“Nhà sáng chế” thôn Vinh Quang Thượng

10:04 | 13/01/2018

DNTH: Với mong muốn giúp nông dân bớt nhọc nhằn, cùng với kiến thức cơ khí “học lỏm”, anh đã mày mò sáng chế, cải tiến chiếc máy bơm nước hoạt động một cách tối ưu. Anh là Trần Hữu Đá, 46 tuổi, thôn Vinh Quang Thượng, xã Gio Quang (Gio Linh - Quảng Trị).

Anh Đá vận hành chiếc máy bơm nước tự sáng chế, cải tiến.

Chi phí ít, lợi ích nhiều

Chúng tôi tìm gặp anh Đá khi anh vẫn đang làm công việc thường ngày ở trụ sở UBND xã Gio Quang, khi đó chúng tôi mới biết anh còn là Phó bí thư Đảng ủy xã. Khi nói đến chuyện cải tiến chiếc máy bơm nước, anh Đá trở nên sôi nổi hẳn. Anh kể, khoảng năm 2000, anh có dịp đi tham quan trong miền Nam, thấy người dân ở một số vùng sông nước dùng máy bơm đặt trên xáng cạp để hút nước, anh thấy lạ lắm. Anh quan sát tỉ mỉ cách người ta cải tiến, sử dụng bơm ra sao.

Xem là xem vậy nhưng anh cũng chẳng có ý định gì cho đến vụ lúa đông xuân 2014, bà con xã Gio Quang khốn đốn vì ruộng bị ngập sâu không thể gieo cấy. Trong khi để có thể gieo cấy họ phải tát nước bằng tay hoặc dùng máy bơm cỡ lớn, rất tốn kém nhiên liệu nhưng công suất lại thấp. Lúc này, anh nhớ đến chiếc máy bơm hút nước ở miền Nam. Nhưng chiếc máy ấy hoạt động theo nguyên lý quạt cánh dẫn, phải có ống hút, phải kín hơi trong khi lại cồng kềnh (nặng hơn 1 tạ), tốn nhiên liệu nhiều mà giá thành cao. “Trong đầu tôi hình thành ý tưởng phải chế ra một cái máy bơm nước sao cho giản tiện nhất, đạt công suất cao, giá thành thấp, gọn nhẹ, dễ sử dụng. Thế là tôi bắt tay vào mày mò làm”, anh cho biết. Mất gần nửa tháng thử đi thử lại, với những kiến thức và kỹ năng gò hàn của mình, chiếc máy bơm nước của anh cũng  hoàn thành. Đó là chiếc “máy bơm nước lai” giữa hai loại máy bơm phổ biến trên thị trường hiện nay: Bơm hướng trục cánh dẫn và bơm ly tâm.

Về hình thức, chiếc máy bơm này được chế tạo có một buồng hút ngắn khoảng 60-70cm, gắn cánh quạt. Bộ phận buồng này nối với một cần trục nhỏ dài khoảng 2,5m, có trục gắn với máy nổ (chạy bằng xăng hoặc dầu đều được). Nguyên lý hoạt động: Khi máy nổ sẽ truyền động để cần trục xoay và cánh quạt ở buồng hút sẽ hút nước lên cao ra khỏi địa điểm cần hút với lực hút rất mạnh. Toàn bộ chiếc máy này có khớp nối linh hoạt nên máy có thể hoạt động ở nhiều địa hình, độ cao thấp khác nhau. Máy sẽ hoạt động tối ưu ở độ cao khoảng 1-2m. Nếu muốn hút nước ra xa, chỉ cần may ống dẫn nước bằng bạt với độ dài tùy ý nối vào. Toàn bộ chiếc máy này chỉ nặng khoảng 20kg, rất dễ di chuyển.

Sẵn sàng sẻ chia

Anh Đá khẳng định, chiếc máy bơm nước này khá đơn giản, ai cũng có thể vận hành được. “Nếu có chút kiến thức về gò hàn thì ai cũng có thể làm được, nó đơn giản lắm. Vật liệu chế tạo máy bơm nước này cũng dễ kiếm, giá rẻ nên chi phí được hạn chế tối đa. Cái khó nhất là việc chế tạo cánh quạt và cách đặt sao cho đúng góc độ để máy hoạt động tối ưu mà thôi. Tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với mọi người về cách làm nếu họ cần”, anh Đá cho biết.

Nhiều người dân trong vùng vô cùng ngạc nhiên trước chiếc máy bơm nước nhỏ xíu, với chiếc máy nổ cũng nhỏ (công suất chỉ 6.5 CV) nhưng có khả năng bơm tưới tiêu từ 200-300m3 nước/giờ và chỉ tiêu hao có 1 lít xăng. “Điều làm cho chiếc máy bơm nước được ưa chuộng bởi lẽ máy đã mang lại nhiều hiệu năng tiện lợi: Máy chạy không cần ống hút, không bị kẹt rác, bùn, không bị ảnh hưởng bởi việc hở hơi, lực hút lại rất mạnh, ít tốn nhiên liệu, phù hợp với nhiều địa hình khác nhau và đặc biệt nhỏ gọn, giá thành thấp. Tôi thật sự cảm thấy tự hào và hài lòng về sáng chế hữu ích này”, anh Đá bộc bạch thêm.

Anh Nguyễn Viết Thuận, thôn Vinh Quang Thượng, bày tỏ vui mừng: “Trước khi chưa có chiếc máy bơm nước của anh Đá, chúng tôi rất nhọc nhằn mỗi khi lúa, hoa màu bị ngập úng, bị hạn. Nhưng nay thì rất yên tâm. Mấy vụ bị ngập úng vừa qua, nhiều hecta lúa và hoa màu của gia đình tôi đã “thoát hiểm” nhờ sử dụng chiếc máy này. Máy này bơm hút rất nhanh, lại ít tốn nhiên liệu. Việc chống hạn cũng rất ổn vì máy có thể vét nước ở những nơi có mực nước rất thấp”.

Không chỉ cải tiến chiếc máy bơm nước, anh Đá đang tiếp tục tìm hiểu, chế tạo, cải tiến chiếc máy rải phân tự động cho nông dân. “Ở quê tôi diện tích lúa rất nhiều, bình quân mỗi hộ có 1-2ha ruộng, nhiều hộ làm cả chục hecta nên việc rải phân vô cùng cực nhọc. Vì vậy tôi đang làm chiếc máy rải phân tự động. Hy vọng, chiếc máy này sẽ tiếp tục thành công để góp phần giúp người nông dân vơi bớt nhọc nhằn”, anh Đá tâm sự.

Lê Đức Việt

KTNN

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Phát triển kinh tế xanh phải gắn liền với chuyển đổi số

DNTH: Theo các chuyên gia kinh tế, hiện nay kinh tế xanh đang trở thành xu hướng tất yếu trong bối cảnh nhu cầu phát triển bền vững ngày càng cấp bách. Quá trình chuyển đổi xanh không thể tách rời chuyển đổi số, đồng thời phải được...

Tạo sinh kế cho 50 nghìn hộ dân xung quanh Vườn quốc gia Tràm Chim

DNTH: Vườn quốc gia Tràm Chim thực hiện nhiều chính sách tạo sinh kế cho 50 nghìn hộ dân sinh sống xung quanh để họ yên tâm làm ăn và hạn chế xâm lấn vào vườn.

Hà Nội nhân rộng mô hình nông nghiệp xanh

DNTH: Nỗ lực với mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp xanh, đến nay, trên địa bàn Hà Nội ngày càng hiện hữu nhiều mô hình sản xuất theo hướng VietGAP, hữu cơ vừa bảo đảm nguồn cung nông sản an toàn, vừa góp phần bảo vệ môi...

Nhân dân vùng cực Nam vững niềm tin đón Xuân mới

DNTH: Còn ít giờ nữa là người dân Cà Mau cùng với người dân khắp nơi sẽ bước vào năm Ất Tỵ 2025. Đón chào Xuân mới với khí thế mới, người dân nơi vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc càng thêm nhiều niềm tin, khát vọng để...

Sửa quy định tỉnh hoàn thành xây dựng nông thôn mới

DNTH: Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 125/QĐ-TTg ngày 15/1/2025 sửa đổi khoản 8 Điều 1 Quyết định số 321/QĐ-TTg ngày 08/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoàn...

Sóc Sơn chuyển mình mạnh mẽ, nông thôn khởi sắc

DNTH: Thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, bộ mặt nông thôn huyện Sóc Sơn (thành phố Hà Nội) đã có nhiều khởi sắc, kinh tế ngày càng phát triển, đời sống Nhân dân ngày càng được nâng cao.

XEM THÊM TIN