Xã Thạch Hoà, huyện Thạch Thất:

Người dân mất ruộng kêu cứu gần 10 năm, nhưng chưa được giải quyết thoả đáng

11:23 | 11/05/2023

DNTH: Mặc dù có đủ “hợp đồng giao khoán” và các hồ sơ liên quan đến việc Nông trường 1A giao đất, thế nhưng bà Vũ Thị Ngoan (sinh sống tại thôn 4, xã Thạch Hoà, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội) vẫn không thể lấy lại được 206 m2 đất nông nghiệp bị người khác chiếm dụng, mà đáng lẽ ra thuộc quyền sử dụng hợp pháp của gia đình bà.

Suốt gần 10 năm qua, bà Ngoan đạp xe đi cầu cứu khắp nơi, từ xã rồi đến huyện, thậm chí được hướng dẫn làm đơn gửi Toà án nhân dân huyện Thạch Thất để giải quyết, rồi lại được khuyên rút đơn về để huyện giải quyết!

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp và Thương hiệu nông thôn, bà Vũ Thị Ngoan (sinh năm 1964) trú tại thôn 4, xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội cho biết: "tôi nguyên là công nhân Nông trường 1A thuộc Đội sản xuất 9. Năm 1993, tôi được nông trường chia cho diện tích cấy lúa là 206 m2 (chứng minh tại số thửa 51, tờ bản đồ 28 của UBND xã Thạch Hòa). Từ khi được giao khoán, gia đình tôi luôn nộp sản đầy đủ, theo đúng quy định của nông trường.

Năm 2001, theo kế hoạch của thành phố Hà Nội, nông trường bàn giao đất cho Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQG). Do thửa đất ruộng nằm trong khu vực quy hoạch để xây dựng ĐHQG Hà Nội nên gia đình tôi không phải nộp sản nữa.

Đến năm 2013, UBND thành phố Hà Nội thu hồi toàn bộ diện tích đất nằm ngoài quy hoạch dự án ĐHQG Hà Nội và bàn giao 1.020.799 m2 đất cho UBND huyện Thạch Thất quản lý. Trong đó, 206 m2 đất ruộng của tôi cũng nằm trong diện tích 1.020.799 m2 đất được bàn giao cho địa phương quản lý. Tháng 12/2017, UBND xã Thạch Hòa thông báo những gia đình có đất ở khu vực đó đi kê khai để lập bản đồ địa chính. Tuy nhiên, thửa đất của gia đình tôi đã bị san lấp mất hiện trạng nên tôi không nhận định được chính xác diện tích đất. Nguyên nhân do gia đình ông Lê Văn Tuấn và ông Nguyễn Duy Cường đã tự ý đổ đất vào phần ruộng của gia đình tôi. Bởi vậy, tôi đã làm đơn lên UBND xã Thạch Hòa với mong muốn lấy lại phần đất ruộng của gia đình mình".

Tuy nhiên, kể từ ngày (23/2/2017) bà Ngoan làm đơn gửi lên UBND xã Thạch Hoà, huyện Thạch Thất đến nay, sự việc vẫn chưa được giải quyết thấu đáo!

Hà Nội
Phần diện tích của hộ gia đình bà Vũ Thị Ngoan nằm trong diện tích thửa đất số 51, tờ bản đồ số 28. (Phần khoanh tròn vàng).

Để có góc nhìn khách quan về vụ việc, cũng như hỗ trợ người dân trong hành trình đi tìm công lý, ngày 11/4/2023, phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp và Thương hiệu nông thôn đã về xã Thạch Hoà, huyện Thạch Thất để tìm hiểu rõ nguồn cơn của sự việc. Tuy nhiên, cánh cổng UBND xã thì rộng mở, cửa phòng của Chủ tịch UBND xã không đóng, nhưng việc gặp được lãnh đạo xã cũng rất khó khăn!

Thiết nghĩ, việc người dân kêu cứu suốt gần 10 năm trời, tuổi cũng đã cao, chồng thì mắc bệnh hiểm nghèo, đau yếu liên miên cũng đã rất khổ cực. Ngần ấy năm dòng dã đạp xe đi kêu cứu khắp nơi, nhưng đáp lại vẫn là sự "chờ đợi" mỏi mòn.

Thấu hiểu sự mong mỏi của người dân, Tạp chí Doanh nghiệp và Thương hiệu nông thôn tiếp tục có công văn gửi đến các cấp chính quyền của xã Thạch Hoà và huyện Thạch Thất đề nghị hỗ trợ phản hồi thông tin mà người dân phản ánh, làm rõ hơn các vấn đề mà người dân mong muốn suốt nhiều năm qua.

Hà Nội (1)
UBND xã Thạch Hoà gửi công văn số 62/CV-UBND phúc đáp lại Tạp chí.

Ngày 8/5/2023, UBND xã Thạch Hoà đã có công văn số 62/CV-UBND phúc đáp lại. Công văn nêu rõ:

Đất Nông trường 1A (cũ) thuộc Tổng Cục hậu cần Bộ Quốc phòng quản lý và sử dụng với diện tích 1.200 ha. Ngày 16/10/1995, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 659/QĐ-TTCP về việc quy hoạch và xây dựng ĐHQG Hà Nội trên diện tích đất của Nông trường 1A tại Hoà Lạc. Ngày 26/01/1998, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 22/1998/QĐ-TTg về việc phê duyệt quy hoạch xây dựng ĐHQG Hà Nội tại Hoà Lạc. Năm 2003, trên cơ sở quy hoạch dự án ĐHQG Hà Nội tại Hoà Lạc đã được Chính phủ phê duyệt, trên diện tích đất Nông trường 1A quản lý, ngày 15/7/2003, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) đã ban hành Quyết định số 975/QĐ-UBND về việc thu hồi 8.606.641 m2 đất của Nông trường 1A quản lý sử dụng thuộc địa bàn xã Thạch Hoà, huyện Thạch Thất, giao cho ĐHQG Hà Nội quản lý để thực hiện dự án.

Đến ngày 09/8/2006, Nông trường 1A giải thể theo Quyết định số 744/QĐ-TCCB của Giám đốc ĐHQG Hà Nội. Toàn bộ, diện tích đất trong và ngoài quy hoạch dự án ĐHQG Hà Nội do Văn phòng ĐHQG Hà Nội tiếp quản và quản lý. Ngày 06/8/2013, UBND thành phố Hà Nội ra Quyết định số 4672/QĐ-UBND, thu hồi toàn bộ diện tích đất nằm ngoài quy hoạch dự án xây dựng ĐHQG Hà Nội, là 1.010.799 m2 đất bàn giao cho UBND huyện Thạch Thất quản lý, trong đó có bao gồm phần diện tích đất mà bà Vũ Thị Ngoan đề nghị được giải quyết.

Theo thông tin phản hồi trên, UBND xã Thạch Hoà đã phần nào khẳng định, diện tích đất của Nông trường 1A cũ (bao gồm 1.010.799 m2 có cả phần diện tích đất mà bà Ngoan yêu cầu giải quyết tranh chấp đều thuộc địa phương quản lý).

Về việc, người dân mòn mỏi chờ vào công lý để tìm lại diện tích đất bị chiếm dụng được UBND xã Thạch Hoà thông tin như sau: 

Căn cứ vào hồ sơ liên quan do các hộ cung cấp và hồ sơ lưu lại UBND xã Thạch Hoà thì diện tích của các hộ dân như sau:

+ Bà Vũ Thị Ngoan: 206 m2 (người dân kêu cứu)

+ Bà Đào Thị Hoa: 420 m2

+ Bà Dương Thị Phượng: 430 m2

+ Nguyễn Thị Thiếu: 280 m2

Tổng diện tích của ba hộ (bà Hoa, bà Phượng và bà Thiếu) là 1.130 m2 được chuyển nhượng cho ông Lê Văn Tuấn, thể hiện trong đơn chuyển nhượng ngày 06/2/2004. 

Tuy nhiên, căn cứ vào kết quả đo đạc, phục dựng bản đồ năm 2001 (mốc giới diện tích đất ruộng mà ông Lê Văn Tuấn nhận chuyển nhượng từ ba hộ nói trên, diện tích do ông Tuấn tự xác định), thì thực tế lại là 1.376,1 m2 (thừa 246,1 m2 so với nhận chuyển nhượng). Do diện tích đất nhiều năm không canh tác, bỏ hoang nên cả ba hộ nói trên không xác định được chính xác mốc giới. Hộ gia đình bà Vũ Thị Ngoan cũng không xác định được chính xác vị trí thửa ruộng được giao ở vị trí nào. 

UBND xã Thạch Hoà cho biết, ngày 22/6/2021, UBND xã đã tiến hành hoà giải giữa hộ gia đình ông Lê Văn Tuấn và bà Vũ Thị Ngoan nhưng không thành, lý do: ông Lê Văn Tuấn cho rằng, đất ruộng mà ông nhận chuyển nhượng từ năm 2004 và sử dụng ổn định đến năm 2020 mới có phát sinh tranh chấp và không đồng ý tiến hành hoà giải. UBND xã Thạch Hoà đã hướng dẫn các bên có tranh chấp gửi đơn lên Toà án nhân dân huyện Thạch Thất để được giải quyết theo quy định của pháp luật. 

Hà Nội (2)
UBND xã Thạch Hoà cũng đã nhiều lần hoà giải và ra các thông báo liên quan đến vụ việc.

Tuy nhiên, theo thông tin chia sẻ của bà Vũ Thị Ngoan, UBND xã Thạch Hoà cũng đã nhiều lần hoà giải. Tuy nhiên, cách giải quyết mỗi lần mỗi khác và được thể hiện rất rõ ở các thông báo số 115/TB-UBND ngày 18/12/2017, thông báo số 54/BC-UBND ngày 29/6/2018 (trả lời đơn của bà Ngoan), thông báo số 76/TB-UBND ngày 29/5/2019; thông báo số 93/BC-UBND ngày 20/12/2019 và gần đây là thông báo số 16/TB-UBND ngày 29/01/2021 về kết quả giải quyết đơn của bà Vũ Thị Ngoan, thôn 9, xã Thạch Hoà, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội. 

Theo thông tin tìm hiểu, ngày 12/11/2020, UBND xã Thạch Hoà đã ký hợp đồng với Công ty CP ứng dụng Công nghệ Đo đạc và Bản đồ, đo đạc phục dựng trích lục thửa đất và bàn giao mốc giới ngoài thực địa 35 mốc. Theo đó, phần diện tích đất của bà Ngoan đã được phục dựng theo bản đồ năm 2001 thuộc thửa đất số 51, bản đồ số 28 ( thửa 51 có diện tích là 472,9 m2 được xác định ở các mốc: 4,5,30,28,27,31; thửa 52 có diện tích là 903,2 m2 được xác định ở các mốc: 5,6,12,30. Tổng hai thửa 51 và 52 có diện tích là 1.376,1 m2 thuộc diện tích đất mà ông Lê Văn Tuấn và hộ ông Nguyễn Duy Cường đang sử dụng) đã được nêu trở trên.

Căn cứ vào kết quả đo đạc, diện tích đất ruộng của bà Ngoan nằm trong phần diện tích đất mà ông Cường đang sử dụng bởi trước đó, ông Lê Văn Tuấn đã thực hiện chuyển nhượng 1/2 (một nửa) trong tổng số 1.376,1 m2 cho ông Nguyễn Duy Cường (hộ liền kề với hộ ông Lê Văn Tuấn) sử dụng. 

Căn cứ vào khoản 5 và 7 Điều 166 Luật đất đai thì người sử dụng đất có quyền: "Được Nhà nước bảo hộ khi người khác xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp về đất đai của mình; Khiếu nại, tố cáo, khởi khiện về những hành vi vi phạm quyền sử dụng đất hợp pháp của mình và những hành vi khác vi phạm về luật đất đai".

Việc bà Ngoan mòn mỏi mong đợi một quyết định thấu tình, đạt lý có quá lâu! Trong khi, các căn cứ, thông tin và việc xác định mốc giới đã rõ ràng?

Ảnh chụp Màn hình 2023-05-11 lúc 19.12.20
UBND huyện chuyển đơn của bà Vũ Thị Ngoan về xã Thạch Hoà để được giải quyết.

Theo thông tin phản hồi của UBND xã Thạch Hoà: UBND xã đã có hướng dẫn các bên có tranh chấp gửi đơn lên Toà án nhân dân huyện Thạch Thất để được giải quyết theo quy định của pháp luật, có đưa người dân vào vòng "luẩn quẩn", khi mà người dân chia sẻ, họ được khuyên rút đơn, quay trở lại làm việc với UBND huyện Thạch Thất để được giải quyết tranh chấp đất đai (theo Điều 89 Nghị định 43/2014/NĐ-CP).

Ở một diễn biến khác, nhiều năm nay tại xã Thạch Hoà, huyện Thạch Thất việc chuyển nhượng đất nông nghiệp được diễn ra ngang nhiên công khai mà không bị cơ quan chức năng nào xử lý. Ngay cả các hộ có tranh chấp với hộ gia đình nhà bà Ngoan cũng tự ý chuyển nhượng đất nông nghiệp khi chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đất không thuộc đối tượng cho, tặng, chuyển nhượng. Nhưng bằng các giấy tờ viết tay mà nhiều đất nông nghiệp ở địa phương này đã được sang tên đổi chủ "bất hợp pháp" trái với quy định của Luật Đất đai (được quy định tại các điểm a, d Điều 167 và Điều 188). Trước thực trạng trên cho thấy, việc quản lý đất đai ở một số địa phương còn nhiều bất cập.

Suốt gần 10 năm qua, mặc dù sức khỏe đã yếu cộng phải chăm sóc người chồng đang mắc bệnh hiểm nghèo (ung thư), thường xuyên vào viện, bà Ngoan vẫn miệt mài đạp xe nhiều cây số để làm việc với chính quyền với mong muốn được nhận lại phần diện tích đất của gia đình. 

Mong rằng, trước các thông tin và lời kêu cứu khẩn cấp của người dân, các cơ quan chức năng có thể vào cuộc, giúp đỡ người dân, để họ yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống, góp phần cùng địa phương hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới.

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Yêu cầu bắt buộc về chuyển đổi xanh, xuất khẩu xanh

DNTH: Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2024 với chủ đề “Xúc tiến xuất khẩu xanh” đề cập nhiều vấn đề "nóng" với các ngành xuất khẩu nội địa trước những quy định bắt buộc của các quốc gia nhập khẩu về phát triển...

Khi nông dân biến sợi rơm thành sợi vàng

DNTH: Thay vì đốt đồng sau mỗi mùa vụ gây ô nhiễm môi trường, nông dân An Giang đã tìm ra nhiều cách để tận dụng rơm rạ hiệu quả, giúp tăng thu nhập.

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam: Ngày càng có thêm nhiều làng quê đáng sống

DNTH: Hội Nông dân Việt Nam và Bộ TN&MT đã phối hợp thành lập các tổ nhóm, CLB nông dân tham gia bảo vệ môi trường ở địa phương, Hội Nông dân cơ sở hoạt động rất hiệu quả, góp phần xây dựng môi trường nông thôn sáng xanh sạch...

Xây dựng nông thôn mới nâng cao gặp khó ở tiêu chí nước sạch

DNTH: Giai đoạn 2021-2025, Quảng Ngãi phấn đấu đưa 33 xã về đích nông thôn mới nâng cao nhưng đến nay chỉ có 8 xã đạt chuẩn, 9 xã đăng ký về đích vào cuối năm 2024. Tuy nhiên, qua rà soát cho thấy nhiều địa phương đều gặp khó vì...

Gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới

DNTH: Để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 của các địa phương, từ đầu năm 2024 đến nay, Bộ Nông...

Tích tụ ruộng đất: Hồi sinh những cánh đồng hoang

DNTH: Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, tích tụ ruộng đất đã trở thành xu thế tất yếu, hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp tỉnh Thái Bình. Thay vì nhiều canh đồng bị bỏ hoang, sản xuất kém hiệu quả, giờ đây những cánh đồng...

XEM THÊM TIN