Nhanh chóng sản xuất vụ Đông, bù đắp thiệt hại vụ Mùa

07:56 | 22/10/2024

DNTH: Thời điểm này đang là cao điểm thu hoạch lúa Mùa của người dân tỉnh Thái Bình, nhưng do ảnh hưởng của bão số 3 và hoàn lưu sau bão gây mưa lớn, lũ lụt vào tháng 9 đã ảnh hưởng lớn đến năng suất lúa vụ này.

Chú thích ảnh
Nông dân huyện Vũ Thư (Thái Bình) khẩn trương thu hoạch lúa mùa để sản xuất vụ Đông. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN

Để đảm bảo giá trị ngành trồng trọt, khôi phục sản xuất của người dân, tỉnh Thái Bình chỉ đạo khẩn trương thu hoạch lúa mùa, tiến hành làm đất, sớm gieo trồng các loại cây vụ Đông, bù đắp thiệt hại vụ Mùa vừa qua.

Vụ Mùa 2024, anh Phan Quốc Cường ở xã Vũ Lễ, huyện Kiến Xương tích tụ hơn 50 mẫu ruộng của người dân địa phương để canh tác lúa. Nếu thuận lợi toàn bộ diện tích lúa Mùa của anh sẽ cho lợi nhuận khoảng trên 350 triệu đồng. Tuy vậy, bão số 3 và hoàn lưu sau bão gây mưa lớn, ngập úng kéo dài vào tháng 9 vừa qua khiến 44 mẫu ruộng của anh bị mất trắng hoàn toàn.

Anh Cường chia sẻ, anh gieo trồng chủ yếu là giống Bắc Hương 9 và TBR 97. Nếu thuận lợi như mọi năm sẽ cho năng suất khoảng 1,8 - 2 tạ/sào. Từ ngày 7 - 11/9, bão số 3 kết hợp mưa lớn, gây ngập lụt diện rộng, nhất là khu ruộng canh tác của anh ở vùng trũng nên tình trạng ngập kéo dài lại đúng giai đoạn lúa đang làm đòng, gây thối đòng. Tính các chi phí sản xuất, anh Cường thiệt hại trên 250 triệu đồng. Hiện anh Cường chỉ còn 8 mẫu ruộng cho thu hoạch, song năng suất cũng giảm so với mọi năm, ước đạt 1,5 tạ/sào. Đây là vụ sản xuất khó khăn nhất với anh trong nhiều năm trở lại đây.

Cũng như anh Cường, sau hơn ba tháng đầu tư chăm sóc, trông chờ thu hoạch, bà Nguyễn Thị Thu ở thôn Lang Trung, xã Trung An, huyện Vũ Thư cũng chỉ thu được phần nhỏ diện tích lúa Mùa. Với 5 sào diện tích, bà Thu ước tính chỉ được 1 tạ/sào, may ra chỉ đủ tiền phân bón, thuốc trừ sâu. Nguyên nhân là do bão số 3 đã khiến diện tích lúa của gia đình bà bị ngập trắng, toàn bộ lá lúa bị đánh nát, đòng bị ngập nên tỷ lệ vào mẩy kém. Cùng với đó là chuột phá hoại và sâu bệnh diện rộng khiến năng suất lúa giảm mạnh.

Vụ Mùa năm nay tỉnh Thái Bình gieo cấy trên 74.300 ha, trong đó diện tích nhóm giống lúa chất lượng cao đạt trên 30.100 ha, nhóm giống lúa thuần năng suất cao gần 44.000 ha, còn lại là diện tích lúa lai. Đến nay nông dân đã thu hoạch trên 51.000 ha (chiếm trên 70% diện tích), dự kiến đến cuối tháng 10 sẽ hoàn thành công tác thu hoạch toàn bộ diện tích.

Theo Cục Thống kê tỉnh Thái Bình, báo cáo ước tính từ các địa phương thời điểm trước khi có bão số 3, dự kiến năng suất lúa vụ Mùa năm 2024 tỉnh đạt 59,75 tạ/ha, giảm 0,05 tạ/ha so với vụ Mùa năm 2023; sản lượng thóc ước đạt trên 440.000 tấn, giảm gần 7.000 tấn so với vụ Mùa năm 2023. Sau khi bão số 3 đổ bộ, lúa Mùa bị ảnh hưởng ngập, do đó dự kiến năng suất tỉnh còn giảm hơn nữa.

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó trưởng phòng Trồng trọt, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thái Bình cho biết, bão số 3 và hoàn lưu sau bão gây mưa lớn, lũ lụt ở nhiều nơi trên địa bàn từ ngày 7/9 đến 11/9 trùng với thời điểm trỗ bông của lúa Mùa gây ảnh hưởng đến năng suất lúa. Ngoài ra, điều kiện thời tiết diễn biến bất thuận cũng là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng sâu bệnh hại trên vụ lúa Mùa năm nay diễn biến phức tạp hơn so với các vụ trước, trong đó sâu đục thân hai chấm có mật độ cao hơn nhiều so với trung bình nhiều năm, phát sinh sớm, gây hại trên diện rộng tạo thành nhiều cao điểm sâu non gây hại.

Kết hợp với thời tiết không thuận lợi ảnh hưởng đến công tác phun thuốc bảo vệ thực vật, làm giảm hiệu quả ở một số lần phun thuốc nên người dân phải phun lại nhiều lần, chi phí thuốc bảo vệ thực vật lớn, hiệu quả sản xuất giảm.

Để khôi phục sản xuất của người dân và bù đắp thiệt hại từ vụ Mùa, tỉnh Thái Bình chỉ đạo nông dân khẩn trương huy động nhân lực, phương tiện thu hoạch nhanh diện tích lúa Mùa với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, đặc biệt ở những vùng có khả năng ngập úng để tránh những thiệt hại do thời tiết gây ra, đồng thời giải phóng đất sớm để trồng cây vụ Đông, đúng khung lịch thời vụ.

Ngành chuyên môn khuyến cáo, nông dân cần tăng cường áp dụng cơ giới hóa khâu làm đất, sử dụng các chế phẩm sinh học, vôi bột để xử lý rơm rạ, hạn chế nguồn sinh vật hại và tăng hiệu quả sử dụng phân bón. Đối với diện tích cây rau màu ngắn ngày trồng trung tuần tháng 9, cần tập trung chăm sóc và tiến hành thu hoạch khi đến kỳ để tăng thu nhập và gia tăng giá trị sản xuất trồng trọt.

Với phương châm có đất đến đâu, gieo trồng vụ Đông tới đó, đến nay nông dân Thái Bình đã gieo trồng khoảng 22.000 ha diện tích, phấn đấu mở rộng diện tích tỉnh đạt 40.000 ha với một số loại cây vụ đông chủ lực như khoai tây, ớt, dưa bí, ngô, đậu đỗ các loại….

Để chia sẻ với khó khăn của nông dân, ngày 20/9 UBND tỉnh Thái Bình đã quyết định hỗ trợ mức 500.000 đồng/ha hỗ trợ kinh phí phát triển sản xuất cây trồng vụ Đông năm 2024 và khắc phục thiêt hai do bão số 3 và mưa, lũ gây ra.

Theo TTXVN

Nguồn: https://baotintuc.vn/kinh-te/nhanh-chong-san-xuat-vu-dong-bu-dap-thiet-hai-vu-mua-20241021171218321.htm


Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Hạn hán khốc liệt ở Tây Nguyên: Nông dân chật vật giữ nước cho mùa màng

DNTH: Dù mới chỉ bắt đầu bước vào mùa khô nhưng hiện nay, nhiều ao, hồ trên địa bàn Tây Nguyên đã cạn trơ đáy, hàng trăm ha cây trồng thiếu nước tưới trầm trọng.

Kon Tum sẽ trồng mới gần 1.600 ha sâm Ngọc Linh

DNTH: UBND tỉnh Kon Tum vừa có báo cáo số 05-BC/ĐU về tình hình triển khai và thực hiện nhiệm vụ phát triển cà phê xứ lạnh và sâm Ngọc Linh; trong đó, xác định mục tiêu trong năm 2025 sẽ trồng mới 1.578 ha, nâng tổng diện tích sâm Ngọc...

Giống lúa lai GS999 sản xuất thử năng suất đạt 9,4 tấn/ha

DNTH: Giống lúa lai GS999 sản xuất thử nghiệm tại Hậu Giang sinh trưởng, chống chịu sâu bệnh tốt, năng suất hơn 9 tấn/ha, lợi nhuận cao hơn khoảng 3,6 triệu đồng/ha so với đại trà.

Phân bón vi sinh Sumitri – Giải pháp hữu hiệu cho nông nghiệp bền vững

Trong bối cảnh nền nông nghiệp đang chuyển dịch theo hướng bền vững, phân bón vi sinh đã trở thành giải pháp tối ưu giúp nông dân cải thiện năng suất cây trồng, bảo vệ môi trường và giảm thiểu chi phí sản xuất.

Người chăn nuôi gặp khó khi tái đàn

DNTH: Từ sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đến nay, giá con giống tăng cao, nguồn cung khan hiếm gây ra nhiều khó khăn cho các hộ chăn nuôi tại tỉnh Nam Định, nhiều hộ mới tái đàn được khoảng 50% chuồng trại, thậm chí có hộ còn chưa dám...

Điều tiết nước linh hoạt để vượt qua mùa hạn mặn

DNTH: An Giang có 126 công trình kênh, cống, trạm bơm bị ảnh hưởng do mực nước xuống thấp. Công tác nạo vét, khơi thông dòng chảy sẽ góp phần đảm bảo nguồn nước tưới tiêu.

XEM THÊM TIN