Ngành hồ tiêu còn triển vọng nhưng phải tái cơ cấu

14:54 | 11/10/2018

DNTH: “Cây hồ tiêu đang đứng trước những thách thức và khó khăn rất lớn. Trong đó, thách thức lớn nhất là cung vượt cầu”. Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đã nhấn mạnh như vậy với Tạp chí NTV khi nói về tình hình phát triển, tiêu thụ sản phẩm hồ tiêu thời gian qua.

Ông Nguyễn Nam Hải,  Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam
Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam

Hồ tiêu đang đóng vai trò là một trong những giống cây nông sản xuất khẩu chủ lực của ngành nông nghiệp Việt Nam. Nhưng thời gian qua, ngành hàng này không ít thăng trầm. Vậy nói về cây hồ tiêu hiện giờ, ông sẽ nói gì, thưa ông?

Cây hồ tiêu đang đứng trước những thách thức và khó khăn rất lớn. Trong đó, thách thức lớn nhất là cung vượt cầu. Hệ lụy của nó là giá hồ tiêu xuất khẩu ngày càng giảm do sản lượng cung vượt cầu trên toàn thế giới.

Trong những năm 2014 - 2015, giá tiêu tăng cao lên đến 230.000 đồng/kg và giá trị xuất khẩu vượt 10.000USD/tấn. Vì thế người dân ồ ạt tăng diện tích trồng tiêu, điều này không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà cả ở những nước trồng hồ tiêu khác như Brazil. Năm 2013, diện tích cây hồ tiêu ở Việt Nam chỉ khoảng 60.000ha nhưng đến năm 2018 đã lên đến 152.000ha, vượt cả định hướng của Chính phủ đến 2020 là chỉ 100.000ha.

Diện tích tăng nhanh trong khi nhu cầu hồ tiêu chỉ tăng 3% mỗi năm làm giá đi xuống. Đến năm 2018 giá hồ tiêu tại Việt Nam chỉ còn khoảng 50.000 đồng/kg, giá trị xuất khẩu 2.500USD/tấn, khiến người nông dân điêu đứng. Trong tương lai giá hồ tiêu vẫn sẽ tiếp tục giảm và khó tăng lại so với đỉnh điểm của 4 năm trước.

Tổng sản lượng hồ tiêu thế giới trong 2017 trên 472.000 tấn, trong đó Việt Nam xuất khẩu hơn 215.000 tấn. Sản lượng hồ tiêu Việt Nam chiếm trên dưới 48% tổng sản lượng hồ tiêu thế giới.

Trước đây, Hiệp hội có cảnh báo sự tăng nóng về diện tích trồng không, thưa ông?

Trong giai đoạn tăng nóng đó, Hiệp hội Hồ tiêu đã liên tục phối hợp với các địa phương trồng hồ tiêu lớn đưa ra những cảnh báo về tình trạng tăng diện tích tự phát. Tuy nhiên, thời điểm đó (năm 2014 - 2015) giá hồ tiêu đang ở đỉnh nên bà con nông dân bất chấp cảnh báo, vẫn mở rộng diện tích một cách tự phát.

Không những thế bà con còn trồng hồ tiêu ở những nơi thổ nhưỡng không thích hợp như đất rừng núi. Do vậy, hệ quả đến nay nhiều vườn hồ tiêu bị sâu bệnh, chết hàng loạt như báo chí thường đề cập. Cùng với đó là quy trình chăm sóc canh tác không đúng kỹ thuật. Sử dụng quá nhiều phân bón vô cơ thay vì dùng phân bón hữu cơ, vi sinh nên gây ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng hồ tiêu Việt Nam.

Tuy nhiên, một vấn đề đang rất nan giải hiện nay, đó là tính cạnh tranh trên thị trường thế giới. Do sản lượng hồ tiêu tăng quá nhanh nhưng giá bán ngày càng giảm, dẫn đến tình trạng người dân giảm đầu tư chăm sóc nên chất lượng giảm sút. Vì thế đã ảnh hưởng lớn đến tính cạnh tranh của hồ tiêu Việt Nam trên thị trường thế giới.

Trong thời điểm này, ông nhận định thế nào về tương lai của ngành hồ tiêu?

Tôi khẳng định ngành hồ tiêu Việt Nam trong tương lai vẫn còn rất nhiều triển vọng phát triển và tiếp tục đóng vai trò trong các cây nông sản chính của ngành nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, để triển vọng thành sự thật, chúng ta phải xác định việc tái cơ cấu ngành phát triển theo hướng bền vững là nhiệm vụ chính trong những năm tới. Trong tái cơ cấu phải xác định được hệ tiêu chí về sản lượng và chất lượng hồ tiêu.

Đâu là những giải pháp chính trong việc tái cơ cấu để thúc đẩy ngành hồ tiêu phát triển trong giai đoạn tới?

Theo tôi, các địa phương cần nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Bộ NN&PTNT. Đó là không tăng diện tích trồng mới hồ tiêu, thậm chí khuyến khích giảm diện tích ở những vùng không lợi thế cho trồng hồ tiêu, vùng bị bệnh hại, vùng tiêu già cỗi, năng suất thấp. Ở những vùng này phải chuyển sang canh tác cây trồng khác thích hợp và hiệu quả. Đến 2020 – 2030 ổn định diện tích hồ tiêu ở mức trên dưới 110.000ha.

Cơ quan chức năng cần quan tâm chứng nhận bộ giống chuẩn để phát triển đại trà cây hồ tiêu ở Việt Nam. Thực tế hiện nay chúng ta chưa có bộ giống chuẩn, giống do người dân tự tìm tòi trồng lấy. Việc xác định bộ giống này có thể được dựa trên cơ sở các giống tiêu đang được bà con canh tác với sản lượng cao và được xuất khẩu nhiều ra thế giới. Hiện nay, các giống tiêu Việt Nam như giống Vĩnh Linh (Quảng Trị), Lộc Ninh (Bình Phước), tiêu sẻ Bà Rịa – Vũng Tàu hoặc giống tiêu nhập khẩu như giống Sri Lanka đang có diện tích trồng lớn.

Hiệp hội Hồ tiêu đã đề nghị Bộ NN&PTNT nghiên cứu để xây dựng bộ giống cho cây hồ tiêu Việt Nam hoặc kiểm tra để công nhận các giống hồ tiêu có chất lượng đang được người dân lựa chọn trồng nói trên.

Thưa ông, việc liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp để tạo vùng nguyên liệu có được xem là giải pháp trong việc tái cơ cấu ngành hồ tiêu?

Để có được sản phẩm chất lượng, đầu ra ổn định, hạn chế rủi ro đến mức thấp nhất cho người nông dân, cần xây dựng các vùng nguyên liệu trồng hồ tiêu bền vững. Muốn làm được vấn đề này phải có liên kết giữa doanh nghiệp và bà con nông dân. Để có mối liên kết bền vững, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, tổ chức nông nghiệp, hợp tác xã tại địa phương, không thể đứng ngoài cuộc. Khi doanh nghiệp đảm bảo bao tiêu đầu ra, thì người nông dân phải đảm bảo uy tín cung cấp sản phẩm đúng mùa vụ. Thực hiện những biện pháp chế tài mạnh để cả doanh nghiệp và nông dân không dám “bẻ kèo”.

Thời gian qua, việc thực hiện liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân để tạo vùng nguyên liệu hồ tiêu sản xuất bền vững đã được các bộ ngành địa phương, hiệp hội triển khai nhưng kết quả đến nay chưa được như mong muốn. Hiện chỉ có một số doanh nghiệp thành công như: Nedspice, Phúc Sinh, Simexco, Haprosimex, Intimex,… nhưng với quy mô về diện tích còn quá thấp. Mô hình của Công ty Nedspice là hiệu quả và tiêu biểu nhất, diện tích liên kết với người nông dân các huyện tại Bình Phước hơn 1.000ha.

Chúng ta cần đẩy mạnh phát triển ngành hồ tiêu theo định hướng Chính phủ đã đề ra, đó là hợp tác công tư (PPP). Cây hồ tiêu phải được canh tác và sản xuất theo quy trình bền vững, trong đó quan trọng nhất là hạn chế sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Song song đó cần đẩy mạnh công tác truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý như các sản phẩm nông nghiệp khác đang thực hiện. Việc này không những giúp ngành hồ tiêu chiếm được độ tin cậy đối với người tiêu dùng, mà còn làm tăng hình ảnh thương hiệu và mở rộng thị trường của hồ tiêu Việt Nam trên thế giới.

Vai trò của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam trong việc tái cơ cấu ngành như thế nào, thưa ông?

Hiện nay, sản phẩm hồ tiêu Việt Nam đang bị cạnh tranh gay gắt với các nước khác, đặc biệt là sản phẩm hồ tiêu của Brazil. Hồ tiêu Việt Nam nếu không tái cơ cấu chất lượng sản phẩm thì rất dễ mất thị phần vào những nước xuất khẩu hồ tiêu khác. VN hiện chiếm phân nửa thị trường tiêu thế giới nhưng 80% trong sản lượng xuất khẩu lại là tiêu thô, không có giá trị cao như các sản phẩm chế biến sâu. Doanh nghiệp Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển các sản phẩm hồ tiêu chế biến sâu. Tăng năng suất sản xuất các sản phẩm khác có giá trị cao ngoài sản phẩm hạt tiêu thô như tiêu trắng, tiêu đen nghiền…

Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam phải nâng cao hơn nữa vai trò của các doanh nghiệp hiệp hội trong xây dựng và phát triển chuỗi giá trị trong sản xuất hồ tiêu, đặc biệt là mối liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân để tạo nguồn nguyên liệu phát triển bền vững. Các hoạt động của Hiệp hội cần đổi mới và mở rộng các hình thức với mục đích nâng cao hơn nữa lợi ích, hiệu quả của hội viên và người nông dân. Hiện nay, tỉ lệ liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân của ngành hồ tiêu chỉ khoảng 3,5%, con số này ở ngành cà phê là hơn 40%. Hiệp hội cần có tiếng nói hơn để liên kết các doanh nghiệp của Hiệp hội tham gia vào mối liên kết này. Việc liên kết đầu tư giữa 2 bên vừa đảm bảo người nông dân có đầu ra ổn định còn doanh nghiệp có sản phẩm đầu vô chất lượng.

Vào tháng 12 tới đây, Hiệp hội Hồ tiêu sẽ tổ chức Hội nghị phát triển hồ tiêu bền vững và triển vọng của hồ tiêu Việt Nam. Hội nghị có sự tham gia của nhiều cơ quan chính quyền, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hồ tiêu lớn tại Việt Nam và thế giới, các hiệp hội về hồ tiêu và các hiệp hội tổ chức gia vị trên thế giới. Thông qua Hội nghị này, Hiệp hội Hồ tiêu sẽ là cầu nối giữa ngành hồ tiêu Việt Nam với các tổ chức gia vị toàn cầu, đẩy mạnh hình ảnh hồ tiêu đến bạn bè thế giới.

Xin cảm ơn ông.

Trần Toàn - Minh Quang

NTV

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Nghề "hot" giúp nhiều lao động ở Đắk Lắk kiếm tiền triệu mỗi ngày

DNTH: Hái cà phê khoán đang trở thành nghề "hot", thu hút nhiều lao động trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, giúp nhiều người kiếm gần 1 triệu đồng mỗi ngày.

Không chủ quan trong phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi

DNTH: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên vừa ban hành văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, chính quyền cơ sở chủ động, hướng dẫn các hộ chăn nuôi chủ động phòng...

Cà phê sốt giá trên toàn cầu, nông dân Việt Nam thu lãi đậm, nhưng đâu mới là mức giá bền vững?

DNTH: Giá cà phê thế giới đã tăng vọt lên mức cao nhất trong gần 50 năm qua. Với tư cách nhà sản xuất robusta hàng đầu thế giới, Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong cuộc biến động này.

Chung tay đẩy lùi dịch tả lợn châu Phi

DNTH: Kể từ khi bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện từ tháng 2/2019 đến nay, ngành chăn nuôi lợn của Việt Nam đã mất trên 6 triệu con lợn do bị mắc bệnh và buộc phải tiêu hủy. Từ đầu năm 2024 đến ngày 25/11, cả nước đã xảy...

Mùa cá ở đầu nguồn châu thổ sông Cửu Long

DNTH: Theo quy luật tự nhiên, hàng năm, cứ tháng 7 âm lịch, nước từ thượng nguồn sông Mekong tràn về Đồng bằng sông Cửu Long mang theo biết bao tôm cá, tràn vào đồng ruộng để sinh sôi, nảy nở,… Đến tháng 9, nước bắt đầu rút, cũng...

Gia Lai quan tâm đầu tư xây dựng chợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số

DNTH: Nhờ có chợ, người dân dễ dàng tiếp cận các sản phẩm nông sản, hàng hóa thiết yếu, từ đó thúc đẩy lưu thông hàng hóa và gia tăng thu nhập cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại tỉnh Gia Lai.

XEM THÊM TIN