” cho những chậu mai. Công việc của họ không nặng nhọc, chỉ cầm cây tre vót mỏng xới đất dưới những gốc mai cho đất tơi ra để rễ phát triển, lao động nam thì nhổ những chậu mai ra khỏi chậu kiểng cũ cho qua chậu mới với đất mới.

Anh Nguyễn Xuân Phúc (54 tuổi) - chủ nhà vườn mai cảnh Xuân Hà ở phường Bình Định (thị xã An Nhơn) cho biết: “Sau Tết phải cắt hết hoa, búp còn trên cây để tập trung sức nuôi cây chuẩn bị cho mùa hoa mới. Cứ qua mùng 6 tháng Giêng hàng năm, các nhà vườn thuê công nhổ cọc, cắt hoa và những cành phụ để cây mai dồn nhựa nuôi những cành chính phát triển tái sinh mùa hoa mới. Những chậu mai 3 - 4 năm chưa thay đất mà chưa xuất bán được, đất trong chậu đã chai cứng, mất hết chất dinh dưỡng phải thay đất, đồng thời phải thay chậu khác lớn hơn để phù hợp với độ phát triển của cây mai”.

Mới mùng 9 tháng Giêng, các nhà vườn mai cảnh đã tất bật mùa mai mới. Ảnh: V.Đ.T.

Mới mùng 9 tháng Giêng, các nhà vườn mai cảnh đã tất bật mùa mai mới. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Nguyễn Trí Tuấn, chủ vườn mai bonsai ở thôn Thanh Liêm, xã Nhơn An - người thường được bạn nghề gọi yêu là “gã phù thủy mai cảnh” cho biết: “Sau tháng Chạp, những cây mai đã được lặt lá nhưng cho hoa muộn Tết không bán được đã nhiễm lạnh, tôi vẫn tưới nước bình bình thường nhưng không phun thuốc kích thích, để cây ra lộc thoải mái, chỉ khi cây ra trái mới lặt trái. Đến khi bộ lá mới già đi, khi ấy cây đã lên nhựa, cây khỏe lại rồi mới nhổ ra thay đất, vô chậu mới, nếu thay chậu sớm cây sẽ bị mất sức, chết”.

“Nếu cây mai được vô tro trấu và xơ dừa như mai miền Nam thì cách 2 - 3 năm phải thay một lần. Muốn thời gian thay đất kéo dài, cây mai phải được vô đất phù sa trộn với một ít xơ dừa, chậu 50cm chỉ trộn một nắm xơ dừa là được. Hằng năm cần bổ sung đều đều phân hữu cơ, phân hữu cơ sẽ cải tạo đất nên phải 5 - 7 năm mới thay đất một lần”, ông Nguyễn Trí Tuấn chia sẻ.

Theo Nông nghiệp Việt Nam

Nguồn: https://nongnghiep.vn/mua-mai-tai-sinh-d420076.html


Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Nuôi gà đen, lợi nhuận 'đỏ'

DNTH: Gà đen H'Mông là giống bản địa có sức đề kháng rất tốt, chất lượng thịt thơm ngon, giàu dinh dưỡng, được thị trường ưa chuộng, giá bán và lợi nhuận cao.

Ngăn nguy cơ hạn hán, đảm bảo nước cho vụ Đông Xuân

DNTH: Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 (Yagi), Lào Cai có 538 công trình thủy lợi và trên 2.100 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn bị hư hỏng nặng.

Gìn giữ giống đào cổ thất thốn ở Nhật Tân

DNTH: Ở làng đào Nhật Tân (quận Tây Hồ, Hà Nội), người dân địa phương yêu mến gọi ông Lê Hàm là nghệ nhân bảo tồn giống đào cổ thất thốn, bởi ông đã gắn với duyên nghiệp lưu giữ và nhân giống đào quý của vùng đất này...

"Đánh liều" trồng rau rừng mọc hoang, ngờ đâu dân tình đến nhà anh nông dân Đắk Lắk mua tới tấp

DNTH: Khi vườn rau bò khai-một loại rau dại vốn mọc hoang của gia đình anh Ma Văn Sa (xã Ea Tir, huyện Ea H'leo, tỉnh Đắk Lắk) phát triển, nhiều hộ dân trong vùng đã đến mua về ăn. Nhận thấy nhu cầu sử dụng loại rau rừng đặc sản này...

Biến rác hữu cơ thành phân hữu cơ quy mô nông hộ

DNTH: Theo các chuyên gia, nếu biết tận dụng lượng chất thải hữu cơ trong sinh hoạt biến thành phân bón hữu cơ sẽ mang lại hiệu quả kinh tế và môi trường cho nhiều nông hộ.

Nông dân Hòa Bình lãi hàng trăm triệu mỗi năm từ gà ri bản địa

DNTH: Chăn nuôi chuẩn hóa cùng đầu ra đảm bảo giúp người nuôi gà ri bản địa ở huyện Lạc Sơn (Hòa Bình) có thể thu lợi nhuận từ 200 - 600 triệu đồng/năm.

XEM THÊM TIN